Lùn sọc đen là căn bệnh do vi-rút gây hại cho lúa, chỉ mới xuất hiện gần đây tại Việt Nam, trên thế giới chưa có thuốc đặc trị. Vụ đông xuân vừa qua, có một nhà khoa học và một doanh nhân đã lặng lẽ bỏ tiền của, công sức, trí tuệ với hơn 100 ngày lăn lộn trên đồng ruộng để chứng minh niềm tin: Bằng công nghệ sinh học, lùn sọc đen có thể được khắc chế, cây lúa vẫn cho thu hoạch cao ngay cả khi đã nhiễm bệnh.

Và, niềm tin ấy đã thành công trên đồng ruộng miền Bắc, thế nhưng đáng tiếc là hiện các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại vẫn khoanh tay ngoài cuộc…

Những thửa ruộng lúa được cứu sống !

Một buổi sáng đầu tháng 6.

Cánh đồng thôn Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên (Bắc Giang) bỗng sôi động hẳn lên. Từng tốp nông dân đổ dồn về ruộng lúa nhà chị Nguyễn Thị Huệ để chứng kiến một mô hình cấy giống lúa lai năng suất cao hẳn so với mọi năm. Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy ruộng lúa chín vàng tăm tắp, hạt chắc, mẩy và sáng. Nói như một nông dân là “thửa ruộng này đẹp nhất cánh đồng”.

Bất ngờ hơn, đó lại chính là thửa ruộng đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen!

Chị Nguyễn Thị Huệ kể:

 - Nhà em cấy 4 sào lúa giống mới, bị bệnh lùn sọc đen rất nặng. Một bữa, thấy có bác mặc bộ quần áo bộ đội bạc màu, mang thuốc về bảo phun thử nghiệm diệt lùn sọc đen, không ngờ bây giờ đẹp thế này. Bên chuyên môn đến đếm hạt bảo: “Ruộng nhà chị phải đạt từ 3 tạ trở lên”. Em mừng lắm!

Để hiểu rõ thực hư về hiệu quả kỳ lạ của loại thuốc trên, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Vinh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Yên. Bà Vinh phấn khởi nói: “Đó là nhóm chế phẩm EXIN 4.5 HP, thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ sinh học do anh Nghiêm Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển Thiên Đức cung ứng. Nói thật, ruộng lúa nhà chị Huệ lúc đó đã bước vào thời kỳ làm đòng, rất khó chữa, nhưng đây là ruộng trình diễn giống lúa mới. Vì vậy, chúng tôi đã nhờ anh Mẫn về thử nghiệm xem sao. Không ngờ…".

Ruộng lúa “từ cõi chết trở về” của gia đình bà Tô Thị Lý, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải (Thái Bình).Ảnh: Đình Huệ

Vẫn theo bà Vinh, huyện Tân Yên có tổng số 143,5 ha bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Riêng ruộng lúa bị nhiễm ở nhà chị Nguyễn Thị Huệ bây giờ chuẩn bị gặt có thể khẳng định: Khả năng hỗ trợ của thuốc làm cho lúa trổ bông rất đều, lá xanh đậm, so với các ruộng phun loại thuốc khác, tỷ lệ hạt mẩy trên thửa ruộng này cao hơn hẳn.

Còn nhớ, tháng 3 vừa qua, khi bệnh lùn sọc đen đang hoành hành tại 24 tỉnh, thành phố, chúng tôi đã về tỉnh Thái Bình (điểm nóng về dịch bệnh), tìm đến thửa ruộng của gia đình bà Tô Thị Lý, ở xóm 4, thôn Nam, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải để tận mắt chứng kiến một ruộng lúa bị bệnh lùn sọc đen. Thời điểm đó, sau khi dùng chế phẩm sinh học EXIN 4.5 HP, ruộng lúa của gia đình bà Lý đã được cứu kịp thời... Trước ngày nông dân Thái Bình thu hoạch, chúng tôi quyết định trở lại Tây Giang để chứng kiến kết quả cuối cùng. Điều kỳ diệu là tất cả những nơi bị lùn sọc đen tấn công, sau khi dùng chế phẩm sinh học EXIN 4.5 HP đều thu hoạch lúa với năng suất tương đương hoặc cao hơn so với các vụ trước.

Bà Tô Thị Lý (người có diện tích lúa được khuyến cáo là nhổ bỏ), bộc bạch với chúng tôi:

- Diện tích nhà tôi tổng cộng 6 sào, trong đó gần 2 sào bị nhiễm lùn sọc đen nặng, hỏng tới 70%. Các anh trên xã bảo: “Bà có thể bừa đi, cấy lại, hoặc nhổ cây lúa bị bệnh vùi đi, cấy dặm cây khỏe vào”. Nhưng nếu nhổ bỏ thì coi như… nhổ hết, tôi đành để vậy, nghĩ bụng được thì ăn, mất phải chịu. Mấy hôm sau ra đồng, thấy mọi người bảo có ông giám đốc về thăm lúa, phun thuốc, 5 ngày sau cây lúa bắt đầu vươn nhanh. Tôi không biết họ phun thuốc gì mà lúa lại nhanh đẹp thế. Bây giờ thì tuyệt vời! Lúa Bắc thơm là giống chất lượng cao, thu hoạch khoảng hơn 2 tạ một sào là cao. Nếu so với các vụ trước, tôi chắc vụ này vẫn giữ được năng suất tương đương. Nói thật, lúa nhà tôi đúng như từ cõi chết trở về...

Không chỉ ruộng nhà bà Lý, toàn bộ 6 ha bị nhiễm lùn sọc đen trên cánh đồng các xã Tây Giang, Tây An, Tây Tiến, Nam Hà, Nam Hải và Đông Trà (mỗi xã 1 ha thử nghiệm) khi sử dụng nhóm chế phẩm EXIN 4.5 HP đều được đưa “từ cõi chết trở về”, thu hoạch với năng suất rất cao. Theo nhiều nông dân, những diện tích không bị nhiễm bệnh, nếu cùng cấy một giống lúa sau khi phun thuốc phòng dịch, năng suất còn tăng từ 15 đến 20kg thóc/sào.

Hành trình nhọc nhằn chứng minh công nghệ mới!

Điện thoại, hẹn hò mãi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được ông Nghiêm Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển Thiên Đức để hiểu thêm về công việc thầm lặng trên đồng ruộng.

Theo ông Mẫn, nhóm chế phẩm sinh học có khả năng khắc chế được bệnh lùn sọc đen là kết quả của một công trình nghiên cứu khoa học có tên “Nghiên cứu và ứng dụng các chế phẩm có hoạt tính sinh học nhóm EXIN 4.5 HP trong phòng trừ bệnh cây” do kỹ sư Hứa Quyết Chiến, cán bộ Viện Sinh học Nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu. Đây là đề tài khoa học cấp Nhà nước, từng nằm trong chương trình nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Bun-ga-ri. Là người nghiên cứu ra sản phẩm nhưng kỹ sư Hứa Quyết Chiến chưa biết phải làm như thế nào để đưa tiến bộ khoa học công nghệ ứng dụng trên đồng ruộng. Vì thế, doanh nhân cựu chiến binh Nghiêm Mẫn đã kết hợp với kỹ sư Hứa Quyết Chiến đưa sản phẩm đến với nông dân.

Trong vụ chiêm xuân vừa qua, nhà khoa học Hứa Quyết Chiến và doanh nhân Nghiêm Mẫn đã triển khai mô hình thực nghiệm tại 10 tỉnh, thành phố, với gần 50 ha lúa, trên nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau. Hai người thực hiện với niềm tin mãnh liệt: Lùn sọc đen sẽ được khắc chế. Qua hơn 100 ngày lăn lộn trên đồng ruộng cùng khoản chi phí hơn 300 triệu đồng hỗ trợ miễn phí thuốc cho nông dân, cuối cùng họ đã thành công.

Thế nhưng, không hiểu vì sao cho đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn khoanh tay đứng ngoài cuộc. Trao đổi với chúng tôi, ông Nghiêm Mẫn tỏ vẻ bức xúc:

- Chính tôi đã gửi thư ngỏ gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, mời ông tới thăm lại thửa ruộng bị nhiễm lùn sọc đen mà địa phương định nhổ bỏ xem hiện tại ra sao, nhưng không nhận được sự phản hồi. Tôi cũng nhiều lần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật mong muốn vào cuộc, xác định rõ hiệu quả của dòng chế phẩm sinh học có thể khống chế lùn sọc đen trên lúa, nếu thực sự hiệu quả thì nên bổ sung vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật. Thế nhưng, tất cả những thiện chí đó đều rơi vào im lặng… Tôi và anh Hứa Quyết Chiến rất muốn, trong vụ mùa tới sẽ tiếp tục thử nghiệm trên diện rộng, hỗ trợ thuốc cho nông dân phòng, chống bệnh lùn sọc đen, khẳng định thêm hiệu quả của thuốc. Nhưng phải nói thật, chúng tôi chỉ là doanh nghiệp nhỏ, kinh phí, sức lực đang cạn dần. Rất mong có sự hợp sức, hỗ trợ của các ngành chức năng...

Một điều “oái oăm” khác, trong khi chế phẩm sinh học EXIN 4.5 HP đã thành công trên đồng ruộng miền Bắc, thì hiện nay Viện Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại đang được giao thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu nguyên nhân và biện pháp phòng, chống bệnh lùn lụi hại lúa ở miền Bắc” với nguồn kinh phí lên tới… 3,2 tỷ đồng! Một trong những “định hướng mục tiêu” là xây dựng được mô hình thực nghiệm phòng, chống hiệu quả bệnh lùn lụi (lùn sọc đen) hại lúa tại các vùng có dịch.

Thật lạ, “lộ trình tiền tỷ” trên đã được “hai nhà” (khoa học và doanh nghiệp) khơi mở thành công bằng… tiền túi, và điều kỳ diệu đã hiện hữu trên đồng ruộng. Qua Báo Quân đội nhân dân, kỹ sư Hứa Quyết Chiến và doanh nhân Nghiêm Mẫn chỉ có một đề nghị: Cơ quan chức năng hãy lắng nghe họ nói, kiểm tra việc họ đã làm và đồng hành với họ để đến với nông dân/.

“Hằng năm, nông dân huyện Tiền Hải bị thiệt hại nhiều tỷ đồng nuôi ngao, tôm, cá chết do nguồn nước bị nhiễm độc do thuốc bảo vệ thực vật trên đồng đổ ra cửa biển. Vì thế, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học là đòi hỏi rất cấp thiết đối với một số huyện ven biển như chúng tôi. Qua thực tế khảo nghiệm vụ xuân vừa qua, nhóm chế phẩm EXIN 4.5 HP bước đầu cho kết quả tốt trong việc loại trừ rầy, khống chế được sự phát triển của bệnh lùn sọc đen trên cây lúa, năng suất tăng từ 12 đến 15% so với ruộng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khác, và điều quan trọng là đồng ruộng không bị ô nhiễm môi trường”. (Ông Vũ Đức Hằng, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)

Phóng sự của Lê Thiết Hùng