Hai chàng trai ấy bằng tuổi nhau, ở cùng làng, học cùng lớp từ vỡ lòng đến hết cấp 2, tuổi thơ của họ gắn liền với đồi sim tím, đàn bò và những cánh diều mang đầy khát vọng. Lớn lên, cả hai chàng đều tuấn tú. Họ cùng rủ nhau đi... yêu, cùng cưới vợ. Hai cô gái họ cưới làm vợ cũng ở một làng. Nhưng buồn thay, cả hai chàng đều bị câm...
Tuổi thơ lặng lẽ và mối tình câm
Hai chàng trai ấy là Phạm Đồng và Lê Sỹ Nghĩa, cùng sinh năm 1969, tại một làng quê nghèo nằm dưới chân núi Mồng Gà, thuộc xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Phạm Trần Cương, cha của Đồng kể rằng, thuở mới sinh ra, các cụ hay chữ trong xã đến xem tướng mạo bảo rằng: “Thằng ni thần khí tốt, toát lên khí chất thông minh. Hắn sẽ là đứa sáng dạ lắm đấy”. Nhìn đứa bé bụ bẫm, luôn nhoẻn miệng cười trong nôi, ai cũng mừng thầm, cầu mong sau này lớn lên nó sẽ là đứa con mang lại tiếng thơm cho gia đình, họ mạc. Nhưng rồi niềm mong ước ấy đã không thành sự thật. Lên ba, lên bốn, rồi lên năm... cái miệng của Đồng vẫn không cất tiếng gọi bà, gọi mẹ được; cái tai của Đồng không nghe được tiếng nựng yêu của mọi người trong gia đình. Đồng bị câm điếc bẩm sinh. Thế giới xung quanh đối với Đồng là một thế giới câm lặng, không có âm thanh và ngôn ngữ. Hình thức giao tiếp của Đồng với mọi người chỉ là những ký, ám hiệu từ hai bàn tay...
 |
Vợ chồng Đồng-Bình và con trai những ngày điều trị bệnh (Ảnh: Thanh Kim Tùng) |
Phía cuối làng, cách nhà ông Cương một quãng đồng, gia đình ông Lê Cúc cũng chung nỗi niềm như vậy. Nghĩa - đứa con trai của ông bà Cúc cũng bị câm điếc bẩm sinh. Cùng cảnh ngộ làm mẹ của đứa con không được tạo hóa hoàn thiện nên bà Xanh (mẹ của Đồng) và bà Cúc (mẹ của Nghĩa) thân nhau như chị em. Hai người đàn bà mỗi lần gặp nhau lại nghèn nghẹn nuốt nỗi buồn cho nước mắt chảy vào trong. Ở thời cuộc sống khó khăn, tháng ba, ngày tám phải chạy gạo, lúc thì bà Cúc gửi cho Đồng củ khoai, khi thì bà Xanh đem đến cho Nghĩa nắm xôi nhân ngày giỗ cụ. Đồng và Nghĩa lớn lên trong hơi ấm ấy, trong hoàn cảnh ấy, nên hai đứa gắn bó với nhau rất thân thiết. Dù bị câm điếc nhưng bù lại, hai đứa trẻ lại có khả năng cảm nhận cuộc sống xung quanh bằng một giác quan rất đặc biệt. Năm lên 7, thấy đám bạn cùng trang lứa cắp sách đến lớp vỡ lòng, hai đứa trẻ câm điếc làm theo. Không ai tin chúng sẽ học được. Thế nhưng thật kỳ lạ, dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của cô giáo tật nguyền Nguyễn Thị Loan (nhân vật trong bài “Một đời thơm thảo”, Báo Quân đội nhân dân ra ngày 26-2-2006), hai đứa đều trở thành học trò xuất sắc của lớp. Chúng viết rất đẹp, vẽ rất giỏi, trở thành một hiện tượng gây xôn xao dư luận thời đó. Những đám cưới của các đôi uyên ương vùng quê nghèo này thường tìm đến Đồng và Nghĩa nhờ cắt cho đôi chim bồ câu, vẽ mấy hình ảnh đôi trai gái đứng hôn nhau dưới gốc dừa... Nhờ đó, Đồng và Nghĩa trở thành những người “nổi tiếng” khéo tay trong làng...
Tám năm học qua mau. Hai chàng câm rời trang sách bước vào cuộc sống của người nông dân một sương hai nắng. Tuổi thanh xuân ập đến bất ngờ. Cả hai chàng đều trở thành những thanh niên thanh tú, đẹp trai nhất, nhì trong làng. Trong túi áo của họ không lúc nào thiếu cây bút và những mảnh giấy. Hai chàng dùng nó để giao tiếp với mọi người khi những cử chỉ của đôi tay không phát huy tác dụng.
Vào cái thời thanh niên ở các làng quê rất hào hứng tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đồng và Nghĩa cũng ghi tên vào các phong trào. Họ sắm vai những người dựng sân khấu, trang trí... Hàng năm sau mỗi vụ gặt, thanh niên làng lại vào mùa “cập kê”. Đêm đêm dưới ánh trăng ngà, Đồng, Nghĩa nhập bọn với đám trai tân đi làm quen với các cô gái ở làng trên, xóm dưới. Người con gái lọt vào mắt xanh của Nghĩa tên là Hoa, và người được Đồng gửi gắm ước mơ là cô P. Trong lúc chuyện tình của Nghĩa thuận buồm xuôi gió (dù ban đầu Hoa chưa ưng thuận), thì Đồng lại rơi vào cảnh đơn phương. P trả lời rằng cô không thể làm vợ một người câm điếc như Đồng được. Đồng ôm mối tương tư, thờ thẫn. Thương em, người anh ruột đưa Đồng ra thành phố Vinh học nghề làm hoa giấy, hoa nhựa. Với năng khiếu sẵn có, chỉ sau vài tháng học việc, Đồng đã thạo nghề. Lần nọ có một thiếu nữ thành Vinh tên N.T.H, người quen của chị dâu Đồng ghé nhà chơi. Nhìn đôi bàn tay của anh chàng điển trai cắt giấy, dán hoa như múa, cô đem lòng thầm nhớ, trộm thương. Thấy Đồng im lặng, cô lại ngỡ anh hiền lành, ít nói. H ghi một lá thư ngỏ lời rồi bí mật chuyển đến Đồng. Nhận thư H, Đồng sống lại những cảm xúc lâng lâng, xao xuyến. Nhưng niềm vui chưa kịp đến thì một lần nữa, nỗi buồn lại ập xuống. Sau khi biết sự thật Đồng là người câm điếc, thiếu nữ thành Vinh cúi đầu giấu đi những tiếng thở dài, rồi một đi không trở lại. Lần thứ hai trong đời, trái tim Đồng bị tổn thương. Hiểu và thương bạn, Nghĩa bàn với người yêu tìm cách mai mối giúp Đồng một nơi chốn khác...
Thế rồi vào một chiều mưa, khi Đồng đang hạ bức rèm cửa để tránh gió lùa thì thoáng thấy phía ngoài ngõ bóng một cô gái với chiếc nón lá đang nép mình dưới khóm tre trú mưa. Đồng choàng áo tơi ra ngõ, dùng ký hiệu mời cô vào nhà. Cô gái đó là Lê Thị Bình, bạn học cùng với Hoa. Đồng lấy bộ quần áo của mẹ cho Bình thay rồi bê ra một rổ khoai lang nóng hổi, bốc khói thơm ngát. Đồng lấy tờ giấy và cây bút ra giao tiếp với khách. Ban đầu Bình rất ngại, pha lẫn chút sợ sệt, song trước thái độ niềm nở và đáng yêu của Đồng, cô vừa nhấm nháp khoai lang vừa cầm bút “nói chuyện” với Đồng. Mưa tạnh, Bình quẩy gánh cỏ nặng trĩu xuôi về xóm Hội và không quên để lại dòng chữ trên khoảng trống trang giấy “Cảm ơn anh Đồng rất nhiều. Xin lỗi vì lâu nay Bình vẫn nghĩ chưa đúng về anh. Khi mô rảnh, anh Đồng đến nhà Bình chơi”. Bình không đẹp nhưng cũng dễ nhìn, nhất là đức tính siêng năng, hay làm. Ba ngày sau lần trú mưa ấy, Đồng đến nhà Bình. Dưới ngọn đèn hoa kỳ, cuộc “trò chuyện” của họ kín cả mấy trang giấy. Nhiều đêm như thế trôi qua, gia đình, người thân khuyên Bình không nên yêu người câm, khổ lắm. Nhưng Bình không thể quên Đồng được nữa. Cô bảo, số phận cô đã thuộc về Đồng...
Bi kịch đường đời
Giữa năm Nghĩa cưới Hoa thì cuối năm Đồng đón Bình về làm vợ. Cả Hoa và Bình đều tâm sự với bạn bè, họ quyết định làm vợ người câm không phải vì sự thương hại mà vì họ tìm thấy ở người yêu của mình một trái tim không hề câm điếc. Vợ chồng Nghĩa – Hoa dựng ngôi nhà tranh ở xóm Pheo, còn Đồng – Bình được cha mẹ cho ở riêng trong gian nhà nhỏ ở xóm Rú Đỉnh. Vài sào ruộng với một mảnh vườn, hai người đàn bà trẻ sát cánh bên chồng chăm chú làm ăn. Những ngày đầu làm vợ người câm là cả một thử thách quá lớn, mà lúc quen và yêu họ chưa lường trước được. Có lần hai vợ chồng cùng đi làm đồng. Hoa đi sau. Trời mưa. Đường trơn. Cô bị ngã trẹo chân. Hoa ngồi ôm chân nhăn nhó nhìn gánh phân chuồng ngao ngán. Mặc cho Hoa cố sức tìm mọi cách báo cho chồng biết, nhưng phía trước Nghĩa vẫn bấm chân bước phăm phăm. Mãi đến khi gánh phân xuống ruộng, không thấy vợ, Nghĩa mới hớt hải quay lại tìm. Rồi những chuyện trong sinh hoạt, cuộc sống thường ngày của vợ chồng, cả Hoa và Bình phải vất vả lắm mới hòa nhập được với cách sống của người câm. Vượt lên tất cả, họ vẫn hết mực yêu thương chồng, sống hạnh phúc, hòa thuận, được bà con xóm giềng hết lòng thương yêu, quí trọng...
Bây giờ thì vợ chồng Nghĩa – Hoa đã có hai đứa con, một trai, một gái, đứa lớn đã học tiểu học. Dù còn vất vả, khó khăn, nhưng cuộc sống của họ khá thuận buồm xuôi gió. Còn Đồng và Bình thì gặp phải những bi kịch cuộc đời. Bình trở dạ vào một đêm trời mưa như trút, nước ngập trắng đồng. Nhờ người thân giúp sức, Đồng đưa vợ đến bệnh viện. Bình sinh con trai. Cháu bé nặng hơn 3,5kg. Giữa lúc gương mặt hai vợ chồng đang tươi như hoa, thì bác sĩ thông báo một tin như sét đánh: Cháu bé chỉ có một tai. Phía bên tai còn lại hoàn toàn không có gì ngoài dấu ấn của một vành tai nhỏ xíu, mờ nhạt. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị dị tật bẩm sinh, lớn lên cháu bé sẽ không nói được, cái tai còn lại của cháu cũng khó mà nghe được. Ôm con vào lòng, Bình nấc lên, nén cho nước mắt chảy vào trong, lòng dạ tê tái. Vợ chồng Bình đặt tên cho con là Phạm Nhật Linh, với mong muốn sẽ có một sự linh nghiệm nào đó giúp con thoát khỏi thế giới của những người câm. Cháu Linh dần lớn lên với một gương mặt ngô nghê mang dị tật. Linh không bị câm nhưng vĩnh viễn nó không có được một trí tuệ và khả năng như những đứa trẻ bình thường. Sau mỗi bận “nói chuyện” với chồng bằng cử chỉ hoặc viết chữ, Bình quay sang ôm con nhả từng lời chậm rãi để rèn cho con khả năng phát âm. Nhưng ngồi suốt buổi cháu cũng chỉ bập bẹ được vài câu nói ngọng nghịu. Bình nén nỗi buồn dồn hết hi vọng vào một mầm sống mới đang lớn dần trong cơ thể. Khi cháu Nhật Linh được 5 tuổi thì Bình tiếp tục trở dạ. Đồng lại đưa Bình vượt cạn vào một đêm trời mưa tầm tã. Bình lại sinh con trai. Cháu bé thật bụ bẫm, dễ thương. Vừa lọt lòng mẹ nó đã khóc ré lên. Đồng lao đến bên con, cùng vợ lật lật xem tai, xem mắt, xem mũi và chân tay của bé. Tất cả đều đầy đủ và xinh xắn. Đồng về mổ gà ăn mừng. Cháu bé được đặt tên là Phạm Anh Tuấn. Tên con chứa đựng cả niềm mơ ước, khát khao của Bình và Đồng. Thế nhưng niềm vui vừa kịp le lói thì nỗi lo âu cũng sầm sập đến. Càng ngày cháu bé càng yếu ớt, đau ốm liên miên. Các bác sĩ cho biết cháu bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Đến tháng thứ 5 thì bệnh diễn biến trầm trọng. Vợ chồng Đồng khăn gói đưa con đi bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh và cuối cùng là ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng tất cả đều không thắng được số mệnh. Khi các bác sĩ báo tin, sự sống của cháu chỉ còn tính bằng phút, những nhà hảo tâm đã giúp hai vợ chồng đưa con về trên một chiếc tắc xi. Chiếc xe rời Hà Nội lao đi dưới trời đêm mưa tầm tã. Bình bế con, Đồng cầm bình ô-xy cố kéo dài sự sống của cháu bé cho đến khi chiếc xe dừng bánh trước căn nhà bé nhỏ, đơn sơ dưới chân núi Mồng Gà. Đôi mắt cháu bé ánh lên nhìn mẹ cha lần cuối cùng rồi lặn vào vĩnh viễn...
Tôi là bạn học của Đồng và Nghĩa từ thuở ê a vỡ lòng cho đến hết cấp 2. Xa quê biền biệt, mỗi bận về thăm nhà, Đồng, Nghĩa đều đến chơi. Vẫn là những cử chỉ quen thuộc, vẫn là nét chữ nghiêng nghiêng như múa, hai người bạn câm “tâm sự” với tôi đủ chuyện trên trời, dưới biển. Sống ở đô thị, nhiều lúc tôi chạnh lòng khi nhìn sang bè bạn, thấy cuộc sống của mình còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng khi về làng, ngồi bên hai người bạn câm, mọi ý nghĩ ấy bỗng tan biến đi, chỉ còn lại sự đau đáu về nghĩa tình và mênh mang nỗi niềm về thân phận con người.
Tôi về quê vào mùa mưa lạnh. Đồng không đến chơi như năm xưa. Nghĩa chớp mắt hoe hoe khi kể về bạn. Tôi đội mưa đến thăm và chia buồn với vợ chồng Đồng. Căn nhà nhỏ đã bị mối xông lên tận nóc. Gió lùa lạnh lẽo. Chỗ lành lặn nhất vợ chồng Đồng dùng để bồ lúa và kê chiếc giường. Bình ôm bé Nhật Linh đau đáu nhìn về chân trời xa xăm...
Khóe mắt tôi cay cay. Tôi lần theo lối mòn leo lên núi Mồng Gà. Dưới tán rừng thông, dáng Đồng khom khom gầy rộc, đứng lặng bên nấm mồ nhỏ bé trong làn mưa giăng giăng...
PHAN TÙNG SƠN