Kỳ 1: Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy

Nếu như những năm chống Pháp, ở miền Đông Nam Bộ có tiểu đoàn 307 khiến “bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi” thì từ năm 1968, ở cực Nam Trung Bộ, lại xuất hiện tiểu đoàn đặc công 200c lừng lẫy chiến công như một “ba lẻ bảy thời chống Mỹ”. Tuy nhiên, đến nay, hình như vẫn chưa một nhà văn, nhà báo nào viết về họ. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã về Nam Trung Bộ - mảnh đất cuối đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa để tìm lại dấu chân tiểu đoàn huyền thoại này…

Đại thắng không tốn một… viên AK!

Tháng 8 năm 1968, đã sang mùa thu nhưng Bình Thuận hầm hập nắng. Cái “nóng” của chiến trường sau những ngày Mậu Thân 1968 và đợt cao điểm hè thêm nóng hơn khi địch ráo riết tăng cường lực lượng phản kích ta và cả cái nóng trong người vừa qua những tổn thất. Sau những ngày rực lửa, bây giờ hậu cứ cũng là mặt trận bị kẻ địch phản kích, trả đũa. Đêm đầu thu ở thị trấn Hòa Đa, mảnh trăng đầu núi Đá Chát đỏ như máu. Người dân dường như cũng chẳng còn dám nghĩ đến Tết Trung thu nữa khi mà sau Mậu Thân, địch lập chi khu quân sự để phong tỏa người dân cách mạng toàn huyện Hòa Đa. Chi khu với 400 lính của đại đội bảo an, dân vệ, được trang bị các loại vũ khí 106,7mm, 81, 60mm, lô cốt nhiều tầng, hàng rào 5 tầng và bãi mìn dày đặc. Chi khu án ngữ đường số 1, hòng đập tan các cuộc cơ động tấn công của bộ đội ta và ngăn chặn tuyến hậu cần của ta từ rừng núi miền Đông về đồng bằng Bình Thuận. Chi khu phối hợp hành quân càn quét với Trung đoàn 44, Sư đoàn 23 ngụy, một sư đoàn thiện chiến ở vùng 2 chiến thuật, rải quân từ Tây Nguyên về miền duyên hải.

Ông Mạc Tấn Mùi (trái) là lính dân vệ ở chi khu Hòa Đa sau 42 năm mới biết ông Phạm Văn Hợp (phải) là “ân nhân” của mình. Ảnh: Quốc Hưng.

Đã 42 năm trôi qua, ông Mạc Tấn Mùi ở thôn Bình Lễ, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình vẫn chưa hết ngỡ ngàng với những gì xảy ra vào mùa thu năm ấy. Ngày đó, ông Mùi bị bắt đi lính dân vệ, vào chi khu Hòa Đa, chỉ cách nhà chừng một cây số. Trong chi khu, mìn bố trí dày đặc. Cứ 15 - 20 phút, pháo sáng lại được bắn lên một lần đề phòng Việt Cộng đột nhập. Lính trong chi khu còn thực hiện đánh kẻng luân phiên giữa các ca gác để phòng bỏ gác. Ngay cạnh chi khu là ấp chiến lược Thọ Thủy, là “tai mắt” của chi khu với nhiều thám báo nằm vùng, sẵn sàng mật báo mọi động tĩnh. Với bố phòng như thế, ông Mùi và cánh lính luôn được cấp trên uý lạo “Việt Cộng đừng hòng bén mảng”.  

Đêm 23-8-1968, chuẩn bị tới Tết Trung thu, nhiều đám lính la cà tổ tôm hoặc lè nhè bên chai rượu đế. 9 giờ, kèn đi ngủ vang lên. Mùi chui vào hầm. Đêm miền Nam Trung Bộ lộng gió mát lạnh, giấc ngủ đến với họ rất nhanh và sâu.

12 giờ đêm. Cả chi khu bỗng rung lên bần bật bởi những tiếng “uỳnh, uỳnh” dữ dội. Bên ngoài, điện phụt tắt. Chỉ còn những chớp lửa nhoang nhoáng. Không gian khét lẹt mùi thuốc nổ TNT xen lẫn tiếng những tiếng kêu rên như xé của quân lính bị thương. Không hề có một mệnh lệnh nào từ cấp trên. “Chết rồi! Việt Cộng đánh!”. Tiếng một chiến hữu hốt hoảng. “Không có tiếng AK! Chắc là pháo kích thôi! Xuống hầm mau”. Một gã khác có kinh nghiệm hơn nói. Cả toán chen lấn nhau lao xuống hầm, chúi vào mọi ngóc ngách.

Trên nóc hầm, những bước chân thình thịch. Ánh đèn pin loang loáng. Mùi kinh hoàng hé mắt nhìn ra. Trời ơi! Toàn những người cởi trần, đen thui, tay lăm lăm AK báng gấp. Tiếng một người quát to, giọng miền Bắc:

- Còn nhiều thằng trong hầm! Cho chúng một quả thủ pháo đi!

Một quả thủ pháo thì tất cả có mà tan xương nát thịt. Mùi cùng cả hầm lóp ngóp bò ra, quỳ lạy như tế sao:

- Các ông ơi! Tha cho chúng con! Chúng con xin hàng! Xin hàng!

Cả bọn đã bò lên miệng hầm, quỳ rạp dưới chân những người lính Việt Cộng trẻ măng. Nhìn dáng đứng hiên ngang của họ, Mùi nhanh chóng hiểu ra họ đã chiếm toàn bộ chi khu rồi. Ghé mắt nhìn quanh, cả chi khu ngổn ngang xác chết. Khẩu đại pháo 106,7mm cạnh công sự cũng bị đánh hỏng, gục nòng nằm thảm hại. Trời ơi! Thế mà cấp trên bảo Việt Cộng không thể tấn công?

- Tha cái gì! Mang chúng nó chỉ nặng nợ. Giết hết chúng đi! Lại một tiếng người quát to. Đó là một người lính bị thương vào mắt, đang đau đớn lên có phần thiếu kiềm chế, lên nòng khẩu AK đánh “roạt”:

- Không được bắn! Phải thực hiện đúng chính sách với tù binh! Tiếng một người, ra dáng là chỉ huy chạy lại, gạt tay người lính nọ.

Nhờ sự can thiệp đó, ông Mùi và 11 tay súng khác mới thoát chết, bị bắt làm tù binh. Ít lâu sau, cả 12 người được trao trả. Ngày trở về, ông mới bàng hoàng biết được một phần sự thật: Đêm ấy, đã có 300 lính bị tiêu diệt, 24 tên bị bắt sống, chỉ còn vài chục người sống sót; hàng trăm khẩu súng bị mất, pháo, cối, xe cộ bị phá hủy gần hết. Nhà quận trưởng Hòa Đa cũng bị đánh sập, may mà bữa đó ổng đi nhậu không về….

100 thắng 500

Điều khiến Mùi bất ngờ nhất là 24 người trở về chẳng được một lời chào đón, động viên mà lập tức bị tống vô boong-ke. Họ bị tra khảo, đánh đập dữ dội vì bị nghi làm “nội gián” cho Việt Cộng. Nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại: “Lực lượng Việt Cộng đánh vào chi khu bao nhiêu người? Thuộc đơn vị nào?”. Hỏi chán không được, cấp trên ước đoán: Một là bị pháo kích, hai là pháo kích kết hợp tập kích, lực lượng tham gia phải cỡ… một trung đoàn”(?!).

“Chúng tui bị đánh đau quá, đành nhận bừa là “nội gián”. Nhưng bao nhiêu người đánh Hòa Đa đêm ấy, thuộc đơn vị nào thì tui chịu. Đến giờ cũng hổng biết?” – ông Mùi thật thà kể lại sau 42 năm.

Mấy ngày hôm sau, từ Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân đã có bài viết đưa tin về trận thắng Hòa Đa, gây nức lòng quân và dân cả nước. Bài báo có đoạn nói về đồng chí H. tham mưu trưởng một tiểu đoàn đã chỉ huy mũi tiến công chủ yếu đã lập công xuất sắc.

Dự án công nghiệp mọc lên cạnh lô cốt tiền tiêu của chi khu Hòa Đa năm xưa.

“Đồng chí H.” trong bài báo năm xưa hôm nay trở lại Hòa Đa. Ông tên thật là Phạm Văn Hợp, nguyên Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 200c. Ông cho biết, Báo Quân đội nhân dân không chỉ không nói rõ tên ông mà phiên hiệu tiểu đoàn cũng không tiết lộ. Bởi lúc đó, 200c còn là một ẩn số với kẻ thù, một “lưỡi gươm thần chiến lược” của những người cầm quân ở Khu 6.

Thật ra không có nội gián như Quân đội Sài Gòn lầm tưởng, chỉ có một Tiểu đoàn 200c mà thôi, một tiểu đoàn “mới tinh” vừa đặt chân tới Bình Thuận chừng một tháng và trận Hòa Đa là trận đầu tiên họ ra quân. Tiểu đoàn 200c đã trinh sát điều nghiên chi khu trong hệ thống dày đặc mật thám, thám báo ở một chi khu bố phòng rất kiên cố. Các trinh sát bò qua nhiều lớp rào vào trong đồn để nắm vững bố phòng, lập sa bàn, tính toán kỹ cách đánh, sờ đếm từng khẩu pháo, lô cốt rồi lên một kế hoạch mật tập. Trận Hòa Đa, Tiểu đoàn 200c chỉ cử hơn 100 người tham gia, chia làm 3 mũi, trang bị thủ pháo, lựu đạn, B40, B41 và một khẩu ĐKZ75. Số vũ khí này so với chi khu Hòa Đa thì chỉ là “con tép”. Thế nhưng, họ đã “xơi gọn” cả chi khu hùng mạnh.

Đêm 23-8, 3 mũi tiến công gồm hơn 100 bộ đội đặc công mình trần, chỉ mặc xà lỏn, mang vũ khí gọn nhẹ lặng lẽ tiếp cận, áp sát 5 lớp hàng rào. Chỉ sau 40 phút, họ đã cắt rào, gỡ mìn cả 5 lớp. Mũi 1 do đồng chí Hợp chỉ huy đã lao lên đánh quả bộc phá ống 15kg C4 vào lô cốt mẹ thay cho mật hiệu mở màn trận đánh. ĐKZ, B40, B41 lập tức bắn phá các lô cốt còn lại. Bộ đội từ các hướng mũi xông tới dùng thủ pháo đánh các mục tiêu. Không một tiếng súng AK phải nổ. Địch trở tay không kịp khi đang ngủ say. Mũi ông Hợp chỉ huy còn đột nhập cả nhà quận trưởng, đánh quả thủ pháo 1kg. Ông Hợp bữa ấy mang 5 thủ pháo, đánh hết lại quay ra, lấy tiếp 5 quả nữa từ đồng đội. Lúc chạy tới đoạn hào có tù binh, ông đã hết sạch thủ pháo, thấy vẫn còn 3 chiếc xe GMC mới toanh, ông “điên” lắm. Phải phá hủy tối đa phương tiện gây tội ác của chúng. Ông nhanh trí rút súng K54, táng luôn mấy phát phá hủy đầu máy. Nghe tiếng nổ, từ gầm xe, bỗng dưng một tên lính lóp ngóp chui ra vái lạy, xin hàng, xin đừng bắn. Ông lại bắt thêm một tù binh.

Ông cũng chính là người chỉ huy đã ra lệnh bắt sống 12 tù binh, trong đó có ông Mùi (xem thêm bài Gặp lại “ân nhân” ở bên kia chiến tuyến – Báo QĐND Cuối tuần số 748 ra ngày 2-5-2010). Khi một chiến sĩ bị thương nổi xung đòi giết hết 12 tên lính, ông Hợp đã ngăn chặn. “Lúc đó, tôi hành động thế nào cũng được. Với nhiệm vụ cấp trên giao, trận đầu ra quân, 200c chỉ cần thắng lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, gây thanh thế. Chiến thuật đặc công thường là “đánh nhanh, rút gọn”, thường ít có chuyện bắt tù binh để bảo đảm cơ động, an toàn trên đường rút quân. Bắt tù binh sẽ rất nguy hiểm. Đây là tình huống không có trong quyết tâm chiến đấu ban đầu. Lúc tôi lệnh rồi, mới phát sinh thêm việc không có dây trói tù binh. Tôi nhìn quanh, thấy màn ngủ địch còn chăng tứ tung, lệnh cho anh em cắt màn, trói chúng giải về” – ông Hợp kể tiếp.

Với việc bắt sống 24 tù binh là điều hiếm có trong chiến thuật đặc công, lại càng hiếm có với một đơn vị ra quân trận đầu như 200c. Chiến tích đã vượt quá sự mong đợi của cấp trên, làm nức lòng quân dân Nam Trung Bộ, như khúc hùng ca mới được tấu lên sau những nốt trầm tổn thất! Ra quân trận đầu, tiểu đoàn đã được tặng huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất!

Trở lại nơi chiến thắng trận đầu, chi khu Hòa Đa, nay là xã Phan Rí và khu vực thị trấn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, ông Hợp và những người đồng đội không còn nhận ra dấu vết đồn bốt năm nào. Những nơi có lô cốt, nhà âm, nhà lính, hầm ngầm ngày xưa nay là trường học, khu dân cư, chợ mọc lên sầm uất. Một dự án công nghiệp với hàng rào quây ngay cạnh lô-cốt tiền tiêu vẫn còn đó. Những người lính đặc công 200c đi trong ánh nắng chói chang giữa hạ lòng họ nhẹ nhàng trước những đổi thay, phát triển. Càng nhẹ lòng hơn khi ngay cả những người bên kia chiến tuyến, 12 tù binh ấy bây giờ còn sống đều được khoan hồng, làm ăn yên ấm, như ông Mùi vẫn ở lại lập nghiệp cạnh chi khu năm nào, nay con cái đều trưởng thành, đều là cán bộ Nhà nước. Duy chỉ có một điều khiến họ trăn trở: 5 liệt sĩ hy sinh đêm ấy, đã tìm được 4 người, mang về cứ, chỉ còn anh Năng, tìm hoài không thấy. Không biết sau này địch có phát hiện mang anh đi đâu hay anh vẫn nằm lại trên những quả đồi giờ bát ngát thanh long này?

“Năng ơi! Em ở đâu?”. Ông Hợp khẽ gọi và nhìn lên núi Đá Chát. Núi xanh thẫm trên nền trời xanh như rút ruột mà xanh, xanh đến nao lòng…

Ký sự của NGUYỄN VĂN MINH