QĐND Online - Chúng tôi về Viện phong và Da liễu Bắc Ninh (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) những ngày đầu xuân. Men theo con đường bê tông chạy quanh viện, chúng tôi xuống thăm các bệnh nhân phong đang điều trị tại đây. Những thanh âm trong trẻo của cuộc sống thường ngày vẫn vang lên đều đặn. Đâu đó tiếng chim hót đón mùa xuân về, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng búa cao su lịch bịch... Sự sống, tình yêu và hạnh phúc vẫn đang sinh sôi, nảy nở ở “miền đất chết” ấy.

Những bệnh nhân đang điều trị tại đây, có người đã mất một chân, người mất cả 2 chân, người mất hết các đầu ngón tay... Thế nhưng, với những chiếc chân giả và những dụng cụ hỗ trợ cho đôi tay, họ vẫn có thể làm những công việc hàng ngày như những người bình thường. Có lẽ, với họ hạnh phúc lớn nhất là có thể tự đi bằng chính đôi chân của mình và được đối xử như những người bình thường.

Anh Trần Đình Chất hạnh phúc bên đôi lợn rừng mà gia đình mình đang nuôi thì điểm

Chứng kiến cuộc sống của hơn 100 bệnh nhân đang điều trị tại đây, chúng tôi càng thêm cảm phục ý chí sống và nghị lực vươn lên của họ. Họ chính là  những chiến binh quả cảm nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi được biết cũng ở nơi đây, nhiều bệnh nhân trẻ đã tìm được cho riêng mình một nửa yêu thương, một nửa hạnh phúc.

Theo chân cô Nguyễn Thị Xuân, y tá phòng phục hồi chức năng, chúng tôi xuống thăm gia đình anh chị Trần Đình Chất- Dương Thị Đoàn. Ngôi nhà nhỏ nhưng tràn ngập tiếng cười nói vì có người nhà dưới quê lên thăm. Mười năm trước, anh là bệnh nhân của trại phong Sóc Sơn-Hà Nội; còn chị đang điều trị tại Quả Cảm. Tối hôm giao lưu văn nghệ giữa bệnh nhân hai trại cũng là hôm anh chị bén duyên nhau. Hai trái tim đã cùng chung nhịp đập, cùng nhìn về một hướng và họ quyết định cùng nhau đi đến bến bờ hạnh phúc. Đám cưới được tổ chức ngay tại “quê vợ” là trại phong Quả Cảm. Hạnh phúc vô bờ, niềm vui khôn xiết khi một năm sau, chị sinh cháu trai đầu lòng. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của các bác sĩ trong viện, con trai anh chị hoàn toàn khỏe mạnh và không bị mắc bệnh phong. Tình yêu đã đơm hoa kết trái ở “miền đất chết” và cả những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi. Anh chị tự hào khoe thành tích học tập của cậu con trai vừa tròn 9 tuổi. Trò chuyện với anh Chất, chúng tôi được biết anh chị hiện đang nhận 6 sào đất của viện để trồng cây ăn quả, cây cảnh và còn nuôi thí điểm thêm một đôi lợn rừng, mỗi năm cho thu nhập hơn 10 triệu đồng.

- Tôi bị bệnh từ khi 20 tuổi, đã nghĩ cuộc đời mình coi như bỏ đi, không bao giờ nghĩ sẽ có được như ngày hôm nay. Nơi đây giống như gia đình, quê hương thứ hai của tôi. Anh Chất chia sẻ.

Nói rồi anh ôm vợ vào lòng, chị ngồi cạnh hiền từ lấy tay lau vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Hạnh phúc đâu phải điều gì quá xa xôi!

Trên những con đường ngoằn ngòeo dẫn tới các gia đình trẻ có một ngôi nhà mới xây xong còn thơm nồng mùi vôi vữa. Đó là ngôi nhà của vợ chồng chị Vàng Thị Và (Đồng Văn, Hà Giang) và anh Lê Văn Vị (Sóc Sơn, Hà Nội). Anh chị vừa mới cưới được đôi tháng, bước chân đi khập khiễng, lênh chênh, bàn tai quặt quẹo, nhưng tôi thấy trong ánh mắt họ vẫn sáng ngời hạnh phúc, yêu thương. Chị Vàng Thị Và tâm sự:

- Trong ngày 14-2, ngày cả thế giới tôn vinh tình yêu, dẫu không có hoa hồng, không sô-cô-la, thậm chí không thể đi xe đạp để đưa nhau đi dạo chơi nhưng chúng em vẫn có những khoảnh khắc hạnh phúc bên một nửa yêu thương.

- Sau những nụ hôn vụng về, những cái ôm thật chặt, chúng em đưa nhau tới thăm các cụ đang điều trị tại viện, kể chuyện và hát cho các cụ nghe nữa. - Chị Và bẽn lẽn chia sẻ.

Tôi chợt nhận ra nơi đây, tình yêu, hạnh phúc không phải điều gì quá xa xỉ!

Những lúc rảnh rỗi, các bác sĩ trong viện vẫn hay vui vẻ đánh cờ cùng bệnh nhân

Đã có hơn 20 đám cưới diễn ra tại đây, 15 cặp vợ chồng còn ở lại. Họ được trại cấp đất, giúp xây nhà, quây quần sống thành một đại gia đình ngay cạnh những dãy nhà dành cho người bệnh. Hạnh phúc chia nhau những trái mít đầu mùa, những con cá bắt được ở ao chung hay những bắp ngô mới bẻ...

Tôi thực sự xúc động khi chứng kiến tình cảm mà những con người đang sống và làm việc nơi đây dành cho nhau. Những lúc rảnh rỗi, anh Chất vẫn giúp các cụ trong viện giặt bộ quần áo, xách xô nước, cõng các cụ đi khám...

Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc bệnh viện cho biết:

- Với đặc thù nơi đây, những bệnh nhân phong sẽ sống cả cuộc đời mình với viện nên không hề có sự phân biệt giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Mười một y, bác sĩ trong viện đều coi bệnh nhân đang điều trị tại đây như những người cha, người mẹ, anh chị em trong gia đình. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường ngồi quây quần cùng nhau bên ấm chè thơm hay nồi khoai luộc mới dỡ trên đồi.

- Hàng tháng, Viện của chúng tôi vẫn đón các đoàn sinh viên tình nguyện về đây. Các bạn sinh viên nấu cháo dinh dưỡng, giặt quần áo, giúp đỡ các cụ đang điều trị trong viện làm những việc vặt, tổ chức văn nghệ... Các cụ ông, cụ bà hát say sưa, tình cảm lắm. Họ như sống lại tuổi đôi mươi của mình vậy - Bác sĩ Vinh chia sẻ với tiếp với chúng tôi.

Đang miên man với những dòng suy nghĩ lẫn lộn, chợt đâu đó tiếng hát cất lên: Cụ bà vẫn đẹp sao/ Cụ ông vẫn đẹp sao/ Dù hàm răng không còn chiếc nào/ Dù da dẻ nhăn nheo như là da cóc/ Dù cho trái tim không còn muốn đập/ Ta vẫn cầm trên tay một lá thư tình… Tiếng cười của của các cụ ông đang chơi cờ vang lên sau lời hát. Họ mới lạc quan, yêu đời làm sao!

Mưa xuân lất phất đọng trên những cành đào mới nảy lộc non xanh biếc. Chia tay đại gia đình làng phong, tôi như có thêm nhiều bài học về tình yêu, nghị lực. Trong mỗi trái tim vẫn khao khát sống, khát khao yêu thương và hạnh phúc đến từ những điều thật giản dị.

Bài và ảnh: Minh Mạnh