Một góc làng cá.

Nhá nhem tối. Đứa con lớn của ông Năm đẩy chiếc xuồng nhỏ nghếch mũi ra hướng lòng hồ. Trời đã bắt đầu ngớt mưa. Ông Năm ngồi trong nhà bè dặn với theo “Mày đi một mình nhé, được con nào thì được, nhớ về sớm cho đỡ cực”. Thằng Lớn “vâng” một tiếng gọn lỏn rồi lấy đà đẩy chiếc xuồng lao đi. Lực đẩy của nó làm ngôi nhà bè chung chiêng như muốn hất tôi xuống nước. Ông Năm sửa lại tấm chiếu cũ kỹ đang trải trên sàn, giục tôi ngồi dịch vào phía trong cho khỏi mưa tạt, rồi thở dài:

- Độ này cá hiếm lắm, phải đi giăng lưới, đặt câu vào ban đêm. Ban ngày cá nhìn thấy bóng người, ít dính lắm. Làm đắp đổi kiếm gạo sống qua ngày thôi.

Ông Năm không nhớ mình sinh năm nào, bởi cuộc đời ông chưa hề biết đến tấm chứng minh nhân dân (CMND) là gì. Ông kể: Cách đây hơn 20 năm, ông theo người thân từ biên giới Tây–Nam di cư về lòng hồ Trị An tìm cơ hội lập nghiệp. Đoàn người di cư sắm những chiếc xuồng nhỏ và dụng cụ đánh bắt, hằng ngày lênh đênh sóng nước tìm kế sinh nhai. Một thời gian sau họ phát triển thêm nghề nuôi cá bống tượng đóng bè. Mấy chiếc thùng phuy quây lại làm bè đỡ, lấy cây rừng kết lại làm sàn và dựng cột, vài tấm tôn hoặc vải bạt lợp lên... thế là có được một căn nhà nổi. Thấm thoắt thế mà đã mấy thế hệ. Bây giờ cái làng cá ở lòng hồ này (thuộc ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã có ngót trăm gia đình với khoảng 400 nhân khẩu. Ngoài những hộ từ biên giới Tây – Nam trở về như ông Năm, còn một bộ phận đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Dù xuất thân khác nhau nhưng người của làng cá này đều có điểm chung “3 không”: Không tài sản, không học vấn và không hộ khẩu. Không chỉ những người lớn tuổi đã nhỡ thời, mà ngay lứa trẻ của làng cũng rất ít đứa được học hành. Sinh ra trên mặt hồ, lớn lên từ lòng hồ nên đứa nào đứa nấy cứ đen nhẻm, da, tóc săn lại, bơi lặn như những con rái cá. Nhưng đụng đến cái chữ thì tắc tị. Thế nên từ đời cha cho đến đời con đều không thể tìm kế xoay vần sao cho thoát khỏi cuộc sống lênh đênh trong khoang thuyền chật hẹp. Người nơi khác đến làng cá không khỏi chạnh lòng khi những đứa trẻ lên hai, lên ba, lên bốn... trần trùng trục như những củ khoai, đùa nghịch trên những khoang thuyền, bè, mà không có bất cứ phương tiện bảo đảm an toàn nào. Nói dại, nhỡ khi bố mẹ sơ sểnh, chúng lăn tòm xuống nước thì không biết điều gì sẽ xảy ra. - “Hổng sao hết. Tụi nhỏ sống vầy hoài mà từ xưa đến nay có đứa nào bị chết đuối đâu”. Chị Lý, một phụ nữ có con nhỏ hồn nhiên nói với như vậy. Con cái lớn lên dựng vợ, gả chồng rồi cho ra ở riêng, lại vẫn tiếp tục đóng bè làm nơi ở và lặn ngụp mưu sinh.

Vợ chồng ông Năm có 3 đứa con, chỉ học xong tiểu học rồi nối gót cha ngụp lặn, đánh bắt. Nhưng cá tôm đâu phải là nguồn thu vô tận. Nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ ngày càng cạn kiệt. Nghề nuôi cá bè đòi hỏi phải có vốn lẫn kỹ thuật, mà người của làng cả 2 thứ ấy đều không có nên rất khó thành công. Kiếp sống dựa vào lòng hồ làm cho họ vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm. Tôi để ý trong cái gọi là “căn nhà” của ông Năm, chẳng có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc cát sét cũ kỹ phát ra âm thanh ọ ẹ và mấy cái xoong, nồi treo bên vách, cùng chục bát đĩa đã ngả màu phù sa. Các hộ gia đình khác cũng không khá hơn. Cả làng không ai có đời sống khá giả. Vì nếu khá giả thì người ta đã tìm cơ hội đổi đời nơi lòng hồ này rồi. Ngay như gia đình ông tổ trưởng khu dân cư làng cá Lê Thanh Hồ, trong nhà cũng chỉ có chiếc ti vi đen trắng. Lê Thị Thanh Thảo, con gái của ông, năm nay bước vào tuổi thiếu nữ. Thảo xinh xắn và giàu mơ ước, nhưng khi nhắc đến tương lai thì ánh mắt cô bé chợt đượm buồn nhìn xuống khoang thuyền rồi lại nhìn vào mấy tấm lưới đánh cá. Cái nghĩ của cháu có thể đang mơ về một khoảng trời nào đó. Nhưng cuộc sống hiện tại và trình độ văn hóa mới ở mức biết đọc, biết viết, dường như không đưa nổi tầm nhìn của cháu ra khỏi lòng hồ, dù với sức của cháu, chỉ cần mấy sải tay là đã có thể bơi vào bờ...

Buổi hoàng hôn, làng bè buồn hiu hắt. Những chiếc xuồng cất những mẻ lưới nhẹ hều, thi thoảng mới có dăm ba con cá nhỏ dính lưới. Một ngày tất bật mỗi người cũng chỉ kiếm độ vài ba chục ngàn đồng. Cá tôm đánh bắt được đem lên bờ bán xong, lấy tiền đong gạo là... hết.

Ông Năm bày mâm cơm tối ra giữa sàn bè. Dân đánh cá mà bữa cơm chỉ có bát canh rau và đĩa cá nhỏ kho mặn đét. - “Thế này mãi nó cũng quen rồi. Tụi tui cũng muốn đổi đời lắm, hiềm một nỗi không đủ thủ tục để vay vốn ngân hàng” – ông nói. Theo ông Đoàn Ngọc Vinh, trưởng ấp 4, xã Mã Đà: Do cuộc sống nhập cư tự do nên cho đến nay, các nhân khẩu của làng cá này đa số không có giấy khai sinh, không có CMND. Việc học hành của con em rất khó khăn, vì muốn học đến cấp 2 phải ra thị trấn Mã Đà cách xa cả chục cây số, phương tiện đâu mà đi. Vả lại, lớn lên là phải bước vào cuộc lam lũ, mấy ai nghĩ đến chuyện học hành. Thế nên làng còn rất nhiều người mù chữ, kể cả trẻ em. Xóa mù xong lại tái mù. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần hỗ trợ các hộ gia đình phát triển nuôi cá bè, nhưng ngặt một nỗi không khai thông được thủ tục, vì chẳng có điều khoản nào trong ngành ngân hàng qui định cho những người không hộ khẩu, không CMND vay vốn.

Ông Lê Thanh Hồ kể: Ông rất thích bộ phim “Lời nguyền của dòng sông” đã chiếu trên truyền hình. Phim nói về thân phận hẩm hiu, bất hạnh của những người sống trên một dòng sông. Rồi ông ví von: Ngư dân làng cá (thời... hết cá) này, gắn với cái nghèo suốt đời này qua đời khác, giống như một “lời nguyền” từ lòng hồ này vậy.

Chẳng biết sự ví von ấy có bao nhiêu phần trăm sự thật. Nhưng có một sự thật bên cạnh sự thật nghèo khó của ngư dân làng cá, đó là sự có mặt ngày càng nhiều những chiếc “nhà nổi” của làng, đã và đang làm cho môi trường lòng hồ Trị An thêm ô nhiễm, nhếch nhác. Họ ăn nước từ lòng hồ nhưng cũng trút luôn mọi chất thải xuống hồ. Theo trưởng ấp Đoàn Ngọc Vinh, phương án giải tỏa, di dời các hộ dân sống bám vào lòng hồ Trị An ở khu vực này đã được chính quyền xã, huyện trình lên UBND tỉnh. Tuy nhiên, cái khó nhất là bài toán bảo đảm công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống cho dân sau di dời như thế nào thì đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải...

Phóng sự của PHAN TÙNG SƠN