QĐND Online - Đã hơn nửa thế kỷ, người Rục ở huyện Minh Hóa-Quảng Bình rời khỏi những hang động u uẩn, bước ra thung lũng bằng phẳng, tươi tốt sống cuộc đời mới. Có rất nhiều đổi thay đã đến với bà con người Rục, người Sách, nhưng dường như ở họ vẫn còn mang những nét suy nghĩ giản đơn, hoang dã, cùng những rào cản khác ngăn cản họ hòa nhập vào cuộc sống đang ngày càng phát triển. Giải pháp nào cho bà con người Rục, người Sách vươn lên làm chủ cuộc sống của mình?
Nửa thế kỷ ra khỏi hang sâu
Trời mưa, bầu trời miền Tây Quảng Bình càng âm u hơn bởi khói sương dày đặc bốc lên từ những lèn đá vôi cao chất ngất. Con đường rừng dốc đứng vào ba bản người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, đôi chỗ phải len vào giữa hai vách ta-luy dựng đứng, cổ thụ cao che khuất khung trời, nhìn thấy mà nghẹt thở.
Minh Lợi, một đồng nghiệp của tôi kể rằng, năm 1995, khi con đường này hãy còn là một lối mòn lởm chởm đá tai mèo, anh đã vác máy camera vào tận trong hang đá làm phóng sự về sự kiện mấy chục hộ bà con người Rục trở lại rừng sâu, trở lại hang đá ở… Phóng sự của anh phát trên sóng Đài truyền hình trung ương, tiếp thêm phong trào ủng hộ, giúp đỡ bà con người Rục khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống lâu dài.
Các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, nơi người Rục, người Sách đang cư ngụ, đều dựa lưng vào khu rừng vùng đệm vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ông Cao Chờn, người Rục già nhất, năm nay gần 90 tuổi, nói giọng đứt quãng, xen lẫn tiếng thở khò khè: “Tui rời hang đá khi đã 40 tuổi, một nửa cuộc đời tui ở trong hang, một nửa cuộc đời ở ngoài ni, tui thấy người Rục đã sướng hơn trước, đông hơn trước. Tui vẫn nhớ ngày còn ở hang đá, cực lắm!”.
 |
Cán bộ, chiến sỹ Đồn 585 làm mô hình vườn rau xanh giúp bà con người Rục |
Số liệu thống kê của Đồn Biên phòng 585 Quảng Bình cho thấy, từ chỗ chỉ còn vài chục người vào năm 1959 và có nguy cơ tuyệt chủng, đến nay, chỉ ở ba bản người Rục, Sách ở xã Thượng Hóa đã có 156 hộ với 669 người, riêng người Rục là 80 hộ-381 người… Từ chỗ ở trong hang động, nay bà con đã có nhà, có vườn, nhiều hộ được ở nhà xây, mái lợp ngói, tuy còn hơi chật chội nhưng che được mưa nắng và sương lạnh; trẻ con được đến trường…
Trung tá Võ Đình Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng 585 tâm sự: Những năm vừa qua, cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con người Rục, người Sách xây dựng cuộc sống mới, cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã xắn tay áo, “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con từng li từng tí về cách làm ăn, sản xuất, vệ sinh thôn bản.
Trên địa bàn ba bản cuối cùng xã Thượng Hóa này, diện tích đất đai có thể canh tác là 67ha, trong đó, diện tích trồng sắn 30ha, ngô 30ha và lúa rẫy khoảng 7ha. Với số lượng đất đai canh tác màu mỡ trên, hoàn toàn có thể tăng năng suất, bà con có thể tự túc lương thực, không bị thiếu đói. Vậy nhưng, tập quán canh tác lạc hậu chưa thể khắc phục ngay được, cùng với năng suất lao động thấp và ý chí tự lực, vươn lên của bà con chưa được phát huy, nên hàng năm tỉnh, huyện phải hỗ trợ mỗi người dân 15kg gạo/tháng, trong 6 tháng…
Đêm, bản Mò O Ồ Ồ chìm trong sương trắng. Ánh điện le lói hắt ra từ những ngôi nhà nhỏ, tôi bước vào một căn nhà bên con đường bê tông liên thôn. Bà Hồ Thị Khun, 60 tuổi, chủ nhà nói: “Mấy cái rẫy sắn của miềng (mình) ngoài nớ củ to lắm, nhưng thú rừng vào ăn hết rồi”. Tôi hỏi: “Vậy sao bà không thu hoạch về hoặc rào lại ngăn thú rừng?”. Bà Khun trả lời: “Thì khi mô thiếu ăn, khi mô đói thì miềng vô đào củ. Chừ mình đã có gạo trợ cấp rồi… Không cần ăn sắn…”. Những đứa trẻ nhà bà Khun nằm ôm nhau ngủ trên nền đất lạnh. Ở đây, chúng chỉ có thể học đến lớp 5 ở trường tiểu học Yên Hợp, muốn học cao hơn nữa, phải ra ngoài xã, ngoài huyện….
Rào cản lớp 5
Nhưng ra ngoài xã, huyện để học lên cao hơn, trẻ con người Rục vấp phải những khó khăn về chỗ ăn, ở, những “rào cản văn hóa” khiến chúng khó hòa nhập với nơi ăn, ở, học tập mới.
Theo thầy giáo Trần Thanh Bun, Hiệu trưởng Trưởng tiểu học Yên Hợp, hằng năm có một vài em học tiếp lớp 6, nhưng sau đó, lần lượt bỏ về. Về lại bản, đi rừng, kiến thức, học vấn lớp 5 cũng dần rơi rụng theo những mùa rẫy, vậy là tái mù chữ.
Mỗi năm cứ đến dịp hè, Đồn Biên phòng 585 lại tổ chức các lớp học xóa mù chữ ban đêm cho bà con. Trước đó, Ban chỉ huy Đồn họp toàn đơn vị, quán triệt nhiệm vụ, phân công cán bộ về tỉnh tập huấn, mua sắm sách vở, giấy bút, tài liệu… Đến đêm, các “thầy giáo quân hàm xanh” lại đến từng nhà vận động bà con đi học.
Nhưng quả thật, trình độ xóa mù chỉ đến lớp 3, và ngay cả lượng kiến thức ít ỏi đó, nói theo lời bà con là “có khi mô dùng đến đâu?”. Bà con chưa nhận ra được tri thức là cái vốn tối thiểu để tồn tại và phát triển. Bởi thế, trình độ tổ chức cuộc sống của bà con còn yếu, chưa biết lo xa, chỉ mới biết lo cái ăn hàng ngày. Có hộ gia đình nhận gạo trợ cấp xong lại đem đổi rượu, đổi hàng hóa xa xỉ phẩm tiêu dùng, mặc kệ ngày mai…
Thầy giáo Trần Thanh Bun có 32 năm công tác ở miền Tây Quảng Bình, cho rằng, trong lĩnh vực giáo dục, nhất thiết phải làm thế nào đó để thế hệ người Rục, Sách hôm nay vượt qua được lớp 5. Thầy đã đề nghị lên trên cho mở lớp “nhô” - lớp 6 ngay tại trường Tiểu học Yên Hợp, chỉ sau 4 năm là có thể hình thành được một cấp học, có thể tách ra thành một trường THCS riêng và khi đó, trẻ em người Rục, người Sách đã có thể học lên đến lớp 9 ngay tại đây. Nhờ đó, tỉ lệ tái mù chữ 20% dân số sẽ dần được xóa bỏ. Những em tốt nghiệp THCS, lúc này đã đủ lớn để có thể tự mình theo học tiếp THPT ở các trường dân tộc nội trú ở bên ngoài.
Bắt đầu từ những “con ruộng” nhỏ
Cùng với Dự án bảo tồn và phát triển đồng bào Rục với số tiền đầu tư 32 tỉ đồng, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn 585 đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hướng dẫn bà con làm theo để phát triển kinh tế hộ gia đình, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.
 |
Vụ lúa đầu tiên của ông Trần Trực (bên phải) - Chụp lại ảnh tư liệu của Đồn 585
|
Nói như Đại tá Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Chính trị Biên phòng tỉnh Quảng Bình, “chúng tôi đã xoay đủ mọi cách, tìm đủ mọi cách để giúp bà con”, nhưng xóa bỏ tập tục, cách nghĩ, cách làm lạc hậu, lối sống phụ thuộc vào thiên nhiên của bà con người Rục, Sách là một quá trình lâu dài… Chỉ đến khi ông Trần Trực, Trưởng bản Yên Hợp được Đồn 585 giúp đỡ làm thành công mô hình lúa nước từ năm 2008, đã mở ra một hướng mới…
Ông Trần Trực, nguyên bộ đội xuất ngũ, hồ hởi kể: “Thằng con trai của tui tên là Trần Xuân Phong đi học thiếu sinh quân ở Quân khu 1 về thăm nhà. Hắn đi khảo sát thấy vùng đất bên khe suối ni có con nước hay, hắn vận động tui ngăn bờ trồng lúa nước. Tui chần chừ, hắn nói như đinh đóng cột: Bố cứ mần đi, chắc chắn thành công, khi mô con ra trường, con về giúp bố. Các anh biên phòng cũng hứa động viên, giúp đỡ. Rứa là tui mần!”.
Ông Trần Trực cùng con cháu trong nhà đã không quản nắng mưa, bỏ công sức đắp một con đập giữ nước. Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 585 tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ giúp ông mua giống, phân, hướng dẫn cách canh tác.
Vụ đầu tiên, trời rét, lúa chết hết. Ông Trực nước mắt lưng tròng nhìn thửa ruộng hoang tàn trong giá lạnh. Thiếu tá Phạm Bá Tuyên, Đội phó Đội vận động quần chúng động viên: “Ta gieo tiếp lần hai, bác ạ. Lần này trời ấm, chắc chắn sẽ thắng!”. Chần chừ mãi, rồi ông Trực cũng đồng ý “mần tiếp”… Vụ đó ông Trực thu được 5 tạ trên 2,7 sào…
Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, người Rục, người Sách ở bản Mò O Ồ Ồ đã “mần được lúa nước”. Điều đó càng làm ông Trực thêm tin tưởng, tiếp tục “mở rộng sản xuất”, xây dựng thành mô hình ruộng lúa - ao cá - rẫy ngô điển hình. Đến nay, mô hình của ông đã khai phá được 10 con ruộng (thửa ruộng), diện tích 3,7 sào.
Từ mô hình sản xuất của ông Trực, vấn đề giúp bà con người Rục, người Sách làm lúa nước, tự túc lương thực đã được đặt ra ở các cấp. Đến nay, dự án thủy lợi Rục Làn đang được triển khai. Hôm chúng tôi đến đây, những khoảng đất kề lưng với rừng đệm Vườn quốc gia Kẻ Bàng đã được san mặt bằng, mương dẫn nước đã được khơi thông, chỉ ít lâu nữa, sẽ có nước chảy về, tưới đẫm những con ruộng của người Rục, người Sách.
Có lẽ cần phải bắt đầu từ những con ruộng tự túc lương thực đó để xây dựng cho bà con ý thức tự lực, tự cường, tích cực, chủ động vươn lên; và cùng với những người Rục, người Sách được học hành, đào tạo bài bản về xây dựng quê hương, thì những hang đá u uẩn, giá lạnh mới thực sự lùi xa vào dĩ vãng, không bao giờ còn hiện lên chập chờn trong ký ức của những người già như ông Cao Chờn.
Trần Hoài