QĐND Online – Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy tham gia giao thông đã được thực hiện nhiều tháng nay. Việc thực hiện quy định này một cách nghiêm túc trong thời gian đầu đã nhận được ghi nhận. Song, sự nghiêm túc đó đã không được duy trì bao lâu, tới nay trên các tuyến phố lại bắt gặp nhiều người không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy tham gia giao thông…

Chệch choạc từ sau Tết nguyên đán

Không đội mũ bảo hiểm trên phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Khí thế ra quân rầm rộ, tuyên truyền và chuẩn bị tốt khiến những ngày đầu thực hiện quy định bắt buộc đôi mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy tham gia giao thông trở thành sự kiện bàn táni. Ở đâu cũng nghe thấy người ta bảo ban nhau về việc đội và cách đội mũ bảo hiểm. Dư luận xã hội đã rất vui mừng trước thành công bước đầu này. Tôi còn nhớ trong những ngày đó, lực lượng chức năng được tăng cường và làm rất chặt. Hầu như ai đi mô tô xe máy ra đường mà không đội mũ bảo hiểm đều bị xử lý. Người không đội mũ bảo hiểm cảm thấy lạc lõng và luôn luôn phải nhìn trước, nhìn sau vì sợ bị xử lý. Tất cả những tác động đó đã khiến cho mọi người dân luôn ý thức việc cần có mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy tham gia giao thông. Trong nhiều tuần, quy định này được thực hiện khá tốt, chỉ phát hiện một số ít thanh niên không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vào ban đêm. Tuy nhiên, sau Tết nguyên đán Mậu Tý, việc thực hiện quy định này đã thay đổi. Quan sát các tuyến đường vào ban ngày cũng có thể bắt gặp nhiều người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy. Không ít người dân đã nhận thức được nguyên nhân của sự thay đổi này và có ý kiến để các ngành chức năng có biện pháp. Ông Nguyễn Thắng ở phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trong những ngày Tết, đặc biệt là ngày mồng một, hai, ba Tết, việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng giảm nhiều. Mặt khác, theo tôi, đây cũng có thể là do tâm lý dễ dãi, không muốn xử phạt người dân vào ngày đầu năm của một số cán bộ. Trong khi đó tinh thần tự giác của người dân chưa cao, ỉ vào việc ngày Tết, lực lượng chức năng sẽ lương nhẹ và muốn diện những bộ trang phục, kiểu tóc mới nên nhiều người đã ra đường, đi chơi xuân và chúc tế không đội mũ bảo hiểm. Cũng như một thói xấu dễ lây lan nhanh. Ngày mồng một còn ít, sáng ngày mồng hai, mồng ba, số người không đội mũ bảo hiểm ngày càng nhiều. Sau Tết, các lực lượng chức năng lại không quyết liệt chấn chỉnh, nên nhiều người không đội mũ bảo hiểm như hiện nay”.

Tại thị trấn Xuân Mai (Hà Tây), nhiều người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Ở các khu đô thị tỷ lệ người không đội mũ bảo hiểm còn ít, song tại các khu vực ngoại thành, nông thôn, tỷ lệ này ngày càng cao. Ở trong làng, hầu như không có việc xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm. Do vậy, người dân ở một số làng, xã gần như ngầm hiểu với nhau: “đi xe máy trên đường làng không bị xử phạt, còn đi xe máy ra đường liên xã, quốc lộ, tỉnh lộ thì mới có thể bị xử phạt. Chỉ cần quan tâm đến mũ bảo hiểm khi đi xa”.

Cần tiếp tục ra quân tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm

Chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Tây) bức xúc: “Chúng ta làm việc gì cũng cần làm tới cùng mới có kết quả tốt. Những năm trước, trên địa bàn cũng đã thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm trên một số tuyến đường, tuy nhiên chỉ được thời gian đầu, sau đó do buông lỏng quản lý, kiểm tra, tình trạng không đội mũ bảo hiểm đâu lại vào đấy. Lần này, quy định đội mũ bảo hiểm được tiến hành trên toàn quốc và đã có kết quả tốt trong một thời gian, được cả xã hội ủng hộ. Không ai nghĩ sẽ lại xảy ra tình trạng “Đầu voi đuôi chuột” như những lần trước. Vậy mà đến nay, trên các tuyến đường lại xuất hiện nhiều người không đội mũ bảo hiểm. Tôi rất mong các ngành chức năng sớm có những hành động hiệu quả ngăn chặn tình trạng này. Vì như vậy sẽ gây nhiều hậu quả xấu. Trước hết đó là việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm không nghiêm. Thứ hai và tệ hại hơn đó là tạo suy nghĩ thiếu tích cực trong nhận thức của người dân về thực hiện quy định của Nhà nước”.

Không ít người dân ở nông thôn bày tỏ thất vọng về việc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm không nghiêm. Vì thực tế, trước tác dụng của đội mũ bảo hiểm nhiều gia đình phải tốn nhiều thời gian giáo dục, khuyên bảo, lớp thanh niên địa phương mới đội mũ bảo hiểm. Vậy mà đến nay, do thiếu chặt chẽ việc kiểm tra, xử lý đã làm nhen nhóm và phát triển tư tưởng đội hay không mũ bảo hiểm cũng được trong lớp thanh niên.

Có mũ bảo hiểm nhưng không đội, bị công an xử lý

Anh Trần Mạnh Hùng, phường Suối Hoa (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) nói: “Chuyển đổi một thói quen này sang một thói quen khác là rất khó. Khi chuyển đổi, giai đoạn đầu là giai đoạn có tính chất quyết định. Phải hành động thường xuyên, liên tục và với tinh thầnh tự giác cao thì mới có thể bỏ được thói quen cũ, hình thành thói quen mới. Chúng ta đã gặp thuận lợi khi thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm. Được cả xã hội ủng hộ, và thời gian đầu thực hiện rất nghiêm. Tuy nhiên, khi việc đội mũ bảo hiểm chưa thành thói quen thì lại thiếu sự kiểm tra, xử lý cần thiết, một số người đã dần không thực hiện hành động này. Đây là điều đáng tiếc, tuy nhiên chúng ta có thể khắc phục được bằng việc tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm túc”.

Không chỉ vậy, thời gian vừa qua, nhiều người tiêu dùng đã phải lên tiếng, kêu ca về chất lượng mũ bảo hiểm. Song tình trạng bán mũ bảo hiểm kém chất lượng, mẫu mã lạ, không bảo đảm vẫn diễn ra tràn lan. Đây cũng là một yếu tố tác động không tốt đến ý thức đội mũ bảo hiểm của người dân.

Thực trạng đội mũ bảo hiểm, chất lượng mũ bảo hiểm hiện nay và mong muốn của người dân đang đòi hỏi các ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai những hành động cụ thể, sớm kiểm soát tốt thị trường mũ bảo hiểm, đưa việc đội mũ bảo hiểm thành nếp. Ngoài lực lượng chức năng, với mỗi người dân vừa để thực hiện nghĩa vụ chấp hành quy định của nhà nước cũng vừa là bảo vệ mình và người thân cần tự giác đội mũ bảo hiểm và nhắc nhở người thân làm theo.

Bài và ảnh: Xuân Dũng