Công ty Hải Vương tập kết máy móc để phá diện tích rừng phòng hộ sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Sau một thời gian dài để xảy ra hiện tượng “chảy máu rừng” ở khu căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh do những yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện ráo riết việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm. Việc bàn giao đất rừng sau cưỡng chế cho các tổ chức, cá nhân khoanh nuôi, bảo vệ đã được thực hiện trên hệ thống văn bản, chỉ thị của các cấp, nhưng trên thực tế, đất rừng bị lấn chiếm vẫn còn nằm trong tay lâm tặc...

Thu hồi trên... giấy

Theo báo cáo của Ban Quản lý, bảo vệ rừng (QL, BVR) Tà Thiết, tổng diện tích đất có rừng nằm trong diện quản lý, bảo vệ hiện nay chỉ còn lại 10.500ha, trong đó rừng tự nhiên 7.430ha, rừng trồng 3.070ha. Hệ thống rừng Tà Thiết được phân bổ theo 3 chủng loại: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao cho Ban QL, BVR và Công ty Cổ phần Hải Vương (đơn vị nhận khoán việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng) phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Chắc, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thịnh cho rằng, sự phối hợp này trên thực tế chưa mang lại hiệu quả. Ông Chắc nói:

- Lực lượng của địa phương chỉ phối hợp thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ, còn công tác quản lý đất rừng trực tiếp do Ban QL, BVR và các tổ chức, cá nhân nhận khoán thực hiện. Đất rừng bị xâm hại liên tục nhưng nhiều trường hợp Ban QL, BVR và Công ty Hải Vương không xác định được thủ phạm, số vụ việc được phát hiện, xử lý rất ít. Các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng có cả người địa phương và người từ nơi khác đến nên rất khó phát hiện, xử lý.

Tính đến nay, số diện tích đất rừng Tà Thiết bị xâm hại đã lên đến 3.009ha. UBND tỉnh Bình Phước đã ra chỉ thị, chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết thực hiện việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và giao cho một số cơ quan, đơn vị đảm nhiệm quản lý, bảo vệ sau khi cưỡng chế thu hồi. Đến nay, sau 3 đợt thực hiện cưỡng chế, cơ quan chức năng đã ra 75 quyết định xử lý các đối tượng lấn chiếm, thu hồi 116,82ha đất rừng phòng hộ, trong đó địa bàn xã Lộc Thiện là 53,23ha (gồm 29 vụ có chủ, một vụ không xác định được đối tượng lấn chiếm), xã Lộc Thành là 61,34ha (44 vụ có chủ, 6 vụ không xác định được đối tượng lấn chiếm). Sau khi cưỡng chế, số diện tích đất rừng này được giao cho một số đơn vị, tổ chức quản lý. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ được thực hiện trên... giấy. Thực tế số diện tích đất rừng được coi là đã thu hồi đến nay vẫn nằm trong tay các đối tượng lấn chiếm.

Ông Lê Quang Hưng, cán bộ Ban QL, BVR Tà Thiết cho biết: Các tổ chức, đơn vị được giao đất sau cưỡng chế, khi tiếp cận hiện trường để nhận đất đã gặp phải sự phản kháng của các đối tượng quá khích nên không thể triển khai công tác trồng, khôi phục rừng bị phá. Đã hơn 3 tháng kể từ khi thực hiện công tác cưỡng chế, thu hồi, giao đất sau cưỡng chế, nhưng đến nay mọi việc vẫn chỉ nằm trên... giấy. Ông Trần Đức Chính, cán bộ Ban quản lý dự án rừng, thuộc Công ty Cổ phần Hải Vương cho biết: Ngay cả một số diện tích đất do công ty này quản lý bị lấn chiếm, sau khi được thu hồi, đến nay lại tiếp tục phát sinh hiện tượng tái lấn chiếm.

Chuyển mục đích sử dụng–lợi hay hại?

Trước thực trạng đất rừng phòng hộ bị “xẻ thịt” ngày càng tăng Ban QL, BVR Tà Thiết đã lập phương án đề nghị chuyển diện tích rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng ban QL, BVR Tà Thiết cho hay, UBND tỉnh Bình Phước đã có quyết định chuyển toàn bộ số diện tích rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Hiện Công ty Cổ phần Hải Vương đã triển khai lực lượng, phương tiện đến một số cánh rừng phòng hộ nằm trong diện đã chuyển đổi mục đích sử dụng để san ủi, tạo mặt bằng trồng cây keo lai. Dự kiến đến hết năm 2007, công ty này sẽ tạo mặt bằng và trồng khoảng 400ha bạch đàn và keo lai, tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất ván dăm.

Một mảng rừng phòng hộ bị phá sau khi chuyển mục đích sử dụng.

Có mặt tại rừng Tà Thiết những ngày đầu tháng 7, chúng tôi thấy nhiều mảng rừng đang bị máy ủi của Công ty Cổ phần Hải Vương san phẳng, cây cối nằm la liệt. Theo ông Trần Đức Chính, số diện tích rừng đang được san ủi hiện nay là rừng không có giá trị, chủ yếu là các loại cây tạp và cây dây leo. Tuy nhiên, khi chúng tôi đi sâu vào những mảng rừng phía sau thì thấy có rất nhiều những thân cây to cỡ cột nhà trở lên đã bị máy ủi đổ bật gốc chỏng chơ.

Trao đổi việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất với cán bộ chức năng và chính quyền địa phương, chúng tôi nhận được những ý kiến trái ngược nhau. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng ban QL, BVR Tà Thiết cho rằng, việc chuyển đổi này là hợp lý. Phó chủ tịch xã Lộc Thịnh Phạm Văn Chắc lại khẳng định dứt khoát không nên chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Theo ông Chắc, nếu làm như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ xấu là, cứ chỗ nào quản lý yếu kém, để rừng bị lấn chiếm thì xin chuyển đổi, chẳng khác nào “tiếp tay” cho nạn phá rừng? Việc biến diện tích đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất sẽ phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái, ảnh hưởng đến giá trị lịch sử, văn hóa của khu căn cứ Tà Thiết.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, trong lúc Công ty Cổ phần Hải Vương tập kết phương tiện, lực lượng để chặt cây, ủi đất, thì nhiều đối tượng vẫn đang canh tác trên diện tích đất đã có quyết định thu hồi.

Những kiến nghị

Chủ trương của UBND tỉnh Bình Phước kiên quyết thu hồi những diện tích đất rừng bị lấn chiếm và giao lại cho các cơ quan, đơn vị có năng lực quản lý, bảo vệ là việc làm cần thiết. Nhưng việc triển khai thực hiện chủ trương này của các cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết. Tất cả mới chỉ dừng lại ở việc ban hành các quyết định thu hồi, còn việc cưỡng chế thì chưa làm được. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, việc chống đối quyết định thu hồi đất chỉ xảy ra ở một số đối tượng đầu têu, quá khích. Cần thiết phải có những biện pháp kiên quyết, xử lý nghiêm minh trước pháp luật những đối tượng này để làm gương. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thiết nghĩ cần phải tiến hành thể nghiệm ở những diện tích cụ thể, không nên chuyển đổi đại trà một lúc sẽ càng làm cho công tác quản lý, bảo vệ, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm khó khăn hơn. Không thể cứ thấy chỗ nào rừng bị phá nhiều thì... xin chuyển đổi để phá tiếp cho hết rồi biến thành rừng trồng vì mục đích kinh tế.

Bài và ảnh: LỮ NGÀN

Một mảng rừng phòng hộ bị phá sau khi chuyển mục đích sử dụng.

Công ty Hải Vương tập kết máy móc để phá diện tích rừng phòng hộ sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng.