 |
Vợ chồng ông Long và cháu Đinh Hoàng Phước. |
Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với quân và dân cả nước, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đoàn kết, chăm chỉ xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, đâu đó ở những bản làng vùng sâu, vùng xa, vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm, cuộc sống của bà con địa phương, trong đó có hủ tục “năn tui mí” (tạm đọc-PV) - theo đó, con phải chết theo mẹ, hoặc bị giết chết khi sinh ra vì không có cha và bị dị tật...
Chúng tôi đã đến một số miền quê ở Tây Nguyên để tìm hiểu về hủ tục lạc hậu này. Tại làng Plor, xã A Tức (Đăk Đoa, Gia Lai), già làng Rơ-lan Luynh cho biết: “Xưa đến nay, người Jơ rai có tục “năn tui mí”, mẹ chết sớm, nếu đứa con còn nhỏ, người cha không cho nó ăn được, thì phải chôn theo để mẹ cho bú! Trẻ sinh ra mà không có cha và bị dị tật cũng phải chết… Con heo con muốn lớn phải có mẹ cho bú, chăm sóc; con chim non cũng có tổ ấm, để chim mẹ chăm ẵm khôn lớn; con người mình cũng vậy, sinh ra phải có cha mẹ chăm sóc để mau khôn lớn thành người! Bắt nó đi theo mẹ đã chết, biết là đau thương, buồn khổ, nhưng để ở trên trần gian mà nó đói sữa, không có cái ăn… thì cũng tội cho nó nhiều hơn”. Nét mặt già làng Rơ-lan Luynh buồn buồn: “Nếu mấy nhà báo muốn biết thêm thì hãy về vùng đất A Yun, ở đó có nhiều cháu được cứu sống…”.
Vượt qua dãy núi đá lởm chởm như một vành đai bao bọc lấy cái thung lũng đầy nắng và thảng thốt tiếng ve kêu, chúng tôi về xã A Yun (Chư Sê, Gia Lai). Con đường qua dốc đến làng Tung Ke kinh hoàng ngày nào giờ đã được trải nhựa và điện thắp sắng đã theo đường đến mọi làng. A Yun đã không còn như một “ốc đảo” bị cô lập với thế giới bên ngoài nữa. Thế nhưng...
Người mà tôi tìm gặp ở làng Tung Ke là ông Phạm Hoàng Long, một cựu chiến binh, từng chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt. Rời quân ngũ về với đời thường, "giữa đường đứt gánh" gia đình, nhưng trời đã bù cho ông người vợ sau hiền lành, tháo vát và cả một đàn con tám đứa khỏe mạnh... Ông bà là những người rất tích cực làm việc thiện. Câu chuyện của ông kể về những nạn nhân của hủ tục quái dị "năn tui mí".
... Kpui H'Ban ở làng Tung Ke, bắt chồng rồi, nhưng được mấy tháng vợ chồng cãi nhau hoài. Ở rẫy hễ có vợ, thì không có chồng, về nhà có chồng thì lại không có vợ, đành lòng phải chia tay. Xa chồng rồi mới biết mình đã mang bầu. Đến ngày sinh nở, H'Ban lặng lẽ ra rẫy, cạnh con suối nhỏ để “vượt cạn”. Đứa con mới cất tiếng khóc, H'Ban đã lấy chân dí cho chết rồi đào hố chôn… Đinh Ngưk ở làng Chep, chồng chết, trót tằng tịu có bầu. Cũng như H'Ban, Ngưk đã lặng lẽ ra rừng sinh con. Bé gái vừa cất tiếng chào đời, Ngưk đã đẩy xuống chiếc hố đào sẵn rồi lấy chân giậm… May mà, tình mẫu tử được đánh thức khi đứa bé cong người gào khóc dữ dội, Ngưk đã ẵm con lên mang về nuôi… Kpah Hiêu, cũng ở làng Chep, "bắt" chồng là Rơmah Rưng ở làng T'lâm. Trước khi thành vợ chồng, hai người đã ăn nằm với nhau. Sợ làng, sợ chồng nghi ngờ, Kpah Hiêu đã lạnh lùng bóp chết đứa con ngay sau khi sinh! Rất tiếc là những chuyện đau lòng này xảy ra trước khi vợ chồng ông đến ở đây, hoặc nếu có biết thì đã muộn…
 |
Chị Hiền chăm sóc cháu Y Liu. |
Và có một đêm khó ngủ, ông Long đi tới góc nhà bóc một tờ lịch, sực nhớ lời vợ nói mấy hôm trước: "Con Đinh Sang lần này lại có bầu, có lẽ rồi nó lại bóp chết con nữa thôi. Tôi đã dặn cô Huệ (cán bộ Hội Phụ nữ xã A Yun) khi nào Sang đẻ thì kêu vợ chồng mình. Phải cứu lấy đứa bé không thì có tội với trời đất lắm". Linh tính mách bảo đúng, nhưng ông đã không ngờ tình cảnh ở nhà Đinh Sang lúc ấy khủng khiếp thế nào… Đinh Sang lập gia đình, có được hai đứa con thì chồng bị bệnh chết. Hai mùa rẫy trước, Sang đã sinh một đứa con “không cha”. Sợ làng, sợ họ, Sang đã bỏ đứa con vô tội của mình vào bao tải buộc lại cho chết ngạt. Lần này, cái tin Sang chuyển dạ đã lan truyền rất nhanh. Cả chục người cầm gậy gộc hùng hổ kéo đến chờ đứa trẻ lọt lòng để giết. Tiếng khóc chào đời của đứa trẻ lọt giữa tiếng gậy khua, tiếng la lối hối thúc. Khi mọi người định giết chết đứa nhỏ, thì chị Huệ, cán bộ phụ nữ xã đã có mặt, kịp thời vận động, ngăn cản dân làng không được giết đứa bé. Chị Huệ nài nỉ xin đứa nhỏ để vợ chồng anh Long nuôi. Nhiều người bàn tán, tiếng một người hung hăng:
"Không cho được, phải giết thôi. Lệ là thế mà". Nhưng chị Trần Thị Hường (vợ ông Long) đã xốc vào bế lấy đứa bé và chạy. Như bị ma ám, mấy kẻ còn cầm gậy rượt theo…
Bây giờ thì "con ma" nhà Đinh Sang đã được vợ chồng ông Long cứu sống. Nằm trong cái nôi tre mơ màng ngủ, lâu lâu trên khuôn mặt trắng trẻo, bé lại mỉm cười rất dễ thương. Ông Long đã làm khai sinh và đặt tên cho cháu là Đinh Hoàng Phước. Khi ông kể cho chúng tôi nghe xong câu chuyện, cũng là lúc bé Phước trở mình. Cả hai ông bà xúm vào "cục cưng" nựng ngọt...
Nhâm nhi chén rượu trong ánh chiều chạng vạng, chúng tôi thấy nét mặt ông Long đượm buồn, khóe mắt ông ngấn lệ. "Hủ tục cho rằng những đứa trẻ sinh ra không có bố là những đứa trẻ không bình thường. Và chúng có thể gây nên những tai họa cho làng như ốm đau, dịch bệnh… nên không được quyền sống". Tôi hỏi: “Bao nhiêu chuyện xảy ra đó, công an xã, thôn, chính quyền không có phản ứng gì sao?". Ông Long lắc đầu: "Thực ra thì chính quyền xã cũng có nhắc nhở, răn đe đấy. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì lay chuyển làm sao cái nếp nghĩ u mê đã ăn sâu trong đầu nhiều người... Giá như với những kẻ gây ác mà công an, chính quyền xử phạt thật thích đáng thì có lẽ cái hủ tục này đã được xóa bỏ lâu rồi...".
 |
Cháu Đinh Hoàng Phước. |
Cũng như vợ chồng ông Long, ở làng Ve, xã Ia Co (Chư Sê, Gia Lai) vợ chồng người thương binh A Yun Hới cũng đã cứu sống và nuôi cháu Đinh Siêng, khi mà bố cháu khăng khăng đòi chôn theo người mẹ xấu số. Cháu Y Liu, dân tộc Sê Đăng ở thôn 5, xã Ngọc Wang (Đắc Hà – Kon Tum) bị bệnh bại não, là con gái đầu lòng của vợ chồng A Duối. Cháu bị khuyết tật, sợ bị Yàng phạt, làng bắt cháu phải đi làm con “ma lẻ” ngoài rừng vắng. Biết tin, chị Hiền và chị Lan ở thành phố Plei-cu đã kịp thời đến xin về làm con nuôi. Và gần đây nhất, là trường hợp cháu Pi Yo Rong ở Kon Thụp (Gia Lai), khi cháu được 4 tháng tuổi thì không may người mẹ bị bệnh chết. Mọi người định chôn đứa bé thì được một người dân địa phương xin nuôi và trao lại bé cho xơ Y Blưih ở Kon Tum nuôi hộ. Cùng trường hợp như cháu Rong còn có cháu Y Loan, người dân tộc Xê Đăng ở Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Cháu cũng được các cô ở Cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi Vinh Sơn 1 cứu sống trong hoàn cảnh tương tự như Rong mấy năm về trước... Hiện Y Loan đang học lớp 6 trường THCS Trần Hưng Đạo, thị xã Kon Tum.
Trong chuyến công tác tại Chư Sê (Gia Lai), phóng viên báo Quân đội nhân dân đã tìm gặp lãnh đạo, chính quyền huyện, phản ánh những điều "mắt thấy tai nghe" về sự “dã man” của hủ tục “năn tui mí”. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: “Ở một số địa bàn thuộc huyện Chư Sê, hủ tục “năn tui mí” còn tồn tại khá phổ biến. Không riêng gì ở xã A Yun, mà tại một số xã khác như H Bông, Ia Phan, Bờ Ngoong... vẫn rải rác xảy ra các vụ “giết con” khi sinh ra không có cha và sinh ra mà người mẹ qua đời...". Theo lời ông Nguyễn Văn Dũng, đã có trường hợp chính quyền biết sự việc, sau khi vận động không được, chính quyền đã phải dùng "biện pháp mạnh” để ngăn chặn và giải cứu cháu bé khỏi chết theo người mẹ xấu số.
Thời gian vừa qua, UBND huyện Chư Sê đã tổ chức phát động toàn dân thực hiện có hiệu quả các nội dung của hương ước, quy ước thôn, làng; đồng thời triển khai cho Ngành Y tế, Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban Dân số-Kế hoạch hóa gia đình bám nắm cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động bà con địa phương thấy được “cái sai” để người dân và chính quyền cùng ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ hủ lục lạc hậu này.
Để kết thúc bài viết này, tôi muốn dẫn ra câu nói của ông Long ở làng Tung Ke-một trong số những người đang gắng sức giành giật những đứa trẻ bất hạnh khỏi "bàn tay ác độc" của hủ tục: “... Phải có một tòa án lưu động, xét xử các bị cáo đã giết chết những đứa trẻ vô tội, để vừa giáo dục, vừa răn đe những kẻ nhẫn tâm. Còn nếu chưa làm tốt những vấn đề đó, thì hằng ngày, rải rác đâu đó vẫn còn những đứa trẻ phải theo mẹ xuống mồ…”.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI