QĐND Online - Thành phố Điện Biên Phủ những ngày cuối năm 2013, đất trời rạo rực chuẩn bị vào xuân, nắng vàng rót mật lên những nụ đào e ấp. Dù còn 5 tháng nữa mới tới chính ngày kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu (7-5-1954/7-5-2014), nhưng không khí náo nức, rộn ràng đã ở khắp mọi nơi chờ đón ngày đại lễ. Xứ “Mường Trời” đang hoàn tất những chuẩn bị cuối cùng cho ngày khai hội.

Hẹn gặp nhau bên dòng Nậm Rốm
 
“Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi/Mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi/ Qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm suối/ Mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay…

Bản Tả Xi Láng, Tùa Chùa, Điện Biên khuất trong rừng ban trắng. Ảnh: Văn Thành Chương

Câu thơ trữ tình đầy hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý như vẽ lên một Điện Biên hôm nay vừa gợi dáng hình lịch sử hào hùng năm xưa vừa mang hơi thở núi rừng miền Tây Bắc hùng vĩ lại thêm sức sống vươn lên của một đô thị vùng cao năng động. Đến Điện Biên ta không chỉ để tham quan di tích lịch sử, tri ân anh hùng liệt sĩ mà còn được tận hưởng, lĩnh hội cả một không gian đầy bản sắc văn hóa lâu đời của 21 dân tộc anh em.  Miền đất này có một bề dày truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được thể hiện qua kho tàng văn học của các dân tộc với nhiều thể loại, đề tài phản ánh thiên nhiên, đất nước, con người Điện Biên Phủ. Những tác phẩm: Chuyện kể bản Mường, Lạng Chượng, Sống trụ xôn xao, Tản chụ xiết xương ... từ lâu được nhiều người biết đến, yêu mến và góp phần xứng đáng làm giàu có, phong phú kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trước khi chia tách thành các tỉnh riêng lẻ, Tây Bắc đã từng là Khu tự trị Thái Mèo với đầy đủ bản sắc các dân tộc miền núi phía Bắc. Trong đó, xứ Mường Thanh (Điện Biên Phủ) được mệnh danh là vựa lúa trù phú nhất qua câu ca Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc. Đây là vùng đất cư trú lâu đời của đồng bào Thái với những đặc sản văn hóa nhà sàn, múa xòe, ném còn, cơm lam, cá suối, rêu đá, măng đắng, sâu chít… Ai đến Mường Thanh để ngất ngây men rượu, chuếnh choáng vòng xòe, say mê điệu sạp… cùng những cô gái Thái ở Phiêng Lơi, Che Căn, Phiềng Quái… Rồi lại không thể bỏ lỡ đêm ngủ nhà sàn, ngày tắm suối khoáng nóng ở bản U Va, Thanh Luông, Hua Pe… Tháng 3 mùa hoa Ban nở, chúng ta lại ngược núi, ngược đèo đến Tủa Chùa ngắm rừng hoa ban bung trắng ở Tả Xi Láng để hiểu thêm về truyền thuyết “Hoa ban nở thành người con gái Thái”…

Đến Điện Biên ta lại qua Điện Biên Đông thăm thượng nguồn dòng sông Mã, qua Mường Lay ghé Khu phế tích dinh thự Vua Thái Đèo Văn Long, dừng chân ở Tuần Giáo dự lễ hội Lồng Tồng của người Mông để đánh cù, bắn nỏ, đẩy gậy…Phong cảnh Điện Biên bốn mùa đều đẹp. Nhưng ai cũng muốn đến Điện Biên vào mùa xuân, mùa hoa Ban, mùa lễ hội để được chiêm ngưỡng những cánh rừng bừng sáng bởi hoa Ban khoe sắc, những nẻo đường rực rỡ sắc màu trang phục thiếu nữ các dân tộc trẩy hội; được chạm tay vào cột mốc số 0 ở ngã ba biên giới A Pa Chải (Mường Nhé), nơi một tiếng gà gáy ba nước nghe thấy (Việt-Lào-Trung), nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam (cực Tây Tổ quốc), nơi đặt nét bút vẽ bản đồ nước Việt… Rồi ai đến A Pa Chải cũng muốn được ăn tết Hồ Sự Trà và nghe câu chuyện của cộng đồng người Hà Nhì hàng trăm năm kiên cường bảo vệ biên cương Đất nước…

Ta nắm tay mình trong hội hoa Ban

Với miền đất Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng, hoa Ban thực sự gần gũi và gắn bó máu thịt với con người cả trong cuộc sống thường nhật lẫn đời sống tinh thần.

Truyền thuyết của người Thái kể rằng, ngày xưa vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai bản ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường - vừa gù vừa lười. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Đến khi kiệt sức, nàng gục xuống núi, nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân mường gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết… Với đồng bào nơi đây, hoa Ban, tượng trưng cho tình yêu thủy chung, sức sống trường tồn. Chỉ có cây Ban sống được nơi đất cằn, Ban cắm sâu trên đất Mẹ từ ngàn xưa đến nay, âm thầm giữ cho mùn từ trên cao tràn xuống, vừa làm cho đất cằn cũng trở nên phì nhiêu mà bùn rác không lấp ruộng, tắc nghẽn nguồn nước, góp phần ngăn chặn những cơn lũ ống nảy sinh... Chính vì thế mà quà tặng mà loài cây này mang đến cho đời là những bông hoa thanh khiết đã lặng lẽ mà tự nhiên trở thành biểu tượng văn hóa của quê hương Điện Biên.

Mùa xuân 2014, tỉnh Điện Biên sẽ khởi động các hoạt động tổ chức kỷ niệm cấp quốc gia 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.  Trong đó lần đầu tiên ở Mường Thanh, Lễ hội “hoa Ban khoe sắc” sẽ khai mạc đêm 13-3-2014 (kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ). Theo bà Phùng Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Công ty CP Quảng cáo, thương mại và Xây dựng Anh Sơn, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội cho biết: “Lễ hội Hoa ban khoe sắc giới thiệu, tôn vinh những nét tinh hoa văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc nhất của văn hóa quê hương Điện Biên nói riêng, vùng đất Tây Bắc nói chung. Đồng thời khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu nước, động viên, khuyến khích các thế hệ người Điện Biên và Tây Bắc hôm nay phấn đấu góp phần xây dựng quê hương đẹp giàu hơn. Và cũng để từ đây hoa ban chính thức trở thành thương hiệu riêng của d lịch Điện Biên”.

Liên tục trong các ngày 14, 15-3 sẽ là các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch Điện Biên 2014. Lễ bế mạc gắn liền với lễ hội diễu hành văn hóa đường phố đặc sắc, tràn ngập các sắc màu văn hóa, lễ hội của các dân tộc anh em đang sinh sống tại Điện Biên, nhằm giới thiệu văn hóa, tiềm năng du lịch của Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc mở rộng. Ngoài đoàn chính của tỉnh Điện Biên sẽ có khối diễu hành bằng xe hoa của các tỉnh Tây Bắc với chủ đề: Tiếng cồng gọi bạn Hòa  Bình; Viên ngọc nguyên sơ, miền du lịch sinh thái Sơn la; Phú Thọ - miền quê hương cổ tích; Yên Bái – miền quê yêu dấu của tôi;  Lào Cai – tình ca trên cao nguyên trắng Bắc Hà; Lai Châu – nơi địa đầu Tổ quốc…

Ai đến Điện Biên dự lễ hội hoa ban rồi, khi về lòng hẳn lại bồi hồi, thương nhớ như câu thơ của Trần Mạnh Hảo năm xưa: “Em đứng đó mỉm cười khi anh hỏi/Như hoa Ban chỉ nở lúc sang mùa…”.

TRƯỜNG GIANG