Nhóm bạn chúng tôi gồm những “tay máy” nhiếp ảnh nghiệp dư và một vài họa sĩ đã có một “nghị quyết” quan trọng: Leo núi Hoàng Liên. Cụ thể là chinh phục đỉnh Phan Xi Păng! Nghe thì quá hấp dẫn nhưng một số người “hơi bị chóng mặt”.

Mây mù luôn bao phủ đỉnh núi Phan Xi Păng
Họa sĩ Vũ Thăng – một thổ công vùng này trấn an: Lo gì! Nhiều người đi rồi! Có nhiều đường đi, lựa chọn thoải mái – rồi anh hạ giọng, vẻ bí ẩn - Lên đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143m, có gì?...

Là một khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những hòn đá nhỏ tựa chiếc bàn. Tiếng địa phương gọi “Hua - si - pan”, nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh.

Vậy là chúng tôi quyết, nghe ngóng thêm thông tin, được biết chuẩn bị cho việc mở tuyến du lịch lên đỉnh Phan Xi Păng, đích thân ông Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa đi khảo sát và kiểm tra 2 tuyến đường (chính thức) leo núi chinh phục đỉnh cao này.

Tuyến thứ nhất dành cho du khách bình thường dễ đi nhưng dài đến 20 km, tương đối bằng phẳng xuất phát từ Trạm Tôn - nơi du khách thường tham quan từ trước đến nay.

Phan Xi Păng được ví là nóc nhà Việt Nam. Vùng sinh quyển Phan Xi Păng ẩn chứa một thảm thực vật với hơn 700 loài đặc hữu. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau.

Nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Xi Păng có tới 330 loài. Phan Xi Păng còn là xứ sở của các cây ăn quả miền ôn đới như đào, mận, lê…

Tuyến thứ 2 xuất phát từ chân núi Cát Cát (xã San Sả Hồ, ngoại vi thị trấn Sa Pa), dài khoảng 14 km, nhưng dốc nhiều hơn nên chỉ thích ứng với những vận động viên chuyên nghiệp và du khách ưa thích mạo hiểm, khám phá, nhất là khách nước ngoài.

Tuy nhiên, chinh phục đỉnh Phan Xi Păng có thể theo nhiều hướng, một hướng (nay không được coi là chính thức) đã được nhiều toán du lịch – thám hiểm thực hiện: Từ hướng bản Hồ. Hướng này tuy dài và xa nhưng du khách sẽ vượt qua nhiều khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng.

Đi tàu từ HN đến Lào Cai, rồi lên Sa Pa, chúng tôi nhanh chóng bỏ qua khu du lịch nghỉ mát Sa Pa (vì đã quá quen). Sáng sớm, chúng tôi đến chân núi Cát Cát. Khi tìm hiểu giá cả và địa hình, chúng tôi được một thanh niên dân tộc Mông chỉ dẫn nhiệt tình về đường đi nước bước.

Theo lời anh, đa số khách leo núi tuyến này là người nước ngoài. Theo tuyến này, chỉ mất một ngày để leo lên tới đỉnh, nếu xuất phát từ 5 giờ sáng thì 20 giờ đến nơi. Chúng tôi quyết định thuê luôn anh làm guide, với giá rất rẻ là 200.000 đồng VN.

Các cô gái dân tộc trên đường lên đỉnh Phan Xi Păng
Anh rất vui vẻ dù theo anh, người nước ngoài trả cao hơn, khoảng 50 USD, nhiều người còn “bo” kha khá. Tuy nhiên, không phải chỉ thế là xong, chúng tôi còn phải thuê “cửu vạn” vì lý do đơn giản:

Khi leo núi, mang thân mình lên đã quá mệt rồi, còn số hành lý trong đó khá nhiều là quần áo rét, đồ hộp... Thông thường, cứ 2 người thì cần 1 “cửu vạn”. Họ có thể mang vác 25 đến 30 kg mà vẫn leo núi băng băng, nhưng một ngày lao động chỉ cần 40-50.000 đồng.

Nhiếp ảnh gia T.V.Đ, quen giao tiếp bằng tiếng Anh, bản thân anh, trông cũng giống người nước ngoài, đã thử dùng tiếng Anh để trao đổi với những người dẫn đường và mang vác giúp chúng tôi. Thật bất ngờ, họ đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với ngữ điệu khá chuẩn.

Thì ra, người dân ở thôn Cát Cát (nếu có nhu cầu) đều được theo học lớp tiếng Anh trong vòng 7 tháng do Đại sứ quán Anh hợp tác đào tạo, đó là chưa kể vốn sống trực tiếp. Nhiều người tôi cảm giác nói tiếng Anh tốt hơn tiếng phổ thông.

Thời tiết hè, dưới chân núi vẫn thấy nắng vàng óng dù nhiệt độ chỉ 25 độ C, nhưng chỉ cần lên lưng chừng núi đã thấy mây bay bạt ngàn, hơi lạnh len lỏi trong da thịt như giữa mùa đông. Đường lên Phan Xi Păng toàn dốc lên rồi xuống liên tiếp đến mức đầu tiên chúng tôi còn định đếm, nhưng sau chịu thua vì nhiều quá.

Dưới chân núi, chúng tôi thấy nhiều cây gạo, cây mít, và được giới thiệu: Trong những địa danh Cốc Lếu, Cốc San ở vùng này thì lếu là gạo, san là mít theo tiếng bản địa,…

Từ 700 m trở lên, chúng tôi gặp rất nhiều cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao đến 50-60 m, tuổi đời tới vài trăm năm. Lên đến đây, không khí cực kỳ ẩm ướt vì có năm khu vực này của Phan Xi Păng mưa suốt một tháng liền.

Mặt đất bắt đầu ẩm ướt, trơn trượt và bắt đầu xuất hiện vắt. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa phong lan và nhiều loại hoa chúng tôi không biết tên nhưng rất rực rỡ.

Trạm nghỉ chân đầu tiên trên một đỉnh đồi, sơ sài chỉ như lán trại. Mọi người tranh thủ nghỉ ngơi uống nước. Đến độ cao 2.100m, đường lại đi xuống với độ dốc “tàn bạo”, mọi người phải bám vào nhau mới không bị trượt. Lên độ cao 2.400m, mây mù dầy đặc, có lúc xòe tay nhìn không rõ.

Trên điểm cao 2.963 m chúng tôi thấy có cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã tới chinh phục điểm cao này...

Chiều đến. Nhìn đồng hồ chỉ mới 6 giờ chiều nhưng đã tối. Có lẽ chúng tôi ở phía khuất núi. Lều được dựng lên và bữa cơm chiều được dọn ra. Chúng tôi đưa ra bánh trái, rau, thức ăn đóng hộp và cố nhai.Bóng đêm nhanh chóng ập xuống.

Cái lạnh trên núi thật đáng kể. Một anh bạn trong đoàn đưa ra can rượu Sán Lùng. Theo anh quảng cáo, đây là rượu thật lấy từ xã Sán Lùng (thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Chai rượu trong vắt, hơi ngả xanh, có vị ngọt dịu và hơi ngậy cũng giúp chúng tôi chống lại giá rét.

Một anh bạn khác tính lãng mạn mang theo cả cây đàn ghi ta (mấy lần suýt vỡ và khiến mấy anh cửu vạn ngạc nhiên) nhưng khi chúng tôi bảo mang ra chơi thì chính anh lại méo mặt bảo tay cóng không thể chơi được.

Buổi sáng hôm sau, thức dậy sớm. Mấy người dẫn đường cho biết, chỉ còn một đoạn ngắn nữa là đến đích, nhưng đây lại là đoạn đường khó khăn nhất. Mọi người phải bám vào sườn núi mà bò lên, chỉ một sơ suất nhỏ cũng nguy hiểm. Nghe đâu, trước đây, khi leo núi còn tự phát, đã có tai nạn thảm khốc xảy ra.

Mãi đến trưa, cả đoàn mới leo đến một mặt bằng thoáng đãng đầy những cây tùng và trúc. Từ đây đã có thể nhìn thấy chóp cao của đỉnh núi. Thêm một chặng đầy cố gắng, chúng tôi đã đến được đỉnh ngọn núi cao 3.143m này.

Thật tiếc, dù là trưa, nhưng mây mù vẫn bao phủ nên chúng tôi không thể chụp được những tấm ảnh cho ra hồn. Nghe nói, để có những tấm ảnh đẹp, phải mai phục mấy ngày trời...

Theo : Hàn Hoa -TPO