Trở về sau chiến tranh với đôi chân không còn nguyên vẹn, người thương binh ấy đã vượt qua bao khó khăn để đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo và giúp đỡ hàng trăm con người cùng cảnh ngộ. Cán bộ, nhân dân địa phương và đồng đội, bạn hữu yêu mến gọi ông với cái tên “Người làm đẹp cho đời”.
Trái tim còn đập, còn xây cuộc đời
Lật lại những trang nhật ký bi hùng thời chiến tranh, ông Nguyễn Xuân Hưng, thương binh 2/4 (ở thôn Động Nhất, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) không nén nổi xúc động khi hồi tưởng lại cái ngày bom đạn tàn khốc đã cướp đi bàn chân trái của mình: “8,9 giờ sáng ngày 9-3-1968, pháo địch ngớt dần… Tôi đứng ngoài hầm quan sát, lấy dao phát mấy cành tre lấp ở cửa hầm. Tay vừa kéo cành tre thì loạt pháo từ đồn Từ Hạ bắn về nổ ngay trước mặt. Người ngã ngửa ra, mình mẩy đầy đất, chân tay tôi tê dại, một bàn chân nát bươm…” (trích nhật ký của ông Hưng). Năm tháng trôi qua, những trang nhật ký trận mạc của ông đã sờn góc, nhưng ngàn vạn con chữ ẩn chứa một thời ác liệt, mất mát thì vẫn còn tỏ nét. Ông nâng niu, cất giữ nó như tài sản quý báu nhất của đời mình. Nhìn cơ ngơi thịnh vượng của ông ngày hôm nay, ít ai nghĩ rằng ông đã phải trải qua một thời cơ cực của tuổi thơ và của cảnh nghèo túng đè nặng lên đôi chân khập khiễng khi ra khỏi cuộc chiến.
 |
Ông Nguyễn Xuân Hưng bên hòn non bộ |
Mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, hai năm sau ông theo cha lên Hà Nội làm nghề kéo xe lôi. Không đầy một năm sau, cha qua đời, ông lại cùng dì trở về quê sinh sống. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, năm 1958 ông lấy vợ và sinh con. Tháng 2-1964, Nguyễn Xuân Hưng tạm biệt vợ và hai con trai, lên đường nhập ngũ, vào đội hình Trung đoàn 803, Sư đoàn 324, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, tháng 5-1965, ông cùng đơn vị tác chiến ở mặt trận Thừa Thiên - Huế. Nơi đây, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất, ông phải bỏ lại ở căn hầm cá nhân một bàn chân trái. Có lẽ, suốt cuộc đời, ông Hưng không thể quên cái ngày phải phẫu thuật chân mà không có một giọt thuốc gây tê, cái ngày nằm há miệng hứng nước mưa và giũ rệp cắn ở vách chuồng lợn từ 10 giờ đêm hôm trước đến tận 5 giờ sáng hôm sau với vết thương nhức nhối của bàn chân vừa mổ. 10 ngày đêm ông nằm hầm đất ẩm ướt, không thuốc kháng sinh, vết thương nhiễm trùng, bọ nhung nhúc bám đầy cẳng chân. Nhưng biết làm sao được khi giặc còn bắn phá hung hãn ngay trên đầu, đành nằm nín thở chịu đau. “Tôi phải nằm lại hầm bí mật ở xã Quảng Hoà (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) ba tháng mà không có thuốc men (ngón trỏ bàn tay trái cũng vì thế mà teo mất). Bởi Dốc Ồ bị địch chốt liên tục, đêm nào bà con định đưa tôi đi để giao cho du kích cũng đều không thực hiện được”- ông Hưng kể.
Tháng 11-1968, Nguyễn Xuân Hưng được chuyển ra đoàn an dưỡng 508 ở Chính Lý (Lý Nhân, Hà Nam) với sức khoẻ còn không đầy 30%. Vượt lên thương tật, không chịu nghỉ ngơi, năm 1971 ông vào làm kế toán ở công ty thực phẩm Hà Nam Ninh. Năm 1989, về hưu ở cái tuổi ngoài 50, gánh nặng cơm áo lại đè nặng lên vai người thương binh. Ông tâm sự: “Bàn chân cưa đi cắt lại 6 lần, cũng không đau đớn bằng việc để cho vợ và 5 đứa con phải ăn đói mặc rách”. Dù làm đủ mọi việc: cấy ruộng, nuôi lợn, chăn gà, làm miến dong… nhưng cái nghèo vẫn vây chặt lấy gia đình ông. Đang lúc bế tắc đó thì địa phương có chủ trương cấp đất cho các gia đình chính sách, vợ chồng ông được phân mảnh đất ngay ở mặt đường. Chắt chiu mãi, ông Hưng cũng dựng được cái quán nhỏ để bán hàng nhưng vẫn không thoát khỏi kiếp cơ hàn. “Năm xưa, giành lại sự sống trong lửa đạn khốc liệt là thế, giờ đất nước hoà bình, lẽ nào mình lại chịu thua giặc đói?”. Nghĩ vậy, ông lại xách ba lô lên đường, với lời động viên của đồng đội khi tiễn ông về hậu cứ còn vang vọng bên tai: “Mặc dù mất chân còn tay/ Trái tim còn đập, còn xây cuộc đời”. Tuổi đã xế chiều, hành trình của đôi chân khập khiễng đi xây đời lại bắt đầu từ đây…
Ký ức năm xưa hiện về, rồi nhiều lần ông trở lại thăm Trường Sơn. Ngắm nhìn những dò phong lan rực rỡ, trinh nguyên mà ông vốn yêu thích từ hồi còn trong quân ngũ, thế là “tay xách nách mang” phong lan về tới tận đồng bằng quê ông. Lên dãy Hoàng Liên Sơn, thấy những viên đá mang nhiều hình hài kỳ thú nằm lăn lóc giữa lối đi, ông Hưng cũng nhặt luôn vài sọt đem về chơi cho thoả chí. Ý tưởng kinh doanh hòn non bộ và cây cảnh của ông nảy sinh khi các loài cây hoang dã và những phiến đá vô tri mà ông nhặt về ấy có người đặt mua. Tia hy vọng xoá đói, thoát nghèo đã loé sáng trước mắt ông, tiếp thêm sức mạnh để ông chân lành chân giả vượt núi băng rừng. Khắp các miền rừng núi từ Thung Trứng, Thung Mơ (Hà Nam) đến Hà Trung (Thanh Hóa), Suối Tép (Hòa Bình)… đã in dấu chân ông. Những vết nhăn trên trán ông co rúm lại khi nhớ về buổi đầu gian nan đi “tìm đá”: “Có lần, khi qua khu rừng ở xã Thanh Thủy (Thanh Liêm, Hà Nam), cả người và xe đá đổ ập xuống đường. Vừa gắng hết sức để đứng dậy thì lại lăn luôn xuống sông vì đường đất trơn trượt. Cái lạnh buốt giá của chiều cuối năm thấm vào da thịt khiến nước mắt ứa ra…”. Rồi “Phiên chợ Cà ngày ấy, tôi chở cây cảnh đi bán bằng chiếc xe đạp thồ cọc cạch. Ngược gió, xe tuột xích, văng luôn cả người ra vệ đường. Chân giả rơi không gượng lên được, tôi phải chờ người đi qua, lắp hộ chân vào mới tiếp tục chuyến đi”. Cái bi, cái hài trong quá trình kiếm tìm sinh nhai còn đọng lại ở dòng nhật ký của ông: “Vào rừng nghe tiếng chim hót “bắt-cô-trói-cột”, tôi lại ngẫm người đời “phiên” thành “khó-khăn-khắc-phục” sao thật đúng với tôi, tiếp thêm sức mạnh cho tôi”. Có người thấy ông lặn lội, cực khổ đi mang những phiến đá nặng trĩu về còn trêu chọc: “Cơm ăn còn chẳng được no/ Dựng hòn non bộ bán cho ma à(!)”.
Ban đầu, ông Hưng chỉ kinh doanh nhỏ lẻ. Dần dần, tiếng đồn vang xa, khách đến mua hàng ngày một đông. Vợ chồng con cái không làm xuể, ông phải thuê thêm nhiều nhân công để phụ giúp.
“Vàng thật không sợ lửa”, ông Hưng hoàn toàn xứng với câu nói đó. Những năm trong quân ngũ, gắn bó với rừng núi là điều kiện thuận lợi để ông tạo hình hài cho những phiến đá, khiến chúng mang dáng dấp của thiên nhiên hoang dã, làm đắm say lòng người. Vừa mày mò tìm kiếm, ông vừa học hỏi về thuật non bộ để tự mình chế tác. Tất cả các thế núi, như: Ngũ Hành, Quân Vương, Phụ Tử, Tam Sơn, muông thú… đều là những ký ức về Trường Sơn, nơi ông từng hiến cả máu của mình cho Tổ quốc. Sự kiên trì và lòng yêu nghề đã mang lại thành quả viên mãn, khi ông được nhiều khách sạn, cơ quan, doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Kạn, TP Hồ Chí Minh… biết đến và đặt mua hàng. Hiện giờ ông Hưng có 4 cơ sở chế tác non bộ với vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Từ 1999 đến nay, ông đã xuất khẩu 24 công-ten-nơ đá non bộ sang các nước Đức, Nhật, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Lào… với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Không để khách ở xa phải đợi lâu, ông còn mở thêm nhiều cơ sở vệ tinh ở Hà Nội, Yên Bái, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Bắc Kạn… để trưng bày sản phẩm và giao dịch với khách hàng. Thấy lợi nhuận thu được từ việc bán cây cảnh cũng không nhỏ, ông quyết định mua cây giống về trồng, đợi khi chúng lớn thì uốn tỉa rồi đem bán. Mỗi năm, vài trăm cây cảnh của ông như: Lộc vừng, đa, tùng La Hán, phong lan, cây xanh… được xuất đi nhiều tỉnh và cũng cho doanh thu rất cao. Một trong những loại có giá trị nhất là cây sanh già được uốn thế rồng bay, giá không dưới 60 triệu đồng.
Sinh được 6 người con (4 trai, 2 gái) thì 3 con trai của ông đều lần lượt tham gia nghĩa vụ quân sự, trong đó người con trai cả đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, còn lại 5 người đều đã yên bề gia thất và có cửa hàng sinh vật cảnh đáng giá tiền tỷ.
15 năm trên mặt trận làm kinh tế, người thương binh đa tài Nguyễn Xuân Hưng đã không phụ niềm tin yêu của đồng đội, gắng sức “xây đời” để viết tiếp những trang sử hào hùng cho riêng ông và cho cả những bằng hữu vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
Tấm lòng nhân ái
Trở thành triệu phú đầu tiên của mảnh đất đồng chiêm, ông Nguyễn Xuân Hưng không đành lòng khi nhìn thấy bao gia đình trên quê hương, trong đó có cả những chiến hữu năm xưa đã cùng ông vào sinh ra tử vẫn phải đau đáu chữ “nghèo”. Ông đầu tư vốn, rồi truyền nghề cho 40 hộ ở địa phương, giúp họ cùng trở nên khá giả nhờ nghề chế tác non bộ và tạo dáng cho cây cảnh. Những cơ sở sản xuất cây và đá mỹ nghệ của gia đình ông Hưng đã tạo công ăn việc làm cho gần 200 lao động là những người có hoàn cảnh khó khăn, con em thương binh, liệt sĩ với thu nhập từ 35.000 đến 50.000 đồng/ngày. Thật đáng kính trọng, không bao giờ người ta nghe thấy tiếng quát nạt của “ông tỷ phú” với công nhân. Ngược lại, ông luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến của họ để rút kinh nghiệm vào sản xuất kinh doanh. Có người làm thuê lâu ngày đã trở thành thợ lành nghề, xin về làm riêng, ông rất khuyến khích và rộng lòng giúp đỡ. Ông còn mở lớp tập huấn để giúp các thành viên trong Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hà Nam nâng cao hiểu biết về kỹ thuật lai tạo cây cảnh và chế tác non bộ. Hằng năm, ông Hưng còn đóng góp hàng chục triệu đồng cho quỹ khuyến học, ủng hộ đồng bào nơi bão lụt, nạn nhân chất độc da cam… Vào dịp kỉ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, ông không bao giờ quên viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ và hỗ trợ trùng tu. Khóe mắt ông ngấn lệ khi kể về người con trai cả hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: “Nó đã phù hộ cho người cha may mắn sống sót này có được những thứ như ngày hôm nay”.
Hiện tại, tuy đã ở tuổi 70, nhưng ông vẫn tham gia nhiều phong trào và hoạt động ở nhiều nơi. Ngoài cương vị là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hà Nam và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ông còn đảm nhiệm nhiều cương vị khác, như: Ủy viên ban chấp hành Hội Khuyến học tỉnh, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ văn hoá-thể thao người cao tuổi huyện, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh… Trong kháng chiến, ông được phong là dũng sĩ diệt Mỹ, được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng ba. Còn với bề dày thành tích trong cuộc chiến chống đói nghèo, ông đã được tặng thưởng 21 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh… Mới đây nhất, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Niềm vui viên mãn của ông Nguyễn Xuân Hưng hiện lên như ánh lửa tỏa ra từ đôi mắt sau tuần lễ viếng thăm Điện Biên Phủ đầu tháng 7 này: “Tôi không bao giờ quên những anh hùng liệt sĩ, những thương binh đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc, giữ lại mạng sống cho triệu triệu con người, trong đó có cả tôi…”.
Có lẽ, những trang viết về người thương binh Nguyễn Xuân Hưng chưa thể dừng ở đây, bởi ông vẫn tiếp tục “xây cuộc đời” khi “trái tim còn đập”. Tin rằng ông sẽ xây được cho mình và cho đời nhiều điều tốt đẹp hơn nữa bằng tấm lòng nhân hậu cùng nghị lực phi thường.
Bài và ảnh: Hồng Thạnh