QĐND - Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư 18 triệu ơ-rô, nhằm giải quyết vấn đề nước thải, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thế nhưng, tiến độ triển khai thời gian qua diễn ra quá chậm...

Chậm triển khai

Dự án được phê duyệt vào ngày 19-3-2002 do UBND thành phố Cần Thơ (nay là UBND quận Ninh Kiều) làm chủ đầu tư, nhằm thu gom nước thải sinh hoạt nội ô TP Cần Thơ (cũ), gồm 10 phường trong quận Ninh Kiều, như: An Lạc, An Cư, An Hội, An Phú, An Nghiệp, Tân An, Cái Khế, Thới Bình và Xuân Khánh, với công suất 30.000m3/ngày/đêm và 4,5ha đất (chưa tính vùng cách ly và mở rộng nhà máy). Tổng vốn đầu tư hơn 363,6 tỷ đồng. Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án để tìm nguồn và tổ chức thực hiện. Kế hoạch ban đầu, dự án này sẽ hoàn tất trong thời gian 4 năm (từ năm 2003 đến năm 2007).

Tuyến cống, trạm bơm bờ Bắc sông Cần Thơ ước đạt hơn 44% kế hoạch.

Thế nhưng, giai đoạn thiết kế, đấu thầu thực hiện từ đầu năm 2004 kéo dài 35 tháng (chậm 23 tháng) đến cuối năm 2006 mới hoàn tất. Đầu năm 2007 dự án mới chính thức triển khai 3 gói thầu: Nhà máy xử lý nước thải; tuyến cống, trạm bơm bờ Bắc sông Cần Thơ; tuyến cống, trạm bơm bờ Nam sông Cần Thơ. Vì vậy, dự án được các cơ quan chủ quản quyết định kéo dài đến năm 2010. Tuy nhiên, đến nay tổng khối lượng thực hiện của dự án mới chỉ đạt hơn 40%, trong khi đã giải ngân hơn 54% tổng vốn đầu tư (198 tỷ/363 tỷ đồng).  

Thiếu mặt bằng

Nguyên nhân khiến dự án kéo dài do công tác thiết kế kỹ thuật-dự toán thường xuyên phải xem xét điều chỉnh (tổng mức đầu tư tăng từ 14,5 triệu ơ-rô ban đầu lên 18 triệu ơ-rô). UBND thành phố thay đổi quy hoạch, vị trí Nhà máy xử lý nước thải cũng như tuyến cống, nên phải khảo sát lại địa chất, điều chỉnh thiết kế. Nhà nước thay đổi chủ trương chính sách nên điều chỉnh lại dự toán...

Bà Phan Thị Thiên, đại diện đơn vị chủ đầu tư dự án, cho biết, công tác GPMB thời gian qua kéo dài, chủ yếu do thay đổi vị trí nhà máy xử lý nước thải và trạm bơm. Cụ thể là công tác GPMB Nhà máy xử lý nước thải đã chuẩn bị từ năm 2002, khi triển khai công tác bồi thường, chi trả cho hộ dân thì thành phố lại thay đổi quy hoạch nên vị trí nhà máy phải điều chỉnh, triển khai công tác GPMB lại từ đầu (năm 2004) mãi đến ngày 28-7-2008 mới hoàn tất. Riêng trạm bơm Rạch Ngỗng chưa xử lý xong. Mặt khác, vị trí trạm bơm cũng điều chỉnh 2 lần. Bà Thiên cho biết:

- Người dân chưa đồng tình với chính sách bồi thường và tái định cư của nhà nước; vị trí tái định cư thay đổi từ khu dân cư 586 qua các khu dân cư khác; từ năm 2004-2005 khi ghi được vốn thì dân không chịu nhận tiền bồi thường, lúc dân chịu nhận thì chưa có vốn!.

Mặt khác, mặt bằng thi công một số tuyến cống bờ Bắc và bờ Nam sông Cần Thơ còn đang bị vướng các công trình, dự án khác như dự án cầu Rạch Ngỗng 1 và dự án Nâng cấp đô thị (tuyến cống đường Mậu Thân), dự án bờ kè sông Cần Thơ, công trình bờ kè bờ Bắc Cái Khế (đoạn từ cầu Cái Khế đến cầu Nhị Kiều)… hơn 2000m chưa được giao mặt bằng để triển khai thi công. Một số hộ dân lấn chiếm hành lang lộ giới (tuyến cống bờ Nam sông Cần Thơ) gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai thi công.

Năng lực các nhà thầu hạn chế…

Năng lực tổ chức thi công của nhà thầu cũng đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Cụ thể, ở gói thầu tuyến cống, trạm bơm bờ Bắc sông Cần Thơ việc thi công quá chậm so với tiến độ, chủ yếu do đội ngũ thi công hạn chế kiến thức về các biện pháp thi công; nhà thầu thiếu sự quản lý chất lượng quốc tế; hạn chế về nền tảng kỹ thuật; thiếu kỹ năng về quản lý công trường; thiếu nhân lực.

Nhà máy xử lý nước thải mới chỉ đạt hơn 21% tổng khối lượng công trình.

Ở gói thầu tuyến cống, trạm bơm bờ Nam sông Cần Thơ nhà thầu thực hiện gói thầu này là liên doanh thầu giữa Warotec (nhà thầu quốc tế Đức) với Haweicco (nhà thầu trong nước), trong đó Warotec giữ vai trò chủ đạo, chịu pháp lý trước chủ đầu tư, nhưng hợp đồng thỏa thuận trách nhiệm của các bên chưa phù hợp với yêu cầu bên mời thầu, từ đó dẫn đến mâu thuẫn và gây khó khăn cho quá trình thi công của nhà thầu trong nước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tình hình tài chính của các nhà thầu đều gặp khó khăn, do đó trong tổ chức thi công hạn chế rất lớn về việc bố trí tập kết trang thiết bị, vật tư, nhân lực. Ban chỉ huy công trình của tất cả các gói thầu luôn trong tình trạng thiếu nhân sự, chưa đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu; làm việc chưa khoa học; gói thầu tuyến Bắc sông Cần Thơ luôn thiếu kỹ sư hiện trường, không ít lần thay đổi nhân sự kỹ thuật, vì vậy nắm bắt vấn đề chậm gây rất nhiều khó khăn trong tổ chức thi công; Chỉ huy trưởng công trình kiêm luôn công tác thi công.

Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ đã trải qua hơn 8 năm triển khai nhưng đến nay vẫn ì ạch và không biết đến bao giờ mới hoàn thành?.

Bài và ảnh: Hoàng Phương