QĐND - Có nhiều loại hương thắp, phổ biến phải kể đến hương nhựa trám với vị hương ngọt ngào; nồng nàn, sâu sắc hơn nhựa trám là hương nhựa thau... Nhưng khi nói đến những vị hương phố cổ Hà Nội không thể không nhắc đến hương trầm. Hương trầm phố cổ là thứ hương thơm thoang thoảng, huyền ảo như xa, như gần. Xưa kia, người Hà Nội cầu kỳ và tinh tế thưởng thức hương bằng cách “lắng nghe” làn hương, để khói hương đến thật tự nhiên. Họ thưởng hương bằng tất cả các giác quan, bằng cả tâm hồn. Đối diện cổng chợ Đồng Xuân cổ kính, đến nay, chỉ còn một hiệu hương có tiếng duy nhất của Hà Nội xưa đến giờ vẫn làm hương theo phương thức truyền thống, nay đã hơn 100 năm tồn tại. Hiệu hương Tân Mỹ Thành nằm khiêm tốn tại số 26 phố Đồng Xuân, bao năm qua là địa chỉ thường lui tới của không biết bao nhiêu lượt tao nhân. Người mua hương ở đây không chỉ tìm đến một giá trị văn hóa, giá trị tâm linh mà còn tìm tới hương Tân Mỹ Thành những nét chân-thiện-mỹ, những giá trị tâm hồn, đạo lý và nghệ thuật…

Hương Tân Mỹ Thành chuẩn bị xuất xưởng.

Qua biến thiên của thời gian, việc làm nên nén hương nhìn chung đã có nhiều thay đổi. Ngày nay, để cho nhanh, cho tiện, cho nén hương cong, hương thơm, người ta tẩm, hấp nhiều loại hóa chất vào nén hương. 70% người dùng hiện nay thích hương đốt lên để lại tàn cong vì cho rằng có như vậy mới được lộc. Muốn vậy, người sản xuất phải tẩm axit phốt-pho-ric. Khi đốt nén hương lên, axít này tạo thành thứ hóa chất có hại cho cả giác mạc, hô hấp và làn da con người. Trong khi ngày xưa, cả mấy chục bó hương mới được cây hương đốt lên cong tàn vì tăm hương nằm gần cật, thứ hương đấy mới thực sự là lộc trời ban, nó tự nhiên và không tính toán. Những người “sành hương” vẫn tìm về những nén hương sản xuất theo đúng phương thức truyền thống, dù thắp nhiều không sặc, không cay mắt, dẫu thắp ít mà vẫn cảm thấy thư thái, mãn nguyện. Ở đó, nén hương là kết tinh, là hòa trộn thanh tao của các loài thảo mộc với 16-17 vị thuốc bắc, pha thêm tùng, trắc, hắc hương… của người phương Nam. Ông Mai Lộc, truyền nhân và cũng là nghệ nhân chính của hiệu hương Tân Mỹ Thành, chia sẻ: “Người trong nghề làm hương, ai cũng biết làm hương phải có từng ấy vị thuốc, từng ấy công đoạn. Nhưng chọn lựa các vị thuốc ấy thế nào cho đạt chuẩn, pha chế tỷ lệ bao nhiêu cho vừa là cả nghệ thuật mà không phải ai cũng có thể học được. Ấy thế đấy, người làm hương cũng như một ông thầy lang bốc thuốc, gửi gắm tâm hồn và tình yêu vào đó mới tạo được thứ hương thơm thực sự thuần khiết và tinh tế, nếu pha không khéo, vị này ít một chút, vị kia nhiều một chút đều khiến hương mất đi cái mùi đặc trưng. Mùi hương đó là tổng hòa của hai tính từ tưởng như rất mâu thuẫn, không thể cùng lúc có được mà lại vẫn tồn tại song hành. Đó là thứ hương ngào ngạt mà nhẹ nhàng. Vì thế mỗi nén hương là cả sự thành kính của người nghệ nhân, chúng tôi cố gắng làm ăn lương thiện và giữ lại thứ nghề cha ông để lại”.

Bài và ảnh: MINH NHÃ