Lật những trang hồ sơ bệnh án của Viện Y học hải quân, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước con số các bệnh nhân bị mắc chứng bệnh giảm áp vào điều trị tại viện. Phần lớn bệnh nhân vào điều trị là những người làm thợ lặn nghiệp dư. Thường họ mắc bệnh trầm trọng, rất nguy cấp mới đến cơ sở y tế chuyên ngành. Điều đáng lo ngại là rất nhiều người bị mắc bệnh giảm áp đều không được sơ cứu kịp thời ở cơ sở, do đó dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Theo chân người lặn biển
Như mọi ngày, anh Nguyễn Văn Hải, quê xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng vác bộ đồ lặn ra khu vực cảng Vân Đồn. Ở nhà làm ruộng, kinh tế khó khăn, Hải theo bạn giới thiệu đến đây tham gia vào nghề lặn biển.
Công việc của người lặn biển ở đây đủ loại, như lặn mò tìm phế liệu, trục vớt tàu xuồng đắm, xây dựng công trình ngầm, khai thác hải sản... Ai có tiền thuê là những người làm nghề lặn biển như Hải làm ngay. Thu nhập mỗi tháng cũng kiếm được 2 đến 3 triệu đồng, tùy theo công việc mà có ngày Hải được trả tới vài ba trăm nghìn đồng. Thợ lặn nghiệp dư rất khổ cực, công việc khá bấp bênh. Hải kể: “Có hôm lặn xuống nước sâu vài chục mét, khi lên bờ thấy đau ê ẩm ở các bắp thịt, khớp xương, có khi chóng mặt, mắt hoa"...
Dụng cụ hỗ trợ cho thợ lặn nghiệp dư khi làm việc chỉ là chiếc máy nén khí cùng với sợi dây truyền khí được người lặn ngậm vào miệng. Có khi máy nén khí được tận dụng, "cải tiến" từ các máy nén khí của xe ô-tô Zil-130. Sử dụng các máy nén khí không bảo đảm tiêu chuẩn, dễ gây tai nạn cho người lặn, vì không ai xác định và kiểm soát được lượng khí của các máy "tự tạo" này để cung cấp cho người lặn lao động ở độ sâu cần thiết.
Vì kế sinh nhai mà người đi làm nghề lặn khai thác hải sản ngày càng nhiều hơn. Dọc các tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, ở các khu tập trung nhiều người làm nghề lặn bắt hải sản như: Vân Đồng, Cô tô, Yên Hưng (Quảng Ninh), khu vực biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), trên vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay bờ biển Nha Trang (Khánh Hòa), vùng Hà Tiên (Kiên Giang)... dễ thấy những người lặn biển, làm nghề mò tôm, cá. Ở các khu công nghiệp, công trình xây dựng ven biển và trên biển, để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp đã thuê mướn lao động mùa vụ vào làm công việc lặn, xây dựng công trình dưới nước.
Do thuê lao động mùa vụ nên nhiều doanh nghiệp đã "quên" làm hợp đồng lao động và mua bảo hiểm tai nạn rủi ro. Nhiều doanh nghiệp tắc trách, chưa quan tâm chú ý đến trang thiết bị bảo hộ, dụng cụ lao động bảo đảm tiêu chuẩn, nhất là các thiết bị phục vụ hoạt động dưới nước. Công tác huấn luyện cho người lao động sử dụng thiết bị an toàn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về lặn trong các doanh nghiệp, cơ quan chức năng còn hạn chế, dẫn đến đơn giản hóa, coi nhẹ việc mua sắm, bổ sung trang bị bảo hộ lao động. Hiểu biết về nghề lặn biển trong nhân dân, nhất là những người làm nghề lặn biển còn rất bất cập, nên đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Những câu chuyện đau lòng
Anh Nguyễn Trong Khải, 32 tuổi, quê ở xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, vào nghề lặn năm 1991. Anh bị mắc bệnh sau khi lặn ở độ sấu 30 mét. Tình trạng bệnh rất nguy kịch, như: vận động khó khăn, không đứng được, không có cảm giác đau từ rốn trở xuống, đại tiểu tiện không tự chủ, đau đầu.
 |
Một thợ lặn bị liệt nhẹ ở chân do lặn quá lâu dưới biển (ảnh: Internet). |
Anh Nguyễn Quang Thạch, 33 tuổi ở xã Vân Xá, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) vào nghề năm 1993. Anh bị mắc bệnh sáu khi lặn lặp lại tới 4 lần ở độ sâu 37,5 mét, thời gian làm việc dưới nước với di chứng cơ thể suy kiệt, liệt cứng hoàn toàn hai chi dưới, loét ở nhiều bộ phận trên cơ thể, mất cảm giác từ cổ trở xuống.
Anh Lê Văn Nhạc, quê xã Đông Xá, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cùng vào nghề năm 1993, bị mắc bệnh giảm áp sau khi lặn lặp lại lần thứ 10 ở độ sâu 38 đến 40 mét, thời gian làm việc tổng số khoảng 6 giờ. Khi lên bờ anh Nhạc thấy ngứa ở bụng, cảm giác bì bì và rát ở ngực, ít phút sau thì chóng mặt, nôn mửa, mất cảm giác từ ngang rốn trở xuống, hai chân mềm nhũn.
Còn trường hợp của anh Phạm Văn Thiêm, 25 tuổi, quê ở thành phố Hạ Long, sau khi lặn lặp lại lần thứ 11 ở độ sâu 38 đến 40 mét, mỗi lần lặn làm việc thời gian từ 15 đến 20 phút, khi lên tàu thấy khó thở, đau hai khớp vai và liệt hai chân...
Còn rất nhiều trường hợp, khi bị tan nạn không được chuyển đến các cơ sở sử dụng lao động không có thiết bị, dụng cụ cấp cứu và những người có chuyên môn tư vấn và sơ cứu. Trường hợp như của anh Nhạc, anh Thiêm có sơ cứu bằng cách thả lại xuống đáy nước hoặc tiêm thuốc voltaren, nhưng không có thiết bị cấp cứu chuyên dụng, nên hậu quả là tàn phế suốt đời.
Để giảm thiểu tai nạn
Nguyên nhân của những tai nạn của người làm nghề lặn biển nghiệp dự trước hết là sự thiếu hiểu biết, làm việc trong điều kiện phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động thiếu, hoặc có nhưng không đủ tiêu chuẩn. Hơn nữa, do lợi ích kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở khai thác hải sản, người quản lý lao động đã không chấp hành tốt quy định sử dụng lao động, để người lao động làm việc quá lâu, quá sâu dưới nước, trong khi không bảo đảm các phương tiện, thiết bị y tế, cấp cứu ban đầu.
Để tránh tai nạn đáng tiếc cho những người làm nghề lặn biển, cần tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động, người sử dụng lao động nhận thức rõ lao động lặn có tính đặc thù, cần có những quy định nghiêm ngặt về công tác an toàn. Nhất thiết người lao động lặn phải được trang bị những thiết bị bảo hộ lao động chuyên dụng, bảo đảm tiêu chuẩn và có thời gian nghỉ, giãn cách lao động hợp lý, có chế độ bồi dưỡng, chăm sóc, kiểm tra sức khỏe y tế định kỳ, kịp thời, theo tính chất của công việc. Các cơ sở sử dụng lao động lặn phải được trang bị những thiết bị, phương tiện cấp cứu chất lượng tốt, khi người lao động bị tai nạn cần được sơ cứu đúng cách và chuyển đến các cơ sở y tế chuyên ngành kịp thời, an toàn.
Các ngành, các địa phương cần rà soát, kiểm tra toàn diện các cơ sở sử dụng lao động lặn, chỉ cấp phép hành nghề cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khai thác hải sản đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn lao động lặn, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm, coi thường sinh mạng người lao động. Hiện nay, trên các khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam đã có các cơ sở thu dung, điều trị bệnh giảm áp, bệnh nghề lặn của quân đội, các cơ quan, địa phương cần phối hợp trong cấp cứu, điều trị, theo dõi chặt chẽ sức khỏe người lao động lặn. Khi người lao động bị tai nạn, cần sơ cứu đúng cách, nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất bằng các phương tiện chất lượng tốt, tránh gây tai nạn thứ cấp làm phức tạp quá trình điều trị tiếp theo.
HƯƠNG HỒNG THU