Những chiếc thuyền len lỏi “cung cấp” hàng hóa, thực phẩm cho các tàu chuyên chở khách du lịch.

Khu thắng cảnh nổi tiếng Hạ Long - Tuần Châu, từng hai lần xếp hạng di sản thế giới, vào mùa du lịch năm 2007 thu hút lượng khách đến tham quan ngày càng đông. Các dịch vụ phục vụ du khách cũng trở nên phong phú hơn. Nhưng đến Hạ Long - Tuần Châu, du khách vẫn không khỏi phiền lòng.

Người đẹp... móc túi

Trước khi lên tàu hành trình ra thăm Vịnh và các thắng cảnh hang động ở Hạ Long, anh Trần Hậu, cán bộ của Đoàn an điều dưỡng 22 (Quân chủng Hải quân) không quên nhắc hành khách đi tàu HQ-997 cẩn thận với những thủ đoạn móc túi tinh vi của kẻ cắp. Những nơi du khách dễ bị móc túi nhất là trước cửa quầy mua vé tham quan thắng cảnh, cổng soát vé và trên đường vào các hang động. Kẻ móc túi có nhiều dạng, nhưng chú ý nhất là những... cô gái đẹp.

Thương gia Trần Kiên Giang, quê ở thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), làm nghề kinh doanh đồ gỗ gia dụng, có cửa hàng mặt phố. Đợt nắng, nóng ngột ngạt dài ngày, anh quyết định đóng cửa hàng, đưa vợ con đi nghỉ ở Hạ Long và đi thăm các thắng cảnh trên vịnh. Từ nơi mua vé tham quan ra, anh gặp ngay một cô gái trạc hai mươi tuổi niềm nở, hỏi thăm anh tham quan những tuyến nào. Giọng nói dễ thương, cử chỉ nhiệt tình, lại hiểu biết về các danh lam, thắng cảnh trên vịnh, khiến anh không nghi ngờ gì. Cô gái nhiệt tình giúp anh và gia đình mang đồ qua cổng soát vé. Khi chiếc vé tham quan thắng cảnh anh cầm được bấm lỗ, qua cổng, anh giật mình sờ túi quần áo. Ôi thôi, chiếc điện thoại Nokia đời mới trị giá hơn chục triệu đồng cùng với chiếc ví đựng mấy triệu đồng để chi phí cho chuyến tham quan đã biến mất. Anh nhớn nhác nhìn quanh, tìm cô gái vừa "nhiệt tình" giúp đỡ mình, nhưng vô vọng.

Một dạng "bóng hồng" khác cần nhắc tới qua câu chuyện mà tôi nghe được ở Bãi Cháy. Đó là trường hợp của Lý Trung, một du khách người Trung Quốc. Sang du lịch Việt Nam, Trung nghỉ tại một khách sạn trên phố Vườn Đào. Chiều ấy, Trung đi tắm biển. Chỉ có một mình. Trung cảm thấy rất vui khi gặp được một cô gái xinh xắn bắt chuyện và anh đồng ý để cô "tắm bao" cùng mình. Quen nhau, anh cho cô địa chỉ khách sạn, số phòng. Y hẹn, tối ấy cô gái đến. Sau một ngày đi đường, rồi tắm biển, rồi "tâm tình" với một cô gái trẻ đẹp, Trung mệt nhoài, thiếp đi. Khi tỉnh dậy, anh thấy đồ đạc trong phòng, quần áo vẫn còn nguyên, chỉ có chiếc ví đựng số tiền chi phí cho chuyến du lịch cùng hai chiếc điện thoại đã "mất tích" cùng người đẹp.

Đầu tháng 6-2007, Công an Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng an ninh, trật tự khu du lịch Hạ Long - Tuần Châu đã bắt được hàng chục đối tượng làm nghề móc túi, trong đó có tới 5 người là những "bóng hồng" rất xinh đẹp.

Du khách bị... chém đẹp

Cùng chuyến đi nghỉ ở Hạ Long với chúng tôi, có gia đình chị Nguyễn Thị Sen, nhân viên Trung tâm Công trình đặc biệt (Học viện Kỹ thuật quân sự). Như thường lệ buổi sáng, chúng tôi được Đoàn 22 chở ra bãi tắm Thanh Niên ở Bãi Cháy. Tắm xong, toàn gia đình chị Sen nghỉ ngơi trên một số ghế kê sát bờ biển. Khi thanh toán với chủ quán để trở ra xe, chị Sen kinh ngạc với giá tiền 20.000 đồng/ghế ngồi. Cả nhà ngồi trên 5 chiếc ghế hết 100.000 đồng. Ở khu du lịch Hạ Long, nếu ai quên mặc cả trước khi mua hàng hoặc thuê dịch vụ thì số tiền phải trả đắt hơn gấp từ 3 đến 5 lần giá thực. Tôi cũng đã từng bị “chém” với giá 15.000 đồng một chai nước Lavie loại 0,5 lít (giá bình thường chỉ 4.000đ-5.000đ), 9.000 đồng một chiếc kem ốc quế của Vinamilk…

Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh và Công ty Âu Lạc, đảo Tuần Châu thực sự trở thành điểm du lịch hấp dẫn với con đường rộng và đẹp nối liền đảo với đất liền. Nhưng Tuần Châu không phải để phục vụ người lao động có mức lương như hiện nay. Giá cả ở Tuần Châu đắt gấp nhiều lần so với ở thành phố Hạ Long. Vé vào khu du lịch quốc tế Tuần Châu, trẻ em từ 3 tuổi đến người lớn đều đồng hạng 15.000 đồng. Riêng chuyện vé vào xem biểu diễn xiếc thú, nhạc nước, giá đồng hạng 50.000 đồng/người, nhưng chất lượng không như mong muốn. Xem chương trình biểu diễn của hải cẩu, cá heo và sư tử biển, thời gian là 45 phút, nhưng người xem bị “độn” tới hơn 10 phút những tiết mục âm nhạc. Trong chương trình còn diễn cảnh bán đấu giá bức tranh do cá heo vẽ, nhiều du khách đã phải móc túi hàng trăm nghìn đồng, có khi lên đến tiền triệu cho sự cao hứng, ngô nghê. Du khách đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Điều đáng quan tâm nữa là ở Hạ Long - Tuần Châu có hàng trăm chiếc tàu chuyên chở du khách, đồng thời với những dịch vụ ăn uống và bán hàng lưu niệm. Giá cả dịch vụ ăn uống, đồ lưu niệm trên những tàu chở khách lên “đến trời”. Để bớt chi phí “đầu vào”, nhiều chủ tàu đã mua lậu hàng hóa, hải sản của ngư dân. Họ vận chuyển từ những chiếc thuyền nhỏ từ bờ ra tàu, không ai biết đã qua kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm chưa?

Để có môi trường du lịch sạch, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, mà trực tiếp là thành phố Hạ Long cần phải có những biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ; tổ chức thực hiện cụ thể, tỉ mỉ, để vịnh Hạ Long thực sự là điểm đến tin cậy của khách du lịch trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: ĐÌNH XUÂN