IV - Trên những tuyến đường trọng điểm
Những gói thầu từ ngã ba Sê San đến bờ sông Ia Nốp, thuộc địa bàn hai xã Ia Mơ và Ia Púc huyện Chư Prông (Gia Lai) là một trong những tuyến đường trọng điểm. Một trong những đơn vị thi công đường TTBG ở khu vực này là Tiểu đoàn Cầu đường 276 (Binh đoàn Cửu Long), triển khai nhiệm vụ từ mùa khô năm 2008. Khu vực này trong chiến tranh được coi là “vùng trắng”, đất đai khô cằn, chỉ có duy nhất loài cây sốp khộp sống được. Khu vực các đơn vị triển khai dự án hút tầm mắt không một mái nhà dân.
Chúng tôi đến Chư Prông khi một ngày mới bắt đầu. Công trường của những người lính mở đường nằm cheo leo bên những vách núi dốc thăm thẳm. Sau gần hai năm khoét núi, mở đường, giờ đây tuyến đường dài hơn 14km nối từ ngã ba Sê San đến bờ phía bắc sông Ia Nốp đã bước sang công đoạn cuối cùng. Nhìn những vách núi đã bạt ta-luy theo kiểu giật cấp (thông thường từ 3 đến 4 cấp) cao hơn 60m tính từ mặt đường hất ngược lên, chúng tôi phần nào hình dung ra khối lượng công việc đồ sộ mà những bàn tay người lính mở đường đã làm. Trên những vách đá cao gần như dựng đứng vẫn còn nguyên những vết khoan, cắt tạo mặt bằng để mở đường. Khí hậu ở đây hết sức khắc nghiệt. Ngay giữa mùa khô, trong một ngày có đến... hai mùa. Ban ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lên đến 38-40 độ C, gió mạnh; đêm thì lạnh buốt. Mùa mưa thì ở đây chả khác gì cái “rốn nước”, lượng mưa trung bình 1.500mm. Địa hình có độ dốc lớn nên thường xảy ra lũ quét gây sạt lở, hư hỏng công trình. Tuyến đường đơn vị thi công đi qua khu vực núi cao, nhiều đèo dốc, có nơi dốc đến 60 độ.
 |
Bộ đội, công nhân Công ty 728 (Binh đoàn 16) làm đường vào ban đêm, đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Thanh Kim Tùng
|
Một trong những thách thức lớn của những người lính mở đường là phải đối mặt với những “chướng ngại vật” là đá mồ côi. Đá mồ côi rất cứng, gồm những tảng lớn giống như những con voi phủ phục trên núi. Do đặc điểm tự nhiên của nó nên người dân đã đặt cho loại đá này cái tên đầy tâm trạng như thế. Giải phóng được loại đá này để mở đường tốn rất nhiều thời gian, công sức. Để thi công công trình, đơn vị đã phải lấy vật liệu xây dựng từ Gia Lai, vận chuyển qua hơn 120km đường rừng. Nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt và xây dựng phải chở bằng xe bồn, lấy nước từ sông Ia Nốp, cách công trường hơn 10km. Trong quá trình thi công, những người lính mở đường phải đu dây bám vào các vách đá cheo leo để khoan đá, đặt mìn. Giữa tiết trời nắng như đổ lửa, tiếng mũi khoan rít vào khối đá rắn phát ra những âm thanh rợn người. Những người lính phải đeo lên mình rất nhiều phương tiện bảo hộ lao động để đảm bảo an toàn và hạn chế tiếng ồn. Mỗi khi mìn nổ, đá văng xa cả trăm mét. “Cũng may khu vực này không có dân cư, không một loài thú rừng nào sinh sống nên đá cứ văng thoải mái. Mỗi lần nổ mìn, chúng tôi trú dưới những cái hố đã chuẩn bị sẵn ở những vị trí an toàn” - Trung tá, kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh, cán bộ kỹ thuật kể. Do điều kiện địa lý và thời tiết khó khăn, khắc nghiệt ấy nên việc thi công ở khu vực này chỉ thực hiện được trong 6 tháng mùa khô.
- Vậy là thời gian còn lại trong năm, bộ đội được nghỉ ngơi lấy sức? - Chúng tôi hỏi.
Trung tá Anh xua tay:
- Không! Vào mùa mưa, chúng tôi rút một bộ phận về đơn vị, còn lại vẫn phải bám trụ công trường theo dõi độ lún, khảo sát tình hình sạt lở, sụt, trượt... để có phương án khắc phục và điều chỉnh kỹ thuật thi công cho giai đoạn tiếp theo. Công trình sau khi hoàn thành phải đảm bảo giá trị sử dụng cả trăm năm nên những khảo sát, điều chỉnh trong quá trình thi công hết sức quan trọng.
Trung tá Anh lật giở những trang nhật ký công trình cho chúng tôi xem. Những trang ghi chép cụ thể, tỉ mỉ của anh giúp chúng tôi hình dung đầy đủ hơn những cố gắng nỗ lực và sáng kiến của những người lính mở đường. Thời kỳ đầu chưa quen, năng suất lao động thấp. Càng về sau tiến độ thi công càng nâng cao. Từ làm mỗi ngày 2 ca, năng suất mỗi ca chỉ đạt 20-25m mặt đường, đơn vị đã nâng lên ngày làm 3 ca, năng suất mỗi ca đạt 35-40m. Nhiều đồng chí thợ sửa chữa, thợ vận hành máy do yêu cầu nhiệm vụ, tiến độ thi công đã tình nguyện làm việc liên tục 2-3 ca/ngày.
Những địa danh ở miệt rừng Tây Nguyên như: Bù Gia Mập, Mo Ray, Sê San, Đăk Sú, Đăk Long, Đăk Rơ Long, Ia Đrăng, Đăk Huýt, Ia Nốp... nơi các đơn vị công binh thuộc Quân khu 5, Quân khu 7, Binh đoàn Cửu Long, Binh đoàn 11, Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, Binh chủng Công binh, Công ty Xây dựng công trình Tân Cảng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân... trú quân làm nhiệm vụ mở đường đều có chung những đặc điểm khó khăn tương tự như tuyến đường thuộc gói thầu chúng tôi vừa dẫn. Đặc thù của những tuyến đường trọng điểm này sườn núi dày đặc khe, suối nên phải thi công rất nhiều cống. Gói thầu nhiều cống nhất phải kể đến tuyến đường qua rừng Đăk Dục (Kon Tum) của Công ty 36 (Binh đoàn 11). Đoạn đường chỉ hơn 5km mà phải làm đến... gần 40 dãy cống. Mỗi dãy ngốn ít nhất 20 đốt cống. Gói thầu ít nhất cũng có từ 5 đến 7 dãy cống.
“Ở đâu có bộ đội, ở đó có sáng tạo, sáng kiến”. Câu nói quen thuộc ấy một lần nữa lại được chứng minh thuyết phục trên các công trình trọng điểm thuộc dự án đường TTBG. Mưa lũ tuy khắc nghiệt, khó khăn nhưng lại có được nguồn tài nguyên nước thật dồi dào mà khi thi công trong mùa khô phải vận chuyển từng chuyến xe bồn xa hàng chục cây số, rất tốn kém. Nếu khắc phục được những trở ngại của thiên nhiên để thi công trong mùa mưa thì mỗi gói thầu sẽ tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Và những người lính đã nghĩ ra nhiều cách “sống chung với mưa lũ” để thi công. Ở những khu vực địa hình thuận lợi, độ dốc nhỏ, các đơn vị quyết tâm bám trụ công trường. Một trong những gói thầu như vậy là tuyến đường qua rừng Đăk Sú (Kon Tum). Đơn vị đảm nhiệm gói thầu này là Công ty xây dựng công trình Tân Cảng.
Chúng tôi đến Đăk Sú vào một ngày mưa tầm tã. Ra tuyến đường đang đổ bê-tông, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước hình ảnh những “mái nhà” thấp lè tè dọc theo chiều dài tuyến đường. Dưới “mái nhà” được dựng và lợp bằng bạt ấy, những mẻ bê-tông liên tục được đổ và san phẳng. Con đường bê-tông hiện lên dưới làn mưa trắng đục. Phía bên đường, máy trộn bê tông cũng được lợp “nhà” che chắn đang hoạt động hết công suất. Ông Võ Hồng Khanh, Phó giám đốc công ty chia sẻ:
- Mùa mưa sử dụng bạt làm mái che để đổ bê-tông, vừa tận dụng được nguồn nước trời cho, vừa tiết kiệm công sức bảo dưỡng công trình. Công đoạn này nếu làm trong mùa khô phải áp dụng phương pháp giữ ẩm, chống nứt cho công trình rất vất vả, phức tạp và tốn thời gian, nhân lực.
Với sự sáng tạo ấy, tuyến đường qua rừng Đăk Sú dài gần 13km đã về đích sớm so với kế hoạch và là một trong những gói thầu được chọn làm mẫu để các đơn vị khác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Chúng tôi rời Đăk Sú đến rừng Sa Thầy vào lúc gần nửa đêm. Xe vừa xuyên qua những cánh rừng âm u, đến đỉnh đồi thì bỗng từ phía bên kia sườn dốc dậy lên tiếng động cơ. Bước xuống xe, ai nấy đều thốt lên: “Đẹp quá!”. Phía lưng chừng dốc, nơi con đường vừa được san ủi mặt bằng, hàng chục bóng đèn sáng trưng ngỡ như một mảng trời đầy sao từ dải Ngân Hà vừa rụng xuống rừng. 20 cán bộ, chiến sĩ, công nhân đang trần lưng đẩy máy san bê-tông. Đây là tuyến đường ngang thuộc gói thầu của Công ty 728 (Binh đoàn 16), dài gần 3km. Trò chuyện với anh em cán bộ, công nhân mới hay, việc làm đêm là một sáng kiến hay để tránh mưa, đẩy nhanh tiến độ công trình. Anh Phạm Văn Long, thợ trộn bê-tông nói:
- Chúng tôi bám sát tình hình thời tiết để “lách” mưa. Độ này trời chủ yếu mưa vào buổi trưa và chiều. Ban đêm là khoảng thời gian tĩnh lặng, mát mẻ, đổ bê-tông đạt năng suất rất cao. Đây cũng là tuyến đường độc đạo các đơn vị bạn chuyên chở vật liệu đi qua. Chúng tôi phải làm ban đêm để ban ngày dành đường cho các đơn vị bạn.
Mở đường trong điều kiện khó khăn, gian khổ làm cho con người trở nên cứng cáp, rắn rỏi hơn và đôi lúc cũng... “khác người” hơn. Chuyện của Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty 711 (Binh đoàn 15) là một ví dụ. Nhìn dáng vẻ bề ngoài, Đại tá Tùng chẳng khác gì một vị giáo sư. Trán cao, đầu hói gần như... toàn phần. Sôi nổi, thẳng thắn và khảng khái là tính cách thường trực của anh. Năm ngoái, khi đến công trường khu vực Sê San kiểm tra tiến độ thi công, thấy việc giải phóng mặt bằng của Công ty 711 còn ngổn ngang, Đại tá Tô Văn Thận nhắc Đại tá Nguyễn Thanh Tùng cần đẩy nhanh tiến độ kẻo không hoàn thành kế hoạch. Cuộc trao đổi giữa đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công diễn ra khá quyết liệt. Đại tá Tùng đưa nắm tay lên cao tuyên bố:
- Tôi đảm bảo với anh trước mùa mưa năm 2010 chúng tôi sẽ hoàn thành gói thầu này. Nếu tôi không thực hiện được lời hứa, anh cứ mang dao lên đây kê cổ tôi lên thớt mà chặt.
Đến nước này thì Đại tá Thận chỉ còn biết cười trừ.
Lần này trở lại Sê San, gói thầu của Công ty 711 có chiều dài 8,2km hiện vẫn còn hơn 500m chưa đổ bê-tông xong. Quá trình thi công, tuyến đường này phải nâng độ cao lên 1,5m so với thiết kế ban đầu để đảm bảo vượt đỉnh lũ. Kết thúc buổi làm việc, Đại tá Tô Văn Thận “nhéo” vào vai Đại tá Nguyễn Thanh Tùng:
- Này! Trong ba lô của tôi đang có sẵn con dao và cái thớt đấy!
Đại tá Tùng đưa tay gãi cái đầu hói:
- Này! Người ông gầy tong teo như cây sậy mà sao ông “thù” dai thế?
Hai vị đại tá siết chặt tay nhau cười vang núi.
Ngạn ngữ phương Tây có một câu đại ý, muốn đập vỡ đá thì ý chí con người phải rắn hơn đá. Suốt năm tháng đánh vật với đất đá cao nguyên trong điều kiện địa lý, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, đã tạo cho những người lính mở đường một bản lĩnh và niềm tin rắn hơn đá. Nhưng phía sau sự rắn rỏi ấy là những tâm hồn luôn biết rung cảm và hài hước. Dường như điều đó giúp các anh gắn bó với miền biên viễn thêm keo sơn, thắm thiết hơn.
(còn nữa)
Hiện toàn tuyến dự án đường TTBG có hơn 200 đơn vị thi công, đã khởi công các gói thầu có tổng chiều dài hơn 2.000km. Có hơn 40 gói thầu thuộc các tuyến đường trọng điểm, phải thi công trong điều kiện khó khăn, gian khổ, thiếu thốn. Các đơn vị quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm đầu tiên.
(Nguồn: Ban Quản lý Dự án 47)
|
PHAN TÙNG SƠN
Mở đường ký sự (kỳ 1)
Mở đường ký sự (kỳ 2)
Mở đường ký sự (kỳ 3)