Nhiều cơ sở sản xuất tư nhân vẫn còn sử dụng lao động trẻ em.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa tổ chức hội thảo chia sẻ các phát hiện của 3 nghiên cứu về lao động trẻ em tại Việt Nam.

Cụ thể là các báo cáo đánh giá việc thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm. 

Theo điều tra mức sống dân cư năm 2006, có khoảng 6,7% trẻ em từ 6 đến 14 tuổi, tương đương gần 930.000 em tham gia hoạt động kinh tế; khoảng hơn 503.000 em từ 12 đến 14 tuổi tham gia không rõ ràng vào các hoạt động kinh tế ở những công việc mà các em chưa đến độ tuổi quy định tối thiểu và khoảng 633.000 em từ 15 đến 17 tuổi phải làm việc nhiều thời gian hơn quy định. 

Theo báo cáo của 63 sở lao động - thương binh và xã hội, đến hết năm 2008, cả nước có 26.027 trẻ em phải tham gia vào các loại hình lao động nặng nhọc, tiếp xúc với các chất độc hại. Có nhiều nguyên nhân, đó là sự nghèo đói, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người thân. Nếu không được bảo vệ từ các tổ chức xã hội, các em dễ bị đẩy vào tình trạng thất học, thất nghiệp, làm việc sớm trong các môi trường độc hại, nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, dễ dẫn đến khuyết tật, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, bị lôi kéo, bị lừa bán. 

Chia sẻ với những khó khăn trong công tác ngăn ngừa lao động trẻ em, nhiều đại biểu đã nhắc đến bức thư của em Nguyễn Đắc Xuân Thảo (học sinh lớp 7, Trường Nguyễn Huệ, Đà Nẵng), người đã đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU lần thứ 38 Việt Nam và giải nhì quốc tế. Từ câu chuyện thực của người cha làm nghề xây dựng, Thảo đã viết thư kể cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nghe về vụ tai nạn của bố mình tại xưởng tôn khiến ông bị liệt đôi chân phải đi lại bằng xe lăn, gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai người mẹ, việc học hành của anh em Thảo trở nên khó khăn và có nguy cơ phải nghỉ học. 

Trước hoàn cảnh gia đình, Thảo đã phải vừa học, vừa lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình. Từ nỗi đau này, Nguyễn Đắc Xuân Thảo đã gửi thông điệp mong sao cho những vụ tai nạn do điều kiện lao động mất an toàn sẽ không còn xảy ra để những người lao động nghèo yên tâm lao động và hưởng trọn vẹn những thành quả lao động do mình làm ra. 

Trên thực tế, trường hợp của em Nguyễn Đắc Xuân Thảo chỉ là một trong hơn 26 nghìn trẻ em đang phải lao động dưới nhiều hình thức khác nhau. Hiện vẫn còn rất nhiều cảnh đời do bệnh tật, bố mẹ ly hôn khiến các em không còn nơi nương tựa đã buộc các em phải kiếm sống để mưu sinh. Trong khi đó, hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là các vùng sâu, vùng cao, vùng xa, chưa thể giúp trẻ em ở những khu vực này thoát khỏi gánh nặng mưu sinh. Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, ở các khu vực làng nghề, hiện có rất nhiều trẻ em đang phải tham gia vào các hoạt động kinh tế. Đây là con số không thể thống kê được, bởi các hình thức lao động của các em khác nhau, đan xen với việc học tập và các hoạt động khác của gia đình. Nhìn chung, các em buộc phải lao động vẫn là xuất phát từ điều kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. 

Trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc hạn chế lao động trẻ em là điều khó khăn, mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang rất tích cực trong công tác này. Và để đáp ứng những diễn biến mới nhất trong tình hình kinh tế nước ta, Bộ LĐ-TB&XH đang soạn thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em trong tình hình mới, thay thế Nghị định 36/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005. 

Theo dự thảo nghị định này, các hành vi vi phạm quyền trẻ em, ngoài những điều được quy định tại Luật Giáo dục và Luật Chăm sóc trẻ em, được bổ sung thêm một số hành vi như hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em; người nhận dạy nghề cho trẻ em bắt trẻ em làm công việc quá sức, nặng nhọc, quá thời gian, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em; người sử dụng lao động sử dụng trẻ em lao động không trả công hoặc trả công không tương xứng, không có cam kết của cha, mẹ, người giám hộ, không có hợp đồng lao động... Cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp có trách nhiệm tổ chức hệ thống bảo vệ trẻ em; tiếp nhận thông tin, xác minh, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Theo HNMO