"Tôi không bao giờ sợ mình ngồi ở lều cỏ thì mình hèn hạ, kém cỏi, ngồi ở lều son giác tía thì nghĩ mình là cái gì ghê gớm. Ở đâu lúc nào tôi vẫn là tôi thôi. Những người có cá tính mạnh, nhất lại làm về nghệ thuật càng không thể là sinh hoạt bầy đàn, một đàn một đống với nhau", họa sĩ Thành Chương bày tỏ.
Biết kiếm tiền từ năm 6, 7 tuổi
- Mỗi thời mỗi thế, xã hội có những chuyển biến và con người cũng từ đó mà trở nên giàu có. Từ những năm 1990, một số rất ít họa sĩ trở nên nổi tiếng và bỗng dưng thành "ông chủ tư bản", trong đó có anh?
- Hỏi như thế là không biết nhiều về tôi rồi. Từ khi bé tí, tôi đã có tiếng vẽ tranh tìm tòi phá phách, nổi tiếng kiếm tiền giỏi. Thực ra, ít ai biết tôi đi kiếm tiền từ lúc 6, 7 tuổi. Mọi người tròn mắt ra sao khi nghe 6 tuổi đã biết kiếm tiền, bây giờ mình nhìn con mình mười mấy tuổi rồi mà lớ ngớ như con gà rớ. Một con người đã lăn lộn với cuộc sống kiếm tiền từ lúc lên 6, 7 tuổi rất hiểu giá trị của đồng tiền, càng hiểu giá trị mình kiếm được. Trong một giá trị tương quan của thời kì cách đây, 4, 5 chục năm, tôi so với lứa tuổi của mình bao giờ cũng là đứa giàu nhất...
- Bằng nghề vẽ hay bằng nghề khác?
- Bằng những cái khác, nhưng hội họa là nghề kiếm tiền thích thú vì được làm cái mình thích mà ra tiền. Năm 12 tuổi đã có ý thức kiếm tiền bằng nghề vẽ rồi, vẽ những tranh bảo hộ lao động cho các nhà máy, năm 13 tuổi tôi nhận vẽ tranh tường, đến năm 15 tuổi - có nghĩa là còn quàng khăn đỏ đã nhận vẽ tranh lịch sử cho Bảo tàng lịch sử tỉnh Hà Bắc. Thời nào ở lứa tuổi của mình, tôi cũng là đứa nổi trội.
Không có lửa mà khói cũng mịt mù
- Anh có nghe người ta đồn không, ầm ĩ lắm đấy?
- Chuyện gì?
- Về anh?
- Về tôi?
- Vâng, chính anh. Trước đây, người ta nói anh "giàu nứt đố đổ vách", thế rồi một dạo cũng nghe người ta bảo " Thành Chương nợ như chúa chổm", người ta kháo nhau anh bán phủ Thành Chương để thanh toán món nợ nần...?
- Sự thực tất cả đều là tin đồn cả thôi. Giàu đến mức "nứt đố đổ vách" thì chả đến. Mà đến độ nợ như chúa chổm cũng không phải. Rồi cái chuyện bán phủ, hoặc xây phủ bị nọ bị kia... tất cả đều chỉ là tin đồn. Và tin đồn thì chắc chắn không bao giờ có thật. Nó chẳng có chút gì làm cho tôi bận lòng cả. Những tin đồn ấy quá bình thường, có nhiều tin đồn còn ác độc hơn nhiều. Anh em họ gọi là tin đồn phổ thông.
- Chuyện không có gì mà nói qua nói lại, nói mãi không thôi thì lại là thành chuyện?
- Các cụ nói không có lửa làm sao có khói, nhưng thời buổi bây giờ nhiều cái không có lửa mà khói cũng mịt mù vì người ta xịt khói chứ không cần có lửa. Tất nhiên cái gì cũng có lượng % nhất định, nhưng cái lượng % ấy so với sự thật thì nó xa hơn. Chuyện tôi bán phủ không bao giờ có, người ta tưởng tượng ra thôi, cái đấy có không một % nào cả.
Chất phản kháng dữ dội
- Anh tin tưởng?
- Thật sự con người sinh ra như thế nào đến già đến chết vẫn vậy, tôi chưa thấy người nào trước thế này mà sau già đi thế khác cả. Bản chất con người là không thay đổi.
- Anh là người tư duy hướng nội?
- Có lẽ đúng đấy. Tôi hướng nội hướng ngoại hay không thì không ai biết, nhưng chất phản kháng ở trong người dữ dội lắm. Trước đây thời trai trẻ sôi nổi, bất chấp những gì "ông" Nhà nước cấm, cấm để tóc dài thì tôi để tóc dài, cấm mặc quần loe thì tôi mặc quần chân xòe, cấm ống tuýp, thì mặc bó chặt ống chân. Tóm lại thấy những cái đó hợp với cá nhân tôi mà lại bị xã hội trong giai đoạn nào đó hạn chế về nhận thức cấm đoán, mà tôi thấy những điều ấy vô lí quá thì cứ làm. Có một dạo Nhà nước cấm khiêu vũ, thế là tôi nhảy, chẳng ngán sợ gì. Đam mê cái sự nhảy hay để tóc dài ấy chỉ là phân nửa thôi còn phân nửa là ý thức phản kháng. Tính cách khá mạnh mẽ nên suốt thời gian đi học, thầy cô cũng mệt. Tôi biết đó là điều rất tai hại, cái sự phản kháng ấy không mang lại điều gì tốt đẹp cho mình cả.

Tôi muốn "vả", mọi người lại thấy hay ho
- Công việc anh đang làm đúng là "vẽ ra tiền". Kiếm tiền dễ thế đã bao giờ anh làm qua loa đại khái cho xong chuyện?
- Làm nghệ thuật, để gây dựng cho mình một tên tuổi thì bằng cả cuộc đời không làm được, đánh mất tên tuổi thì chỉ một giây một phút.. Tôi hiểu điều đó. Chính vì thế chắc chắn tôi không bao giờ làm qua loa đại khái. Mọi người bây giờ hay nhầm lẫn, thậm chí hay quy chụp. Còn tôi thấy nực cười khi có một số người làm nghệ thuật cứ nói một cách rất hoa mĩ, rất hay ho và rất nhiều người, thậm chí báo, đài cũng tin và tưởng như thế là thật, tưởng thế là hay, bảo vệ và khen ngợi khi một số người làm nghệ thuật luôn luôn vỗ ngực là tôi làm nghệ thuật, đây mới là nghệ thuật, nghệ thuật của tôi kén khán giả. Nói thật, tôi chỉ muốn "vả" vào mồm những ông ấy. Nhưng mọi người lại thấy hay ho quá.
- Cái đẹp là sự tỏa sáng và không cần lời ca tụng...?
- Đấy, cứ bịp bợm, bố láo thế. Bây giờ nếu tôi mở cửa hàng đặc sản ăn uống, không ai vào ăn. Tôi bảo tôi kén khách khứa, cho rằng các ông là không có mồm. Rồi suốt ngày đứng ra giữa đường giữa chợ mà gào lên nghệ thuật của tôi là nghệ thuật đỉnh cao, mọi người không hiểu. Người ta nỏ mồm như thế được là vì người ta lấy tiền của người khác để làm. Không biết xót đồng tiền, xong có phần trăm, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Lấy tiền, tiền tỉ tiền tấn như thế còn phục vụ được ai. Làm ra cái sản phẩm không ai xem, không ai ngó, rồi bỏ kho. Chứ tôi bỏ tiền túi tôi ra tôi làm chắc chắn không bao giờ có chuyện đó.
Có điều bây giờ cái sự ngộ nhận đó vẫn đầy ra và hình như nó còn thắng thế nữa, vì nghe nó đẹp đẽ lắm, nó cao đạo lắm, nó hay ho lắm, nhưng thực ra nó là sự bịp bợm lớn nhất trong giai đoạn hiện nay của nghệ thuật. Nếu như cửa hàng ăn uống, mọi người thấy chẻ hoe ngay ra, phá sản ngay. Nhưng nghệ thuật vô hình, mỗi người tư duy theo cách khác nhau nên cứ bịp bợm phét lác thoải mái.
"Chi túc khả phú" ("Biết đủ là đủ")
- Là người từng trải quá rồi, chuyện gì cũng đã "kinh" qua rồi. Anh thấy cái đáng sợ nhất của con người là gì?
- Là không lo lắng được cho vợ con. Tôi cho rằng, khi đánh giá một người đàn ông hãy xem người ấy có đem lại hạnh phúc, sung sướng cho vợ con hay không? Anh có thể thành công thành danh ở đâu tôi không biết, cuối cùng vợ con khốn khổ cuộc sống về tinh thần cũng như khốn nạn trong cái nghèo đói vật chất thì anh không đáng mặt đàn ông. Đã là đàn ông thì phải đảm bảo cuộc sống tốt đẹp nhất cho vợ con.
- Anh quảng giao chứ?
- Cũng giao tiếp nhiều nhiều...
- Nghệ sĩ như anh là của hiếm, anh đề huề, dư giả cả Tình - Tiền - Tài. Thế là nhất rồi còn gì?
- Tôi chưa bao giờ hài lòng với cuộc sống hiện tại, sẽ còn phải phấn đấu nữa, liên tục không biết mệt mỏi để không những cho mình mà còn cho vợ cho con. Cũng biết mức độ khả năng đến đâu mà phấn đấu, cố gắng trong khả năng có thể được. Trông lên thấy xe cộ như giời ấy cũng mê lắm chứ, thấy nhà cửa khang trang, biệt thự vila cũng mê, nhưng đâu phải cứ ngộ nhận đến mức độ cái gì cũng phải lôi về cho mình bằng được. Cũng phải biết giới hạn, hồi xưa các cụ có nói "Chi túc khả phú"("Biết đủ là đủ") chứ không biết thế nào cho đủ thì khổ.
Không thể sinh hoạt một đàn, một đống...
- Một người giỏi có năng lực thực sự thì ngay từ thời còn là một đứa trẻ đã có những bước phát triển hay biểu hiện tư duy, hành động khác với những đứa trẻ cùng lứa. Nghĩa là không có tư duy bầy đàn mà có tư duy riêng lẻ. Tính cách khác biệt đó cũng góp phần vào thành công sau này?
- Tôi đồng ý chữ bầy đàn. Tôi chơi rất rộng rãi và là người hòa đồng trong cuộc sống. Đối với tôi, ngồi với vua cũng như với anh đạp xích lô. Ngồi ở lầu son gác tía cũng như lều cỏ lều tranh. Tôi không bao giờ sợ mình ngồi ở lều cỏ thì mình hèn hạ, kém cỏi, ngồi ở lều son giác tía thì nghĩ mình là cái gì ghê gớm. Ở đâu lúc nào tôi vẫn là tôi thôi. Những người có cá tính mạnh, nhất lại làm về nghệ thuật càng không thể là sinh hoạt bầy đàn, một đàn một đống với nhau. Sợ lắm.
Tôi bị ám ảnh bởi cái chết
- Việc phủ Thành Chương có rất nhiều tượng Phật, hẳn anh là người rất mê tín. Anh có tin một cuộc sống sau chết? Kiếp luân hồi chẳng hạn?
- Trước tiên, tín ngưỡng của tôi là cái đẹp. Tín ngưỡng đạo Phật đứng trong cái đẹp. Giữa tâm linh và mê tín rất khó có ranh giới thật rạch ròi. Tôi tin có tâm linh, có kiếp luân hồi, nhưng mê tín đến độ tất cả mọi thứ cuộc sống của mình phải dâng hiến cho cái đó thì không phải.
- Tôi đã từng tiếp xúc một số nghệ sĩ khá tên tuổi và họ bị ám ảnh bởi cái chết... Anh có bao giờ như thế chưa?
- Cuộc đời tôi đã nhiều lần cận kề cái chết. Thời chiến tranh, tôi ở bộ đội sống chiến đấu trong chiến trường gần chục năm, công việc bắc cầu, phá bom và sự nguy hiểm tận mắt chứng kiến sự hi sinh của anh em ngay trước mắt. Cái chết ấy rất cụ thể và gần với tôi. Đấy là hồi còn trẻ, mọi việc qua đi nhanh lắm để rồi ta tiếp nhận những cái mới rất tự nhiên.
Sau này cũng đã có những thời kì rất dài tôi tưởng chừng không vượt qua được, đó là khối u ở gan. Khi tôi đã có gia đình, trách nhiệm người đàn ông đè nặng lên vai, tôi luôn lo lắng và tự hỏi: "Nếu một ngày mình nằm xuống và không bao giờ dậy nữa thì vợ con sẽ rất khổ". Thế là trằn trọc, thấp thỏm... Cái chết ám ảnh, không có cách gì để đẩy nó ra khỏi đầu. Tôi đang sống thế này chết đi thành đất thành cát, lại không biết gì nữa. Cứ nghĩ đến điều đó là người gai gai lạnh. Suy nghĩ ấy không thoát khỏi con người tôi, không lúc nào không nghĩ đến cái chết.
- Khi ấy, anh bao nhiêu tuổi?
- Cách đây gần 20 năm, năm đấy, tôi khoảng gần 40 tuổi.
- Làm sao để giải thoát?
- Sau này công việc cuốn đi và tôi hiểu được sự sống và cái chết luôn theo một quy luật tự nhiên, nhận thấy chuyện này là bình thường. Cuộc đời là cái vô cùng, tôi biết thế nào. Xã hội công nhận tôi có cái này hoặc tôi có cái khác hoặc không là cái gì đối với xã hội cả, nhưng gia đình vợ con là quan trọng nhất. Nhất là đối với tôi, con cái còn quá nhỏ, nhiều cái phải lo, phải suy nghĩ đến chứ không phải mình sợ.
- Từ đầu đến giờ thấy anh nhắc gia đình, vợ con rất nhiều, với anh vợ con gia đình là trên hết, là tất cả à?
- Tôi không hiểu, với người đàn ông còn gì quan trọng hơn gia đình vợ con?!
Theo Trần Mỹ Hiền (Đàn ông)
Nổi tiếng với những bức chân dung tự họa, là một trong những họa sĩ Việt Nam giàu vì tranh, tưởng như không còn khía cạnh nào về họa sĩ Thành Chương mà công chúng chưa biết tới. Thế nhưng, vẫn còn đó trong đời sống riêng tư của anh những điều ít ai hay.
Trông căn hộ không có gì xa xỉ nhưng thiên hạ vẫn đồn về một Thành Chương giàu có, ăn chơi như tài phiệt.
Với khả năng làm việc phi thường, Thành Chương có thể thức thâu đêm suốt cả tháng liền để vẽ. Có lần trong một triển lãm, chiều hôm sau khai mạc mà đêm hôm trước vẫn chưa thống nhất với nhau về việc nên treo tranh nào ở vị trí nào, cãi vã đến 11h đêm, ai cũng nhận thấy trên khoảng tường chính của phòng triển lãm cần một bức sơn dầu khổ lớn, mà hiện tại thì... chưa có.
Trong khi các đồng sự ngồi tranh luận nên treo bức nào vào đó thì Thành Chương lặng lẽ... về nhà. Sáng hôm sau, 8h, đã thấy xích lô chở đến phòng triển lãm một bức sơn dầu khổ 1m80x2m20. Ai cũng choáng vì tranh rất đẹp và sơn dầu còn chưa kịp khô.
Thành Chương bảo, anh không ngồi chờ đợi cảm hứng, vì có thể một năm liền nó không đến. Một nghệ sĩ đích thực là phải lao động quần quật để mời gọi cảm hứng đến.
Một điều bí mật nữa của Thành Chương là anh rất say mê công việc gia đình. Ngày trước, chợ búa, cơm nước... là công việc của anh, người đàn ông duy nhất trong nhà. Hiện tại, đã có người giúp việc nhưng thi thoảng anh vẫn đi chợ, cho con ăn và dỗ cô Dấm bé bỏng ngủ.
 |
Vợ chồng Thành Chương - Ngô Hương. Ảnh: Thế Giới Văn Hóa |
Phủ Thành Chương nổi tiếng khắp trong, ngoài nước là tòa ngang, dãy dọc. Thế mà ngày đầu mới lên Sóc Sơn, chỉ có mình anh bắt tay làm tất cả, từ thiết kế đến thi công. Anh tự chọn từng cây gỗ, từng hòn đá kê chân cột, từng viên gạch Bát Tràng lát nền. Trung thu, anh mời hàng trăm bè bạn lên chơi, em bé nào đi theo cũng có quà, từ đèn ông sao đến pháo đất, từ đèn kéo quân đến mặt nạ, hầu hết đều do "bố Chương" làm.
Một thú vị nữa khiến Thành Chương trở thành nhân vật tiếu lâm của bạn bè, đó là anh chuyên ngồi sau tay lái của bà xã Ngô Hương. Chị lái xe đưa anh đi khắp nơi. Hằng tuần từ Hà Nội lên Sóc Sơn, hứng lên thì Đồng Văn, Mèo Vạc...
Vợ anh, người mẫu của nhiều nhiếp ảnh gia và họa sĩ, nay cặm cụi ở nhà, tự cắt may áo bầu và áo sơ sinh. Họ đang chờ đợi một cô bé nữa ra đời. Có chị, anh thêm một người nội trợ, một trợ lý đắc lực và một phiên dịch duyên dáng biết 2 ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh). Từ bỏ sự nghiệp riêng, Ngô Hương ở nhà giúp chồng trông nom phủ Thành Chương, hệ thống lại kho tư liệu của anh và giao dịch với các đối tác nước ngoài.
Nhưng quan trọng hơn hết, chị mang đến cho anh sự thanh thản và bình yên khi bước vào căn hộ giản dị, ngự chót vót trên khu chung cư Làng quốc tế Thăng Long. Đó chính là một góc khuất dịu dàng của người họa sĩ này.
Theo : Vnexpress-(Theo Thế Giới Văn Hóa)