Kỳ 6: Dấu chân đặc công dưới cành phượng tím
Từ cuối năm 1969, 200c không còn là “lưỡi gươm bí mật” nữa bởi kẻ thù sau nhiều vố thua đau cay đắng, tìm mọi cách săn lùng, tìm diệt 200c. “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, họ đi về, lai vô ảnh, khứ vô tung, xuất quỷ nhập thần, tiếp tục luồn sâu, đánh hiểm, thắng lớn một cách đầy táo bạo, bất ngờ. Đà Lạt - Lâm Đồng, mảnh đất mộng mơ với loài hoa phượng tím đặc trưng còn in dấu chân chiến công người lính đặc công 200c…
Lần đầu đánh “lò bát quái”
Đà Lạt, Tết 1970. Hoa mi-mô-za đang mùa nở rộ. Đêm cao nguyên yên bình đến mức người ta cứ tưởng, dấu chân chiến tranh đã biến mất khỏi thành phố Ngàn Hoa. Cả thành phố đã chìm sâu trong giấc ngủ, không ai biết có những bóng đêm thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc ở bờ hồ Than Thở, khi vòng tới sau lưng Viện Giáo hoàng. Họ - những người lính trinh sát tiểu đoàn 200c đang tranh thủ dịp Tết, dịp mà bọn Mỹ - nguỵ mải ăn chơi lại là “mùa làm ăn” của ta. Đây cũng là lúc họ trinh sát các mục tiêu nhanh nhất, hiệu quả nhất, làm “lương khô” cho những trận đánh táo bạo nay mai.
 |
Dấu vết chiến tranh trong di tích Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt. |
Mùi hương trầm nhà ai khiến Đang, chiến sĩ trinh sát nao lòng nhớ quê hương Phú Thọ, chắc mùa này đang rộ hát xoan. Nhưng Đang tự nhủ mình phải gạt ngay nỗi nhớ cảm tính nọ. Hôm trước, chỉ huy đại đội cũng bảo: “Trận nào khó, đều phải cử Đang đi”. Mục tiêu hôm nay các anh phải điều nghiên là Trường Võ bị Đà Lạt, một cái "các lò bát quái" chuyên đào tạo những sĩ quan với đủ mọi mánh khóe thâm hiểm để làm tay sai cho Mỹ. Nó được giới quân sự Sài Gòn tự hào là trường quân sự hiện đại nhất Đông Nam Á, là niềm vinh hạnh của quân lính Sài Gòn. Từ hồi chuyển lên Đà Lạt năm 1950 đến giờ, 20 năm, cái “lò bát quái” này chưa bao giờ bị một viên đạn của Cộng sản. Vì thế, cấp trên đã tin tưởng giao cho 200c, là đơn vị đầu tiên đánh vào Trường Võ bị Đà Lạt, cũng là đánh vào ý chí của những kẻ bán nước đang ngày đêm học mưu, luyện võ.
Đang nắm chặt con dao găm trong tay, phăng phăng tiến vào bóng đêm. Anh biết, để điều nghiên được cái lò bát quái này, không hề dễ dàng. Phía quân báo cho biết, trong trường có hàng nghìn học viên, có cả pháo 105mm và nhiều loại vũ khí. Riêng bố phòng của chúng rất cẩn mật. Để đột nhập vào trường, phải vượt qua bãi sình lầy rất rộng bao quanh, chưa kể ngoài bãi sình lầy còn có ấp Thái Phiên và Trường Quân sự Chi Lăng kề bên là “tai mắt” của trường. Riêng ấp Thái Phiên có tới 80 tay súng dân vệ bảo vệ từ xa. Còn bên trong, có tới 5 lớp hàng rào, đèn pha, đèn điện bảo vệ sáng choang, cứ 25m lại có một bóng đèn… Tất cả những thứ đó, đặc công 200c vượt qua nhẹ như không.
Đêm 26-2-1970, sau Tết Canh Tuất chừng nửa tháng, 54 người lính đặc công chia làm hai mũi lặng lẽ tiến vào thành phố, qua hồ Than Thở, ém sát Trường Võ bị Đà Lạt. Trong trường, bọn lính đã ngủ say. Chỉ có những vọng gác vẫn thi thoảng loang loáng ánh đèn pha. 24 giờ, mũi thứ nhất đã cắt xong 5 lớp hàng rào, bộ đội nối đuôi nhau, tay lăm lăm thủ pháo, sẵn sàng tấn công khu vực nhà ở học viên và khu quân nhu, hậu cần. Tên lính trên vọng gác vẫn lia đèn pha mà như mù, không hay biết gì cả. Bỗng “khục khục” có tiếng ai như đang ho nhẹ ở đầu hàng quân. Anh Yên, tham mưu trưởng tiểu đoàn chỉ huy mũi điếng người, nghĩ bụng: “Thằng chết tiệt nào bỗng dưng đi ho, lúc này. Địch mà biết thì có mà…”. Yên cáu lắm, anh bò lên phía trên kiểm tra. Trời đất! Cậu Thành, y tá tiểu đoàn đang nhăn nhó. Thì ra cậu ta bị viêm họng nhưng vẫn ra trận. Giờ vào trận thì nổi cơn ho. Nhìn Thành quằn quại, khốn khổ nhịn ho, Yên móc túi, đưa thêm cho Thành cái khăn mặt để cậu ta bụm miệng rồi khoát tay, ra hiệu cho Thành lùi về phía sau, giảm bớt độ “nguy hiểm”.
24 giờ 5 phút. Khẩu B41 mũi 1 lập tức nổ “ùng” tiêu diệt vọng gác đồng thời là hiệu lệnh xung phong. Bộ đội tả xung hữu đột khắp khu nhà ở học viên, kho quân nhu quăng thủ pháo. Địch đang ngủ say không kịp trở tay, chết ngổn ngang sau mỗi lần thủ pháo nổ. Kho hậu cần bị cháy rừng rực, mùi quần áo khét lẹt. Bỗng từ phía cổng trường, một chiếc xe Zep chạy lao về, đèn pha sáng rực. “Bùm!”, một quả B41 đón đầu, chiếc xe khựng lại. Trên xe, tên đại tá cố vấn Mỹ chết gục. Một chiến sĩ nhảy lên, lục tìm tài liệu nhưng không có. Chỉ có mấy chai rượu vứt lăn lóc (chắc y vừa đi nhậu về). “Lấy chiếc đồng hồ Ô-mê-ga làm chiến lợi phẩm!” - đồng chí mũi trưởng ra lệnh!
Lệnh rút quân sau 30 phút, toàn bộ chiến sĩ rút ra, đơn vị còn đủ, không ai hy sinh, chỉ có 1 chiến sĩ quê Hà Nội là bộ đội địa phương đi dẫn đường cho 200c, khi trận đánh giòn giã, anh sốt ruột muốn đánh, từ vị trí chỉ huy, anh lại chạy vào trường đang đầy súng đạn, địch nấp trốn ở khắp nơi, do không biết địa hình, anh lạc luôn và mất tích không về.
Cả đơn vị lui quân an toàn khi “lò bát quái” rừng rực cháy. Hôm sau, theo nguồn tin của quân báo, địch công bố bị tiêu diệt hơn 200 tên, trong đó có 6 đại tá, nhiều kho tàng bị phá hủy.
Nếu như mũi thứ hai không bị lạc ra sân vận động và tiến công muộn, trận đánh còn có thể đạt hiệu suất cao hơn. Có một chi tiết thú vị, tổ đánh khu kho hậu cần đã đánh trúng két sắt của địch, tiền bay tứ tung nhưng anh em không biết lại lấy cái máy chữ cổ lỗ sĩ và lấy cái đồng hồ Thuỵ Sĩ, sau bán được thêm ít tiền để anh nuôi mua thêm đồ ăn.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lan, hiệu trưởng của trường này đi họp ở Nha Trang nên thoát chết. Trận đánh Trường Võ bị Đà Lạt như một tiếng bom dội đến Sài Gòn, rung động cả quân đội Ngụy và là trận mở màn cho các trận đánh của cả thành phố. Tiểu đoàn 810, tiểu đoàn 145, các đại đội biệt động 84 liên tục tấn công trung tâm chính trị, trường cảnh sát dã chiến. Hạ nghị viện Sài Gòn đã họp cách chức tỉnh trưởng hiếu chiến Lô Công Danh.
Đà Lạt, mùa hè rực lửa
Ba tháng sau trận thắng Trường Võ bị, tháng 5-1970, Tiểu đoàn 200c bất ngờ nhận mệnh lệnh: “Tổng công kích Đà Lạt!”. Lần này, mục tiêu không chỉ là Trường Võ bị mà có hàng loạt: Dinh tỉnh trưởng, Đài phát thanh, Trung tâm cảnh sát dã chiến… Số mục tiêu quá lớn, quá nhiều khiến nhiều người lính 200c ra trận chỉ với một bộ quần áo và với một niềm tin: Đấu tranh này, là trận cuối cùng…
Rạng sáng 30-5-1970, cả tiểu đoàn cùng bộ đội địa phương đồng loạt nổ súng khắp thành phố.
 |
Kể chuyện chiến đấu cùng cha cố (bên phải) tại Viện Giáo hoàng Đà Lạt |
Mũi thứ nhất, nhanh chóng đột nhập Dinh tỉnh trưởng, rồi Đài phát thanh, diệt hơn 100 tên địch, ta bị thương vong 13 người. Địch phản kích dữ dội, quân ta dồn lại, bám trụ tại Giáo hoàng Học viện ven Hồ Xuân Hương, bình tĩnh nổ súng chặn địch.
Mũi thứ hai, tiếp tục tập kích Trường Võ bị Đà Lạt, dù chưa kịp trinh sát như lần thứ nhất. Địch cơ động một tiểu đoàn ngăn chặn, ta không phát triển được, hy sinh 13 đồng chí.
Tuy vậy, lực lượng tiểu đoàn dù còn rất mỏng, vẫn bám trụ 2 ngày liền ở Viện Đức Giáo hoàng, khiến cả Đà Lạt và Sài Gòn rúng động. Máy bay trực thăng quần lượn xả đạn. Cối bắn ầm ầm vây quanh khu vực. Chiến sĩ ta không nao núng.
Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức tuyên bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn, xin “hứa” với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ “dứt khoát” bắt sống toàn bộ tiểu đoàn 200c!
Chiến sĩ ta không nao núng. Vừa bám trụ nổ súng chặn địch. Vừa vận động đồng bào công giáo giúp đỡ nấu cơm ăn, duy trì sức chiến đấu.
Đang, người lính trinh sát tài giỏi trong trận ở Trường Võ bị Đà Lạt đêm xuân hôm nào đã vụt sáng như một người anh hùng trong thời khắc nguy nan nhất. “Đang đi cánh đánh Dinh 2, trụ lại ở Viện Giáo hoàng ban ngày, trực thăng bắn thẳng vào đội hình, trên lầu 1, Đang xách súng chạy xuống hiên nhà bắn chéo trực thăng để hút mục tiêu cho đồng đội bị lộ ở lầu 1. Trực thăng vọt lên xả 12ly7, Đang bị thương nặng, anh em chạy xuống vác Đang lên. Đang nói: “Mình không sống được, để mình đây, đi tản ra đánh đi!”. Rồi Đang đi… Đêm ấy, anh em đưa Đang ra đến Đồi Cù (sân Gôn bên bờ hồ Xuân Hương) gặp địch đóng đồn, Đang nằm lại ở đây” – anh Trần Chí Công, bộ đội trinh sát 200c ngày ấy nhớ về người đồng đội.
Tuy mạnh mồm tuyên bố nhưng Lâm Quang Thơ không vây bắt được 200c, lính Đà Lạt cũng không dám lại gần khi 200c quyết tử, mở đường máu rút ra căn cứ. Đêm 1-5, họ kịp rút ra an toàn, mang theo được thi thể 13 đồng đội ra ngoài.
Nhìn lại tổn thất, một người lính 200c đã viết: “Đang là tổ viên trinh sát Trường Võ bị lần 2, địch đã bố phòng nghiêm, không thể vào được. Trước khi đánh, Đang đã phản biện trận đánh này, đề nghị chỉ đánh khi trinh sát được! Thế mà rồi cứ đánh vì OTK! Biết làm sao được, lệnh là lệnh!”. Đó là suy nghĩ rất thật, rất đúng của các anh. Nhưng máu các anh đổ xuống đã không uổng phí. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên cho biết: “Tổng tấn OTK gấp rút thế vì một nhiệm vụ chiến lược. Lúc đó, địch định đưa mấy sư đoàn sang Cam-pu-chia tiêu diệt lực lượng ta. Quân khu buộc phải mở một chiến dịch đồng loạt ở Đà Lạt để chặn ý đồ đưa sư đoàn 23 nguỵ sang. Và chúng ta đã thực hiện được điều đó!”. Địch lúng túng phải điều tới 6 tiểu đoàn tới giải toả Đà Lạt. Dư luận báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ cho đây là cuộc tiến công lớn nhất vào một thành phố miền Nam Việt Nam, kể từ sau Mậu Thân. Báo Nhân đạo của Pháp viết: “Chiến công Đà Lạt nhắc nhở bọn nguỵ Sài Gòn biết tình thế của chúng núp bóng quan thầy Mỹ mong manh biết chừng nào!"”.
“Bộ đội 200c chẳng những giỏi đánh đấm mà dân vận cũng rất tốt. Lúc 200c trụ ở Giáo hoàng chủng viện đánh địch, anh em vừa nổ súng chống địch, vừa cử cán bộ vận động giáo dân, giúp cả các cha cố hiểu chính sách của ta. Địch dã man dùng đạn có chất độc hóa học bắn vào chủng viện, bộ đội đã giúp dân phòng tránh, cứu chữa những người bị ngạt. Sau ta rút ra, địch đến xuyên tạc, đã bị giáo dân ở đây phản bác thẳng thừng, ca ngợi việc làm tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ” - Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên kể.
Từ năm 1970-1971, Tiểu đoàn 200c tiếp tục bám trụ chiến trường Lâm Đồng, Tuyên Đức, Đà Lạt, đánh nhiều trận như: Đánh Trung tâm cảnh sát dã chiến, tập kích Dinh 1 (Đà Lạt), tập kích trận địa pháo Đa Nhim, tập kích Trại Hầm, Trại Mát, ấp Thái Phiên, Ka Đô, Thanh Mỹ… tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược.
Tới đây, tháng 8-2010, khi Tiểu đoàn 200c làm lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng, tỉnh Lâm Đồng đã đứng ra “đăng cai” làm chủ lễ và tổ chức tại Đà Lạt? Hoà bình, vẫn còn rất nhiều bộ đội 200c ở lại Đà Lạt làm ăn, lập nghiệp như anh Huyền là doanh nhân, anh Bảo là công an, anh Dũng, anh Hùng, anh Hán là cán bộ hội cựu chiến binh. Có cả những người giờ đã là cán bộ lãnh đạo tỉnh như anh Lê Thanh Phong, Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, chị Hoàng Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh…
Mùa hè sang, ở Đà Lạt, đâu đâu cũng gặp những nhành phượng tím. Hoa có biết, những gốc phượng cổ thụ đã từng được tưới bằng máu đào của bộ đội đặc công 200c để có những mùa hè rực rỡ như hôm nay?
Ký sự của NGUYỄN VĂN MINH
“Lưỡi gươm thần” cuối trời Nam Trung Bộ (kỳ 5)
“Lưỡi gươm thần” cuối trời Nam Trung Bộ (kỳ 4)
“Lưỡi gươm thần” cuối trời Nam Trung Bộ (kỳ 3)
“Lưỡi gươm thần” cuối trời Nam Trung Bộ (kỳ 2)
“Lưỡi gươm thần” cuối trời Nam Trung Bộ (kỳ 1)