Do xảy ra quá nhiều vụ tai nạn, quốc lộ 5 đã được nhiều người dân đặt cho cái tên con

Người dân trèo qua dải phân cách

đường “tử thần”. Sau khi được lắp đặt các hệ thống biển, bảng, dải phân cách, cầu vượt cùng với sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của lực lượng chức năng, tình hình tai nạn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây hiện tượng vi phạm luật giao thông của người đi bộ đang trở thành mối nguy hiểm thường trực với các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Dải phân cách… cứ lách qua

Quốc lộ 5 có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Nhu cầu đi lại trên tuyến đường này rất cao. Lượng phương tiện tham gia giao thông đông cả ngày lẫn đêm. Do vậy, quốc lộ 5 cũng được chú trọng đầu tư, tu sửa. Hệ thống đèn chiếu sáng, biển báo, dải phân cách đầy đủ đã khiến việc tham gia giao thông trên tuyến đường này trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Nhất là việc trồng cây, lắp đặt dải phân cách bằng sắt cố định cao hơn 1m có tác dụng rất tốt trong chống chói cho giao thông ban đêm và việc sang đường tuỳ tiện. Những việc làm này đã góp phần tích cực vào giảm tai nạn giao thông. Các lái xe đã có cảm giá an tâm hơn khi đi trên tuyến đường này. Tuy nhiên, do việc thiếu ý thức trong tham gia giao thông của một số người khiến cho tình trạng mất an toàn giao thông trên quốc lộ 5 vẫn còn cao. Đặc biệt trong thời gian gần đây nguy cơ gây tai nạn giao thông bắt nguồn từ người đi bộ ngày một lớn. Đó là việc người đi bộ tự tiện vượt qua cả dải phân cách để sang đường. Bất kể ai chỉ cần một lần đi trên tuyến đường này cũng đều có những lúc thót tim khi thấy vài ba người leo qua dải phân cách nhảy xuống. Nhất là những đoạn có khu công nghiệp 2 bên đường, vào giờ đi làm và tan tầm nhiều công nhân trèo qua dải phân cách để đi làm cho gần, có lúc cả chục người cùng leo qua dải phân cách. Nhiều đoạn gần khu dân cư, người dân đã tự ý bẻ rào sắt, làm đường chui qua. Có đoạn đường chỉ dài khoảng 100 mét đã có tới vài ba điểm bị người dân phá làm đường qua.

Bà Nguyễn Thị Hoa, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên cho biết: “Việc trèo qua dải phân cách để sang đường là chuyện thường ngày. Nhìn quen rồi, không có gì lạ, nhưng nhiều lúc vẫn thấy ghê. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp khi leo qua dải phân cách do mất thăng bằng đã ngã lăn ra đường may mà không có ô tô, xe máy đi qua, chứ nếu có thì hậu quả chẳng biết như thế nào. Leo người không đã nguy hiểm rồi, có người còn vác cả xe đạp qua”.

Sớm có biện pháp ngăn chặn

Thực tế trên là nguyên nhân của không ít vụ tai nạn. Anh Thế Ngân, một lái xe thường đi trên quốc lộ 5 bức xúc: “Ngày càng xuất hiện nhiều người đi bộ leo qua rào sắt, gây nguy hiểm cho việc tham gia giao thông. Nhất là với ô tô, vì với tốc độ nhanh, cùng với việc khuất tầm mắt do dải phân cách sẽ rất khó khăn cho việc xử lý của lái xe. Đặc biệt nguy hiểm là việc người dân phá đường, chui qua dải phân cách. Với trường hợp leo qua dải phân cách thì người lái xe còn cảm giác, phát hiện được, chứ với trường hợp đột nhiên có người chui ra từ dải phân cách thì đúng là chịu.”

Nhiều lái xe cũng cùng với ý kiến này và cho biết tâm lý người lái xe khi đi trên đường có dải phân cách cứng thường chú ý đến những chuyển động phía trước chứ ít chú ý đến chuyển động 2 bên, nhất là bên dải phân cách có rào sắt. Do vậy, khi có người từ dải phân cách chui ra sẽ không phản ứng kịp. Nhiều khi chỉ việc bất ngờ có người chui ra từ dải phân cách cũng có thể khiến người lái xe giật mình, mất lái, gây tai nạn.

Sự nguy hiểm của việc vượt qua dải phân cách của người đi bộ trên quốc lộ 5 đòi hỏi phải sớm có biện pháp ngăn chặn. Trong Luật đã quy định rõ, người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Thực tế đã có vụ tai nạn giao thông do người đi bộ gây ra bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là trường hợp chị Ngô Thị Mỹ Yên trong lúc băng qua đường trên cầu Ông Lãnh, đã va chạm với xe máy do anh Phạm Văn Vân điều khiển. Yên chỉ bị sây sát nhẹ nhưng anh Vân bị ngã xuống mặt đường, chấn thương sọ não và chết trên đường đi cấp cứu. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát giao thông khẳng định Yên đã qua đường không đúng nơi quy định. Ngày 24-8-2004, Toà án nhân dân quận 1, TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Ngô Thị Mỹ

Chui qua dải phân cách

Yên 9 tháng cải tạo không giam giữ và phải bồi thường gia đình nạn nhân 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không nắm được quy định trên. Mạnh dạn hỏi một người vừa trèo qua dải phân cách về hành vi của mình, chúng tôi nhận được câu trả lời rất vô tư : “Đoạn đường này vài km mới có đường sang, nhà mình lại ở ngay bên này đường, chẳng nhẽ lại phải đi bộ vài km. Trèo qua dải phân cách là sai, tuy nhiên quan sát cẩn thận rồi mới sang thì mình nghĩ cũng chẳng có vấn đề gì. Nhiều người cũng làm vậy”. Chỉ vì những suy nghĩ đơn giản này đã gây ra những mối nguy hiểm thường trực cho giao thông trên quốc lộ 5.

Qua đây cho thấy, nhận thức, hiểu biết về an toàn giao thông của người dân còn hạn chế, nên hành vi vi phạm luật giao thông của người dân được xem là chuyện bình thường. Do vậy, để ngăn chặn hiệu quả người dân trèo qua dải phân cách qua đường trước tiên cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông và Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Giúp người dân hiểu được các nguyên tắc an toàn giao thông và những quy định, cũng như trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông. Các ngành chức năng, phối hợp với công ty, đơn vị dọc quốc lộ 5 tổ chức các đợt tuyên truyền về an toàn giao thông. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiếm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cần cho mọi người thấy người đi bộ vi phạm luật giao thông cũng bị xử lý, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mong rằng, trong thời gian tới việc người đi bộ vượt qua dải phân cách sẽ không còn và tình hình an toàn giao thông trên quốc lộ 5 ngày một tốt hơn.

Bài và ảnh: Đinh Xuân Dũng

Luật Giao thông đường bộ
Điều 30. Người đi bộ

1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

2. Nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ thì khi qua đường người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới để qua đường an toàn, nhường đường cho các phương tiện giao thông đang đi trên đường và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

3. Nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí đó.

4. Trên đường có dải phân cách, người đi bộ không được vượt qua dải phân cách.

5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt.