QĐND - Sáng mùa đông, tại một căn nhà nhỏ trong ngõ nhỏ của phố Hoàng Văn Thái, Hà Nội, một người đàn ông hơn 80 tuổi run run giở từng trang hồi ký do chính tay ông viết, rồi kể cho tôi nghe về những tháng ngày không thể nào quên khi ông cùng đồng đội âm thầm lặng lẽ bám nắm B-52 trong 12 ngày đêm của tháng 12-1972 lịch sử. Đã 43 năm trôi qua, Nhà nước, quân đội không quên chiến công của các ông. Tháng 12-2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 Trinh sát kỹ thuật, Trung đoàn 75 (nay là Trung tâm 75, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
 |
Đại tá Trần Văn Tụng. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
|
Ông là Đại tá Trần Văn Tụng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2 trong những tháng ngày lịch sử ấy.
Ngày 17-8-1965, 10 chàng sinh viên của Trường Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao) mới nhập ngũ vào Cục II, Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) được Đại tá, Cục phó Cao Pha (sau này là Thiếu tướng) gặp và giao nhiệm vụ về công tác tại bộ phận trinh sát kỹ thuật. Làm trinh sát kỹ thuật là gì? Đồng chí Cục phó giải thích nôm na là thu thập thông tin trên làn sóng điện của Mỹ, tìm ra quy luật hoạt động của chúng bằng những luận cứ khoa học để báo cáo cấp trên phục vụ nhiệm vụ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi nói vắn tắt tình hình chiến sự trong nước và sự leo thang của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Đại tá Cao Pha căn dặn: “Làm cán bộ tình báo phải hết sức giữ gìn bí mật, khiêm tốn, có đôi chút công lao cũng không được tiết lộ...”. 10 sinh viên, ngoại trừ Trần Văn Tụng từng là chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó học Trường Bổ túc Công nông rồi học đại học, còn lại được đào tạo để làm tùy viên cho Bộ Ngoại giao nên rất bỡ ngỡ khi được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy.
Hồi đó, mặt bằng dân trí của chúng ta chưa cao như bây giờ. Số người biết tiếng Anh rất ít. Nắm rõ cuộc chiến tranh của Mỹ sẽ lan rộng ra miền Bắc bằng không quân và hải quân, chúng ta đã chủ động mọi kế hoạch để đối phó, trong đó các thu tin viên của Đại đội 2 Trinh sát kỹ thuật được đào tạo cấp tốc tiếng Anh 18 tháng. Vừa làm vừa học, với quyết tâm rất cao, chỉ sau một thời gian ngắn, từ chỗ còn hiểu lơ mơ, các chiến sĩ đã vượt lên, nắm chắc mọi tin tức, xây dựng cơ sở lý luận về quy luật hoạt động của đối thủ.
Thực tế cuộc chiến trên không rất khó khăn cho các thu tin viên. Bởi đối thủ làm việc rất khoa học, chính quy, kín đáo. Một bức điện chỉ vài dòng, nhưng nơi gửi và nơi nhận đã được che giấu bằng danh hiệu mật. Nội dung bức điện vừa dùng tiếng lóng, vừa viết tắt, lại vừa được mã hóa nên dù có đọc được cũng không dễ gì hiểu được. Đã thế, các đơn vị của Mỹ thường xuyên thay đổi phương tiện làm việc, chuyển tần số liên tục, rất khó cho ta theo dõi.
Được phân công là Tổ trưởng tổ nghiên cứu, Thiếu úy Trần Văn Tụng có nhiệm vụ cùng với các tổ viên phải trả lời được ba vấn đề của cấp trên đặt ra là thời gian, địa điểm đánh phá và số lượng máy bay của Mỹ tham chiến. Việc nghiên cứu này rất khó khăn, tỉ mỉ, cụ thể, nên phải huy động sức mạnh của tất cả các cán bộ, trực ban, các thu tin viên tham gia. Ai phát hiện được vấn đề gì báo cáo, cán bộ đại đội sẽ giao ngay nhiệm vụ nghiên cứu cho đồng chí đó. Sau khi trình bày chuyên đề trước tập thể đơn vị, được tranh luận, phản biện, nếu được nhất trí thông qua thì đưa vào ứng dụng. Sau một thời gian thử nghiệm thấy đúng thì được công nhận là một căn cứ ra tin. Tối thứ tư hằng tuần, đơn vị tổ chức sinh hoạt nghiệp vụ. Mặc dù hằng ngày ăn cơm rau, uống nước trắng, lại làm ca đêm, nhưng ai cũng hăng hái tham gia. Bằng cách đó, hiểu biết về địch tăng dần lên. Tháng 3-1966, Chuẩn úy Nguyễn Hữu Hưởng, nguyên là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát hiện được mạng “Tìm kiếm và cấp cứu” (SAR), đại đội tìm ra được nguồn tin là khi máy bay bị bắn rơi, địch huy động trực thăng HH53 và máy bay hộ tống đến cứu phi công. Nguyễn Trọng Tô, Bí thư chi bộ, thốt lên: “Đúng là ba anh thợ da bằng một Gia Cát Lượng”.
Nhưng đại đội vẫn chưa tìm ra nguồn tin để trả lời ba vấn đề của cấp trên. Cục trưởng Cục II, Đại tá Phan Bình (sau này là Trung tướng) gợi ý: Phải tìm ra sơ hở của đối thủ, dù có nhỏ nhất. Cần có tin bằng dấu hiệu tình báo. Cả đại đội bắt tay vào thực hiện theo định hướng đó. 9 giờ sáng 17-12-1966, trong phiên trực của mình, Thiếu úy Lê Kim Dũng thấy tin điện của đài địch dồn dập, trong đó có bức điện chỉ vẻn vẹn có một dòng chữ "Thunderstorm", nghĩa là “Bão có sấm” hoặc “Sấm rền”. Lê Kim Dũng hội ý với Bí thư chi bộ Nguyễn Trọng Tô và cả hai anh quyết định báo cáo lên trên: “Có thể chiều nay không quân Mỹ sẽ đánh phá miền Bắc”. Quả nhiên, 13 giờ ngày hôm ấy, 40 máy bay F105 của Mỹ cất cánh từ một sân bay Thái Lan vào đánh Hà Nội. Tin ấy xuất hiện vài lần và ta đều báo đúng, rồi sau đó mất tăm. Sau đó ta mới vỡ lẽ, đó là chiến dịch “Sấm rền” của không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, chúng báo cho nhau bằng mật danh chiến dịch, có nghĩa là trận đánh sắp bắt đầu. Đó cũng là một cơ sở cho ta nắm địch bằng dấu hiệu tình báo.
Cũng phán đoán bằng dấu hiệu tình báo nhưng Thiếu úy Phạm Xuân Khả lại có phương pháp khác. Anh liên hệ chặt chẽ với thu tin viên, lắng nghe phát hiện của anh em trực tiếp thu nghe nên cảm nhận được những dấu hiệu khác thường. Thường trước khi đối phương có trận đánh lớn, trên làn sóng mạng có những dấu hiệu đặc biệt: Năm, sáu danh hiệu lạ lên thử máy nhộn nhịp vài ba phút rồi im lặng. Hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Cả tổ nghiên cứu phỏng đoán có thể là máy bay trực thăng đi phục vụ trận đánh. Tổ trưởng Trần Văn Tụng báo cáo với Cục II vấn đề này và đề nghị hỏi cung phi công Mỹ. Quả nhiên, theo lời khai của phi công Mỹ với tổ hỏi cung của đồng chí Lâm Hoài, những tín hiệu ấy là máy bay trực thăng chuyên làm nhiệm vụ cấp cứu phi công khi bị ta bắn rơi máy bay. Cứ 10 máy bay đi ném bom thì có một trực thăng đi phục vụ. Nếu có 6 tín hiệu lạ lên máy, có nghĩa là có 6 trực thăng thử máy, thì sẽ có 60 máy bay vào miền Bắc đánh phá. Còn về thời gian? Thiếu úy Phạm Xuân Khả thống kê và rút ra quy luật: Cứ sau khi trực thăng lên thử máy thì khoảng 2 đến 3 giờ sau, trận đánh sẽ bắt đầu. Như vậy, mặc dù đối phương rất chặt chẽ, khoa học trong thông tin liên lạc, nhưng chỉ một chút sơ hở đã bị các tình báo viên kỹ thuật của ta tóm gọn. Bức màn bí mật dày đặc của đối phương đã bị chọc thủng.
Vấn đề thời gian và số lượng máy bay Mỹ tham gia trận đánh bước đầu đã được sáng tỏ. Vậy còn địa điểm chúng đánh phá? Tin này ở cấp chiến lược của Quân đội ta nắm được do tình báo chiến lược gửi về kết hợp với phán đoán nhạy bén của bộ phận trinh sát kỹ thuật.
Việc tìm ra dấu hiệu tình báo trước các trận đánh lớn của không quân Mỹ vào miền Bắc là bước ngoặt quan trọng trong quá trình phục vụ cấp trên của Đại đội 2 Trinh sát kỹ thuật. Sau thắng lợi này, đơn vị đã phát động phong trào thi đua phát hiện các dấu hiệu tình báo và đã có khoảng 30 dấu hiệu được tập thể đại đội phát hiện trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Căn cứ vào các dấu hiệu đó, đại đội đã báo cáo nhiều tin chính xác lên Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân: Tin máy bay rơi có tọa độ chính xác; tin B-52 thả bom tọa độ ở Trường Sơn; tin máy bay A6, A7 của hải quân Mỹ đánh lén phá cầu Long Biên; tin F111A (cánh cụp cánh xòe) đánh ban đêm; tin máy bay trinh sát thời tiết RF4C; tin vị trí các hạm tàu hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ, các hàng không mẫu hạm ra vào biển Việt Nam…
Với sự thông minh, nhanh trí và bền bỉ, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã cung cấp tin cho trên ổn định, vững chắc, độ tin cậy cao. Những tin ấy giúp Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân chọn phương án tác chiến và kế hoạch hợp đồng chiến đấu giữa các đơn vị tên lửa, cao xạ, không quân, ra-đa và dân quân tự vệ chặn đánh địch có hiệu quả.
Và đó là những nền tảng vững chắc để các tình báo kỹ thuật bước vào phục vụ trận đánh lớn nhất bảo vệ bầu trời miền Bắc của quân và dân ta: Trận quyết chiến 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972.
HỒNG SƠN
Kỳ 2: Giải mã B-52