Ngôi nhà ở trung tâm đồn điền - nơi Bác Hồ từng nghỉ và làm việc
QĐNDOnline - Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, nhân dân huyện Lạc Thủy nói chung và đồn điền Chi nê, nhà máy in tiền nói riêng đã vinh dự được 2 lần đón chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc. Đó thực sự là những dấu ấn không thể phai mờ.

Chính vì nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng, tiến và lui đều dễ dàng, thuận tiện, nên đến cuối năm 1946, đầu năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta mới bùng nổ, Chi nê thuộc Hòa Bình trở thành nơi trung chuyển một số cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến trên đường lên Việt Bắc. Theo nhật ký của Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến thì ngày 18-2-1947, Bộ trưởng đã đến Vân Đình đón ông bà Đỗ Đình Thiện về đồn điền Chi nê để chuẩn bị đón Bác. Ngày 18-2-1947, sau khi bế mạc phiên họp Hội đồng chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Bộ trưởng Bộ Canh nông Cù Huy Cận, đồng chí bảo vệ Hoàng Hữu Kháng và đồng chí lái xe Phạm Văn Ngọc từ Quốc Oai lên đường vào Thanh Hóa công tác. Đêm hôm đó, Bác qua Lạc Thủy và dừng chân tại Chi nê. Bác nghỉ và làm việc trong ngôi nhà thuộc đồn điền của ông Thiện. Bác làm việc tại đây cả ngày hôm sau. Vì tính chất bí mật của chuyến đi nên lúc đó rất ít người biết.

Theo lời kể của bà Trịnh Thị Điền(tư liệu lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh): lúc Bác đến khoảng tháng 2, trời còn lạnh, chúng tôi mời Bác vào phòng khách sưởi ấm một lúc rồi mời Bác cùng điểm tâm. Sau đó chúng tôi mời Bác đi thăm nhà công nhân và một số gia đình người Mường ở gần đó. Lúc trở về gần đến nhà thì có hai chiếc máy bay thám thính lượn vòng. Mấy bác cháu chui xuống hầm trú ẩn. Máy bay đi khỏi thì lại về nhà. Bác lấy chiếc máy chữ nhỏ đem ra ngồi ở gốc cây đa ngoài vườn làm việc. Người đánh máy hàng tiếng đồng hồ. Buổi trưa Bác dùng cơm cùng gia đình. Trong bữa ăn Bác hỏi thăm công việc làm ăn và nói: “Mình vào đây mới biết cơ sở làm ăn cũng lớn và quy củ, cũng lạ là địch nó chưa ném bom; nó sẽ ném, vậy cô có đồ đạc gì quý thì nên sơ tán đi, tìm chỗ lán xa và trong núi cho các cháu sơ tán ban ngày”. Sau bữa cơm trưa các cháu con gia đình ông Đỗ Đình Thiện hát cho Bác nghe rồi sau đó Bác tiếp tục làm việc. Bữa cơm tối hôm đó thật thân mật, ấm cúng như buổi xum họp gia đình cha con, ông cháu. Bác nhắc lại những mẩu chuyện đi Pháp, hỏi về những ngày đầu kháng chiến ở Hà Nội mà ông bà Đỗ Đình Thiện vừa trải qua.

Theo “Nhật ký của Bộ trưởng”, ông Lê Văn Hiến ghi rõ: “7 giờ tối đưa Cụ lên đường vào Thanh Hóa”. Đến Thanh Hóa vào lúc 3-4h sáng ngày 20-2-1947. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, gặp gỡ các cán bộ phụ trách chính quyền,…đêm hôm đó Bác lại rời Thanh Hóa để đến 3 – 5h sáng ngày 21-2-1947 Bác lại về đến Chi nê, Hòa Bình và dừng lại nghỉ tại đây”.
Căn hầm dưới căn nhà trung tâm – nơi Bác Hồ nghỉ và làm việc

Sáng ngày 21-2-1947, nhân dân huyện Lạc Thủy được vinh dự đón Bác Hồ. Đầu tiên, Bác đến thăm Nhà máy in tiền của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đóng tại khu đồn điền Chi nê(nay là nông trường quốc doanh sông Bôi), nhà để tiền tại xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa. Cùng đi với Bác có đồng chí Lê Văn Hiến – Bộ trưởng Bộ Tài chính; Phạm Quang Chúc – Giám đốc Nhà máy in tiền. Bác đi thăm xưởng in, thăm và nói chuyện với anh chị em công nhân…Bác động viên mọi người nỗ lực góp phần cho kháng chiến và tin tưởng vào thắng lợi. Người nói: “Người công nhân là người cách mạng nhất, các chú là người công nhân phải sống và làm việc gương mẫu, các chú phải giữ gìn phẩm chất của người cách mạng. Hiện nay kẻ thù của chúng ta đang tìm các cơ sở kháng chiến như nhà máy này để đánh phá. Các chú phải giữ gìn bí mật. Trong lao động các chú phải đoàn kết yêu thương nhau”.

Đến nơi nào Bác cũng ân cần hỏi chuyện cán bộ, công nhân, động viên anh em đoàn kết yêu thương nhau cùng tiến bộ, thi đua làm việc phục vụ kháng chiến. Nhiều thanh niên dân tộc Mường đã làm việc ở nhà máy được đón Bác. Sau này họ trở thành đảng viên cộng sản và giữ những chức vụ quan trọng lãnh đạo phong trào địa phương như: Bùi Văn Ninh, Bùi Văn Hiền, Bùi Văn Dấn... Sau đó Bác đi thăm một số nơi trong nhà máy và thăm bản làng địa phương. Trong nhật ký của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiến miêu tả rất rõ cuộc gặp gỡ của Bác với mọi người: “Được đón tiếp Chủ tịch Chính phủ mà ai nấy đứng trước mặt cụ vẫn còn hoài nghi! Nhất là mấy bà cụ già lại càng ngạc nhiên lắm. Đối với lũ trẻ thơ, Cụ làm cho chúng quyến luyến lắm. Hỏi trẻ con nào biết chữ, Cụ vui vẻ khen ngợi, em nào không biết chữ, Cụ bảo bắt đầu học ngay, và gọi mấy anh thanh niên giao trách nhiệm dạy dỗ cho đến ngày nào cụ trở lại thì ai nấy đều biết chữ. Đối với trẻ con, Cụ quyến rũ khéo lắm. Thảo nào mà người Pháp trong khi tiếp xúc lâu ngày với Cụ đã phê bình rất đúng là: đồng thời với nghệ thuật Chủ tịch Chính phủ, Cụ Hồ Chí Minh biết cả nghệ thuật làm ông”.

Trong buổi làm việc với Ủy ban hành chính xã Cố Nghĩa và lãnh đạo nhà máy in tiền, Bác yêu cầu phải cho sơ tán máy in tiền đến địa điểm kín đáo để đề phòng máy bay giặc đến bắn phá, bảo vệ tính mạng nhân dân và của cải. Đúng như lời Người tiên đoán, tối ngày 22-2-1947, đồn điền Chi nê bị oanh tạc dữ dội, thiệt hại vô cùng lớn. Sau được nghe báo cáo về sự oanh tạc của máy bay Pháp vào đồn điền Chi nê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng vô cùng xúc động gửi cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện: “Chú thím thân mến! Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. “Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ”. Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng. Hồ Chí Minh.”

Như vậy, trong hai ngày 19 và 21-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi kinh lý Thanh Hóa đã ở trong đồn điền Chi nê của gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện. Trong điều kiện nước sôi lửa bỏng của những ngày đầu kháng chiến với biết bao công việc bộn bề phải chuẩn bị, việc Bác ghé thăm đồn điền Chi nê của gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện để lại dấu ấn không thể phai mờ.

Năm 1960, thời gian thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất, Bác Hồ vô vàn kính yêu lại trở về thăm nhân dân huyện Lạc Thủy. Lần này Bác cũng đến thăm khu Đầm Đa và đồn điền xưa. Tại nơi đây, 13 năm trước Người đến thăm và động viên nhân dân Lạc Thủy tích cực tham gia sản xuất ủng hộ kháng chiến. Lần này Bác đến thăm Lạc Thủy với niềm vui hân hoan của đất nước mới giải phóng. Bác truyền cho nhân dân sức mạnh mới, Bác động viên nhân dân tăng gia thật nhiều, tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì Miền Nam ruột thịt.

Hơn 60 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi xa thành câu chuyện quá khứ, song những chứng tích về nó sẽ luôn tồn tại, câu chuyện về gia đình ông Đỗ Đình Thiện và đồn điền Chi nê vẫn với một một lòng yêu nước nhiệt thành sẽ luôn được nhắc đến như một mốc son trong lịch sử ngành Tài chính nước nhà.

Nguyễn Đức Tiến