Trên một tấm bia đá lớn màu đen đặt giữa phòng trưng bày hiện vật ở khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) có khắc 504 cái tên. Nam có, nữ có. Có người 60 tuổi, có người 70 tuổi. Và có tổng cộng 142 trẻ em dưới 10 tuổi. Tất cả những người này vô cớ bị lính Mỹ giết hại một cách man rợ vào ngày 16-3-1968. 40 năm, 80 năm hay bao nhiêu thời gian trôi qua đi nữa thì vụ thảm sát Mỹ Lai sẽ luôn được nhớ đến là một hành động ghê tởm không thể dung tha.

Em bé và miếng cơm chưa kịp nuốt

Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết (con gái của ông Đỗ Ký) được chồng dìu, khập khiễng bước đến trước cửa ngôi nhà tranh. Người phụ nữ đổ sụp xuống khóc nức nở thoáng nhìn thấy tấm biển đồng ghi: Nhà của ông Đỗ Ký trước khi bị lính Mỹ đốt phá. Gia đình ông có năm người bị lính Mỹ giết, gồm vợ và bốn người con. Người chồng rơm rớm nước mắt nói: “Tôi xin bà. Biết là đau thương, ở nhà đã hay gặp ác mộng, hôm nay, đi đường xa từ Gia Lai về dự lễ tưởng niệm mà bà cứ lại khóc lóc thế này thì sức đâu mà sống”.

Bà Đỗ Thị Ánh Tuyết khóc trước tấm biển đồng ghi lại vụ gia đình bà bị lính Mỹ thảm sát.

Những người bị giết là mẹ và em của bà Đỗ Thị Ánh Tuyết. Bà Tuyết năm nay 56 tuổi, còn sống đến ngày hôm nay là nằm ngoài ý muốn của đám lính Mỹ đổ bộ xuống phía tây xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Gò, thôn Cổ Lũy, xã Sơn Mỹ 40 năm trước. Nghẹn ngào trong tiếng nấc, bà Tuyết nhớ lại: “Sáng hôm đó, cũng như nhiều hôm khác, thôn xóm đang yên bình, chẳng ai nghĩ tai họa có thể ập đến. Tôi đang đi gánh nước thì nghe thấy tiếng pháo bắn dữ dội, rồi tiếng trực thăng phành phạch bay tới. Vứt gánh nước, tôi chạy vội về nhà. Mọi người không dám chạy ra khỏi làng vì sợ máy bay bắn nên đều ở trong nhà. Một lúc sau thấy tụi lính Mỹ súng ống tua tủa ập tới. Chúng lùa cả nhà tôi ra gom với những gia đình hàng xóm khác ra”. Đám lính Mỹ điên cuồng xả đạn giết những người nông dân hiền lành không một lý do. “Bọn đó ác vô cùng. Chúng bắn phát một, toàn nhằm vào đầu và ngực, lòi óc, lòi ruột. Em tôi là Đỗ Hùng, lúc đó mới bốn tuổi, vừa được đút cho miếng cơm chưa kịp nuốt thì bị bắn toác đầu”. Bà Tuyết kể, mắt lộ rõ sự kinh hoàng như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Bà đã may mắn sống sót do đám lính Mỹ bỏ đi vì tưởng bà đã chết khi bị bắn vào lưng.

Giống như bà Tuyết, anh Phạm Thành Công cũng mất năm người thân, gồm mẹ và bốn chị em do hành động dã thú của lính Mỹ. Dù lúc đó mới 11 tuổi, song anh vẫn nhớ rõ hình ảnh đám lính Mỹ ập đến. Trước tiên, chúng đốt nhà, giết súc vật, cưỡng hiếp phụ nữ. Tiếp theo, chúng gom từng nhóm người dân vào để giết, rồi còn đến từng nhà xem có sót ai không để bắn, giết nốt. “Gia đình tôi bị dồn vào một góc rồi lính Mỹ giật lựu đạn. Tôi được xác của mẹ và các chị em chắn bên trên nên chỉ bị thương nặng. Mãi đến 4 giờ chiều, lính Mỹ đi rồi thì các bà con ở vùng khác đến cứu”, anh Công hồi tưởng lại. Người đàn ông này hiện là quyền Giám đốc Ban Quản lý khu chứng tích Sơn Mỹ. Cứ mỗi dịp kỷ niệm vụ thảm sát thì không đêm nào anh ngủ trọn giấc. “Trong những ngày giỗ, các con tôi hay hỏi tại sao bà, cô, dì, chú, bác chết. Lòng quặn thắt, nước mắt cứ ứa ra”, anh Công nói.

Cụ Phạm Thị Nhung năm nay 83 tuổi. Cụ đã không còn minh mẫn như trước, có lúc còn nhầm, việc này với việc kia. Nhưng nhắc đến chuyện cũ bốn thập kỷ trước, thì cụ vẫn không quên được sự sợ hãi. Giọng run run, cụ nói: “Tụi lính Mỹ giết người ghê quá. Xác người chất đống khắp thôn. Cả thảy có tới 24 gia đình bị giết sạch”. Cụ Nhung cũng thoát chết do may mắn. Sự may mắn đó được kể tiếp dưới đây.

Những lính Mỹ vẫn còn nhân tính

Cựu binh Mỹ L.Cô-bơn gặp lại cụ Phạm Thị Nhung.

Lo-ren-xơ Cô-bơn đi tha thẩn trong khu vực Sơn Mỹ ngắm những vườn cây, ruộng lúa xanh mướt thanh bình. Ngước mắt nhìn bầu trời trong vắt, ông khẽ thở dài: “Đến cả thời tiết sao cũng giống hôm đó thế”. Cũng như nhiều người dân Sơn Mỹ, người đàn ông Mỹ năm nay 58 tuổi này vẫn nhớ như in những gì xảy ra 40 năm trước.

Sáng 16-3-1968, tổ bay trực thăng chiến đấu Mỹ gồm phi công Hắc Thôm-xơn và hai xạ thủ Lo-ren-xơ Cô-bơn và Glen An-đrê-ô-ta thực hiện việc tuần tra trên vùng trời Sơn Mỹ như thường lệ. Đột xuất họ được thông báo có giao tranh ác liệt ở dưới đất và bay tới. “Chúng tôi cứ nghĩ là có đọ súng quyết liệt giữa binh sĩ Mỹ và bộ đội Việt Nam. Nhưng thật lạ là ngoài phụ nữ và trẻ em, chúng tôi không phát hiện thấy bóng dáng ai có vẻ là bộ đội Việt Nam cả nên bay đi. Một lúc sau, khi vòng lại và nhìn thấy rất nhiều xác dân thường nằm trên đường, chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy có điều gì không ổn ở đây rồi”, L.Cô-bơn nhớ lại.

Hạ thấp độ cao, H.Thôm-xơn, L.Cô-bơn và G.An-đrê-ô-ta nhìn thấy một đại úy Mỹ đá vào đầu một phụ nữ bị thương. Rồi tên này chĩa súng bắn thẳng vào đầu người phụ nữ. Thôm-xơn quyết định hạ cánh và phát hiện ra một viên trung úy khác đang định dùng lựu đạn giết một số phụ nữ và trẻ em bị thương đang sợ hãi nấp ở dưới một căn hầm. “Thôm-xơn vô cùng giận dữ. Anh quay lại hỏi tôi và An-đrê-ô-ta: Các anh có theo tôi không? Chúng tôi trả lời: Có. Trước khi ra khỏi máy bay, Thôm-xơn bảo tôi và An-đrê-ô-ta hãy nã đạn vào bất cứ quân nhân Mỹ nào bắn mấy người dân thường và anh ta”, L.Cô-bơn hồi tưởng.

Sơn Mỹ có bãi biển Mỹ Khê đẹp nổi tiếng. Từ năm 1945, xã có tên là Tịnh Khê (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Sau năm 1975, xã lại mang tên cũ là Tịnh Khê. Nhưng ở thời điểm xảy ra vụ thảm sát, ngụy quyền Sài Gòn gọi xã là Sơn Mỹ. Trên bản đồ tác chiến của lính Mỹ lại ghi là “My Lai”, tên của một thôn ở Sơn Mỹ: thôn Mỹ Lại. Từ đó Sơn Mỹ hay Mỹ Lai được nhắc đến đồng nghĩa với vụ thảm sát.

Thôm-xơn tiến đến phía viên trung úy và yêu cầu được đưa những người trong hầm đi. Thôm-xơn dọa tên trung úy và đám lính rằng, đừng có mà manh động vì trung liên trên trực thăng đang sẵn sàng nhả đạn vào chúng. Đám lính buộc phải để Thôm-xơn gọi hai trực thăng khác bay tới mang 11 người Việt Nam bị thương đi cấp cứu. Và một trong số những người được cứu từ căn hầm chính là cụ Phạm Thị Nhung.

Cô-bơn cho biết, ông sẽ nhớ mãi sự kiện Mỹ Lai cho tới khi xuống mồ. “Lúc đó, Thôm-xơn, An-đrê-ô-ta và tôi hành động như vậy vì chúng tôi là con người. Chúng tôi có nhân tính và không thể chấp nhận được hành động tội ác hệt cầm thú như thế. Cho đến lúc hấp hối hồi năm 2006, Thôm-xơn vẫn nói với tôi: Ước gì ngày đó chúng ta cứu được nhiều người hơn”, ông Cô-bơn kể.

Trong khói hương và tiếng kinh Phật, tất cả những ai dự lễ cầu siêu sáng 15-3 tại khu chứng tích Sơn Mỹ đều nguyện cầu vong hồn của 504 nạn nhân được siêu thoát. Nhưng đối với những người đang sống thì vụ thảm sát Mỹ Lai là tội ác còn mãi với thời gian.

Bài và ảnh: BẢO TRUNG