 |
Rẫy đậu xanh của gia đình Phạm Văn Thực, đội 1, đơn vị 736 bị voi xéo rạng sáng 29-6. |
Hơn một tháng nay, đêm nào người dân các thôn Án, Dự, vùng xã Ia Lốp, huyện biên giới Ea Súp cũng thấp thỏm canh chừng đàn voi rừng xâm nhập phá hoại đậu, lúa. Toàn bộ diện tích hoa màu của hàng chục hộ dân bị voi ăn và xéo nát.
Chiều 29-6, chúng tôi xuống đội 1, đây là đội có diện tích đất sản xuất nằm sát bìa rừng Ya Lốp và cũng là địa bàn bị thiệt hại nặng nhất do đàn voi phá hoại. Thiếu úy Lê Đình Tuấn, đội trưởng, dẫn chúng tôi ra khu vực rẫy đậu xanh của các hộ: Trương Thị Thúy, Trịnh Quốc Hoàn và Phan Văn Thực vừa bị đàn voi phá sạch vào rạng sáng 29-6. Một đồng nghiệp của tôi đo được dấu chân của con voi đầu đàn rộng tới hơn 50cm. Những gì đàn voi để lại trên hiện trường gợi cho chúng tôi cảnh tượng đàn voi đi đến đâu cây trồng rạp đổ, vùi lấp đến đó, chẳng khác nào trận lũ quét.
Thiếu úy Lê Đình Tuấn cho biết: “Đêm nào đội cũng tập trung lực lượng canh chừng xua đuổi voi, vậy mà vẫn chẳng kết quả gì. Vì voi dạn quá, chúng tỏ ra không sợ người nữa. Có đêm voi vào khu vực rẫy chỉ cách nhà chỉ huy đội 500 mét. Rạng sáng 29-6 vừa qua, khi phát hiện đàn voi xâm nhập, lực lượng tập trung xua đuổi, nhưng đến khi đuổi được đàn voi vào rừng thì diện tích bị thiệt hại cũng lên đến hơn 3ha”. Gặp chúng tôi, chị Phạm Thị Oanh than thở: “Thu nhập của gia đình em cả năm trông chờ vào 6 sào lúa và 5 sào đậu. Nay đàn voi rừng kéo vào phá mất 3 sào lúa và 1,5 sào đậu rồi. Diện tích còn lại cũng chưa chắc được thu hoạch vì việc xua đổi đàn voi như hiện nay không thực sự hiệu quả. Gia đình em không biết lấy gì để sinh sống. Đã thế đêm đêm do tiếc công, tiếc của vợ chồng em phải thức cùng mọi người canh voi trong nơm nớp lo sợ đàn voi hung hãn tấn công, thì hậu quả thật khó lường!”.
Ia Lốp là xã kinh tế mới, được hình thành trên cơ sở những làng công nhân của Binh đoàn 16. Bình quân một hộ dân ở Ia Lốp được nhận khoán từ 15 đến 20ha điều. Vào thời điểm này, cây điều đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, nên thu nhập chính của bà con trông chờ vào diện tích đậu, bắp và lúa trồng xen trong vườn điều. Do chưa có công trình thủy lợi, nên việc trồng xen cũng chỉ làm được một vụ hè thu. Thượng tá Lưu Xuân Thụy, Chính ủy đơn vị 736 cho biết, diện tích đậu, lúa trồng xen trong vườn điều cho năng suất khá cao, nhất là vụ hè thu năm nay cây đậu xanh phát triển tốt, bình quân đạt 2 tấn/ha. Với giá đậu 10 nghìn đồng/kg, một héc-ta đậu người dân Ia Lốp thu khoảng 20 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ công nhân ở đơn vị 736 trồng được 2-3ha đậu, thì thu nhập cũng được trên dưới 50 triệu đồng. Nhờ đó mà kinh tế của đại đa số hộ kinh tế mới đã khấm khá hơn ở quê cũ.
Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện Ea Súp mà nhất là ở xã Ia Lốp đàn voi rừng thường xuyên xâm nhập phá hoại sản xuất, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Liên tiếp trong hai năm qua, hàng trăm hộ dân Ea Súp đã lâm vào cảnh thất bát do diện tích cây trồng bị voi rừng phá trắng. Nguy hiểm hơn là năm nay, đàn voi tỏ ra không sợ người, chúng kéo vào vùng sản xuất gần khu dân cư xã Ia Lốp để phá phách. Theo phản ánh của trung tá Đỗ Trọng Thành, Phó chỉ huy về quân sự đơn vị 736, trong thời gian từ 26-5 đến 29-6, cứ cách vào ba đêm, đàn voi rừng khoảng 40 con từ trong rừng Ya Lốp vượt qua suối 12, tràn vào khu vực trồng đậu xanh, lúa của các thôn Án, Dự... Voi đi đến đâu, cây trồng bị xéo nát đến đó. Tổng diện tích cây trồng của xã Ia Lốp bị voi phá trong vụ này lên đến 11ha. Hằng đêm, các đội 1, 2 và 3 của đơn vị 736 phải tập trung lực lượng dân quân và thanh niên trai tráng khoảng 5-7 chục người, sử dụng loa phóng thanh, khua gõ xoong chậu, kết hợp hò hét tạo tiếng động lớn và đốt lửa để xua đuổi đàn voi. Nhưng xem ra đàn voi đã khá dạn người. Do chúng không sợ người, nên lực lượng xua đuổi cũng phải cảnh giác, đứng cách xa chúng cả 100 mét và luôn đề phòng trường hợp voi tấn công thì phải chạy để bảo đảm an toàn tính mạng. Trao đổi với chỉ huy đơn vị 736, chúng tôi được biết, đơn vị đã quán triệt cho anh em công nhân cùng bà con trên địa bàn chỉ được sử dụng phương pháp truyền thống như tạo tiếng động và đốt lửa để xua đuổi đàn voi; không được đến quá gần và không được sử dụng hung khí gây tổn thương voi. Mặt khác, đơn vị 736 tiến hành tổng hợp thiệt hại, báo cáo UBND huyện Ea Súp về tình trạng voi rừng phá hoại sản xuất, đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp di dời đàn voi nhằm bảo đảm sản xuất cũng như an toàn tính mạng người dân.
Trao đổi với anh Nguyễn Đình Toản, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ea Súp, chúng tôi được biết, tình trạng voi rừng xâm nhập khu vực sản xuất xảy ra từ năm 2002 đến nay. Nhưng từ năm 2006, đàn voi bắt đầu phá hoại cây trồng, quật phá chòi canh rẫy của bà con. Con số thống kê năm 2006, toàn huyện có tới hơn 100ha cây trồng và hàng chục chòi canh rẫy của bà con các xã ven rừng bị voi tàn phá. Trong đó xã Ia Zlơi và Ia Lốp bị đàn voi phá gây thiệt hại nặng. Trước tình trạng đàn voi rừng liên tiếp kéo vào khu vực sản xuất để phá hoại cây trồng, UBND huyện Ea Súp chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và các xã tiến hành biện pháp xua đuổi voi trở lại rừng, đồng thời tiến hành thống kê thiệt hại để hỗ trợ bà con. Huyện đã cấp cho mỗi thôn một loa phóng thanh để sử dụng đuổi voi, chỉ đạo các xã ven rừng huy động dân quân tự vệ trực canh phòng xua đuổi voi; nghiêm cấm dùng súng, cùng những hung khí khác làm tổn thương đàn voi. Việc di chuyển đàn voi rừng này huyện cũng đã tính đến nhưng còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH