Lời tòa soạn: Hơn 6 giờ trong đêm vật lộn với nước lũ. Đội ứng cứu thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã cứu được 49 người già và trẻ em về nơi tránh lũ an toàn, riêng trung úy, quân y sĩ Phạm Hữu Huyên đã cõng, đưa được 12 người từ nơi nguy hiểm lên boong ca-nô; cấp cứu chăm sóc sức khỏe cho hàng chục người khác, giúp họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe... Và rạng sáng ngày 8-8, chiếc ca-nô bị lật úp giữa đỉnh lũ, Huyên đã anh dũng hy sinh, trở thành tấm gương cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Vào những ngày này, giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang sôi nổi thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thì hành động hy sinh thân mình cứu dân của trung úy Phạm Hữu Huyên trở thành một tấm gương sáng, nêu cao lẽ sống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ là luôn luôn Vì nhân dân chiến đấu, phục vụ, vì nhân dân quên mình.

Rẽ lũ xiết cứu dân trong đêm

Chiều muộn ngày 7-8, vừa chụp X-quang cho một bệnh nhân bị gãy tay, bước ra khỏi phòng kỹ thuật, trung úy Phạm Hữu Huyên nhận lệnh trực tiếp từ đồng chí Chủ nhiệm Quân y Bộ CHQS tỉnh, đi ứng cứu nhân dân 12 xã bị lũ cô lập.

Thay bộ quân phục dã chiến, ăn vội bát mì tôm mà đồng đội chuẩn bị, trung úy Phạm Hữu Huyên lên đường đến Sở chỉ huy tiền phương của Bộ CHQS Quảng Bình đặt tại xã Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đặt ba lô ở nơi tập kết, Huyên chỉ kịp xách túi thuốc cấp cứu lao lên chiếc ca-nô cứu nạn mang ký hiệu ST 750 đã đợi sẵn, trên đó có 6 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị thuộc Bộ CHQS và 5 cán bộ công an tỉnh Quảng Bình đi phối thuộc, làm nhiệm vụ đến vùng rốn lũ ở xã Châu Hóa cứu dân đang mắc kẹt trên các nóc nhà ngập nước. Lúc đó là 20 giờ ngày 7-8.

Trung úy Phạm Hữu Huyên

Chiếc ca-nô rẽ dòng nước xiết, ngược lên phía thượng nguồn. Sau hơn 2 giờ, đứng ở mũi ca-nô, Huyên phát hiện ra những ánh đèn pin và tiếng người kêu cứu lẫn trong tiếng réo xiết của dòng nước đục ngầu. Anh lập tức thông báo cho trung tá Nguyễn Tuấn, trợ lý tác chiến Bộ CHQS tỉnh, chỉ huy tàu. Sau vài phút hội ý chớp nhoáng Tuấn phân công công việc cho từng người. Trung úy Lương Khắc Thành lựa dòng nước cho ca-nô tiến dần đến nơi có tín hiệu cấp cứu phát ra. Huyên được giao nhiệm vụ ở trên boong, sẵn sàng cấp cứu nhân dân. Nhưng khi ca-nô cặp mạn một căn nhà chỉ còn nhô lên phần chóp nóc, trên đó có hàng chục người đang chen chúc, vừa kêu khóc vừa ôm chặt lấy nhau để khỏi ngã xuống dòng nước chảy xiết. Tiếng kêu cứu đã khản đặc lẫn trong tiếng nước ầm ào của cơn lũ cuồn cuộn… Cán bộ, chiến sĩ trong đội cứu hộ trèo lên các nóc nhà, cõng từng người xuống boong khi họ đã lả vì đói, vì mệt. Vừa phát thuốc tăng lực vừa xoa dầu, vừa phát mì tôm, lương khô cho nhân dân, Huyên vừa hướng dẫn từng người mặc áo phao rồi đưa họ vào trong khoang lái để tránh gió lạnh.

Sau gần 2 giờ đồng hồ, chiếc ca-nô len lỏi khắp các ngõ ngách của thôn Kinh Châu, bộ đội đưa được 21 người lên ca-nô, tất cả đều trong tình trạng mệt lả. Khi ca-nô đang chở nhân dân quay ra thì Huyên lại phát hiện tiếng kêu trên nóc một ngôi nhà gần đó. Ra hiệu cho ca-nô dừng lại, anh gọi to về hướng phát ra tiếng kêu cứu:

- Có đủ sức bắt dây chão không?

Tiếng trả lời, giọng yếu ớt, ngắt quãng:

- Tôi bị liệt… không đi được.

- Áp ca-nô vào – trung tá Nguyễn Tuấn ra lệnh. Lúc ấy là 23 giờ 15 phút. Ca-nô vừa cặp vào mép nóc nhà, Huyên vội trèo lên, dùng đèn pin soi tìm thì thấy một cụ già nằm sấp, nước đã ngập đến nửa người. Đầu cụ gối lên viên gạch. Anh nhẹ nhàng nâng cụ dậy, nói:

- Cụ ôm chặt lấy cổ con.

Cõng cụ già trên lưng anh dò dẫm từng bước một vì mái ngói trơn trượt, nhiều viên vỡ vụn, làm chân anh nhiều lần tụt xuống dưới mái. Phải gần 30 phút sau, với sự hỗ trợ của đồng đội, Huyên mới đưa được cụ già lên boong. Anh mở túi thuốc, cấp cứu cho cụ. Một lúc sau cụ tỉnh lại, mọi người mới yên tâm. Cụ là Đinh Thị Dũng – 80 tuổi, ở thôn Kinh Châu.

Sau khi đưa mọi người lên trú ẩn trên đường tàu hỏa, chiếc ca-nô lại rẽ ngược dòng nước lao vào màn đêm. 23 giờ 45 phút nhận được tin ở thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa còn rất nhiều người già và trẻ em đang bị cô lập bởi nước lũ trên các nóc nhà. Trong tiếng gầm của lũ, Huyên thoáng nghe tiếng trẻ khóc ngằn ngặt. Anh vung chiếc đèn pin trong tay, ra hiệu để chỉ huy cho lái tàu chuyển hướng. Đến nơi, anh cùng đồng đội lao vội lên mái nhà, tiến về phía có tiếng trẻ khóc. Khi anh trở lại sàn ca-nô, mọi người bất ngờ thấy anh ôm chặt trong tay một đứa trẻ sơ sinh da đã tím ngắt vì đói và lạnh. Với chiếc áo quân phục còn khô mắc trên thành ca-nô, anh cẩn thận bọc đứa trẻ lại, xoa dầu cho cháu rồi trao cho đồng đội, tiếp tục cùng anh em quay lại đưa mẹ cháu bé và những người còn lại xuống. Chuyến thứ hai này, các anh đã cứu được 27 người trong thôn Lâm Lang... Trong đó gia đình anh Huy có 5 người, hai vợ chồng và 3 con nhỏ, cháu bé mới sinh được hơn 3 tháng tuổi.

“Huyên ơi! Anh ở đâu?”

Khi ca-nô ngược lũ lần thứ 3 thì nhận được thông báo của Sở chỉ huy tiền phương: "Tại bưu điện xã Minh Cầm có hơn 70 người dân và cán bộ bưu điện đang bị mắc kẹt. Đến ngay để cứu dân". Khi đó đã là 2 giờ sáng ngày 8-8.

Nhưng khi ca-nô chạy đến chân cầu Minh Cầm, thì được đồng chí Thành, xã đội phó xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa thông báo nhân dân và cán bộ bưu điện đã tìm được vị trí tránh lũ an toàn. Sau khi bàn bạc, anh em trên ca-nô quyết định quay lại thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa để tiếp tục tìm những người dân còn kẹt ở những ngôi nhà hẻo lánh. Xuôi theo dòng nước chảy xiết, chiếc ca-nô như một mũi tên lao băng băng trong đêm. Trung úy Lương Khắc Thành nhớ lại:

- Tôi để ga máy rất nhỏ để lấy lái, nhưng ca-nô vẫn đi với tốc độ hơn 40 hải lý/giờ. Chạy gần đến xóm Kinh Châu, trong ánh đèn pha phía mũi, bỗng phát hiện ra 3 dây cáp điện cao thế vượt sông nằm là là trên mặt nước. Tôi lập tức cài số lùi để hãm tốc độ của ca-nô, nhưng nước chảy xiết nên mũi ca-nô vẫn lao thẳng vào dây cáp điện. Chiếc ca-nô đột ngột bị cản lại, lập tức quay ngang, tung lên không rồi lật úp.

Hình ảnh cuối cùng của Huyên được đồng đội và các chiến sĩ công an trên ca-nô kể lại:

- Trước khi bị lật, trung úy Phạm Hữu Huyên còn lấy mì tôm, lương khô phát cho từng người. Lúc này mọi người đã rất đói và mệt. Anh còn nói vui để động viên anh em: “Cứ ăn vào bụng là chín hết”.

Gặp lại những người cùng chuyến cứu dân, khi kể lại về Huyên, ai cũng không cầm được nước mắt. Binh nhì Phạm Anh Duy đơn vị 42-người cùng chuyến tàu vừa khóc, vừa nói:

- Anh Huyên vừa đưa cho em nửa gói lương khô và dặn em ăn nhiều vào để lấy sức cứu dân, thì nghe tiếng ầm ầm rất lớn. Chiếc ca-nô đã lật úp. Những người trên boong văng ra tứ phía. Trong ca-bin ngoài em và anh Huyên còn có anh Thành lái tàu, anh Thường công an và anh Tuấn là chính trị viên đại đội 1. Nước tràn vào khoang lái, kèm theo dầu mỡ xộc vào mắt mũi mọi người. Câu cuối cùng em nghe thấy là tiếng của anh Huyên hét to: “Ca-nô lật rồi… Bình tĩnh lặn xuống mà tìm cửa thoát ra…”. Em và anh Tuấn tìm cách thoát ra được và cùng với mọi người bám vào đáy ca-nô lúc này đã lật ngược lên. Cũng may nhờ có một bụi tre giữ chiếc ca-nô lại nếu không nó đã trôi tuột theo dòng nước lũ ra biển. Anh Tuấn kiểm tra quân số, thấy thiếu anh Thường công an và anh Huyên. Chúng em vừa dùng đèn pin lia trên mặt sông để tìm vừa thay nhau gọi hai người nhưng vô vọng. 9 giờ sáng ngày hôm sau Đội cứu hộ của Bộ CHQS tỉnh mới cứu được chúng em và chui vào trong ca-nô cứu được anh Thường, còn anh Huyên thì không tìm thấy.

Ngày 17-8, chúng tôi tìm đến bệnh xá Công an tỉnh Quảng Bình – nơi những cán bộ công an đi trên chuyến ca-nô cứu dân hôm đó đang nằm điều trị. Dù đã gần 10 ngày trôi qua, nhưng sức khỏe của các anh vẫn chưa được hồi phục hoàn toàn. Kể về trung úy Phạm Hữu Huyên, các anh đều cảm phục lòng dũng cảm của Huyên trong lúc làm nhiệm vụ. Thiếu tá Trần Bá Thường-người cuối cùng được cứu thoát - kể bằng giọng xúc động:

- Ca-nô lật, trong khoảng tối đen đặc, định thần lại tôi biết bên cạnh mình vẫn còn một người nữa. Chúng tôi tìm cách để thoát ra ngoài, nhưng không thể lặn sâu xuống được vì người đã mệt lả, lại vướng áo phao và nước ở dưới chảy rất mạnh. Khoảng một giờ sau, tôi nghe có tiếng rất nhỏ: “Anh cố gắng thoát ra ngoài đi… Cởi áo phao ra… Mẹ ơi con chết mất… Rồi sau đó tôi nghe tiếng quẫy đạp... Tôi biết chắc là đồng chí ấy đã hy sinh”. Sau này tôi mới biết đó là những lời cuối cùng của Huyên mà tôi nghe được.

Các đồng chí ở trong Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cho biết: Chiều ngày 9-8, chị Hòe người xã Văn Học đi vớt củi, phát hiện ra xác Huyên giắt vào rặng tre. Lúc ấy trên trán Huyên có rất nhiều vết tím bầm do va đập vào sàn của ca-nô. Do đói, mệt, mất ngủ nhiều giờ nên Huyên không đủ sức cầm cự và đã bị nước cuốn theo ca-bin ca-nô ra ngoài, trôi dạt vào rặng tre của xã Văn Học, cách chỗ ca-nô lật 4km.

“Bố con đi công tác chưa về...”

Ngày 17-8, chúng tôi đã tìm về căn nhà nhỏ của trung úy Phạm Hữu Huyên nằm gần bên bờ sông Kiến Giang. Thấy chúng tôi mặc quân phục, đứa con đầu của anh, cháu Phạm Hữu Huy mới gần 4 tuổi, níu tay áo chúng tôi hỏi:

- Các bác ơi, bao giờ bố cháu về…!

Vợ và con trung úy Phạm Hữu Huyên.

Chưa kịp hỏi thăm, nói một lời chia buồn với gia đình, nước mắt chúng tôi chảy giàn giụa bởi câu hỏi ngây thơ của con Huyên. Bế cháu trên tay chúng tôi tiến đến bàn thờ, trên đó có tấm di ảnh của anh. Thắp hương và kính cẩn nghiêng mình trước người đồng đội đã vì nhân dân mà hy sinh thân mình.

Đón cháu bé từ tay chúng tôi, chị Mai Thị Hiền (vợ trung úy Phạm Hữu Huyên) nói trong nước mắt, giọng dỗ dành:

- Huy ngoan, ra đây mẹ bế. Bố con bận chưa về? Rồi chị gạt nước mắt nói với chúng tôi:

- Đêm 6-8, anh Huyên còn xin phép đơn vị về để giỗ ông nội. Trước khi trở về đơn vị, anh có hứa với cháu, ngày nghỉ tuần tới sẽ mua cho Huy và em My quả bóng đá. Hứa thế, nhưng Huyên đi mãi mãi mất rồi…

Trong ngôi nhà mái bằng nhỏ mới xây, ở chính giữa gian ngoài là chiếc bàn thờ nghi ngút khói hương của người thân, bà con xóm làng và đồng đội hằng ngày đến viếng anh. Cạnh bàn thờ là chiếc tủ gỗ nhỏ - tài sản duy nhất mà anh giữ gìn từ khi mới nhập ngũ năm 1992 ở Đoàn C68. Trong tủ là những bộ quân phục được anh gấp vuông vắn và những cuốn sách ghi chép về y học, đôi phù hiệu quân y mà anh giữ từ những ngày mới tốt nghiệp. Nhớ đến người con trai cả của mình, ông Phạm Hữu Ái không kìm được xúc động:

- Bà nhà tôi không may mất sớm, thằng Huyên vừa như chị cả vừa như người mẹ trong nhà, việc gì cũng đến tay nó. Ngày mẹ nó ốm, nằm điều trị ở bệnh viện Trung ương Huế, hai tháng liền, chủ nhật nào Huyên cũng xin phép đơn vị đến viện chăm sóc mẹ. Trước ngày nó nhận nhiệm vụ đi chống lũ còn mua mấy cây gỗ, lưới thép chở về để làm chiếc chuồng gà cho vợ.

Trung úy Phạm Hữu Hiệp (em trai anh Huyên) xót xa:

- Anh Huyên chính là người đã động viên em vào quân đội, dạy bảo em nhiều lắm. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, anh em con gặp nhau và cùng hẹn ngày về thắp hương cho mẹ. Vậy mà giờ đây, em lại là người thắp hương cho anh.

“Chúng tôi nhắc mãi tên anh”

34 tuổi đời, 15 tuổi quân và 10 tuổi Đảng, chặng đường phấn đấu, cống hiến cho lý tưởng cách mạng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của trung úy Phạm Hữu Huyên tuy chưa nhiều, nhưng siết bao sâu nặng với nghĩa Đảng tình dân, với nghĩa tình đồng đội. Thiếu tá Phạm Thị Nga – quân y sĩ ở bệnh xá Bộ CHQS tỉnh nói:

- Anh không chết. Anh đang đi một chuyến công tác dài ngày. Anh vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi.

Đưa chúng tôi đi thăm phòng ở của trung úy Phạm Hữu Huyên ở bệnh xá, trên chiếc bàn nhỏ của anh vẫn còn những chồng sách về y học mà anh mượn của thư viện tỉnh đem về nghiên cứu, học tập trong thời gian được bệnh xá cử đi học lớp chẩn đoán hình ảnh (siêu âm). Thiếu tá Nguyễn Công Vỹ, bệnh xá trưởng nghẹn ngào nói:

- Từ ngày về nhận công tác, không những làm tốt chuyên môn của mình Huyên còn rất chịu khó đi tìm những cây thuốc nam về trồng trong vườn thuốc đông y của bệnh xá. Có hôm tôi và Huyên đang ăn cơm trưa, nghe báo có bệnh nhân bị gẫy tay đến cấp cứu, anh đã bỏ dở bữa cơm, đưa người bệnh vào chụp X-quang, phải đến 2 giờ chiều mới có kết quả. Cũng như hôm nhận nhiệm vụ chiều 7-8, Huyên đã chuẩn bị rất cẩn thận những dụng cụ y tế cần thiết để có thể cứu chữa kịp thời cho người bị nạn. Những việc làm hằng ngày của anh, thực sự là tấm gương để anh chị em trong đơn vị học tập noi theo.

Chúng tôi tìm đến Ban CHQS huyện Lệ Thủy-nơi trung úy Phạm Hữu Huyên đã có thời gian công tác với cương vị đội viên Đội công tác xây dựng cơ sở số 5 từ đầu năm 2004 đến 2006. Những người cán bộ ở đây kể về anh như mới hôm nào anh khoác ba lô với những túi quà đi bộ lên làng Ho, xã Kim Thủy - nơi anh và các đồng chí trong Đội công tác xây dựng cơ sở ở, đem đến giúp các gia đình người Vân Kiều gặp khó khăn.

Thượng tá Phạm Đăng Lưu, Chính trị viên Ban CHQS huyện lần giở từng trang nhật ký công tác cơ sở của đơn vị số 5 trong những năm qua rồi kể với chúng tôi:

- Năm 2004, khi Huyên mới được chuyển về đây công tác, cũng là lúc chúng tôi đang thành lập đội công tác đi xây dựng cơ sở tại các xã đặc biệt khó khăn trên vùng biên giới Việt – Lào. Dù vừa về nhận nhiệm vụ, Huyên là người đầu tiên viết đơn tình nguyện xung phong đi. Ngày ấy vợ Huyên mới đẻ con đầu lòng được 3 tháng.

Đội trưởng Đội xây dựng cơ sở số 5, thượng tá Đỗ Văn Phán xúc động kể:

- Tháng 4-2004, Đội công tác hành quân lên làng Ho. Trên đường đi, mặc dù phải đi bộ đến 30km đường rừng, mang vác nặng, nhưng đến nơi vừa cùng với anh em trong đội làm lán để ở, Huyên vẫn tranh thủ thời gian đến thăm các già làng, trưởng bản và những người dân bị sốt rét trong làng. Chỉ một thời gian ngắn, với kiến thức về đông y và tây y của anh rất nhiều người dân đã được chữa khỏi bệnh. Mỗi lần về huyện để lấy thêm thuốc, anh đều tranh thủ ra chợ Chéo mua cá, tôm khô lên làm quà cho dân bản. Nhiều đêm Huyên cắt rừng đi bộ nhiều cây số đến dạy chữ, chữa bệnh, cắt tóc cho người dân và các cháu trong bản… Những việc làm của Huyên đã góp phần để Đội công tác của chúng tôi được đồng bào tin tưởng. Nhất là Huyên được đồng bào coi như con của dân bản.

Nghe tin trung úy Phạm Hữu Huyên hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu dân, người dân xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy đã cử Chủ tịch xã Hồ Tình cùng đoàn đại biểu nhân dân trong xã đến thắp hương trước mộ anh và chia buồn cùng gia đình. Gặp chúng tôi, ông bày tỏ:

- Nhờ có Đội công tác xây dựng cơ sở, nhất là thầy thuốc Huyên mà dân bản chúng tôi đã biết cách phòng chống và chữa trị bệnh sốt rét bằng thuốc nam do anh hướng dẫn. Nhiều đứa nhỏ trong xã đến nay vẫn nhắc tên thầy giáo Huyên…

Đúng như trong điếu văn đã đọc trong lễ tang anh: “Tấm gương ham học hỏi, cầu tiến bộ, tận tâm phục vụ đồng bào, đồng chí của quân y sĩ Phạm Hữu Huyên đã để lại ấn tượng cảm phục, tin yêu của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Sự hy sinh của đồng chí Phạm Hữu Huyên là một tấm gương vì dân quên mình. Đây là một mất mát lớn lao của gia đình và đơn vị. Với sự phấn đấu, cống hiến xuất sắc của mình, trung úy Phạm Hữu Huyên đã được Chủ tịch nước tặng huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba, được Bộ CHQS tỉnh tặng thưởng Danh hiệu chiến sĩ thi đua, và nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích học tập, công tác…”.

Bà con hai bên bờ Kiến Giang cùng các đồng chí đồng đội tiễn đưa anh về với đất mẹ, để anh vĩnh viễn an giấc ở mảnh đất quê hương: nghĩa trang liệt sĩ Mai Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.

*

* *

Ngay sau khi nước lũ rút đi, chúng tôi có mặt tại những xã trọng điểm trong cơn lũ, đến những nơi trung úy Phạm Hữu Huyên trong đêm ngày mùng 7 và rạng sáng ngày 8-8 đã anh dũng cứu dân. Khắp các đường làng, ngõ xóm là lớp lớp những cán bộ, chiến sĩ và thanh niên tình nguyện đang cùng với nhân dân dựng lại nhà, trường học, trạm xá… bị hư hại do bão lũ gây ra. Ở đâu, chúng tôi cũng nhận thấy không khí làm việc hết mình, khẩn trương, đầy trách nhiệm… họ đang học tập tấm gương dũng cảm quên mình cứu dân của trung úy Phạm Hữu Huyên mà Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã phát động ngay sau khi anh hy sinh. Thôn Kinh Châu và Lâm Lang, xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hóa, trong các gia đình được anh và đồng đội cứu thoát khỏi dòng nước lũ, họ dành chỗ trang trọng nhất trên bàn thờ đặt bát hương để tưởng nhớ đến anh.

Anh đã ra đi… Nhưng những gì anh đã làm cho nhân dân, cho đồng đội sẽ mãi mãi còn là những hình ảnh đẹp. Đây là sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ mang phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

Cụ Đinh Thị Dũng, 80 tuổi, bị liệt hai chân ở xóm Kinh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa - người được trung úy Phạm Hữu Huyên cứu trong đêm 7-8, nói: "Trong đêm tối tôi đã tưởng mệnh mình đến đây là hết, thật không ngờ nhờ hành động dũng cảm của chú Huyên và các chú bộ đội đã cứu sống tôi. Ơn Đảng, ơn Chính phủ đã đào luyện được những người con hết lòng vì nhân dân như thế!".

Bài và ảnh:
VŨ ĐẠT – PHÚ SƠN
Ý kiến của bạn về tấm gương này!