QĐND Online - Sông Tô Lịch đã được xếp vào danh mục các sông, hồ của Hà Nội đang cần được giải cứu khẩn cấp. Vấn đề này đã được đưa ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các nỗ lực, công nghệ xử lý vẫn đang “bất lực” do mức độ ô nhiễm quá cao.
Cần các nỗ lực làm sạch
Vốn là dòng sông cổ của Thăng Long, nơi diễn ra các hoạt động buôn bán tấp nập của người Tràng An xưa, thế nhưng, tự khi nào, sông Tô Lịch chỉ còn là một kênh thoát nước thải của Hà Nội và ngày càng bị ô nhiễm nặng nề.
Bên phía bờ phải của đoạn sông Tô Lịch từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), cỏ dại mọc um tùm, bẩn thỉu và nhếch nhác. Người dân dùng bao tải cát xếp thành kè để làm bãi trông giữ xe hay rửa xe máy, ô tô… khiến nhiều đoạn đường luôn lầy lội. Quanh khu vực này, người dân cứ “vô tư” xả đầy rác thải ra bên đường. Từng đống rác cứ chất đầy, tích lại gây ô nhiễm môi trường. Nước sông Tô Lịch luôn trong trạng thái đen ngòm, lềnh phềnh đủ thứ rác rưởi.
Là dòng sông huyết mạch của Thủ đô Hà Nội, tuyến sông Tô Lịch dài hơn 10 km, chảy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, bờ phải sông Tô Lịch trên địa bàn các quận vẫn diễn ra tình trạng: tập kết vật liệu xây dựng, đất phế thải, lều lán, ki ốt kinh doanh, bãi trông giữ xe…
 |
Nước sông Tô Lịch đen ngòm, lềnh phềnh đủ thứ rác rưởi. |
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị, muốn giải cứu, làm đẹp cảnh quan sông Tô Lịch, trước hết, cần phải thu dọn đất, rác thải ở phía bờ phải sông. Theo ước tính của Công ty, khối lượng rác thải từ ngõ 1 Hoàng Quốc Việt đến cầu Dậu (quận Hoàng Mai) là 28,6 nghìn m3, tương đương với mức chi phí là 3,3 tỷ đồng. Việc xả rác bừa bãi, đổ trộm phế thải xây dựng ra sông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo các sở, ban ngành của thành phố thực hiện việc tổng vệ sinh, thu dọn sạch đất, rác thải, phế thải xây dựng trên toàn tuyến sông. “Thành phố sẽ làm việc trên quan điểm quyết liệt, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, ngăn chặn tình trạng đổ rác thải bừa bãi, không đúng quy định; xử lý việc quảng cáo, sử dụng mặt bằng không theo quy hoạch để trả lại cảnh quan đô thị xưa”, ông Khanh khẳng định.
Được biết, sau khi hoàn thành công tác vệ sinh, thu dọn rác thải, phế thải trên toàn tuyến sông Tô Lịch, trong tháng 8, thành phố sẽ tiếp tục thi công gói thầu số 5.2 tại sông Tô Lịch, nhằm cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch, đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển, hạ ngầm các công trình điện nước, thông tin thuộc dự án thoát nước để cải thiện môi trường.
Các công nghệ giải cứu vẫn bế tắc
Cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét tạo nên hệ thống tiêu thoát chính của thành phố. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, Tô Lịch đã được coi là dòng sông “chết”, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do phải gánh lượng nước thải chưa qua xử lý quá lớn. Vì vậy, việc giữ gìn cảnh quan hai bên bờ sông, làm sạch nước sông Tô Lịch là một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên toàn tuyến sông Tô Lịch có hơn 10 cửa xả lớn thu gom nước thải, khoảng 200 cống tròn đường kính 300-1.800mm và hàng nghìn cống nhỏ dân sinh đổ ra sông. Trung bình một ngày đêm, sông Tô Lịch tiếp nhận trên 100.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Trong đó, có đến khoảng 1/3 là nước thải công nghiệp chưa qua xử lý.
Ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, hiện đã có nhiều phương án đưa ra nghiên cứu xử lý nước sông Tô Lịch nhưng vẫn chưa được Hội đồng thẩm định chấp thuận. Trong đó, điển hình là phương án của Đức: dùng ống chế đặc biệt, đưa oxi vào trong nước, bởi oxi kích thích sự phát triển của vi khuẩn có ích. Còn phương án của Bỉ là đưa viên vi sinh vật chứa vi sinh vật có ích, thả xuống nước để làm sạch. Ngoài ra, phương án dùng PH làm cho nước trong hơn và giảm mùi hôi thối cũng đã được các chuyên gia Việt Nam đưa ra. Tuy nhiên, phương án này được đánh giá là không khả thi vì khó thực hiện.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất phương án làm sống lại sông Tô Lịch theo phương châm “không cống hóa mà để dòng chảy tự nhiên”. Sau đó, xây dựng hệ thống cống bao dọc sông để thu gom nước thải về trạm xử lý tập trung ở cuối nguồn. Trên từng đoạn sông, sẽ có các trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ, tập trung vào hơn 10 cửa xả lớn. Các trạm nhỏ này sẽ được đặt ngầm dưới lòng sông. Quy mô các trạm tùy thuộc vào lưu lượng nước cần xử lý. Bên cạnh đó, Sở đề nghị lấy nước từ hồ Tây, sông Hồng, sông Nhuệ. Trong đó, có thể lấy nước sông Hồng vào dòng chảy sông Tô Lịch theo hướng khai thông dòng chảy cũ hoặc đấu nối thông qua sông Nhuệ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để tạm thời xử lý, làm sạch nước sông trong thời gian ngắn và phạm vi nhỏ.
Hiện, Hà Nội đang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ giúp các công nghệ mới để xử lý nước sông Tô Lịch. Bộ Khoa học và Công nghệ đang có kế hoạch xử lý thí điểm 2km sông từ Hoàng Quốc Việt tới Cầu Giấy bằng phương pháp thủy từ, với chi phí từ 30 - 40 tỷ đồng. Phương pháp này sẽ giúp sông Tô Lịch giảm bớt mức độ ô nhiễm, khử mùi hôi thối, tạo điều kiện cho vi thủy sinh sống sót.
Tuy nhiên, ông Lưỡng lại khẳng định: “Do đặc điểm của sông Tô Lịch là nước chảy liên tục không ngừng. Vì vậy, khi chúng ta chưa kịp tác động vào nước thì nước đã chảy đi rồi. Do đó, các phương án đưa ra chưa thực sự hiệu quả. Việc làm sạch sông Tô Lịch vẫn là bài toán nan giải, cần phải tiếp tục nghiên cứu và chờ đợi các công nghệ mới khả thi hơn”.
Bài, ảnh: Nguyễn Oanh