 |
Trụ sở Công ty may Thăng Long ở thành phố Tam Kỳ. |
Liên tục trong những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, bà Võ Thị Kim Ấn-Phó giám đốc Công ty may Kim Ấn, địa chỉ tại 151/7 đường Đồng Đen, phường 11, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh-đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng của thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam, tố cáo hành vi lừa đảo của ông Huỳnh Luận, Giám đốc Công ty TNHH may Thăng Long.
Lá đơn của người làm phúc
Nội dung đơn, tóm tắt như sau: Là người quê Tam Kỳ vào lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại đây bà Ấn đã thành công về ngành may xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Sau những lần về thăm quê, bà có ý định xây dựng một xưởng may ở Tam Kỳ để tạo việc làm cho thanh niên địa phương. Ý định ấy được thực hiện thông qua sự giới thiệu của bà Phạm Thị Thuận (bạn thân của bà Ấn) với Công ty TNHH may Thăng Long, kèm theo thỏa thuận, nếu bà Ấn góp 60% số vốn (tương đương 1,8 tỷ đồng) thì sẽ phụ trách công ty. Vì vậy, bà đã đầu tư cho Công ty TNHH may Thăng Long do ông Huỳnh Luận làm Giám đốc, số tiền lên đến 1,7 tỷ đồng và 90 máy may; đồng thời, mời bà Bùi Hoàng Minh (ở thành phố Tam Kỳ) góp thêm 135 triệu đồng (tương đương 5% vốn). Như vậy, bà Ấn và bà Minh có 65% số vốn trong Công ty may Thăng Long. Trong lúc hai bên đang chờ cơ quan chức năng làm thủ tục pháp lý góp vốn cổ đông hợp pháp, thì đột nhiên ngày 23-4-2007, ông Huỳnh Luận đơn phương lên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đăng ký giấy chứng nhận kinh doanh số 044171. Giấy phép đăng ký chỉ có 2 thành viên là ông Luận làm Giám đốc và ông Trần Hữu Hùng - Phó giám đốc. Ngoài ra, không có ai khác đứng trong hồ sơ pháp lý của Công ty(?). Có được giấy chứng nhận trên, ông Luận bắt đầu trở mặt, yêu cầu bà Võ Thị Kim Ấn và Bùi Thị Minh rút vốn khỏi Công ty may Thăng Long, số tiền mà bà Kim Ấn, bà Minh đóng góp vào Công ty ông Luận sẽ trả lại theo từng đợt, đến khi nào trả hết thì thôi(!) Quá bất bình trước sự bất nhất trên, ngày 28-5-2007, bà Võ Thị Kim Ấn làm đơn khởi kiện ông Huỳnh Luận đến TAND thành phố Tam Kỳ.
Lẽ phải chưa được bảo vệ
Ông Nguyễn Hữu Thịnh-Thẩm phán TAND thành phố Tam Kỳ-tiếp nhận hồ sơ vụ kiện và gửi ngay công văn, yêu cầu bà Kim Ấn chuẩn bị 8 triệu đồng để nộp tiền án phí. Nhưng không hiểu vì lí do gì, đến ngày 4-6-2007, chính ông Nguyễn Hữu Thịnh lại ký quyết định số 01/2007/QĐ - BPKCTT- áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc “Bà Bùi Hoàng Minh và bà Võ Thị Kim Ấn chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu hợp pháp” của Công ty may Thăng Long do ông Huỳnh Luận làm giám đốc, buộc bà Minh và bà Ấn phải đưa 90 máy may ra khỏi Công ty may Thăng Long, giao lại toàn bộ tài sản và mặt bằng cho Công ty may Thăng Long(!). Trước tình hình đó, hơn 200 lao động phải nghỉ làm việc để công ty tổ chức một buổi họp khẩn vàochiều ngày 4-6-2007. Buổi họp có đại diện Đội thi hành án, Công đoàn, TAND, Viện KSND thành phố Tam Kỳ đến chứng kiến. Hơn 95% công nhân đều thống nhất viết đơn xin nghỉ việc, nếu tiếp tục làm việc cho ông Huỳnh Luận. Ngày 6-6-2007, Viện KSND thành phố Tam Kỳ đã ra quyết định số 01/2007/KN-DS, kiến nghị ông Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ xem xét huỷ bỏ quyết định số 01/2007/QĐ-BPKCTT do ông Nguyễn Hữu Thịnh ký ngày 4-6-2007. Ngày 8-6-2007, ông Doãn Xuất Chúng-Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ ra quyết định số 01/QĐ-TA, huỷ bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do ông Thịnh ký ngày 4-6-2007.
Bộ mặt thật của ông giám đốc lừa
Công ty TNHH may Thăng Long (đóng tại số 1, đường 24-3, phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), đã không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh, do những sai phạm trong quản lý tài chính, nợ nần các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh ngày càng chồng chất, nếu không có sự giúp đỡ trên của bà Ấn và bà Minh.
Sau 9 năm thành lập, đến năm 2006, Công ty này đã trở thành con nợ lớn (nợ ngân hàng NN &PTNT hơn 300 triệu đồng, nợ Chi cục thuế thành phố Tam Kỳ hơn 300 triệu đồng, nợ tiền thuê đất trong 9 năm gần 200 triệu đồng và một số khoản nợ cá nhân khác). Khi gần bị phát mãi thì đã được đồng nghiệp, người thân hỗ trợ để trả nợ. Thoát khỏi cảnh nợ nần, ông Luận không những không biết ơn những người cứu giúp mình, mà lại ngang nhiên “qua cầu rút ván”. Ngoài bà Kim Ấn, bà Bùi Hoàng Minh, còn một nạn nhân khác là bà Thái Thị Hương (SN 1940, trú tại 49 Phan Châu Trinh, thành phố Tam Kỳ), chính là dì ruột của ông Luận, cũng bị lừa gạt trắng trợn. Năm 2000, khi Công ty gặp khó khăn, bà Hương đã vay mượn số tiền hơn 762 triệu đồng để đầu tư mở rộng công ty. (Thời gian đó, bà Hương cũng là thành viên sáng lập công ty). Khi có được số tiền này, ông Luận giở mặt không cho bà Hương tiếp tục đầu tư vào công ty nữa. Quá bức xúc vì bị cháu quỵt nợ, ngày 20-3-2006, bà Hương đã làm đơn gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Quảng Nam nhờ can thiệp. Tưởng rằng sẽ được trả đầy đủ, nhưng với bản chất lường gạt, ông Luận chỉ trả cho bà Hương 250 triệu đồng với điều kiện buộc bà Hương viết giấy xác nhận đã nhận đủ tiền và không khiếu kiện gì nữa (!).
Sự việc mới chỉ được các cơ quan chức năng ở thành phố Tam Kỳ giải quyết đến mức như đã nêu trên. Và như vậy, kẻ quỵt nợ vẫn ngang nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Để giữ vững kỷ cương, bảo đảm sự công bằng xã hội, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam, sớm vào cuộc để làm rõ hành vi gian dối của giám đốc Công ty TNHH may Thăng Long, trả lại sự công bằng cho các doanh nghiệp và các cá nhân, để họ tiếp tục tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Bài và ảnh: TRƯỜNG THÀNH - TRUNG HỘI