Bài 1: Ký ức một thời vùng “tam giác lửa”
Từ lâu, hai tiếng "Lam Hạ" đã ăn sâu trong tâm trí nhiều người, thu hút sự quan tâm của những ai từng được nghe về sự hy sinh anh dũng và bi tráng của 10 nữ dân quân trên mảnh đất ngã ba sông-nơi được mệnh danh là vùng “tam giác lửa” trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, càng gần đến dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử oai hùng này, hai tiếng “Lam Hạ” càng như có sức mạnh diệu kỳ, cuốn hút những ai mong được một lần đến-một lần về Lam Hạ và một lần lưu luyến...
Các phóng viên Báo Quân đội nhân dân trò chuyện cùng các nhân chứng lịch sử, nguyên là nữ dân quân Lam Hạ. Ảnh: NGÔ THANH
Cuối tháng 9, trời xanh biếc, theo tuyến đường mới khang trang, mang tên Lê Công Thanh-Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Nam, từ trung tâm TP Phủ Lý về trận địa pháo quyết thắng ở đầu thôn Đình Tràng, phường Lam Hạ, chúng tôi cảm giác như đang ngược về miền ký ức của lịch sử. Càng gần khu di tích lịch sử Lam Hạ, tiết trời càng thêm dịu mát, trong lành với không gian và “hương vị” được kết tụ từ lịch sử, văn hóa và thiên nhiên của vùng quê chiêm trũng giàu truyền thống cách mạng và văn hiến...
Đang bâng khuâng với cảm xúc bồi hồi, thì đồng chí Phạm Thị Lạc, Trưởng phòng Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam phá vỡ sự tĩnh lặng bằng chất giọng trầm ấm. Chị mở lời như thể mình là một hướng dẫn viên:
- Rất đáng tự hào cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nam chúng tôi: Vừa qua, Trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972) được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Cùng với đó, địa phương cũng hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 “Khu Đền thờ liệt sĩ và Di tích lịch sử văn hóa Hà Nam”, thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày 10 cô gái Lam Hạ anh dũng hy sinh...
Qua những lời giới thiệu “có lửa” ấy, cộng với tâm trạng mong mỏi chung-riêng bấy lâu, khi Trận địa pháo phòng không Lam Hạ phác dáng trong tầm mắt, bất chợt trong tôi cảm xúc đã nghèn nghẹn... Cảm xúc đến với Lam Hạ thật khó tả, cứ lắng sâu, đong đầy, rưng rưng... Đồng chí Bùi Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Lam Hạ (TP Phủ Lý) chủ động mở lời. Anh giới thiệu về khu di tích này như thể anh đã quen với cảm xúc luôn hiện hữu trong lòng. Vậy nhưng, giọng của người cán bộ chân chất, nước da sạm đen vẫn không giấu được niềm tự hào, xúc động. Anh chia sẻ, dù đã bao lần đến với những địa danh lịch sử-các trận địa pháo phòng không của các nữ dân quân Lam Hạ xưa, nhưng lần nào tôi cũng không thể kìm nén được cảm xúc đan xen:
- Ngày ấy, cách đây tròn 50 năm, sự hy sinh của quân và dân nơi đây là quá lớn. Để giữ vững huyết mạch giao thông, ý chí, trí tuệ và máu xương của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã kết nên bức tường thành vững chắc, tạo nên “lưới lửa phòng không” có một không hai nơi mảnh đất “yết hầu” giao thông của Hà Nam.
Anh Tuấn ví Lam Hạ như “yết hầu” giao thông là cách so ví có cơ sở. Bởi lẽ, Lam Hạ trước đây gồm hai xã Tiên Hòa và Tiên Hồng. Tháng 4-1967, hai xã này hợp nhất, lấy tên là Lam Hạ, thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, rồi phát triển lên phường, thuộc TP Phủ Lý như hiện nay. Đây là vùng châu thổ bằng phẳng, rộng gần 630ha. Xen kẽ những cánh đồng lúa, ngô xanh mướt là hệ thống đường sá, cầu cống, sông ngòi thuận lợi cho việc thông thương, trong đó, Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam là những huyết mạch giao thông chính của cả nước đều đi qua địa bàn, tạo ra những “điểm thắt” giao thông quan trọng, có giá trị chiến thuật, chiến lược về quân sự, như: Cầu Phủ Lý, đập nước sông Châu, ga tàu hỏa Phủ Lý, cầu sắt, cống Bảy cửa... Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Lam Hạ còn có hai cầu phao (còn gọi là cầu chìm) dùng cho xe quân sự vượt sông Châu mỗi khi cầu Phủ Lý bị địch đánh phá chưa khắc phục kịp. Vì vậy, Lam Hạ có vị trí như một “yết hầu”, là “túi đựng bom”, trọng điểm đánh phá thường xuyên, hết sức ác liệt của không quân Mỹ trong giai đoạn 1965-1972.
Và lịch sử được ghi lại thật chân thực, sinh động. Tháng 8-1964, ngay sau khi gây ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ leo thang đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá, ngăn chặn nguồn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, trong đó, chúng tập trung đánh phá ác liệt bằng không quân vào các vị trí xung yếu trên hai tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam thuộc địa bàn xã Lam Hạ và vùng lân cận.
Ông Phạm Thanh Tiệm, từng là cán bộ cơ sở phụ trách văn hóa, xã hội xã Lam Hạ, nhưng lại đưa ra nhận định khá “có nghề” về tư duy chiến thuật. Có lẽ cái “máu” quân sự, vốn kiến thức và tầm nhìn “đấu pháp” đã thấm, ngấm vào những người dân trên mảnh đất này. Ông bảo rằng, với vị trí cận kề trung tâm tỉnh lỵ, gần các trục đường bộ, đường sắt, đường sông, vùng trọng điểm bờ Bắc sông Châu, thôn Đình Tràng nói riêng, xã Lam Hạ nói chung trở thành mắt xích xung yếu trong “cánh cung phòng không” bảo vệ Hà Nam là điều không thể khác. Hơn nữa, cái thế của Lam Hạ không chỉ thuận ở việc dễ bề cơ động, phòng tránh, đánh trả, thuận cho liên lạc, mà còn là nơi có thể tự túc lương thực, thực phẩm; đặc biệt nhất là “áo giáp lòng dân”, “tuyến phòng thủ nhân dân” của vùng đất có bề dày văn hiến “địa linh, nhân kiệt” và truyền thống cách mạng hào hùng từ xa xưa. Bởi vậy, những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh trả không quân Mỹ, trên vùng đất với diện tích hơn 4km2 đã có tới 8 trận địa phòng không từ 12,7mm, cho đến 14,5, 57, 88 và 100mm.
Giờ đây về với Lam Hạ, ngắm và ngẫm lại cái thế bày bố phòng không, chúng tôi càng thán phục tầm nhìn tác chiến và sự gan góc, dũng cảm thần kỳ của quân và dân nơi đây, nhất là cách bố trí trận địa pháo trực diện với không lực và hỏa lực tối tân của Hoa Kỳ. Đó là cái thế phòng không liên hoàn, không thể tách rời giữa hoạt động của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương với dân quân và nhân dân; thế gắn kết giữa các đơn vị phòng không, trận địa phòng không; giữa trận địa pháo, đường cơ động và các tuyến bảo đảm hậu cần, kỹ thuật...
Đáng khâm phục hơn, để đối đầu trực diện với kẻ thù, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Lam Hạ, cùng với việc làm tốt công tác phòng không, sơ tán, đã sớm chú trọng củng cố, thành lập lực lượng dân quân, xây dựng trận địa bắn máy bay, luôn sẵn sàng chiến đấu. Xã đội Lam Hạ sớm được kiện toàn, bổ sung nhân sự; lực lượng dân quân trực chiến được hình thành. Đại đội Dân quân phòng không Lam Hạ thành lập ngày 5-8-1965. Đơn vị có 87 đồng chí, gồm 2 trung đội: 1 trung đội nam, 1 trung đội nữ; 1 tổ trinh sát; 1 tổ thông tin; 1 tổ cấp cứu tại thương. Trung đội nữ gồm 24 đồng chí, được chia thành 4 khẩu đội.
Lật mở cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Lam Hạ (1930-2010), anh Bùi Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Lam Hạ tự hào ôn lại những trang sử hào hùng một thời trên quê hương:
- Trong đội hình chiến đấu, trung đội nữ dân quân Lam Hạ có thành tích rất tiêu biểu. Các chị hết tập trung bảo vệ trận địa lại chuyển sang nhiệm vụ cơ động đánh máy bay Mỹ; bảo vệ các mục tiêu hạ tầng ở Lam Hạ, nội thị Phủ Lý...
Với tinh thần giữ vững trận địa “một tấc không đi, một ly không rời”, trong 7 năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1965-1972), các nữ dân quân Lam Hạ cùng các lực lượng khác, đã kề vai sát cánh cùng bộ đội chủ lực, hiệp đồng tác chiến, chiến đấu chặt chẽ; chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngoan cường, dũng cảm. Các nữ dân quân Lam Hạ đã tham gia hàng trăm trận đánh, góp phần cùng bộ đội bắn rơi 5 máy bay Mỹ, bắt sống 2 giặc lái; trực tiếp phục vụ hàng trăm trận chiến đấu, huy động hàng vạn ngày công đào đắp công sự trận địa, tu bổ các tuyến đường giao thông...
Trong cuộc đối đầu lịch sử với kẻ thù xâm lược, quê hương Lam Hạ có 163 người con anh dũng hy sinh, 92 đồng chí để lại một phần xương máu trên các chiến trường ở mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, sự hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ đã trở thành biểu trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là ký ức lịch sử thiêng liêng, bi tráng, hào hùng trong lòng mỗi người dân nơi vùng đất “tam giác lửa”. Qua mỗi cuộc đụng độ không cân sức, những nữ dân quân Lam Hạ phơi phới tuổi xanh lần lượt ngã xuống, ngay trên mâm pháo, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường của các chị luôn truyền lửa cho những người còn sống và những người mới vào trận.
Để ghi nhớ công ơn và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Lam Hạ, ngay chính trên trận địa pháo năm xưa, cấp ủy, chính quyền, nhân dân Hà Nam đã xây dựng Miếu thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ với khuôn viên trang nghiêm, tĩnh lặng. Đại đội Dân quân phòng không Lam Hạ và liệt sĩ dân quân Nguyễn Thị Thi (hy sinh khi mới 16 tuổi) đã được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Thường nhật, khách thập phương đến thăm viếng, dâng hương, càng tỏ tường chuyện đời, chuyện chiến đấu gan góc, anh hùng của những cô gái tuổi mười sáu, đôi mươi-những nữ dân quân được ví như “10 đóa hồng bất tử”, “10 bông hoa thép” bên dòng Châu Giang ngan ngát hương lúa, hương ổi quê nhà. (Còn nữa)
Ghi chép của NGUYỄN TẤN TUÂN