QĐND - Mười năm trước, tôi đã đến Khe Sanh trong một chuyến đi dài ngày. Khi ấy, Đường 9 chưa được sửa chữa, nâng cấp. Chiếc xe đò Đông Hà-Lao Bảo ì ạch vượt qua cầu Đầu Mầu, những dốc cao, đèo dài, lô nhô "ổ gà" và gió Lào khô nóng thốc qua cửa xe ngột ngạt ghê người. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những chiếc xe gắn máy hiệu Min-xcơ chất đầy hàng hóa, phóng vụt ngược chiều. Từ hai bên Đường 9, thỉnh thoảng lại bắt gặp con đường tiểu mạch mà thấp thoáng trong tán cây là những “cửu vạn” gùi hàng thuê đang chờ đợi...

Bây giờ trở lại, cảnh vật hai bên Đường 9 đã đổi thay rất nhiều. Màu xanh. Ngút ngàn hai bên đường là màu xanh cây lá. Những vườn tiêu trĩu quả ở Tân Lâm, những đồi keo, tràm ở Đầu Mầu suốt gần 90km từ Đông Hà lên Lao Bảo tỏa bóng êm dịu. Qua cầu treo Đakrông, Đường 9 bắt đầu uốn lượn quanh co, mặt đường nhựa bóng loáng, phẳng phiu và dòng sông dù đã cạn nước nhưng rất trữ tình giữa rừng Trường Sơn đang xanh trở lại...

Trở lại Khe Sanh, Lao Bảo, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng-Thiết giáp và Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào, "Dũng sĩ diệt Mỹ", đều có nhiều tâm sự. Sự hiểu biết, trải nghiệm và nét rắn rỏi của vị tướng từng là cựu chiến binh chiến đấu ở Khe Sanh đã hấp dẫn chúng tôi từ phút đầu gặp gỡ. Ông nói: “Tôi không thể ngờ được nơi chiến trường xưa, hôm nay đã đổi thay tiến bộ nhiều quá. Ngay bên bờ sông Sê Pôn, từng là đường hành quân tiếp cận tuyến xuất phát xung phong tiến công cao điểm Làng Vây của đơn vị chúng tôi, giờ đây là Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo...”.

 

Bên Tượng đài chiến thắng Làng Vây. 

Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo có tổng diện tích 15.804ha, trải dọc theo Quốc lộ 9-tuyến đường xuyên Á với chiều dài 25km. Tôi bước vào Khu Công-Thương mại-Dịch vụ Lao Bảo, chỉ cách Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo chừng 300m. Những gian hàng ngồn ngộn, hàng hóa đủ chủng loại đến từ Lào, Thái Lan và các nước... Tôi nhớ, năm 1999, tôi đang ở đơn vị công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị và đã thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình ở khu vực này. Những trưa hè nắng chang chang, chúng tôi cẩn trọng tìm kiếm và xử lý từng quả đạn, bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Cho đến khi ấy, chứng tích cuộc chiến tranh trên mảnh đất này vẫn còn hiển hiện rất rõ. Chúng tôi, vai đeo máy dò mìn, tay cầm thuốn và lưng áo đẫm mồ hôi, bỏng rát bởi cái nắng chói chang thiêu đốt... Có lần, chiến sĩ Thành phát hiện quả mìn định hướng do quân đội Mỹ sản xuất nằm sâu dưới mặt đất tới 40cm. Quả mìn còn mới, màu sơn xanh và ngòi nổ thiết kế rất tinh vi, tôi biết chắc chắn rằng nó vẫn còn nguyên tính năng, tác dụng và có thể nổ bất cứ lúc nào nếu mình mất cảnh giác. Thượng úy, Trung đội trưởng Trần Hoài Phương, bạn tôi đã giành lấy việc nguy hiểm là: Tháo gỡ nó. Bạn nói: “Chỉ vài hôm nữa bạn chuyển công tác đi làm phóng viên quân đội, thôi để quả mìn này mình xử lý cho. Mình hiểu loại này lắm, vì làm nhiều rồi”. Chúng tôi tản ra tìm chỗ ẩn nấp an toàn, chỉ còn lại một mình Phương trơ trọi giữa khu rừng, ngổn ngang những thân cây nằm đổ gục. Tôi nhìn rõ mồ chảy ướt đẫm trên gương mặt Phương đầy căng thẳng. Và hai bàn tay của Phương cẩn trọng tháo nắp mìn, tháo ngòi nổ. Chúng tôi ở vị trí ẩn nấp an toàn như nín thở, thót tim theo từng vòng xoay tháo ngòi nổ của Phương. Có lẽ các gien vặn đã bị gỉ nên Phương loay hoay khá lâu... Đến lúc Phương đứng bật dậy, hai tay huơ lên trời: “Xong rồi, xong rồi!”, chúng tôi chạy ào ra quanh Phương, mừng đến chảy nước mắt.

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, năm 1968 là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn xe tăng 198-đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam xuất trận tâm sự với tôi: “Trong quá trình hành quân và qua các giai đoạn chuẩn bị, thực hành chiến đấu tiến công cứ điểm Làng Vây, chúng tôi không hề gặp và phải xử lý bất kỳ một quả mìn chống tăng nào của đối phương, chứng tỏ đối phương hoàn toàn bị bất ngờ!”. Theo lời kể của Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, ngày 14-10-1967, Tiểu đoàn xe tăng 198 tổ chức lễ xuất quân, từ Xuân Mai, Hòa Bình, vượt hơn 1000km vào khu vực tập kết chiến dịch tại bản Na Bon, Mường Phìn (Lào). 22 chiếc xe tăng PT-76 miệt mài hành quân theo các trụ đường 12A, 12B, 15A, 15B, hệ thống đường mòn chiến lược 559. Ngày nghỉ, đêm đi, hằng ngày xuất phát vào lúc 18 giờ hành quân đến 5 giờ sáng tới vị trí giấu quân. Để bảo đảm yếu tố bí mật, đơn vị sử dụng một loạt các biện pháp ngụy trang xe bằng giàn tre, cây lá gắn trên nắp xe; chiếc xe đi sau cùng đội hình mỗi trung đội kéo theo nhiều thân cây để xóa vết xích. Suốt quá trình hành, trú quân, đơn vị hạn chế sử dụng liên lạc vô tuyến điện, chỉ sử dụng khi thật khẩn thiết và mã hóa thông tin bằng mật ngữ. Đơn vị thực hiện quy định trong suốt quá trình hành quân là phải vượt qua 1 đến 2km rồi vòng lại giấu quân ở mỗi vị trí tạm dừng, trú quân bí mật v.v..

Cuộc hành quân của xe tăng vào chiến trường Đường 9-Nam Lào đã trải qua biết bao nhiêu gian truân, khổ ải. Sau hơn hai tháng hành quân, ngày 19-12-1967, toàn đơn vị đã có mặt đầy đủ tại Na Bon, Mường Phìn (Lào), vị trí tập kết chiến dịch, mà đối phương không hề hay biết. Trước khi tham gia trận đánh cứ điểm Làng Vây, Tiểu đoàn xe tăng 198 đã phối thuộc cùng Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 tiến công địch thắng lợi tại Huội San-Tà Mây, tiêu diệt nhiều sinh lực địch... Ý định phát triển chiến đấu hiệp đồng binh chủng xe tăng, bộ binh và các lực lượng khác của mặt trận về hướng Làng Vây đã không thực hiện được bởi xuất hiện tình huống lực lượng tàn quân địch từ Huội San rút chạy về co cụm ở Làng Vây, trên đường rút chạy, hệ thống cầu cống bị chúng phá hỏng hoàn toàn, nhằm cản bước tiến của xe tăng.

Trận đánh cứ điểm Làng Vây đành phải lùi lại đến đầu tháng 2-1968. Lực lượng công binh của Đoàn 559 đã tổ chức làm đường, bảo đảm cơ động cho xe tăng tiếp cận. Và cho dù yếu tố bí mật xe tăng không còn, nhưng khi xe tăng PT-76 từ các hướng xuất phát xung phong, vượt qua cửa mở dẫn bộ binh xông lên cứ điểm Làng Vây, lực lượng đối phương vẫn hoàn toàn bất ngờ...

Mười năm trước, một lần đến Làng Vây, tôi đã gặp Đoàn cựu chiến binh Mỹ trở lại thăm chiến trường xưa. Một cựu binh cúi xuống nhặt những viên đá Làng Vây màu váng sắt. Bầy trẻ em Làng Vây tò mò đứng nhìn... Người cựu binh Mỹ trầm ngâm hồi lâu, rồi ông cúi đầu, bật khóc... Và bây giờ, bên tôi là Trung tá Nguyễn Thuận Huệ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hướng Hóa, anh nói: “Hiện nay, trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, cao điểm Làng Vây vẫn giữ nguyên giá trị của một vị trí địa hình quân sự trọng yếu, điểm chốt giữ quan trọng trên tuyến đường 9. Bởi vậy, xây dựng thế trận lòng dân trên địa bàn, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng-an ninh ở địa bàn này được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt”. Và không chỉ ở Làng Vây, mà trên cả miền đất Khe Sanh, Hướng Hóa, ở đâu tôi cũng đã gặp những khởi sắc đáng ghi nhận. Ở Khe Sanh, khí hậu vùng cao rất thích hợp cho xây dựng các khu nhà nghỉ, an dưỡng, nhiều di tích lịch sử chiến tranh cách mạng như: Nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, Động Tri, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo v.v.. Khe Sanh có nhiều hồ, đầm tự nhiên, nước trong xanh, đồi thông reo vi vút, nhiệt độ trung bình mùa hè chỉ vào khoảng 25 độ C trong khi ở Đông Hà gió Lào rít từng trận bão thì nơi đây vẫn mát mẻ, yên lành. Buổi sáng ngắm sường mù bay lãng đãng quấn quanh những vườn cà phê trĩu hạt, những núi đồi trùng điệp, buổi tối ra thị trấn, cũng kêu một ly cà phê Khe Sanh-Hướng Hóa chính hiệu tỏa hương ngào ngạt, thấm lên đầu lưỡi vị cà phê hơi cay cay một chút và ngắm những dò lan rừng rủ hoa yểu điệu mà chủ quán kỳ công sưu tầm, nói vài câu chuyện tâm tình với người bạn thân và mơ ước... Sân bay quân sự Tà Cơn năm xưa nay đã trở thành khu di tích chiến tranh. Rất nhiều khách du lịch nước ngoài đã đến đây, chụp ảnh lưu niệm bên những hiện vật máy bay, xe tăng, pháo, trang bị quân sự của quân đội Mỹ, và họ tự giải đáp cho một câu hỏi quan trọng, điều gì đã làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam?

Buổi trưa nắng chói chang trên cứ điểm Làng Vây, Hồ Văn Diệu và Hồ Văn Kiêm, hai chàng thanh niên dân tộc Vân Kiều vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi. Hỏi ra mới biết, hai anh chàng Vân Kiều này là những chủ nhân của rừng chuối xanh bạt ngàn xung quanh cứ điểm Làng Vây. Diệu kể, mỗi lần thu hoạch chuối trừ chi phí được khoảng 20 triệu đồng, cộng thêm thu nhập từ rẫy sắn, cũng đủ chi dùng trong gia đình, không phải đi gùi hàng thuê vượt biên giới nữa. Tôi được biết, từ nhiều năm qua, để giải quyết nguồn lương thực tại chỗ, cùng với tận dụng đất ven triền đồi, nương rẫy trồng ngô, khoai, sắn và các cây họ đỗ, huyện Hướng Hóa đã vận động nhân dân khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước hai vụ; đầu tư khai hoang đất đai. Từ trên cao điểm Làng Vây, có thể nhìn thấy rõ Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, đây là “đầu ra” chủ yếu của vùng trồng sắn nguyên liệu, giúp nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa xóa đói, giảm nghèo, có hộ thu nhập từ sắn mỗi năm hơn 100 triệu đồng...

So với mười năm trước đây, hoặc xa hơn nữa, kể từ khi tiếng súng lặng yên trên vùng đất này, Khe Sanh đang xanh trở lại. Tôi nhớ hôm chia tay đồng đội trong đơn vị công binh đang làm nhiệm vụ dò gỡ bom mìn giải phóng mặt bằng để xây dựng Khu Công-Thương mại-Dịch vụ Lao Bảo, Thượng úy Phương chở tôi về Đông Hà trên chiếc xe gắn máy cà tàng, chúng tôi đi qua những quả đồi trọc, trơ vết cháy rừng nham nhở. Khi ấy, chúng tôi đã ước ao về một đô thị sẽ mọc lên trên mảnh đất đầy thương tích chiến tranh, nơi chúng tôi hằng ngày dò dẫm gỡ mìn, hủy bom, đạn, trả lại sự bình yên cho đất. Cũng giống như Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, hay Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào, "Dũng sĩ diệt Mỹ", những người lính đã đi qua chiến tranh luôn mang ước vọng hòa bình, 45 năm qua, mỗi một người dân Khe Sanh- Hướng Hóa, Quảng Trị đều thường trực ước vọng được đổi đời trên mảnh đất quê hương, từ giọt mồ hôi mặn chát của mình. Uớc vọng ấy chưa bao giờ nguôi ngoai và đang dần trở thành hiện thực. Khe Sanh đã xanh lại như là một điều tự nhiên của đời sống, không thể nào khác...

Bút ký của TRẦN HOÀI