Một cựu binh Mỹ nói về mẹ

Mai-cơn Huây, cựu binh Mỹ, từng tham chiến ở chiến trường Quảng Đà, trong một lần về Quảng Nam tìm hài cốt chiến hữu, nghe được thông tin về bà Nguyễn Thị Thứ, hơn 100 tuổi, quê ở Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam, có 9 con trai, 1 con rể, 2 cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, ông không tin. Một cán bộ ngành lao động-thương binh và xã hội mách bảo, ông cất công tìm tôi.

Đang dự hội nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ở Hội An, tôi khất sang dịp khác, nhưng ông vẫn “năn nỉ” thuyết phục để gặp tôi bằng được ở khuôn viên cây xanh của khách sạn đăng cai hội nghị. Quả thật tôi bận lo nội dung bài phỏng vấn bộ trưởng, nên nói lời xin lỗi và vội vàng tặng cho ông tập trường ca “Thưa mẹ, phía trăng lên”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2002, để nhờ cô phiên dịch giới thiệu tập thơ.

May cho tôi, cô phiên dịch, vốn là giáo viên dạy văn trung học, nói tiếng Anh trôi chảy, dịch thơ mềm mại, nên ông Huây nghe hiểu được phần nào. Có một đoạn, tôi thấy mắt ông rưng rưng. Có thể ông cảm động vì nghĩ mẹ Thứ quá đau khổ trong nỗi niềm mất chín núm ruột qua hai cuộc chiến tranh, nhất là ngay trong ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975, người con trai đầu của mẹ là Lê Tự Chuyển đã hy sinh vào buổi sáng bởi một loạt đạn của bọn lính ngoan cố, khi ông kêu gọi “Quân cách mạng đã vào giải phóng thành phố! Các anh lính cộng hòa hãy bỏ vũ khí về với đồng bào”.

Ông hỏi: “Vì sao chất chồng nỗi đau như thế, mà cụ bà Thứ lại sống lâu như vậy?”. Thay vì câu trả lời, tôi đọc cho ông ta nghe mấy câu thơ trong trường ca: “Các anh chết trẻ chết son/ Dồn tháng dồn năm tình thương cho mẹ/ Trong mắt mẹ con bao giờ cũng bé/ Như quả chín cành mẹ thấy hãy còn xanh”. Ông xúc động hai tay bắt chặt tay tôi và bùi ngùi: “Bà mẹ Thứ trên cả vĩ đại. Bà là vẻ đẹp cao cả của lòng yêu nước, thương con, sẵn sàng hy sinh tất cả cho chiến thắng cuối cùng. Bà là biểu tượng sức sống Việt Nam, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Việt Nam”.

Nhà bảo tàng truyền thống mẹ Thứ

Cũng không phải là sớm khi bàn việc xây dựng Nhà bảo tàng truyền thống Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Thiết nghĩ lấy nhà mẹ đang ở do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng tặng mẹ để thờ phụng 9 con trai liệt sĩ làm nhà truyền thống. Hiện nay, tại nhà mẹ đã có một số hiện vật có giá trị trưng bày trên giá bằng khung kính, song chưa đủ. Trên tường, bên chỗ nằm của mẹ, họa sĩ Dư Dư đã tặng mẹ bức sơn mài Chân dung mẹ-giải thưởng của Tổng cục Chính trị; họa sĩ Đinh Gia Thắng, tác giả được Hội đồng nghệ thuật chọn Dự án xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng quốc gia tặng mẹ mô hình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng với nguyên mẫu chân dung mẹ Thứ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiện vật có giá trị khác như: chiếc nồi đồng, chiếc chõng tre, chiếc rương gỗ... cần được ngành văn hóa-thông tin, nhất là bảo tàng truyền thống sớm sưu tầm, nghiên cứu bổ sung cho ngang tầm của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng bậc nhất đất nước.

Ai quan tâm đến đời sống của mẹ, gia đình mẹ, quê hương mẹ, xin hãy nhanh chân về, và khi về đến cổng nhà mẹ, hãy chầm chậm bước, khe khẽ thở, quan sát, lặng nghe cảnh sắc, không gian nhà mẹ. Hãy lắng nghe bằng tâm hồn, trái tim của một người con, người cháu với người mẹ, người bà của mình sẽ cảm nhận được chất huyền sử bất tử của mẹ Thứ, gia đình mẹ Thứ, quê hương mẹ Thứ. Hãy về, hãy lắng nghe...

Ngoài các hiện vật của mẹ, cần sưu tầm các hiện vật, kỷ vật có giá trị khác của các liệt sĩ: 9 con trai, 1 con rể, 2 cháu ngoại gái của mẹ Thứ; các hiện vật của các đơn vị bộ đội như Tiểu đoàn đặc công 91... để Nhà bảo tàng truyền thống thêm đa dạng, phong phú và giàu ý nghĩa.

Cảnh quan sân vườn nhà mẹ Thứ cũng nên quy hoạch tổng thể, chi tiết cho phù hợp với tổng thể thẩm mỹ kiến trúc của Nhà bảo tàng truyền thống. Cần có một tượng đài nhỏ đặt trân trọng nơi trung tâm sân vườn, có chân dung mẹ với các phù điêu biểu tượng cho quê hương Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam; những người con, cháu của mẹ, các anh bộ đội, cán bộ, du kích được gia đình mẹ che chở trong hai cuộc kháng chiến; các hầm bí mật ngoài bụi tre, trong nhà; chiếc nồi cơm, chiếc chõng tre, chiếc rương gỗ; câu nói bất hủ của mẹ: “Các con, cháu tui hy sinh hết trơn, hết trọi cho cách mạng thành công. Với cách mạng, gia đình tui không tiếc bất cứ một thứ gì!”. Sân vườn, nên chăm sóc các cây cảnh vốn có, chọn các cây cảnh thân thuộc, gắn bó với quê hương Điện Bàn, Quảng Nam. Rất cần phục dựng căn hầm bí mật bên lũy tre phía tay trái của ngôi nhà.

Hãy về với mẹ

Mẹ Thứ sinh năm 1904, đến mùa xuân Đinh Hợi 2007 này là 104 tuổi mụ, là tuổi thượng thượng thọ. Tâm lý, ai cũng mong mẹ sống thật lâu để không chỉ con cháu, quê hương, mà những người ngưỡng mộ, kính yêu mẹ trong và ngoài nước có điều kiện về thăm mẹ, chiêm ngưỡng nét đẹp phúc hậu, thuần khiết trên bàn tay của bà mẹ xứ Quảng, Việt Nam, vẻ đẹp bi tráng trên gương mặt, nhất là đôi mắt vừa thăm thẳm, chất ngất nỗi chịu đựng đau đớn vì mất nhiều con, cháu, vừa kiên nghị, mãnh liệt nhìn thẳng vào mặt kẻ thù, bất chấp mưa bom bão đạn để tin vào ngày mai chiến thắng, đất nước hoàn toàn độc lập, tự do.

Giờ mẹ như trái chín cây, bà Lê Thị Trị, người con gái đầu và các cháu nội, ngoại ở gần ngày đêm săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Hầu như lần nào về thăm, tôi cũng thấy có hai, ba người túc trực bên mẹ. Mẹ nằm thở rất khẽ, không gian tĩnh lặng, từng chiếc lá tre vàng rơi lác đác bên hiên nắng. Trên đầu và bên hông chiếc giường gỗ loại tốt do bộ đội đoàn phòng không 375 tặng, là những bằng Tổ quốc ghi công, huân, huy chương Chiến công dày đặc. Hai bên bàn thờ là chân dung các liệt sĩ. Trong khung kính có đặt trân trọng bài hát “Mẹ của ngàn đời” của nhạc sĩ Nguyễn Đức phổ thơ Anh Dũng và bài viết của nhạc sĩ, thạc sĩ Văn Thu Bích. Tất cả đều im ắng, mà chứa đựng cái gì thẳm sâu của niềm thành kính, thiêng liêng, sự hy sinh tận hiến vô cùng, vô tận của một gia đình nông dân xứ Quảng cho dân tộc này, đất nước này.

Gia đình mẹ là biểu tượng cho sự hy sinh nhiều nhất của đất Điện Bàn, Quảng Nam, của cả nước; cũng là biểu tượng của sự khốc liệt của hai cuộc chiến tranh. Đó là sự hy sinh cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước.

Tết Đinh Hợi 2007, tôi phóng hon-đa từ Đà Nẵng về thăm mẹ. Trong nhà thơm nức hoa mai, thoang thoảng mùi bánh nổ, bánh Tổ. Không khí ngày xuân làm cho mẹ khoẻ hơn ngày thường. Mọi khi ngồi dậy phải có người đỡ, nay mẹ tự chống tay gượng dậy mặc chiếc áo mới, chít lại chiếc khăn rằn Nam Bộ. Mắt vẫn còn hơi nheo, nhưng cái nhìn sáng và sâu thẳm hơn.

Tôi đằng hắng, chưa kịp mừng tuổi mẹ, thì mẹ đã cất tiếng: “Chúc mừng năm mới! Ai đến thăm tôi mà sớm sủa ghê?”, mẹ lần tay vào thành giường, nắm áo tôi và cất tiếng hỏi rảnh rang. Tôi cài khuy áo cho mẹ, nắm lấy bàn tay ấm áp, mềm mại, cảm thấy sự nồng hậu một mùa xuân tình cảm của mẹ rất gần. Xin phép thắp 9 nén nhang cho 9 liệt sĩ là con trai mẹ, tôi thành kính nhìn lên những tấm chân dung và các bằng Tổ quốc ghi công treo bên trên giường mẹ. Nghe mùi hương quyện với trầm và hoa mai, hoa huệ bảng lảng, tôi có cảm giác các anh đang sum họp quây quần bên mẹ.

Mẹ nói với bà Lê Thị Trị, con gái đầu: “Mụ Hai Trị nhớ làm mâm cơm cúng anh Chuyển mày và sắp em nghe chưa. Nhớ phải có bánh tét chiên cho thằng út, bánh Tổ cho thằng Chuyển, bánh khô mè bảy lửa cho thằng Hàn Anh, Hàn Em, thịt heo ba chỉ cho con Cúc, kẹo ú cho con Điểu” (Cúc và Điểu đều là liệt sĩ, cháu ngoại mẹ Thứ).

Về với mẹ Thứ, ta có cảm giác như sống lại một thời chiến tranh, sống lại những ký ức tốt đẹp về tình quân-dân, tình cảm cưu mang, che chở của các bà má miền Nam với những đứa con là cán bộ, bộ đội xứ Bắc. Nhiều lúc tỉnh táo, mẹ ngồi nhắc lại những kỷ niệm với gia đình về những anh lính đặc công: Chuẩn, Sự, Phòng, Tư... xa xôi ngoài Bắc từng chiến đấu, hy sinh trên đất Thanh Quýt, Điện Thắng máu lửa. Biết khêu gợi một chút, bạn sẽ được nghe mẹ đọc ca dao, hát hò khoan xứ Quảng-những bài có từ hồi nảo, hồi nào xa xưa như cổ tích. Mẹ sẽ kể về việc chồng mẹ, ông Lê Tự Trị đào hầm bí mật, nuôi quân, bảo vệ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ và không chịu nhận chính quyền ưu đãi xây dựng nhà tình nghĩa, mà lặn lội lên tít huyện miền núi xa xôi để mua các gian nhà cũ thả bè về dựng nhà trên chính cái nền nhiều phen Mỹ-ngụy đốt, phá. “Cái ngày ông Trị đi nhận huân chương, nhiều người hỏi có kèm tiền thưởng không, ổng cười khấc khấc: “Công cán nhà tui bằng cái móng tay của biết bao đồng bào, đồng chí!”.

Nhắc lại chuyện này, bà cụ hơn 100 tuổi cười móm mém mắc cỡ, trông rất thanh xuân.

Điều lạ là khi nhận quà, mẹ hay nói: “Các con về thăm là có tình rồi, mẹ gặp lại các con cháu của mình, quà cáp chi cho lễ mễ, mẹ không ưng đâu!”. Phải chi hội phụ lão, xã đội, huyện đội địa phương, các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng mẹ, các cán bộ, chiến sĩ ở những đơn vị trước đây con cháu mẹ công tác, nên phân công người thay phiên nhau về ân cần thăm hỏi, săn sóc mẹ để mẹ sống thêm nhiều ngày tràn ngập niềm yêu thương, san sẻ.

Thời gian còn lại của mẹ Thứ đang tính bằng phút, bằng giây. Ai mà không mong mỏi, chúc mẹ sống lâu, nhưng cũng không ai ngăn cản được mệnh số của tuổi già. Đây là bà mẹ tuyệt vời, có một không hai trong lịch sử. Ai quan tâm đến đời sống của mẹ, gia đình mẹ, quê hương mẹ, xin hãy nhanh chân về, và khi về đến cổng nhà mẹ, hãy chầm chậm bước, khe khẽ thở, quan sát, lặng nghe cảnh sắc, không gian nhà mẹ. Hãy lắng nghe bằng tâm hồn, trái tim của một người con, người cháu với người mẹ, người bà của mình sẽ cảm nhận được chất huyền sử bất tử của mẹ Thứ, gia đình mẹ Thứ, quê hương mẹ Thứ. Hãy về, hãy lắng nghe...

Lê Anh Dũng