Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngay từ nhỏ, ông Linh đã mê mẩn với những bài ca cổ, các vở diễn. “Đến năm 1968, tôi được tham gia biểu diễn chuyên nghiệp trong Đoàn Văn công An Giang.
Ban đầu tôi chỉ biết ca, rồi từ từ làm quen với các loại nhạc cụ. Tôi mê tiếng đàn dữ lắm, đến mức quên ăn quên ngủ, hễ rảnh lúc nào là tôi cùng anh em trong đoàn ôm cây đàn để trao đổi, chia sẻ với nhau từng nhịp điệu. Bởi số lượng diễn viên trong đoàn rất ít nên anh em phải biết hát, biết diễn, biết đàn”, ông Linh nhớ lại.
 |
Cựu chiến binh Đặng Hoàng Linh và vợ là Nghệ sĩ ưu tú Phương Hồng Thắm luyện tập các bài cổ của đờn ca tài tử. |
Những ngày trước Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, địch tăng cường dồn dân, lập ấp chiến lược và tìm cách bắt, giết những người theo cách mạng. Vừa đảm nhận nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, sát cánh cùng bộ đội để vận chuyển vũ khí, lương thực và cứu chữa thương binh, Đoàn Văn công An Giang còn nhận thêm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng.
Chính vì thế, đoàn phải bí mật tổ chức biểu diễn và dùng lời ca, điệu nhạc, thông qua các vở cải lương khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, thức tỉnh nhân dân ủng hộ cách mạng, đứng lên đấu tranh chống quân thù. Điển hình nhất là vở diễn “Tô thuốc giải độc” của tác giả Trần Ngọc, nội dung tố cáo âm mưu, tội ác chống phá, bình định, lôi kéo dân của Mỹ-ngụy; đồng thời vận động bà con đi theo cách mạng, ủng hộ, tiếp tế lương thực cho bộ đội...
Nhớ lại những lần biểu diễn tại các chiến hào, ông Linh hào hứng kể: “Lúc đó, sân khấu chỉ là bộ ván đặt trên khoảnh đất trống hay những chiếc xuồng được kê sát nhau trong mùa nước nổi. Diễn viên biểu diễn không âm thanh, không ánh sáng, may lắm thì có chiếc đèn măng-xông hay đốt đuốc, khi máy bay địch xuất hiện, đèn được giấu vào công sự.
Để kịp thời động viên bộ đội, nhiều buổi, anh em diễn viên đã ra chiến hào để hát. Có lần đang diễn thì pháo địch bắn dữ dội, mảnh pháo bay vèo vèo, nhưng các diễn viên vẫn say mê hát, nhiều khi gặp tình huống, các diễn viên lại cầm súng chiến đấu”.
Được biết, hiện nay, CCB Đặng Hoàng Linh và vợ ông là Nghệ sĩ Ưu tú Phương Hồng Thắm đã mở lớp dạy đờn ca tài tử miễn phí tại nhà. Đây là những “chồi non” đầy tiềm năng của nghệ thuật đờn ca tài tử, được uốn nắn bởi những nghệ sĩ gạo cội.
Ngoài ra, với sự đam mê và lòng nhiệt huyết, ông còn góp phần xây dựng Đội văn nghệ của Hội CCB TP Long Xuyên tham gia giao lưu, biểu diễn ở khắp nơi. Đội bao gồm các cô chú là những diễn viên của Đoàn Văn công An Giang (nay là Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp An Giang) đã về hưu nhưng “máu văn nghệ” vẫn còn chảy mãi. Đây là những “người lính già vui vẻ” luôn mang lại những cảm xúc thăng hoa cho khán giả và cũng là dịp để các CCB gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ góp phần xây dựng đời sống tinh thần phong phú, vui-khỏe và có ích.
Bài và ảnh: HỮU TÀI