Vượt qua nửa đèo ở bình độ sáu trăm, tai chúng tôi bắt đầu ù đi, báo hiệu giảm áp suất vật lý ở một môi trường khác. Càng lên cao, dọc hai bên đường, quanh những khúc cua tay áo đột ngột trước mắt hiện lên màu vàng tươi của dã quỳ, đỏ sắc của đỗ quyên, hoa chuối rừng… liêng biêng vài bụm mây trắng như quyện cả dưới bánh chiếc Jolie cũ, làm nó ù ì hơn, nặng nề bò mãi mới đến được độ cao một nghìn mét. Xe quặt vào một bãi bằng to hơn cái chiếu đậu bên cạnh chiếc U-oát lấm bùn đất. Một người đàn ông có vóc dáng dong dỏng cao, nước da trắng, mái tóc muối tiêu ra đón chúng tôi. Đó là Trung tá QNCN Phạm Phi Quang, Trạm trưởng viba V65, Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc. Anh bảo, chào các anh đến với V65 Tản Viên, nhưng từ đây tới đỉnh còn đoạn xa nữa, chống chỉ định với “dép lào” nhé. Theo tay anh chỉ, thấp thoáng dưới đám chò nâu, chò chỉ hiện lên những bậc đá lởm chởm, 376 bậc, suy ra ba, bốn trăm mét nữa…

 Núi Ba Vì. Ảnh: dulichvtv.com

Những đầu gối lâu ngày không trèo non lội suối của chúng tôi như khuỵu xuống, nghe đám cơ căng hết cỡ bập vào từng bậc mà sợ trượt chân đập mặt vào những bậc đá thẳng đứng trước tầm nhìn. Nghe tiếng thở dội vào nhịp tim đập ào lên màng nhĩ mà mến phục công sức anh em bộ đội làm sao, còn như ngửi thấy cả mùi mồ hôi, mùi hơi thở của hàng người nối tay nhau làm dây chuyền từng viên gạch, đá, can nước, cân xi, cân cát, cân sỏi để xây nên từng bậc đá, xây nên những căn nhà trên đỉnh núi hơn ngàn mét này. Trung tá Phạm Phi Quang đi trước tôi hai, ba bậc, như có ý chờ. Anh bảo, thế mà ngày trước chưa xây bể tích nước mưa ba chục khối như bây giờ, vào mùa đông, anh em thiếu nước, chúng tôi mỗi người thay nhau xuống dưới trạm kiểm lâm xin từng can nước rồi gùi lên phục vụ ăn uống, lau chùi, vệ sinh máy móc, còn cái khoản tắm giặt coi như… nhờ giời cả!

Cơ ngơi trạm đã hiện ra sau mấy khúc gập. Lên đến sân, dường như không khí trở nên khác hẳn, từng đợt gió man mát ùa đến làm ngơi đi cái mệt. Chúng tôi mải mê đi quanh cái khoảnh sống nho nhỏ, thiết kế khá hiện đại, vừa là nơi làm việc, vừa để nghỉ ngơi của anh em. Trung tá Lê Ngọc Phương, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 134 nói nhỏ: Lữ đoàn 134 chúng tôi quản lý cả miền Bắc, từ Bắc Hải Vân trở ra. Ngày trước, hệ thống thông tin liên lạc của ta còn lạc hậu, nên các trạm vi ba, trạm chuyển tiếp như thế này còn nhiều, nhưng bây giờ ít hơn vì một trạm có thể đảm nhiệm khoảng cách hàng trăm ki-lô-mét! Trạm V65 này có chức năng làm trạm chuyển tiếp và vu hồi, tiếp sóng cả hướng Điện Biên, Sơn La… Tôi đặt câu hỏi cho Trạm trưởng Phạm Phi Quang: Sóng vi ba còn gọi là sóng siêu cao tần, sóng ngắn công suất cao (dải sóng cực nhỏ) và có khả năng đâm xuyên cao, ảnh hưởng nhiều tới cơ thể như đường sinh sản, tim mạch... Ở khu phố tôi có bác nguyên là chiến sĩ thông tin kể có lấy con chuột treo trước cánh sóng ra-đa, một lúc sau con chuột bị ngất đấy… Trung tá Phạm Phi Quang bảo: Nguyên tắc là thế, nhưng bây giờ trang thiết bị hiện đại rồi, khả năng ảnh hưởng rất thấp. Tôi sinh hai cháu đều khỏe mạnh, học hành giỏi giang nên không lo lắng gì hết!

Những chủ nhà V65 nói đùa: "Chúng tớ là những người cô đơn nhất Thủ đô”. Cô đơn vì cái sự đi lại, ăn uống nhiêu khê vất vả, thời tiết khắc nghiệt nên chẳng ai dám đưa người yêu, vợ con lên trên này để… ngắm cảnh! Như Trạm trưởng, ba mươi mốt năm trong quân ngũ, có vợ và hai con ở quê nhà Phúc Thọ, Hà Nội cách trạm hơn 40km. Đảm nhiệm Trạm trưởng V65 từ 2006 đến nay, cái sự đi về “tranh thủ” của anh và đồng đội đếm trên đầu ngón tay, bởi vì cái nghề đặc biệt này không có lúc nào là hết việc. Một ngày phải chia nhau làm ba ca trực,  chưa tính trực tăng cường vào ngày nghỉ, lễ, Tết. Thượng úy Phạm Ngọc Thuấn tiếp lời: Em cũng mười mấy năm chưa được ăn Tết cùng gia đình anh ạ! Những khi trời trong, nhìn xuống làng quê ngay trước mặt cũng thấy nao nao trong lòng, nhưng cũng phải cố gắng thôi. Đặc thù công việc mà… Trên khuôn mặt trẻ măng, đôi mắt sáng, lấp lánh sự vô tư của tuổi mới lớn, chiến sĩ Bùi Hữu Sơn thủ thỉ: Lên đây rất sợ sấm sét, anh xem xung quanh trạm toàn cột thu lôi. Vào mùa mưa bão, nhất là ban đêm mưa to gió lớn, sấm chớp đánh xuống sáng cả một vùng. Có đêm em không chợp mắt nổi… dù biết mình lo vu vơ thế thôi, chứ cũng tin tưởng vào thiết kế của trạm chứ ạ! Giọng nói hiền hiền, thoáng cái đã thấy đôi tai anh chàng đỏ tía, bối rối. Hóa ra anh chàng nhìn thấy “bác trạm trưởng” đang đi tới. Sơn tinh quái nháy mắt, vừa hạ giọng: Anh đừng nói bác biết em sợ sấm chớp nhé. Bác với chú Thuấn cười chết, lại bảo em là bộ đội trẻ con… Nói xong Sơn xin phép đi nấu cơm, tôi cứ nhìn theo cái dáng nho nhỏ, hơi tất bật của em mà thấy nao nao, chắc là bữa cơm ấy cũng chỉ đơn giản là mấy miếng thịt, miếng đậu trữ trong tủ lạnh từ mấy bữa trước, đĩa rau hái vườn nhà thôi. Sơn ra vẻ cáng đáng thế cho có không khí gia đình, dầu mỗi bữa quay đi quay lại cũng chỉ một đợi già, hai trẻ… Tôi đã gặp rất nhiều khuôn mặt, trạc tuổi họ, vào quân ngũ và chấp nhận những hoàn cảnh sống tách biệt, gian khổ, đối mặt với những nỗi hiểm nguy, nỗi cô đơn, sợ hãi trên rừng, dưới biển mà khi chăn êm đệm ấm với gia đình ít ai hình dung nổi. Nhưng họ vẫn kiên gan, chưa thấy mấy ai nản lòng. Thật, mới thấy ý chí họ đáng trân trọng làm sao!

Đến lúc chia tay anh em, chúng tôi chụp kiểu ảnh kỷ niệm. Phóng mắt nhìn xa, dưới kia hun hút những mái nhà thành chòm xanh đỏ, mướt mát cánh đồng, ao hồ. Con sông Đà uốn lượn như một dải khăn lạ, sáng rỡ trong nắng sớm bọc một bên dãy núi Ba Vì. Quanh ngọn núi cao đến 1.226m này còn có các dãy núi khác quây quần lại (gọi là núi chầu Thiếu Sơn) như: Đông Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Hoàng Liên Sơn, Sông Đà, Tam Đảo và Trường Sơn. Chạy theo các chân núi chầu là các dòng sông tụ: Sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, sông Đà, sông Thao gặp nhau ở Việt Trì rồi tỏa xuống, đưa nước vào nuôi sống cả Đồng bằng Bắc Bộ...

Chia tay những người lính vi ba trên đỉnh Trấn Sơn cao ngàn mét, chúng tôi vẫn mường tượng những khuôn mặt cương trực, biết vượt khó trăm bề để hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững mạch máu thông tin một vùng châu thổ…

Bút ký của LÝ HỮU LƯƠNG