Vị trí (vòng tròn) nơi quả bom của Nguyễn Thành Trung rơi xuống nóc dinh Độc Lập.

Cách đây vừa tròn 33 năm, ngày 8-4-1975, phi công Nguyễn Thành Trung đã thực hiện thành công cuộc ném bom dinh Độc Lập, trung tâm đầu não của chính quyền miền Nam Việt Nam, góp phần vào chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975...

Mới đây, tôi có dịp đi cùng ông trong một chuyến công tác ngắn ngày. Trong những ngày ngắn ngủi ấy, ông đã kể cho tôi nghe lại câu chuyện mà chắc rằng ông đã có nhiều dịp kể lại. Vậy nhưng nó vẫn có những tình tiết mới khiến tôi xúc động...

Nỗi hiểm nguy trên mặt đất

Trước khi có được cái giây phút lóe sáng đó, Nguyễn Thành Trung đã phải cận kề với hiểm nguy khôn lường chỉ trong gang tấc. Ông đã kể cho tôi nghe một chút về mối hiểm nguy cách nay đã hơn ba mươi năm.

Để giữ liên lạc giữa Nguyễn Thành Trung với tổ chức, có hẳn một tổ ba người đảm nhiệm việc truyền tin cũng như thực hiện các hoạt động hỗ trợ khi cần thiết. Khoảng cuối năm 1974, đồng chí tổ trưởng tổ ba người này hẹn gặp Nguyễn Thành Trung tại một địa điểm bí mật rồi thông báo một tin động trời: Nguyễn Thành Trung có nguy cơ bị lộ. Một cán bộ của ta phụ trách lưới hoạt động bí mật trong lực lượng pháo binh của quân đội Việt Nam cộng hòa, bị địch bắt không chịu nổi tra tấn đã cung khai. Chỉ trong một thời gian ngắn, hầu như toàn bộ lưới nội gián của ta trong lực lượng pháo binh đã bị địch bóc gỡ hết. Nguyễn Thành Trung là phi công, thuộc về bên không quân nên người cán bộ này không biết, thế nhưng anh ta đã cung cấp cho địch một đầu mối vô cùng quan trọng: anh ta nghe phong thanh có một điệp viên cộng sản nằm trong lực lượng không quân; anh ta không biết cụ thể thông tin nào về người này, chỉ biết đó là một người quê ở Bến Tre!

Nguyễn Thành Trung nghe mà thấy ong ong trong đầu. Mặc dù Nguyễn Thành Trung đã đổi tên họ nhưng chắc chắn bọn địch biết Nguyễn Thành Trung quê ở Bến Tre. Anh nhẩm tính: trong cả lực lượng không quân Sài Gòn có khoảng vài nghìn người, trong số đó ước chừng có độ hai chục người quê Bến Tre. Với việc loại trừ dần dần, chẳng mấy chốc bọn địch sẽ lần ra Nguyễn Thành Trung.

Những biểu hiện nguy hiểm đến ngay lập tức. Trong phi đội của Nguyễn Thành Trung có một người nữa cũng quê ở Bến Tre. Người này quê cùng xã, học cùng trường tiểu học và rất thân với Nguyễn Thành Trung. Vài ngày sau, anh ta bị đình chỉ bay và liên tục phải lên gặp an ninh quân đội ngụy để giải trình. Có lần Nguyễn Thành Trung giả vờ hỏi: “Có chuyện gì mà mày không được bay rồi sáng nào cũng đi đâu thế?”. Người này trả lời: “Bên an ninh họ nghi tao là Việt Cộng vì tao có bà chị gái, ngày trước đi biểu tình chống chính quyền”. Rồi anh ta nói thêm: “Riêng về mày, họ hỏi tao, tao đều ba không: không nói, không nghe, không biết!”.

Chỉ một câu nói đó thôi, Nguyễn Thành Trung biết rằng anh ta đã phần nào đoán ra con người thật của mình. Đó là một món nợ khó trả trong đời với người bạn cùng phi đội của Nguyễn Thành Trung (người này sau giải phóng đã đi định cư ở Mỹ và không có tin tức gì).

Tình hình cực kỳ nguy hiểm đó buộc Nguyễn Thành Trung phải xin ý kiến cấp trên, hành động nhanh. Cấp trên đồng ý với ý định sẽ cướp một chiếc máy bay, ném bom dinh Độc Lập và sứ quán Mỹ, sau đó bay ra vùng giải phóng. Nhưng có một vấn đề: loại máy bay F5E mà Nguyễn Thành Trung đang lái và có ý định sử dụng để ném bom chỉ có thể đáp xuống đường băng dài ít nhất 3.000 mét. Trong hoàn cảnh khi ấy, không có bất cứ một sân bay nào trong vùng ta kiểm soát có được độ dài như vậy. Sau này, Nguyễn Thành Trung được biết rằng chính đồng chí Phạm Hùng, người cán bộ cấp cao phụ trách Nguyễn Thành Trung đã cho ý kiến chỉ đạo rằng sau khi ném bom, Nguyễn Thành Trung sẽ bay về Tây Ninh, thủ phủ của chính quyền cách mạng rồi nhảy dù, bỏ máy bay.

Rất may là quãng đầu tháng 1-1975, ta đã đánh chiếm và làm chủ thị xã Phước Long. Tại đây có một sân bay nhỏ. Bộ đội ta đã đêm ngày cải tạo, mở rộng và kéo dài đường băng, nhưng đến tháng 4-1975, đường băng này cũng mới chỉ dài được khoảng 1000 mét. Nguyễn Thành Trung được chỉ thị là sau khi đánh xong sẽ bay về hạ cánh ở đó.

Ngay cả đến thời điểm Nguyễn Thành Trung nhận lệnh đánh dinh Độc Lập, các cán bộ chỉ huy vẫn tính đường dài cho hoạt động của Nguyễn Thành Trung sau này. Đồng chí chỉ huy nói với Nguyễn Thành Trung: cậu đánh xong, bọn tớ cũng vẫn sẽ thông tin trên báo chí cậu là phi công của chính quyền Sài Gòn phản chiến! Rất có thể sau này cậu sẽ còn tiếp tục hoạt động trong lực lượng thứ ba!

Trung trả lời: “Còn sống để trở về là may lắm rồi, thân phận như thế nào đâu có quan trọng gì!”

Nhưng cuối cùng phương án “lực lượng thứ ba” đã không phải dùng đến bởi chính quyền Sài Gòn sụp đổ quá nhanh!

Kẽ hở trong hệ thống của địch

Sáng ngày 8-4-1975, Trung úy Nguyễn Thành Trung, khi ấy là phi công không đoàn 540 Thần Hổ thuộc sư đoàn 3 không quân quân lực Việt Nam cộng hòa được lệnh xuất kích từ sân bay Biên Hòa đi ném bom hỗ trợ cho quân ngụy đang cố cản bước quân giải phóng ở mặt trận Phan Rang. Trên chiếc F5E của Nguyễn Thành Trung có lắp 4 trái bom loại MK-81. Được lệnh bay đi ném bóm là một cơ hội bằng vàng để thực hiện kế hoạch ném bom vào các cơ sở đầu não của ngụy, khiến cho chúng càng thêm hoảng hốt trước sức tiến công như bão táp của các binh đoàn chủ lực quân giải phóng. Thế nhưng có tận dụng được cơ hội đó hay không lại là chuyện khác!

Trong suốt 5 năm trời, tôi chỉ tập trung nghĩ có mỗi một việc, đó là làm thế nào để đánh cắp được một chiếc máy bay!”-Nguyễn Thành Trung nói với tôi như thế khi tôi hỏi ông về chiến công năm xưa.

Bởi vì đó là một việc hầu như không thể!

Không chỉ trong không quân ngụy mà tại bất cứ một sân bay nào, đặc biệt là ở những đơn vị chiến đấu, các quy định bảo đảm an ninh là hết sức ngặt nghèo. Không giống như trong phim hành động, nhân vật người hùng chỉ việc lẻn vào bên trong buồng lái của chiếc máy bay rồi nổ máy bay đi, việc đánh cắp một chiếc máy bay chiến đấu không hề dễ dàng như thế. “Trước khi máy bay cất cánh, phải có bộ phận phục vụ tiếp nhiên liệu đầy cho máy bay-Nguyễn Thành Trung kể-Chỉ khi họ đã rút bơm ra khỏi thân máy bay thì khi ấy mới bay được. Các loại vũ khí như bom, tên lửa đều có niêm, chỉ khi máy bay sắp rời phi đạo thì người ta mới tháo niêm cho vũ khí và khi ấy mới sử dụng được”.

Nếu đã bay trên không thì việc tách tốp cũng hoàn toàn không dễ dàng như người ta tưởng-vẫn Nguyễn Thành Trung giải thích cho tôi hiểu. “Nếu thông báo là máy bay bị trục trặc muốn quay về, lập tức phi đội trưởng sẽ ra lệnh cho một hoặc hai máy bay trong phi đội bay kèm về đến tận sân bay. Đó là vừa để bảo đảm an toàn cho người trong phi đội, nhưng cũng đồng thời để theo dõi, tránh những bất trắc có thể xảy ra”.

Vậy nhưng bằng óc quan sát tinh tế và sự mưu trí tuyệt vời, Nguyễn Thành Trung đã tìm thấy một kẽ hở li ti trong cái hệ thống bảo vệ tưởng chừng như kiên cố ấy.

Vào buổi sáng 8-4-1975 ấy, Nguyễn Thành Trung đã chấp nhận một phương án năm ăn năm thua, như ông nói với tôi. Khi cùng với hai máy bay khác trong biên đội lăn ra phi đạo sân bay Biên Hòa để chuẩn bị cất cánh đi đánh Phan Rang, Nguyễn Thành Trung đã sử dụng tín hiệu bằng tay, một cách mà các phi công trong phi đội vẫn thường sử dụng, để thông báo cho tên chỉ huy biên đội khi ấy cũng đang lăn máy bay ra, là máy bay của Nguyễn Thành Trung có chút trục trặc, sẽ cất cánh chậm khoảng mươi giây. Tên chỉ huy đồng ý rồi cùng với chiếc máy bay kia cất cánh bay về hướng Phan Rang. Do Nguyễn Thành Trung ra tín hiệu bằng tay mà không dùng vô tuyến điện nên đài chỉ huy không lưu của địch cũng không biết “lý do” máy bay của Nguyễn Thành Trung cất cánh chậm khoảng mươi giây. Bởi vậy nên khi máy bay của Nguyễn Thành Trung cất cánh, chúng vẫn yên tâm là Nguyễn Thành Trung sẽ đuổi theo hai chiếc kia, trong khi tên chỉ huy phi đội thì vẫn yên trí là máy bay của Nguyễn Thành Trung bị “trục trặc” nên không thể cất cánh được.

Trở về với đồng đội

Chỉ ít phút sau khi đổi hướng bay, chiếc F5E của Nguyễn Thành Trung đã lượn vòng trên bầu trời dinh Độc Lập. Nhìn xuống, Nguyễn Thành Trung nhận thấy đó là một mục tiêu quá lớn và vì thế, quá dễ, cho một cuộc không kích. Nguyễn Thành Trung bấm nút cho 2 quả bom MK-81 lao xuống đúng vị trí mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thường hay ngồi làm việc. Trượt! Hai quả bom nổ tung ở ngoài sân, ngay bên cạnh dinh. Nguyễn Thành Trung vô cùng ngạc nhiên. Với trình độ của anh, với một mục tiêu lớn như thế, chuyện đó khó có thể xảy ra, vậy mà nó đã xảy ra! Hóa ra là Nguyễn Thành Trung đã quên không chỉnh thước ngắm. Đó là sơ suất mà trong suốt cuộc đời phi công trước đó, Nguyễn Thành Trung chưa bao giờ phạm phải.

Vậy là Nguyễn Thành Trung bỏ ý định dùng hai trái bom còn lại cho sứ quán Mỹ mà điều khiển máy bay vòng trở lại dinh Độc Lập, lần này chỉnh thước ngắm cẩn thận rồi bấm nút. Cả hai quả bom MK-81 lần này lao trúng mục tiêu là cánh phải dinh Độc Lập. Nhưng lần này chỉ có một quả nổ! Một cột khói đen cuồn cuộn bốc lên từ nơi quả bom phát nổ. Những tiếng súng cao xạ bảo vệ dinh Độc Lập lúc này mới rộ lên nhưng đã quá muộn.

Sau này, Nguyễn Thành Trung được nghe kể lại rằng khi quả bom phát nổ trong dinh Độc Lập, Nguyễn Văn Thiệu đã sợ hãi đến mức y không thể tự mình đi được! Phải có mật vụ dìu hai bên, Thiệu mới có thể xuống được hầm trú ẩn. Y nói với viên tướng ngụy vội vã tới thăm, giọng như mếu: “Tôi đối xử với các ông đâu đến nỗi nào mà các ông lại cạn tàu ráo máng với tôi thế?” (lúc ấy, Nguyễn Văn Thiệu vẫn nghĩ rằng vụ ném bom là một hành động nằm trong âm mưu đảo chính của một số tướng ngụy Sài Gòn)

Trước đấy, khi quyết định Nguyễn Thành Trung sẽ thực hiện nhiệm vụ ném bom dinh Độc Lập, tổ chức đã tính đến phương án đưa vợ và hai con còn nhỏ của Nguyễn Thành Trung ra chiến khu trước để bảo đảm an toàn. Nhưng Nguyễn Thành Trung không đồng ý. Đang bị địch đặt trong vòng kiểm soát gắt gao, một hành động như thế chẳng khác nào “lạy ông con ở bụi này”. Thế là đành quyết định rằng ngay khi Nguyễn Thành Trung ném bom thì người của tổ chức sẽ tới lập tức để đưa vợ và hai con Nguyễn Thành Trung. Quả thật là chỉ khoảng 15 phút sau khi bom nổ ở dinh Độc Lập, hai cán bộ của ta đã vội vã tới nhà Nguyễn Thành Trung. Thế nhưng lúc đó an ninh quân đội ngụy đã vây kín nhà. Bọn chúng đã ra tay rất nhanh. Cả ba mẹ con đã bị bọn chúng giam giữ đến gần sát ngày chiến thắng mới thoát ra được.

Bay về đến sân bay Phước Long, Nguyễn Thành Trung đã khéo léo hạ được máy bay xuống đường băng 1000 mét, trở về với đồng đội thân yêu.

Sau đấy 2 tuần lễ là cuộc không kích của phi đội Quyết Thắng bằng máy bay A37 do Nguyễn Thành Trung làm phi đội trưởng nhằm vào sân bay Tân Sơn Nhất, thúc đẩy nhanh hơn quá trình di tản của cả Mỹ lẫn ngụy...

Bài và ảnh: YÊN BA