QĐND - Trước khi đề cập đến tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp tưởng cũng nên nói qua về những bài viết trên Báo Le Paria. Vẫn quen lối nói bất cần khảo chứng, Thụy Khuê cứ tùy tiện nói bừa: “Những bài xuất hiện trên Báo Le PariaL’Humanité, phần lớn là của Nguyễn Thế Truyền; những bài trên Le Libertaire, phần lớn là của Nguyễn An Ninh; những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc sau khi Nguyễn Tất Thành đi Nga, từ 1923 đến 1927, trên Le Paria và trên Inprékorr, báo Nga ấn bản Pháp ngữ, cũng của Nguyễn Thế Truyền” (sic)! “Nói có sách, mách có chứng”, yêu cầu đó đối với người Việt Nam, ngay cả trẻ nhỏ, ai cũng đều biết cả. Nhưng vì quá hăng hái “lập công” nên Thụy Khuê đã liều lĩnh nói bừa. Tuy nhiên, đáng tiếc là những lập luận đó của Thụy Khuê cũng chẳng đánh lừa được ai! Cần nhắc lại rằng Báo Le Paria do Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập, trực tiếp làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và viết chính. Số đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 1-4-1922 đã có giới thiệu về số 2: Đón đọc bài Động vật học được viết rất hay của Nguyễn Ái Quốc, photographe - (chữ thợ ảnh được chú thích đàng hoàng như một chức danh, đó là bài viết của một thợ ảnh chứ không phải của moogj avocat hay licencié nào).

Bác Hồ, người thầy vĩ đại của báo chí   Cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Còn Nguyễn Thế Truyền, như đã nói ở trên, mãi cuối năm 1922 mới kết thân với Nguyễn Ái Quốc và tham gia cộng tác với Le Paria. Trong khi, bút danh Nguyễn Ái Quốc từ lâu đã trở thành tên riêng của Nguyễn Tất Thành. Trong 38 số báo Le Paria, có tới 37 bài của Nguyễn Ái Quốc, không kể bài dịch, với văn phong giản dị, thiết thực nhưng không kém phần trào lộng tinh tế, châm biếm sắc sảo, dồi dào tình cảm cách mạng và có tính chiến đấu cao, không thể trộn lẫn được. Chính nội dung những bài viết này, sau đã được Nguyễn Ái Quốc sử dụng lại, đưa vào tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Có điều lạ là Thụy Khuê đều vơ tất cả các bài trên Le Paria và trên các báo khác về cho Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh mà lại gạt Phan Văn Trường ra? Nên nhớ, mãi đến 6-12-1923, ông Phan Văn Trường mới lên tàu về nước. Dưới một bút danh mới là PHAN, ông đã viết nhiều bài cho Le Paria. Theo GS Nguyễn Phan Quang, trong cuốn Luật sư Phan Văn Trường, các bài đó được đăng trên Le Paria các số: 11, 12, 13, 14, 16, 18-19, 21,... vào các năm 1922-1923.

Đối với tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, lúc đầu, Thụy Khuê khẳng định rằng đó là của Nguyễn Thế Truyền. Tuy nhiên, sau có lẽ thấy nói thế không thuyết phục được ai, nên Thụy Khuê đổi giọng: "có thể được coi là một sáng tác tập thể, mà Nguyễn Thế Truyền làm chủ biên và viết lời giới thiệu". Thụy Khuê dẫn thêm một câu của Trần Dân Tiên: "Ông Nguyễn chỉ viết một cuốn sách duy nhất là tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp", trích trong những sách của người Pháp viết để ở thư viện quốc gia", để rồi lu loa lên rằng: Viết như thế "chứng tỏ ông chưa đọc "Bản án chế độ thực dân Pháp" vì "chẳng có cuốn sách nào của người Pháp lại viết về tội ác của một thành phần dân tộc mình như thế và lưu trong thư viện để ông chép lại" (sic)! Ô hay! Thật kỳ lạ cho tư duy của một nhà phê bình! Chẳng lẽ ở Pháp, Thụy Khuê chỉ quen biết với toàn những tên thực dân mà quên rằng, nước Pháp còn là quê hương của lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái; của những người xã hội và cộng sản; của những trí thức chân chính theo đuổi lý tưởng nhân đạo vào chính nghĩa, như J.Jaurès, A.France, M.Cachin, Vigné D,Octon…. và rất nhiều người khác nữa. Họ viết sách, viết báo lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân, bênh vực các dân tộc thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc trích dẫn những nhận định, đánh giá mà họ đã viết, đã nói như là một cách dùng "gậy ông đập lưng ông" thì có gì là lạ? Đây là dụng ý của Nguyễn Ái Quốc, được mật thám Jean ghi lại và đưa vào mật báo ngày 19-1-1920: "Tôi không muốn tự mình viết lấy, vì như thế không có giá trị trung thực. Tôi sẽ dùng những đoạn văn trong sổ sách đã viết về thực dân Pháp. Tôi sẽ cố gắng làm cho đậm nét những đoạn ấy".

Có thể thấy, chính Thụy Khuê chưa đọc, hơn nữa có thể còn chưa được nhìn thấy tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Bởi nếu được nhìn qua thôi, tôi tin chắc Thụy Khuê không dám liều lĩnh nói sách này là của Nguyễn Thế Truyền hoặc do ông Truyền làm chủ biên. Đơn giản là vì ngay trước trang bìa bên trong, sách đã in trang trọng ảnh chân dung tác giả của tác phẩm là Nguyễn Ái Quốc, một điều cũng hiếm thấy ở phương Tây lúc bấy giờ. Chính Nguyễn Thế Truyền trong lời giới thiệu cũng viết: Chúng tôi sẽ lần lượt đưa ra những bản án của các dân tộc là thuộc địa của Pháp trong một loạt các tập sách nhỏ mà mở đầu bằng bản án của một người An Nam: Nguyễn Ái Quốc.

Đề cập đến vấn đề tác giả của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, ông Đặng Hữu Thụ, vốn người Hành Thiện, tác giả cuốn sách khá đầy đặn về "thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền", cho biết: "Trước khi đi Mạc Tư Khoa, ông Nguyễn Ái Quốc có viết cuốn sách lên án chế độ thực dân Pháp bằng Pháp ngữ. Ông có giao bản thảo sách cho ông Nguyễn Thế Truyền nhờ sửa chữa lại bản thảo, đề tựa và cho in tại Pháp. Sách được in năm 1926 tại Paris, có bài tựa của ông Nguyễn Thế Truyền" (tr.120). Ông Truyền nhờ ông Bửu Nghi, du học ở Pháp là bạn thân của ông Truyền sửa dùm các lỗi chính tả, văn phạm, lời văn; sau ông Truyền xem lại, sửa chữa lần nữa, gọt dũa lại câu văn, viết lại nhiều câu ý tưởng còn thiếu mạch lạc, trước khi trao cho nhà in (tr.123-124). Ông Thụ kết luận: "Vậy tác giả cuốn sách trên là ông Nguyễn Ái Quốc" (tr.125).

Thụy Khuê chắc đã đọc kỹ cuốn sách này vì đôi lần trích ý kiến Đặng Hữu Thụ trong bài của mình. Tuy nhiên, đến đoạn nhận định mà tôi vừa nêu trên của ông Thụ thì Thụy Khuê lại lờ đi không nhắc đến chỉ vì nó không có lợi cho dụng tâm đang muốn thực thi. Cách trích dẫn của Thụy Khuê là như vậy, nhiều khi cố tình cắt xén cốt sao đạt được ý đồ của mình. Bản Việt Nam yêu cầu ca được Nguyễn Ái Quốc chuyển thành văn vần để cho những người ít chữ dễ thuộc, dễ nhớ, nhưng không thể đưa in vì ở Pháp lúc đó không có chữ in quốc ngữ có dấu. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc phải viết tay, làm bản chụp rồi in ra. Việt Nam yêu cầu ca được Nguyễn Ái Quốc viết theo thể thơ lục bát. Bản phô tô trong sách của Thu Trang cho thấy Nguyễn Ái Quốc viết liền 2 câu 6/8 cùng 1 dòng. Nhưng vì dụng ý của mình, khi trích dẫn, Thụy Khuê chỉ chép lại trong bài viết của mình toàn các câu 6, bỏ các câu 8, làm cho nó trở nên ngô nghê, chẳng còn vần điệu gì. Làm như thế, Thụy Khuê cốt để hạ một câu: Nguyễn Tất Thành do sớm bỏ học, nên tiếng Pháp sơ sài, quốc ngữ cũng kém!

Vở kịch Le Dragon en bambou (chứ không phải de bambou như Thụy Khuê viết) cũng được Thụy Khuê gán cho là của Nguyễn An Ninh mà không đưa ra được chứng lý nào. Chúng ta được biết, Nguyễn Ái Quốc không chỉ viết báo chính luận mà còn sử dụng các loại hình nghệ thuật khác như: Truyện, ký, kịch, tranh biếm họa để phục vụ cho tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân. Tháng 5-1922, Chính phủ Pháp mở Hội chợ triển lãm thuộc địa tại thành phố Marseille để khoe công lao khai hóa thuộc địa và có mời vua bù nhìn Khải Định sang dự. Dụng ý của Chính phủ Pháp lúc bấy giờ là với sự có mặt của Khải Định minh chứng cho “công lao” khai hóa thuộc địa của chủ nghĩa thực dân tại triển lãm lần này. Sự kiện này làm cho những người Việt Nam yêu nước có mặt ở Pháp cảm thấy bị sỉ nhục. Một chiến dịch phản đối bùng lên, phê phán mạnh mẽ tên vua bù nhìn ươn hèn, ăn chơi trác táng. Phan Châu Trinh viết: Thất điều thư, còn Nguyễn Ái Quốc thì viết nhiều bài báo và truyện ngắn châm biếm Khải Định, trong đó có vở kịch ba hồi Con rồng tre (trước đó, ông đã diễn thuyết về đề tài sân khấu Việt Nam tại CLB Faubourg buổi sinh hoạt tháng 4-1922). Vở kịch được nhóm Faubourg đem công diễn và được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Điều này được chính Léo Pold é s, một trí thức phái tả, là chủ nhiệm CLB Faubourg thời bấy giờ thừa nhận rất rõ trong một bài viết đăng trên Tuần báo Le Paria số 53, ra ngày 11, 12-6-1946, sau khi được gặp lại Nguyễn Ái Quốc đang thăm chính thức nước Pháp thời gian đó. Bài viết có đoạn: "Tôi đã đọc tập bản thảo. Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng với những cái châm biếm dí dỏm kiểu Aristophane... Thật không ngờ rằng 25 năm sau, người thợ ảnh ở ngõ hẻm Compoint, tác giả "Con rồng tre", lại trở nên một vị Quốc trưởng với cái tên mới Hồ Chí Minh, Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!".

Những bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ 1919 đến 1923 (Kỳ 1)

Những bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ 1919 đến 1923 (Kỳ 2)

(Còn nữa)

Ngô Trần Đức