Kỳ 2: Từ Điện Bàn… tới Nam Ô
QĐND Online - Trên cương vị công tác mới, đồng chí Nguyễn Thanh Năm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tại vùng cát Điện Bàn, anh tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, khiến kẻ thù khiếp sợ; phát động nhân dân đứng lên diệt ác phá kềm. Theo sự phân công của tổ chức, anh ra Nam Ô lãnh đạo phong trào chuẩn bị cho tấn công và nổi dậy.
Chiến đấu trên quê hương
Nhận nhiệm vụ mới, Nguyễn Thanh Năm hiểu rằng vùng cát là vùng sâu trong lòng địch; trước đây ta đã bao lần đưa quân về nhưng đều bị tổn thất (ví dụ như trận bảy Dũng sĩ Điện Ngọc). Do đó, muốn giải phóng vùng cát phải hết sức cẩn thận, đã đánh là phải thắng. Sau nhiều lần bị đánh, địch cũng rút kinh nghiệm. Chúng xây dựng làng chiến đấu, ấp chiến lược kiên cố kiểu “hai sông ba núi”, có hầm chông, mìn cóc, bố trí các loại vũ khí chống vượt rào. Anh xác định muốn thành công phải được sự ủng hộ của nhân dân, không có dân giúp đỡ thì không làm được việc gì. Khi xuống các thôn Đông Cẩm Sa, Quảng Hậu... người người, nhà nhà đều tham gia cách mạng khiến Năm Dừa rất yên tâm, nhất là các chi bộ đã được thành lập.
Trong cuộc họp phổ biến nhiệm vụ, Ban Quân sự vùng cát nhất trí ý kiến của đồng chí Bí thư Nguyễn Thanh Năm: “Kên quyết đánh thắng”. Trước hết, phải đánh gây uy tín. Mục tiêu được chọn là trung đội địch ở Điện Dương. Nhưng sau đó gặp một số trở ngại khách quan nên không thực hiện được. Đúng lúc ấy, tên ác ôn Hàn dẫn đại đội chủ lực của huyện Điện Bàn tràn xuống khu vực thôn 3, xã Điện Ngọc (nơi ta đang đứng chân). Nhận được mật báo, Năm Dừa nhanh chóng rút quân ra Hòa Hải (thuộc huyện Hòa Vang). Anh gọi cửa từng nhà cho bộ đội vào và yêu cầu nhân dân sáng mai phải đóng kĩ cửa; mọi người án binh bất động; lúc nào quân giải phóng đi thì dân đi. Nhân dân biết bộ đội giải phóng về nên rất phấn khởi. Các gia đình tổ chức ăn uống chu đáo, động viên các anh yên tâm chiến đấu. Đến 12 giờ, ta tổ chức hành quân về xóm 2 thôn 3, Điện Ngọc. Đây là xóm bầu sâu, trên đồi, dưới đồi, ở giữa là đồng ruộng nên có thế tiến công. Quân ta chia thành 3 mũi: một mũi từ dưới biển đánh lên; một mũi dưới sự dẫn dắt của Năm Dừa đánh thẳng vào sườn địch và một mũi luồn sâu từ phía tây (trên gò cát) đánh xuống. Triển khai lực lượng xong, được cơ sở mật báo địch đang nghỉ trưa , các mũi bắt đầu thực hành tiến công. Sau gần 4 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt hơn 100 tên, bắt sống 30 tên và thu toàn bộ vũ khí. Trong số này có một trung đội Quốc dân đảng là thanh niên vùng cát rất ác ôn. Thắng trận, Năm Dừa rút quân về núi. Sau đó, anh tổ chức mít tinh phát động quần chúng; huy động gậy, dao, mác,… dầu tây phá hết hàng rào ấp chiến lược, đốt đồn địch từ Cẩm Sa đến Quảng Lăng.
Địch hoảng sợ điều một tiểu đoàn chủ lực từ Vĩnh Điện (thuộc huyện Điện Bàn) ra chi viện. Chúng đi từ Cẩm Sa xuống Quán Gò, vòng lên đóng quân trên Gò Mã. Lúc đó, ta đang ở Quảng Hậu. Nhận được tin báo, Năm Dừa tổ chức đánh tiểu đoàn này khi chúng đứng chân chưa vững. Địch nằm chờ sẵn, ban chỉ huy của chúng đóng trên gò cao. Nhưng thuận đâu ta đánh đó. Lợi dụng trưa hè nắng gắt, một trung đội tổ chức đột nhập sườn nam diệt 7 tên, thu một số súng. Bị bất ngờ, địch hốt hoảng chạy về phía đông gò. Chúng cầm cự đến tối mới rút quân về Vĩnh Điện. Toàn bộ vùng cát như Cẩm Sa, Bình Ninh, một phần của Quảng Lăng, Quảng Hậu và Điện Ngọc được giải phóng.
 |
Tình yêu nơi chiến khu (ảnh do nhà văn Nguyên Ngọc chụp khi ở Trà My) |
Khi rút chạy, địch để lại một số tên ác ôn. Chúng lấy ấp chiến lược ở Quảng Lăng xây dựng pháo đài kiên cố và thách thức: nếu cộng sản đánh được ấp chiến lược này thì thả cối đá xuống ao Quảng Lăng sẽ nổi. Ngược lại, nếu không đánh được chúng sẽ dựa vào ấp chiến lược để lấn chiếm ra vùng giải phóng. Hội ý chỉ huy, Năm Dừa quyết tâm đánh thắng trận này. Được cấp trên đồng tình ủng hộ, anh cùng ba đồng chí xuống ruộng nếp mật phục. Qua nguồn tin từ cơ sở, anh nhận định: “Muốn diệt địch phải đánh lúc 9h. Đánh sớm quá, chúng chưa tới. Ban đêm, chúng về ngủ hết. Mìn địch rải chung quanh không theo quy luật. Đã nhiều lần quân ta đột nhập đều bị vướng nổ. Vì vậy, để chắc thắng chúng ta phải đánh ban ngày”. Anh tổ chức cho bộ đội thực hành tiến công theo kế hoạch. Nhưng chẳng may người dẫn đường sơ suất nên bị địch phát hiện. Chúng vội vàng tháo chạy. Vùng nông thôn đã được giải phóng liên hoàn.
Hoàn thành nhiệm vụ phá kềm làm chủ vùng cát, cuối tháng 10 năm 1964, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà, đồng chí Nguyễn Thanh Năm được bầu vào Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Nông hội, Phó ban dân vận tỉnh có nhiệm vụ quản lý, phát động nông dân tham gia kháng chiến, cải tạo đồng ruộng, chia đất đai,... tổ chức cho nông dân vô hợp tác xã.
Lãnh đạo phong trào “Tiếng trống Nam Ô”
Chuẩn bị cho tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Thanh Năm được điều về làm Bí thư cánh Bắc Hòa Vang, chính ủy mặt trận Bắc Hòa Vang (đèo Hải Vân). Trên đường đi, anh rất lo lắng, không phải sợ khó khăn, chết chóc mà lo nhiệm vụ có hoàn thành hay không. Bởi vì chiến trường tây bắc Hòa Vang anh chưa đặt chân tới, điều kiện đi lại rất khó khăn; lương thực thực phẩm đảm bảo cho bộ đội ra sao; tổ chức chiến đấu như thế nào…
Đến nơi, anh phấn khởi vì nhân dân ở đây rất anh hùng. Cán bộ kiên cường bám trụ; ban đêm họ xuống hoạt động trong dân. Các chi bộ địa phương luôn làm tốt công tác phát động quần chúng. Vì vậy, dân trong vùng hầu hết ai cũng làm cách mạng. Ngày cũng như đêm, hễ địch bước đi là ta tới. Ta đi thì địch vô. Nhân dân bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ. Đặc biệt, chuẩn bị cho tiến công và nổi dậy, nhân dân phải cung cấp lượng lương thực quá lớn cho lực lượng của ta trên chiến khu. Họ dùng thuyền, ghe và sức người vận chuyển gạo dưới sông. Địch phát hiện, bắn xối xả, bà con vẫn ngụy trang, tổ chức mang gạo ban đêm.
Tỉnh ủy Quảng Đà đóng ở Hòn Tàu, Duy Xuyên (Quảng Nam) triệu tập Bí thư cánh Bắc Hòa Vang Nguyễn Thanh Năm về nghe truyền đạt nghị quyết chuẩn bị ra quân thực hiện đêm tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân. Tham dự hội nghị có các lực lượng vũ trang, cán bộ lãnh đạo toàn tỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng: “Liệu có khả năng đánh chiếm được Đà Nẵng không. Lực luợng địch tại Đà Nẵng đông dày, đồn bốt chằng chịt, sức còn mạnh”. Với anh, bốn ngày trôi qua chỉ nghe và tính cách làm ra sao, chấp hành chủ trương như thế nào cho đúng. Kết thúc hội nghị, đồng chí Hồ Nghinh (Bí thư Tỉnh ủy) nhìn thấy anh im lặng, liền bảo: “Năm Dừa chưa phát biểu”. Lúc bấy giờ, anh mới đại diện cho cánh quân phía bắc, đứng dậy ý kiến: “Báo cáo đồng chí Bí thư, các đồng chí nói là tấn công nổi dậy thắng hay không thì tôi không dám khẳng định. Nhưng làm thì phải rồi. Tôi chỉ có câu đề nghị đồng chí Bí thư trả lời. Nếu không chiếm được Phước Tường, không dùng pháo đánh vào trận địa pháo Thanh Vinh, sân bay Đà Nẵng thì có tấn công và nổi dậy không?”. Chờ anh hỏi xong, đồng chí Hồ Nghinh trả lời: “ Trường hợp có trở ngại về mặt quân sự phải đứng ở phương diện này thì vấn đề tấn công và nổi dậy là mệnh lệnh của Đảng, mà mệnh lệnh của Đảng thì như sơn phải chấp hành”. Năm Dừa hiểu rằng dù có chiếm được lực lượng, có đánh được Đà Nẵng hay không thì cuộc tấn công và nổi dậy khởi nghĩa đánh vào Đà Nẵng vẫn phải chấp hành. Về chiến khu, anh tổ chức triển khai tinh thần nghị quyết. Mọi người hỏi anh nhiều vấn đề. Anh cũng trình bày và thống nhất tư tưởng như đồng chí Hồ Nghinh đã nói “quân sự có bất cứ trở ngại ở bất cứ lĩnh vực nào đó thì chính trị là mệnh lệnh nổi dậy của Đảng”.
Khi nhận được giờ G vào 0h ngày mồng một Tết, nhiều người ngạc nhiên bởi theo thông báo trên đài ngừng bắn hai bên, tại sao lại tấn công vào mồng một Tết? Sau đó, họ nghĩ lại “mình công bố như vậy nhưng vẫn tấn công 0h ngày mồng một Tết để đánh lừa địch, chiếm lĩnh Đà Nẵng dễ dàng hơn”. Chuẩn bị đánh các mục tiêu như đồn nhất, đồn nhì, Cầu Đen, trận địa pháo Thanh Vinh, Bầu Tràm, Bầu Mạc, Xuân Thiều..., Năm Dừa tổ chức cho anh em ngồi theo từng đại đội trong vườn nhà dân, khi có tiếng trống nổi lên thì cùng toàn dân xuống đường. Bất ngờ, đến 0h, điện hỏa tốc từ tỉnh báo ra: “Theo lệnh cấp trên, bằng giá nào đi nữa vì lợi ích chung phải rút quân chờ 0h mồng 2 Tết mới tấn công”. Anh cùng ban chỉ đạo rất phân vân. Quân ta đã tiến hết lên thành phố, pháo vào rồi. Dân có thể giải tán mai tập hợp nhưng bộ đội đã đi đánh đồn nhất. Tuy nhiên, phải chấp hành chủ trương của Đảng bộ tỉnh, đưa quân vào Nam Ô, không được cố đánh. Sau đó, anh cho giải tán các đoàn đấu tranh chính trị. Bị đánh trong đêm mồng 1, địch tăng cường quan sát, chúng cảnh giác hơn. Nhưng nếu mồng 2 ta không đánh đồng nghĩa với không chấp hành mệnh lệnh. Vì vậy, tối mồng 2 bộ đội và nhân dân lại xuống đường tấn công. Năm Dừa nhắc đi nhắc lại: “Một điều không thể quên được là tất cả bộ đội và nhân dân chờ tôi. Khi nào tôi đánh tiếng trống Nam Ô thì tất cả phái I, II, III, Hòa Lạc, Hòa Vinh và trên núi kéo quân xuống, chuẩn bị thuyền ghe bơi qua sông”.
Khoảng 5 giờ, trời bắt đầu sáng. Đèn đường vẫn đỏ khắp nơi. Phía Phước Tường im lặng, không có một tiếng súng. Mọi người lo lắng: “Bây giờ có tấn công hay không”. Anh giơ dùi đánh trống thì một số đồng chí kéo lại “để xem đã”. Không tấn công thì rút về núi. Anh nói: “ Nếu vượt sông Thuỷ Tú về núi thì địch ở đồn Quảng Nam, trận địa pháo Thanh Vinh sẽ dội pháo vào đầu. Và không nổi dậy thì không hỗ trợ được các cánh quân phía trong, thà cùng hy sinh với nhau”. Anh quyết định phát lệnh tấn công. Nghe tiếng trống, tất cả đoàn biểu tình kéo vào Nam Ô, Hòa Khánh, bao vây đồn Xuân Thiều. Lực lượng vũ trang đánh chiếm thị trấn và cầu Nam Ô. Các đồng chí biệt động thành tổ chức cải trang vào thành phố.
Đến 9h, địch bắt đầu phản kích. Chúng dùng máy bay thả bom, điều pháo tàu bao vây quanh triền và bắn vô thị trấn Nam Ô. Một tiểu đoàn chủ lực từ ngã ba Huế ép vào, lực lượng bên kia Xuân Thiều kéo ra. Xe bọc thép từ Quảng Nam xuống dàn hàng ngang bên kia sông. Đoàn biểu tình nằm trong vòng vây của địch tại núi Xuân Dương và thị trấn Nam Ô. Máy bay ném bom như vãi trấu. Tình thế của ta trở nên khó khăn. Nếu tiếp tục đứng hô khẩu hiệu thì nhân dân chết. Năm Dừa chỉ đạo mọi người vào đồn Xuân Thiều để giữ chân bọn lính. Anh lệnh cho bộ đội đào hầm cá nhân chờ địch đến gần sẽ đánh. 12 giờ, đoàn biểu tình tan rã. Năm Dừa rời khỏi đoàn biểu tình, ra gặp lực lượng đồng chí Thúy (Khu đội trưởng) và đồng chí Vân (Quận đội trưởng) đang chốt dưới công sự tại đường sắt Xuân Dương. Hai người hỏi anh: “Quân sự thì khó rồi, về mặt chính trị đề nghị anh xin ý kiến Đảng tìm con đường khác”. Năm Dừa cũng trả lời ào: “Bây giờ tìm cái sống trong cái chết. Đào công sự nằm tại chỗ. Bám theo từng tổ một, chỉ huy thật chặt các tổ đó. Địch bắn thì tiến theo đánh. Không lùi, nếu lùi thì sẽ bị pháo, máy bay bắn”. Khoảng 3h chiều, lực lượng của ta tổn thất khá nhiều. Trước tình thế địch ngày càng đông, anh tổ chức lui quân về căn cứ.
Sau đó, một số người có bi quan nhưng khi làm rõ vấn đề nguyên nhân của tiến công và thắng lợi của Tết Mậu Thân thì họ ổn định lại tư tưởng. Bởi vì ta tuy có tổn thất lớn nhưng địch tổn thất lớn hơn. Ta đã đánh bại ý chí xâm lược của địch. Mỹ phải rút quân thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên, trước khi rút quân Mỹ cần phải để lại bộ máy nguỵ quyền mạnh. Do đó, chúng ra sức tấn công, chủ yếu vào vùng nông thôn; dồn dân vào thành phố, vùng xung yếu để thiết lập ấp chiến lược.
Chúng dồn dân, lập vành đai trắng ở Điện Bàn, Hòa Vang...tổ chức phục kích, tung biệt kích, bao vây ranh giới giữa miền núi và đồng bằng, cắt đứt đường liên lạc, tiếp tế lương thực, thuốc men giữa ta và dân.Vì vậy, lương thực của ta thiếu trầm trọng. Bộ đội, cán bộ, du kích nhổ rau rừng để ăn. Sốt rét, đau ốm, bom đạn liên tục bắn, thả cả đêm lẫn ngày, chết chóc liên miên…, lực lượng hành quân từ Đại Lộc ra cánh bắc nhiều người chết dọc đường.
Không riêng gì bắc Hòa Vang mà hầu hết chiến trường Đại Lộc, Duy Xuyên tình hình gạo thóc cũng căng thẳng, khó khăn. Muối không có phải đốt rễ tre ăn để có chất mặn. Hàng ngày, cấp dưỡng cắt ngọn lồ ô bằng ngón tay út, đong mấy hột gạo vào gạt một cái định mức cho mọi người. Chất độc làm cây cối rụng lá và chết hết nên đời sống của bộ đội, du kích…càng kham khổ. Quả là một sự chịu đựng ghê gớm, mà chỉ có làm cách mạng mới kiên quyết đến cùng như thế.
Nguyễn Sỹ Long (Theo nhật ký của ông Nguyễn Thanh Năm)
Huyền thoại về “Năm Dừa” (Kỳ 1)