CCB Phan Nhạn, nguyên máy trưởng tàu 41 hiện sống bằng nghề thợ may ở Nha Trang,  tỉnh Khánh Hoà

QĐND Online - Vào một đêm giữa tháng 11-1966, con tàu sắt mang ký hiệu 41, trọng tải 100 tấn chở đầy vũ khí xuất phát từ Hải Phòng bí mật trực chỉ hướng Nam. Sau gần nửa tháng hành quân, nửa đêm 27-11-1966, lợi dụng lúc sóng to gió lớn, tàu đã cắt vào một bãi ngang thuộc xã Phổ An (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Thả xong 2/3 số hàng thì trời sáng, cũng là lúc chân vịt tàu bị va vào đá ngầm cong quẹo, không cơ động xa được. Hai tàu khu trục địch đã phát hiện ra ta nên cứ bám riết, mỗi lúc tiến lại thêm gần. Giữ bí mật vị trí thả hàng và không để sa vào tay địch, chúng tôi quyết định chọn phương án hủy tàu. Anh em thủy thủ nhận lệnh phân tán bơi vào bờ. Tôi và máy trưởng Phan Nhạn ở lại tàu. Tôi hủy hết tài liệu, mang áo phao, buộc lá cờ Tổ quốc vào cổ, giắt khẩu súng ngắn vào thắt lưng, cố định tay lái ở 0 độ. Máy trưởng Nhạn chuẩn bị bộc phá sẵn sàng. Khối thuốc nổ 1.000kg sẽ tự động điểm hỏa sau 30 phút nữa. Anh mở kẹp chì. Hai người rời tàu. Con tàu đã được tăng tốc tự động phóng thẳng về hướng hai tàu địch đang lao tới… Khoảng 30 phút sau, một tiếng nổ như xé mặt biển. Một cơn sóng lớn hất tung tôi lên bờ. Các loại pháo từ tàu địch thi nhau trút đạn vào phía bờ. Tỉnh dậy, tôi tập hợp anh em thì thấy thiếu mất thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Văn Nhợ...

Tiếp theo là những ngày chúng tôi ở lại bến Phổ An để bàn giao vị trí thả hàng, tìm kiếm thi hài hai đồng chí hy sinh và chuẩn bị một số đồ dùng cần thiết cho chuyến vượt Trường Sơn ra Bắc. Đến đêm thứ năm, trong lúc đang mưa gió, một đồng chí giao liên địa phương đến đưa chúng tôi lên đường. Trời tối đen như mực, lộ trình đi theo lối cắt riêng, tránh đường mòn, không ngang làng xóm, băng qua những cánh đồng ruộng nước xã Phổ Khánh, vượt Quốc lộ 1 rồi theo đường số 7 lên Ba Tơ - Giá Vụt. Mỗi người mang theo một chiếc túi “bồn bột” đựng tấm ni-lon che mưa, chiếc võng xi-ta và một bộ quần áo dài cũng bằng vải xi-ta. Ruột nghé gạo choàng qua vai, lủng lẳng bên hông là ống lương khô và bi đông nước uống. Đôi dép cao su quá cỡ nhiều khi trượt chân, dép tuột lên tận ống quyển hoặc lún mắc lại trong bùn. Tất cả những thứ đó đều do cơ sở địa phương sắm vội. Mười lăm con người vốn chỉ quen vẫy vùng giữa sóng gió biển khơi bây giờ bám theo chân người dẫn đường lặng lẽ, âm thầm bước nhanh trong đêm tối ở một vùng quê lạ. Đêm đi, ban ngày giấu mình trong những bụi cây rậm, sau hai ngày chúng tôi tới được trạm thu dung của Cục Hậu cần Quân khu 5 đóng dưới một cánh rừng già bên bờ con sông Tranh. Ở đây, chúng tôi được bổ sung gạo, muối, lương khô. Trong lúc chờ giao liên đến dẫn đường, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi. Tôi ngả lưng trên chiếc sạp tre trong lán Trạm khách chập chờn lúc mơ lúc ngủ. Toàn thân đau ê ẩm, bàn chân phồng rộp, có chỗ rỉ nước sưng tấy. Tất cả anh em đều bị như thế cả. Ai cũng hiểu rằng, đây mới chỉ là bước đầu, những ngày sắp tới còn khó khăn, vất vả hơn nhiều và sẵn sàng đón nhận thử thách phía trước. Chi bộ họp ra nghị quyết lãnh đạo chuyến đi. Chính trị viên Đặng Văn Thanh xác định quyết tâm: “Toàn đội đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hành quân về đến miền Bắc đầy đủ quân số”. Mười lăm người được chia thành ba tổ. Ngoài số gạo, muối, lương khô được bổ sung ở Trạm bảo đảm đủ dùng trên cung đường qua khỏi địa bàn Quảng Ngãi, Quảng Nam, chúng tôi còn thiếu một số vật dụng cần thiết như thuốc men, nhất là thuốc sốt rét, thuốc chống vắt, đèn pin, đèn dầu hỏa, dao rựa để chặt cây… Làm thế nào bây giờ? Thuốc men thì có thể xin quân y Trạm khách nhưng còn những thứ kia thì biết tìm đâu ra giữa núi rừng này? Một buổi chiều khi lân la xuống trò chuyện với các cô nuôi quân Trạm khách, tôi được họ bày cách nhận biết những loại rau rừng ăn được, các loại cây có thể làm củi đun khi vẫn còn tươi hoặc ngay trong những ngày trời mưa ướt… Tôi mừng rơn khi được các cô biếu một chiếc đèn pin, một đèn dầu làm bằng chai an-côn đờ-măng.

Chúng tôi được bố trí đi theo tuyến đường dành cho lực lượng gùi hàng vào rồi ra ngay trong ngày với cung đoạn giao liên ngắn bằng một nửa so với cung đường khách trên Đường dây 559. Trường Sơn đang mùa mưa, đường rừng trơn như bôi mỡ, nhiều chỗ bùn lầy nhão nhoét. Chúng tôi vai quàng túi “bồn bột”, người choàng ni-lon che mưa, đầu đội mũ tai bèo, tay cầm gậy lặng lẽ bước theo chân người giao liên dẫn đường. Băng rừng, lội suối, leo dốc, trèo qua những gộp đá, men theo con đường mòn lượn trên các triền núi hun hút đi về hướng Bắc. Ngày đầu tiên hành quân, anh em chưa quen đi bộ, vất vả mệt nhọc nên phải nghỉ lại nhiều lần. Cung đường dân công gùi hàng đi một ngày nhưng chúng tôi phải mất hai ngày mới đến nơi. Lần đầu tiên tôi gặp vắt rừng. Cứ sau mỗi cơn mưa vắt hiện ra càng nhiều thêm. Từ bên dưới những lớp lá mục, trên các thân cây chúng búng tí tách “bắn” thẳng vào người, bám vào kẽ chân dưới quai dép cao su. Chúng láu cá chui vào những chỗ hiểm trên người tha hồ hút máu cho đến khi no tròn bằng hạt đậu cô-ve rồi tự rơi ra để lại một vết thâm bầm trên da tiếp tục rỉ máu đọng khô thành sẹo. Quá trưa, đến một bờ suối, chúng tôi nghỉ lại ăn cơm. Nắm cơm vắt từ sáng sớm ăn với món lương khô thịt bò kho sả ớt lúc này sao quá ngon lành. Thấy chân anh nào cũng bị rỉ máu do vắt cắn, đồng chí giao liên bày cách lấy thuốc lá rịt vào, cầm máu ngay. Chúng tôi tới trạm hàng đầu tiên lúc bốn giờ chiều. Mưa rừng nên trời mau tối. Các anh Thanh, Tự, Thành tỏ ra rành việc, phân công người đi dọc suối lấy rau tàu bay về nấu canh, người lấy xoong nồi vo gạo nấu cơm, số còn lại chặt cây, lui cui che mắc tăng võng dưới ánh sáng đèn dầu le lói. Bữa cơm đạm bạc và chóng vánh, ai cũng thèm được nghỉ ngơi.                                                                                                                                                                                          

Lần đầu tiên tôi nằm võng giữa rừng, mưa rơi lộp bộp trên tấm tăng nghe giống như tiếng sóng hắt nước ràn rạt lên boong tàu những ngày biển động. Về khuya, trời càng lạnh, toàn thân mỏi nhừ, đau ê ẩm không sao ngủ được. Cứ nhắm mắt là hiện ra hình ảnh hai đồng chí nằm lại chiến trường khiến tôi ứa nước mắt. Cả hai chú Lộc và Nhợ đều là những người ở Đoàn tàu đánh cá Hạ Long được chuyển về Đoàn tàu Không số từ ngày đầu mới thành lập. Lộc quê Tam Kỳ (Quảng Nam), Nhợ người Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định). Hai anh đã cùng tôi đi nhiều chuyến vào Cà Mau, Bến Tre và cả ba lần vào Vũng Rô (Phú Yên). Những khi sóng to gió lớn hoặc lúc gặp tình thế khó khăn, hiểm nghèo các anh là chỗ dựa của anh em. Vậy mà trong chuyến hành quân lần này lại vắng cả hai người.

Năm giờ sáng, tổ trực nhật thức dậy nấu cơm ăn sáng và vắt theo phần ăn trưa, nấu nước sôi đổ bi đông. Để tránh máy bay địch phát hiện, chúng tôi chỉ nổi lửa trước lúc mặt trời mọc và sau khi mặt trời lặn nên mỗi ngày được ăn hai lần cơm nóng, bữa sáng trước lúc lên đường và bữa tối sau khi đến nơi. Tới ngày thứ năm, chúng tôi vượt sông Tranh. Mùa mưa nên nước sông dâng cao, chảy xiết. Một sợi mây rừng to bằng cổ tay được chăng ngang từ bên này sang bờ bên kia. Lần lượt từng người một tay bám dây, chân lần dò từng bước một để vượt sông. Phía trên thác đổ ầm ầm, bọt nước tung tóe, lạnh buốt, mù mịt cả một vùng. Mới chỉ một đoạn đường ngắn mà đã có hai người bị sốt rét, cứ lên cơn vào buổi trưa, giữa chặng hành quân. Anh em thay nhau mang đồ đạc cá nhân và dìu cõng người ốm. Thuốc sốt rét những ngày đầu còn kha khá, về sau số người bị sốt càng nhiều nên thuốc dần cạn kiệt. Phải mất mười ngày chúng tôi mới đi hết địa bàn Quân khu 5. Bên kia dốc Quế là địa bàn Thừa Thiên - Huế. Dốc Quế nằm trên một nhánh của dãy Trường Sơn ăn ra sát biển Đông, ngăn chia tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên- Huế. Vượt dốc Quế phải mất ít nhất một ngày. Cung đường đi trong những ngày vừa qua tuy nhiều đèo dốc, sông, suối nhưng cũng nhiều đoạn bằng phẳng, còn ngày mai chỉ có leo dốc, sẽ rất khó khăn. Nghe người dẫn đường bảo thế, chúng tôi chuẩn bị tinh thần và sức lực để vượt qua.

Tối hôm đó, còn ngày gạo cuối cùng, anh em đem nấu cơm vắt để ngày mai leo dốc sớm. 6 giờ chúng tôi xuất phát. Ra khỏi Trạm chừng một trăm mét là chạm dốc. Leo dốc, người khom rướn về phía trước, chân đặt lên lối mòn, tay chống mạnh chiếc gậy ra sau để đẩy người về phía trước, tiến lên từng bước một. Mọi người thở cả đằng miệng, không ai còn đủ sức để nói được một lời. Cả toán quân lầm lì và quyết tâm vượt dốc. Bỗng “uỵch”, phía sau một người bị tuột dép trượt ngã lăn kềnh. Đồng chí giao liên ra hiệu cho anh em dừng lại. Cũng may người bị ngã chỉ sây sát một bên chân. Trượt ngã là chuyện thường ngày trên những cung đường Trường Sơn nhiều đèo, dốc mùa mưa trơn nhuốt. Hôm vượt dốc T. đoạn Trà My - Tiên Phước (Quảng Nam) dốc tuy thấp nhưng do dân công gùi hàng qua lại nhiều lần khiến bùn sình lên nhão nhoét. Người ta làm một cái thang bằng cây rừng để lên xuống dốc. Đồng chí Mái bị trượt chân ngã quay lộn mấy vòng, không nhờ một bụi cây bên đường cản lại thì đã rơi luôn xuống vực suối sâu. 12 giờ trưa chúng tôi mới lên tới đỉnh dốc. Nắng nhưng sương vẫn bao phủ mịt mù, khí trời lạnh giá. Rất mệt nhưng không ai có thể ngồi nghỉ được, mọi người sau khi đặt chiếc túi “bồn bột” xuống đất, cầm nắm cơm vừa ăn vừa khua tay chân cho đỡ lạnh. Ở đây, chúng tôi được chuyển giao cho một đồng chí nữ giao liên nói tiếng Huế. Xuống dốc tuy ít nhọc sức nhưng người luôn bị đổ chúi chụi về phía trước. Không có chiếc gậy chống khó có thể giữ được thế cân bằng, khuỵu gối như chơi, chân có thể trượt ngã bất cứ lúc nào, nhất là những chỗ trơn hoặc nhiều sỏi. Mới xuống non nửa dốc đã có năm người bị trượt ngã. Chúng tôi đến Trạm đầu của Thừa Thiên - Huế lúc bốn giờ chiều. Trời sập tối. Mưa mỗi lúc thêm nặng hạt, không khí ẩm thấp. Tôi đến gặp trạm trưởng để xin nhận lương thực cho chặng đường tiếp theo. Đã mệt càng thêm ngán ngẩm khi nghe đồng chí trạm trưởng nói: “Đoàn các anh đi không đúng tuyến nên Trạm không có gạo, muối để cấp và cũng không có giao liên dẫn đường. Đề nghị các anh quay lại đi theo đường dây 559!”. Chúng tôi cố thuyết phục đến mấy Binh trạm cũng không giải quyết. Làm sao bây giờ? Tôi hội ý cùng anh Thanh nhất trí động viên anh em cố gắng quay lại địa bàn Quảng Nam tìm gạo, muối để tiếp tục hành quân theo tuyến đường này. Ruột nghé gạo dự trữ do Thuyền phó Hồng Lỳ quản lý được đổ ra nấu cơm ăn.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại mất thêm một ngày ròng rã từ sáng đến chiều tối để vượt ngược dốc Quế trở lại Trạm Quảng Nam.

Trạm khách Quảng Nam cùng lúc phải lo chỗ cho chúng tôi và một đoàn khách khác nên quá tải. Anh em phải mắc võng nằm ngoài rừng. Gần sáng, tiếng chim “khó khăn khắc phục” gõ nhịp khiến tôi thức giấc. Không còn gạo nấu cơm nên anh em dậy muộn. Theo chỉ dẫn của đồng chí Trạm trưởng, chúng tôi ra rẫy nhổ sắn đem về nấu ăn thay cơm; dùng vỏ hộp sữa bò đục lỗ làm dụng cụ mài bột sắn rồi lấy lá dong gói thành đòn luộc như bánh tét để dành ăn dần. Rất may, biết có cuộc họp của Tỉnh ủy Quảng Nam tại một địa điểm gần đó, tôi mạnh dạn tìm đến. Nghe báo cáo tình hình, các đồng chí ấy giải quyết ngay cho chúng tôi mỗi người mười ngày gạo, muối để có thể đi qua hết địa phận Trị Thiên. Thế là ruột nghé mỗi người đầy hai chục lon gạo, bốn lon muối. Chúng tôi lần thứ ba vượt dốc Quế tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc.

Hết khó khăn về lương thực lại gặp trở ngại vì không có giao liên dẫn đường. Cứ sáng sớm chúng tôi dậy lo cơm nước và vắt theo bữa trưa, đợi khi giao liên dẫn khách đi thì chúng tôi cũng lên đường, hết cung này đến cung khác. Càng ra phía Bắc, trời càng lạnh. Đi đường gian nan, ăn uống thiếu thốn, cơm muối lâu ngày nên anh em thèm một bữa ăn tươi. Hôm ấy, khi đi ngang qua một làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, thuyền phó Hồng Lỳ nảy ý định đem chiếc áo len của mình đổi lấy con heo để anh em chén một bữa. Anh tạt vào ngôi nhà sàn ven đường, đưa chiếc áo len ra và chỉ vào một chú heo con đang ủi đất dưới chân cột nhà rồi dùng tay chỉ chỉ trỏ trỏ. Anh thanh niên Vân Kiều cầm chiếc áo len giơ lên về phía mặt trời rồi nói: “Ơ, cái này nhìn thấy mặt trời, mình không ưng đâu. Đổi cái khác, cái kia kìa!”. Anh  ta chỉ vào chiếc áo màu xám đồng chí Thành đang mặc trên người. Cuộc trao đổi diễn ra rất nhanh. Kẻ cầm áo, người bắt heo. Tối hôm đó khi đến trạm nghỉ, anh em làm thịt heo đem luộc chín, thái nhỏ chấm muối, được một bữa đánh chén nhớ đời.

Lúc đến đoạn đường A Sầu - A Lưới thì đồng chí Phan Nhạn - máy trưởng- bị mọc mụt nhọt, đầu gối mưng mủ sưng vù không thể đi lại được. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành gửi đồng chí Nhạn nghỉ lại buôn T., khi nào đỡ sẽ tiếp tục đuổi theo đội hình. Số anh em khác, hầu hết đều bị sốt rét, tối lên cơn run bần bật, sáng hôm sau lại ráng sức lên đường. Gạo, muối ngày càng vơi dần. Vậy mà chặng đường phía trước vẫn còn xa vời vợi.

Khi sắp vượt qua Đường 9 thì có tin báo đang có cuộc hành quân càn quét của lính thủy đánh bộ Mỹ dọn đường cho lực lượng cơ giới từ Đông Hà lên Lao Bảo, chưa biết khi nào mới đi được. Chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn của đồng bào Vân Kiều bỏ hoang. Số gạo, muối còn lại quá ít nên trong thời gian nằm chờ thông đường, chúng tôi chỉ ăn dè sẻn bằng ít gạo nấu cháo với củ chuối rừng. Mới ăn được bữa đầu thì cả đội bị “Tào Tháo” đuổi. Đã bị sốt rét hành hạ lại thêm mất nước, ai nấy da xanh lét, có người bước đi không vững. Được đồng bào Vân Kiều chăm sóc, đắp thuốc bằng lá cây rừng nên chân đồng chí Nhạn chóng khỏi và đã đuổi theo kịp đội hình ngay trước đêm vượt Đường 9. Anh còn mang theo một lon gui-gô mắm nhái - đặc sản của bà con Vân Kiều biếu. Vì thế anh em có thêm chất tươi từ món môn dóc luộc chấm mắm nhái.

Để bảo đảm an toàn, người giao liên dẫn chúng tôi vượt Đường 9 vào ban đêm sau khi bỗ trí hai tổ chốt giữ đường. Mọi người phải tháo dép cao su đeo vào thắt lưng, không được dùng gậy, người phía sau bám ba lô người đi trước, dò dẫm tiến lên. Đêm tối như hũ nút, chân không dép bấm vào đá sỏi, va vào gốc cây, dẫm lên gai góc đau buốt. Khi tới mép đường, nhận được tín hiệu, từng người một nhanh chóng băng vọt qua đường. Hai giờ sáng, mới về đến trạm. Đặt túi xuống, cởi áo ra, mọi người thi nhay bắt vắt. Vắt bám vào cổ, vào chân, lưng. Con nào bụng cũng căng phồng máu. Anh em lấy tro bếp rắc lên chỗ vắt bám rối lấy tay cào cho rơi ra, sau đó ra suối tắm, lấy thuốc lá đắp vào những chỗ rỉ máu. Sau vắt là rận. Rận ẩn từng đàn dọc theo các đường chỉ khâu quần áo. Bắt không xuể, phải đem luộc quần áo, mũ bằng nước sôi. Con đường giao liên càng ra phía Bắc càng ác liệt. Máy bay B52 rải bom, pháo hạm địch từ cửa Việt bắn vào gần như suốt ngày đêm. Đường đi nhiều chỗ phải băng qua những cánh rừng đã bị san bằng, trống trải.

Sau ròng rã gần hai tháng, ngày mồng Một Tết Đinh Mùi (1967), chúng tôi vượt qua sông Bến Hải ở một đoạn hẹp phía thượng nguồn. Hai ngày sau đó đến được Trạm đầu của đường dây vận tải hàng thuộc Đoàn 559. Vậy là đã đến đất xã hội chủ nghĩa rồi! Anh em mừng rơi nước mắt. Ở đây chúng tôi được đón tiếp chu đáo, được cung cấp gạo, thực phẩm và được ở trong các lán chứa hàng đang bỏ trống. Tôi nhờ đồng chí Trạm trưởng điện báo cáo tình hình chúng tôi với bộ phận B - Cục Tác chiến và Bộ Tư lệnh Hải quân. Hôm ra tới Quảng Bình, tôi bán chiếc đồng hồ đeo tay được một trăm rưỡi đồng, chia cho mỗi người mười đồng để tiêu vặt. Anh em vào quán ven đường mua mỗi người mười chiếc bánh chưng, loại mỗi chiếc một đồng, bóc ăn hết ngay tại chỗ trước con mắt tò mò, ngạc nhiên của mọi người. Từ Quảng Bình, chúng tôi theo những chuyến xe ô tô chở hàng quay ra theo từng cung đoạn một. Đêm đi ngày nghỉ tránh máy bay địch. Đến ngày 5-3-1967, chúng tôi mới về tới nhà số 83 Lý Nam Đế - Hà Nội, là cơ quan Đoàn bộ của Đoàn tàu không số.

Vậy là đoàn “lính thủy đi bộ” chúng tôi kết thúc chuyến hành trình sau hơn 3 tháng, bắt đầu từ cảng B. Hải Phòng vào bãi biển Phổ An và quay trở về Hà Nội bằng con đường Trường Sơn đầy cam go, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: NGUYỄN VIẾT PHÚC

(Ghi theo lời kể của CCB Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41 Đoàn tàu Không số)