Bộ đội đoàn công binh H39 chuyển hàng cứu trợ đến nhân dân vùng lũ.

6 giờ sáng ngày 9-10, chúng tôi đến ngã ba Dốc Trầu - lúc này được coi là “cao điểm” của thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa còn “nổi” trên nước lũ. Trời chưa sáng rõ, từng đoàn người chờ được cứu trợ và nhận hàng cứu trợ của các xã đã chật kín trụ sở của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện Thạch Thành… Từ đây, để vào được các xã trong vùng ngập lụt, chúng tôi phải bám theo những chiếc thuyền cứu hộ của đoàn công binh H39, hoặc lội bộ trong lớp bùn dày tới nửa mét …

Tan hoang “vựa mía”

Thạch Thành từ nhiều năm nay vốn được coi là “vựa mía” của tỉnh Thanh Hóa với hơn 10.000ha, lẽ ra thời điểm này người nông dân đang chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch. Thế mà…!!!

Trên đường đến Thạch Thành, nhìn ra hai bên đường, dọc theo hai bên bờ sông Bưởi, chúng tôi chỉ thấy những bãi mía ngổn ngang, sơn đỏ màu của đất. Ngay cả những cây mía, được người dân xót của tận thu, bầy bán dọc đường cũng không còn được nguyên vẹn, đều gẫy ngang thân. Đồng chí Bùi Trọng Liên, Bí thư huyện ủy Thạch Thành đau xót cho chúng tôi biết: “Chỉ trong đêm 5-10, nước lũ sông Bưởi đã vượt qua mặt đê, phá vỡ nhiều đoạn đê xung yếu, làm 22/28 xã, thị trấn của huyện Thạch Thành chìm trong biển nước. Đến sáng ngày hôm nay (9-10) vẫn còn 6 xã và thị trấn bị cô lập là: Thành Tiến, Thành Kim, Thành Hưng, Thạch Tân, Thạch Định và thị trấn Kim Tân. Người dân Thạch Thành trồng mía là chủ yếu, nhưng giống mía không chịu được nước, chỉ cần ngâm một ngày đã khó sống nổi. Đợt lụt này đã làm nông dân Thạch Thành trắng tay rồi!”.

Từ ngã ba Dốc Trầu, chúng tôi theo chân những cán bộ, chiến sĩ Đoàn công binh H39 (Binh chủng Công binh) đến xã Thành Kim. Trước khi lên đường, Đoàn đã tiếp nhận hơn 200 thùng mì tôm để chuyển đến cứu trợ cho người dân ở đây. Chuyển từng thùng mì tôm lên chiếc xe Zin 131, chị Phùng Thị Tuyển, chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Mấy ngày rồi, chị đều phải túc trực ở đây để nhận hàng cứu trợ về cho thôn, nhận xong lại giao lại cho các đơn vị bộ đội để nhờ các anh đưa về từng xóm. Chị nhẩm tính từ ngày 6-10 đến nay, thôn đã nhận được 28.000 gói mì tôm, 50 thùng lương khô, 50 thùng nước uống… Cả xã có 6.570 nhân khẩu thì có tới hơn 4.000 người phải nhận cứu trợ”.

Từ cầu Lâm Trường, lương thực được chuyển từ ô tô xuống hai chiếc xuồng VSN 1.500 của Đoàn công binh H39 để vận chuyển theo đường sông Bưởi. Trên đường đi, thỉnh thoảng lại có những người dân dùng loa tay, gọi đoàn cứu trợ để xin lương thực, mỗi lần như vậy, tàu lại cập sát mép đê chuyển nước uống, mì tôm lên. Nhận thùng mì tôm từ tay đại tá Dương Đức Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh, chị Lê Thanh Loan ở thôn La Thạch, xã Thạch Định nghẹn ngào: “Từ hôm nước lũ về đến giờ, nhà em hoàn toàn bị cô lập. Đã hơn hai ngày rồi, nhà em không nhận được hàng cứu trợ, thức ăn duy nhất là những con cá đánh bắt được trên sông”. Còn nước uống, chị Loan chỉ tay xuống dòng nước sông đục ngầu: “Khát thì phải uống thôi chứ biết làm sao được!”.

Điểm đến của đoàn cứu trợ là xóm 4, thôn Tân Sơn, xã Thành Kim – nơi thiệt hại nặng nề nhất do tuyến đê chính của sông Bưởi ở đây bị vỡ. 103 gia đình trong xóm, giờ đã thành 103 túp lều tạm trên đê. Gọi là túp lều, nhưng kỳ thực chỉ là những manh chiếu trải thẳng xuống nền đê, ngấm nước thâm xì, phía trên được che chắn bằng tất cả những gì có thể, từ bìa giấy, túi ni – lon, mảnh vải rách…

Từ trên đê, nhìn vào trong xóm, bất giác chúng tôi ai cũng rùng mình. Nhà cửa, cây cối đổ ngổn ngang. Đường làng, ngõ xóm đặc quánh bùn đất, xác xúc vật có đủ: trâu, bò, lợn, gà… chết nổi lềnh phềnh khắp nơi, bốc mùi thối khẳm. Lúc này, mực nước trong xóm chỉ còn khoảng gần 1 mét, nhiều người dân đã tìm cách trở về nhà để tìm kiếm những tài sản còn sót lại. Theo chân anh Phạm Cung, trưởng xóm 4, chúng tôi xắn cao quần, lội bì bõm vào trong xóm. Trên các đường làng, ngõ xóm, bùn kết lại, đặc quánh, dầy đến nửa mét. Gọi là về nhà “lấy thêm đồ”, nhưng sau hơn mười phút mò mẫm dưới lớp bùn, anh Cung cũng chỉ tìm được hai bộ quần áo và một chiếc nồi méo xệch…

Chính giữa xóm 4, là đoạn đê bị vỡ, dài gần 200m. 3 ngôi nhà nằm ngay sau đoạn đê vỡ giờ chỉ còn lại phần móng. Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Tiến - một trong 3 hộ dân này kể lại: “1 giờ sáng ngày 6-10, bỗng cả xóm rộn lên tiếng lợn kêu, chó sủa. Ngoài đê tiếng nước lũ chảy ùng ục. Hai cánh cửa nhà chợt đập vào nhau chan chát… Tôi lao ra sân, nước đã săm sắp, nhìn lên đê thì đã thấy nước tràn qua mặt đê. Tôi vội trở vào nhà, bế đứa con nhỏ 3 tuổi và giục vợ chạy gấp lên đê. Chưa kịp quay lại nhà chuyển tài sản thì nghe một tiếng ục lớn, đê đã nứt toác, nước tràn vào trong xóm cuồn cuộn, cao tới 5m”. Cũng lúc này, chúng tôi nghe tiếng khóc nghẹn ngào của vợ chồng anh Bẩy, chị Cảnh. Thì ra, khi vỡ đê, anh Bẩy đã bị nước cuốn trôi, sau hơn 2 giờ lênh đênh trong nước lũ, may mắn thay, anh Bẩy bám được vào cây vú sữa và hôm nay, khi nước rút, anh mới trở về được với gia đình.

Khi biết có bộ đội chở hàng về cứu trợ, cụ Hoàng Thị Yêng, 78 tuổi vẫn nhất quyết ra tận nơi, tận tay nhận thùng mì tôm và nước uống. Cụ Yêng nói trong niềm xúc động: “Nhìn thấy các anh Bộ đội Cụ Hồ, tôi mới biết mình còn sống. Trong đêm 5, rạng sáng ngày 6, cũng chính bộ đội đã đưa cả nhà tôi từ vùng lụt bão đến nơi an toàn, giờ lại chở hàng giúp chúng tôi khỏi chết đói”.

Vượt lũ dữ đến với dân

Cả ngày đi theo xuồng của đơn vị công binh H99 (Binh đoàn Quyết Thắng) mang lương thực, nước uống đến 5 xã còn bị ngập trong biển nước và đi phá các đoạn đê bị sạt lở cho nước trong đồng tràn ra ngoài sông, hầu như chỗ nào chúng tôi cũng gặp cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị quân đội đang nỗ lực hết mình giúp dân.

Bác Nguyễn Duy Tâm, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Thạch Thành vừa tất bật cùng bộ đội chuyển hàng, vừa kể: “Từ trước hôm lũ về, các anh bộ đội đã đến trực chống lũ với chúng tôi. Khi nước lũ dâng cao, các anh ấy đã cứu bao nhiêu gia đình thoát khỏi tay thần nước. Mấy ngày vừa rồi, nếu không có bộ đội cùng với những phương tiện tàu xuồng chở thực phẩm cứu trợ thì người dân ở vùng ngập sâu sẽ rất đói vì địa phương không có đủ tàu, thuyền để đi đến những vùng xa. Riêng hôm qua và sáng nay, bộ đội công binh đã chở vào xã tôi gần 2 vạn gói mì tôm rồi anh ạ!”.

9 giờ sáng ngày 9 – 10, chúng tôi theo 4 chiếc xuồng của đơn vị công binh H39 và H99 chở thực phẩm vào xã Thành Hưng. Mặc dù mực nước sông Bưởi đã rút gần 3,5 mét so với lúc đỉnh lũ nhưng dòng sông vẫn vô cùng hung dữ. Chiếc xuồng máy thỉnh thoảng lại bị nước xoáy làm chao đảo khiến chúng tôi nín thở, thót tim. Thượng sĩ Mạc Thanh Sơn lái chiếc xuồng của đơn vị H99 cứ luôn miệng nhắc mọi người bình tĩnh ngồi yên vị trí, nếu không thuyền sẽ bị lật. Để chúng tôi yên lòng, thiếu tá Đào Quốc Tuấn, chính trị viên phó phân đội 6, đơn vị H99, kể: “Hôm lũ mới về, đơn vị tôi thức trắng đêm, đi xuồng vào các xã vùng sâu cứu nạn và chở cán bộ đi nắm tình hình, làm công tác cứu trợ. Trời tối như mực và nước lũ hung dữ hơn nhiều hôm nay, cây rừng bị nước cuốn va vào thành xuồng huỳnh huỵch mà chúng tôi vẫn an toàn”.

Trung úy Bùi Ngọc Long trong đêm 6 – 10 đã lái ca nô cao tốc ngược dòng lũ dữ hơn 60km vào xã Thạch Lâm, cho biết: “Đêm hôm ấy, mãi gần 5 giờ sáng chúng tôi mới về tới bến vì qua chỗ nào cũng thấy bà con gọi đến cứu, chúng tôi phải đưa bà con tới các điểm cao lánh nạn xong mới tiếp tục đi”.

Hơn 12 giờ trưa ngày 9 – 10, đến đoạn đê bị nước lũ phá vỡ ở thôn 4 xã Thành Kim, chúng tôi gặp khoảng 40 cán bộ, chiến sĩ của hai đơn vị công binh đang hì hục dùng cuốc, xẻng, xà beng phá đê cho nước đồng thoát ra sông Bưởi. Quần áo bộ đội sũng mồ hôi và nước lũ. Ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn 4 đã bị nước lũ cuốn trôi cả nhà và tài sản nhưng vẫn làm cùng anh em bộ đội. Nói chuyện với chúng tôi, nước mắt ông rưng rưng: “Nhà tôi mất hết rồi, nhưng thấy bộ đội hết lòng vì dân nên tôi cũng đỡ phần nào đau khổ. Mấy ngày vừa rồi, các anh ấy cũng giống vợ chồng tôi, vừa đói rét, vừa quần áo ướt suốt ngày anh ạ!”.

Theo chúng tôi đến các vùng ngập nặng suốt cả ngày, lúc chia tay, thiếu tá Trần Đình Thế công tác ở Ban chỉ huy quân sự huyện Thạch Thành mới kể, nhà anh và nhiều đồng chí cán bộ cùng đơn vị cũng bị ngập lũ, nhưng từ ngày 3 – 10 đến giờ, các anh vẫn bám dân, chưa ai về nhà mình. Hai hôm nay, anh không liên lạc được với gia đình vì điện thoại hết pin.

4 giờ chiều ngày 9 – 10, tổ phóng viên chúng tôi từ rốn lũ Thạch Thành chạy sang huyện Thiệu Hóa, nơi nhiều xã vùng ngoài đê cũng bị thiệt hại lớn vì lũ. Tại vị trí tổ quân y của Viện vệ sinh phòng dịch Quân đội đang khám bệnh, cấp thuốc cho dân, bác Dương Thị Thuần ở thôn 8, xã Thiệu Dương nói với chúng tôi bằng giọng xúc động: “Khi lũ rút, dân chúng tôi không có nước để sinh hoạt, rất nhiều người bị lỏng lỵ, nhiễm trùng… May nhờ có các chú quân y đến tẩy trùng, cho thuốc, không thì bà con rất khó khăn”. Cùng lúc này, qua điện thoại trung tá Nguyễn Bá Hải cho chúng tôi biết, trong ngày 9-10 đã có 17 đội quân y các đơn vị tăng cường cho Thanh Hóa khắc phục hậu quả lũ lụt và phòng dịch, chữa bệnh cho dân sau lũ.

*

*   *

Hơn 20 giờ, rời vùng rốn lũ, nhóm phóng viên chúng tôi mới có dịp ngồi với nhau bên mâm cơm. Chẳng ai để ý đến bộ quân phục dã chiến được khoác lên người từ nhiều ngày nay, thấm đẫm nước, bùn và có thể đã bốc mùi chua loét. Toàn bộ suy nghĩ, tình cảm của chúng tôi lúc này là hình ảnh những người dân các xã vùng lũ mà chúng tôi vừa qua, mỗi người cũng chỉ có một bộ quần áo ướt nhoèn, rách te tua và bê bết đất bùn… Ngày mai, nhất định trong hành trang của chúng tôi đến vùng bão lũ sẽ có thêm những hộp sữa dành cho trẻ em.

Ngày hôm qua (9-10), cũng đúng là ngày mà Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa tròn 60 năm ngày thành lập. Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã quyết định không tổ chức lễ kỷ niệm, chuyển số tiền gần 300 triệu đồng dành cho buổi lễ cho việc khắc phục hậu quả lũ lụt.

Cũng trong ngày, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức quyên góp được gần 30 triệu đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt.

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, đến 14 giờ chiều ngày 9-10 đã có 18 người chết và mất tích, 20 người bị thương; 876 nhà dân bị đổ và cuốn trôi, hơn 8.400 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; hơn 60.000ha lúa, mía và hoa màu bị ngập; 150 cầu, cống bị hư hỏng; 49.000 tấn lương thực bị hư hỏng do ngập lụt… Tổng thiệt hại ước tính gần 1.000 tỷ đồng.

Phú Sơn, Huy Quang, Minh Trực