QĐND Online - Vượt gần 100 cây số qua những đoạn đường “gập ghềnh” đang trong giai đoạn thi công trên Quốc lộ 3 đến thăm nhà máy Z131, tưởng rằng sẽ phải mất vài tiếng đồng hồ lấy lại “tinh thần”; nhưng ngay lập tức chúng tôi đã bị cuốn hút bởi những sáng kiến và đề tài táo bạo của nhóm kỹ sư trẻ nơi đây.
Từ một bài toán khó
Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quản lý số lượng lớn nhà máy, xí nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật và sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ, đạn dược và vật tư kỹ thuật… Việc sản xuất sản phẩm quân sự đặc thù ở các nhà máy, xí nghiệp phát sinh nhiều loại chất thải công nghiệp có tính độc hại cao, do đó việc xây dựng, nâng cấp và đồng bộ hóa các hệ thống xử lý chất thải rất cấp thiết. Câu chuyện về công trình xử lý dung dịch metyl amin quá hạn sử dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ của nhóm tác giả thuộc Xí nghiệp vật liệu nổ, đơn vị trực thuộc Nhà máy Z131 đặc biệt thôi thúc chúng tôi tìm hiểu.
Ba năm về trước, Nhà máy Z131 “bảo quản” khoảng 16 tấn metyl amin không sử dụng trong suốt 15 năm. Khối lượng dung dịch metyl amin có nồng độ 40% này chứa trong các phi sắt trọng lượng 200kg/phi được nhà máy nhập về từ năm 1995 để sản xuất chất nhạy hóa metyl amin nitrat cho thuốc nổ nhũ tương. Do tính chất độc hại của dung dịch metyl amin (gây các hiệu ứng cấp tính như: sốc, buồn nôn, suy hô hấp…) và có phương pháp nhạy hóa khác ưu việt hơn nên Nhà máy Z131 chỉ sản xuất một lượng hạn chế muối metyl amin nitrat. Lượng dung dịch metyl amin đã nhập về không cần thiết, việc tái sử dụng lại tốn kém chi phí nên được đưa vào kho bảo quản ở khu trung tâm của nhà máy.
 |
Đại úy Đỗ Thanh Tuấn (đứng) và thượng úy Tống Xuân Tuyến cùng thảo luận, tiến hành thí nghiệm. Ảnh: Song Thanh.
|
Tuy nhiên do thời gian lưu giữ, bảo quản dài nên các phi sắt chứa dung dịch đã bị oxi hóa gây mọt, rỗ, làm rò rỉ dung dịch metyl amin phát xạ ra bên ngoài, thậm chí khả năng bị bục vỡ cũng rất cao. Theo Thượng tá Lê Văn Vỹ, Phó giám đốc kỹ thuật nhà máy, năm 2000, nhà máy đã có chủ trương xử lý lượng dung dịch trên để đảm bảo môi trường và an toàn cháy nổ. Nhiều cơ quan chuyên môn đã được liên hệ phối hợp cùng nhà máy tìm giải pháp, tuy nhiên tất cả đều chưa tìm được hướng đi thích hợp.
Cuối cùng, để đảm bảo mục tiêu giữ vững an toàn cũng như không thể kéo dài thời gian lưu giữ được nữa, lãnh đạo nhà máy đã giao nhiệm vụ cho các phòng chức năng, xí nghiệp thành viên và đội khoa học kỹ thuật viên trẻ gấp rút nghiên cứu, tìm ra biện pháp xử lý khối lượng dung dịch tồn đọng này. Ngay sau đó, hai kỹ sư trẻ là Đại úy Đỗ Thanh Tuấn và Thượng úy Tống Xuân Tuyến mạnh dạn đề xuất ý tưởng, nhận nhiệm vụ này. Sau 6 tháng họ đã giải quyết thành công bài toán khó cho nhà máy.
Đến giải pháp hiệu quả, an toàn và kinh tế
Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Đỗ Thanh Tuấn, phó Giám đốc kỹ thuật Xí nghiệp vật liệu nổ cho biết: “Năm 2010 tôi đang học thạc sĩ tại Học viện Khoa học Kỹ thuật quân sự, trong một buổi thảo luận khoa học, giảng viên có nhắc đến việc khó xử lý triệt để dung dịch metyl amin. Đây lại là vấn đề tồn tại nhiều năm qua ở đơn vị tôi đang công tác. Vậy là suy nghĩ quyết tìm ra hướng xử lý ấp ủ trong tôi từ đó”. Sau khi hoàn thành khóa học, Đỗ Thanh Tuấn đã chủ động nghiên cứu thực địa, mạnh dạn đề đạt nguyện vọng lên lãnh đạo cấp trên và nhận được sự ủng hộ cao. Cùng tham gia với anh làm chủ đề tài này là Thượng úy Tống Xuân Tuyến, một kỹ sư trẻ mới ra trường, về nhà máy nhận nhiệm vụ từ năm 2009.
Bắt đầu thực hiện từ tháng 2-2011, chỉ 6 tháng sau họ đã nghiên cứu thành công, vạch ra quy trình xử lý triệt để dung dịch metyl amin và khắc phục hầu như hoàn toàn các nhược điểm của các phương án trước. Đó là thực hiện phản ứng cháy chuyển hóa dung dịch metyl amin thành khí CO2, N2, hơi H2O. Trên cơ sở phương pháp luận và những thí nghiệm thành công khi triển khai, họ đã lập phương án cụ thể cho từng công đoạn thực hiện hoàn chỉnh như: chuẩn bị phương tiện, dụng cụ bảo hộ, bốc xếp vận chuyển, thực hành đốt cháy và xử lý sau cháy… Điều quan trọng nhất đó là hoàn toàn không gây hại cho môi trường, đồng thời tận dụng được toàn bộ nguồn lực sẵn có của nhà máy, cũng như tiết kiệm chi phí cho nhà máy hàng trăm triệu đồng.
 |
Một phần quy trình xử lý dung dịch metyl amim tại hiện trường . (Ảnh do nhân vật cung cấp).
|
Tuy nhiên con đường đi đến thành công ấy, những nhà khoa học trẻ cũng gặp không ít chông gai. Hàng chục thí nghiệm phải tiến hành. Khó khăn đầu tiên gặp phải chính là làm thế nào có được mẫu phẩm để tiến hành thí nghiệm khi lúc bấy giờ, toàn bộ khối lượng đang được bảo quản trong kho, ở khu vực cấm thâm nhập. Đến giờ, đồng chí Đỗ Thanh Tuấn mới tiết lộ bí mật việc có được mẫu thí nghiệm là một chai 650ml dung dịch là do "lấy trộm”. Do thân thiết và tin tưởng việc làm của anh là chính đáng nên đồng chí thủ kho mới “lén lút” lấy giúp chuyển ra ngoài khu vực cấm!.
Rồi là công tác chuẩn bị tâm lý cho những thành viên trong nhóm. Đại úy Tuấn kể: “Khi chúng tôi bắt đầu thực hiện đề tài, có khoảng 20 thành viên hỗ trợ tham gia nhưng không phải ai cũng bám trụ đến cùng. Nguyên nhân cơ bản là tâm lý lo ngại metyl amin sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe”. Nhắc đến chuyện này, đồng chí Tuyến cũng nhớ lại một lần, khi vận chuyển dung dịch từ nơi bảo quản đến khu vực xử lý, một công nhân không may hít phải do phi chứa bị hở. Anh này lập tức bỏ chạy, sau đó không quay lại tham gia. Anh tâm sự: “Chúng tôi đã giải thích rất cụ thể metyl amin là chất hữu cơ gây nên các phản ứng cấp tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Thậm chí, chúng tôi cũng trực tiếp làm việc tại hiện trường để anh em tin tưởng”.
Quyết tâm và cố gắng của họ được đền đáp xứng đáng khi toàn bộ khối lượng 16.000kg metyl amin xử lý đạt kết quả 100%. Công trình nghiên cứu và ứng dụng này được hội đồng khoa học công nghệ nhà máy cấp giấy chứng nhận sáng kiến khoa học. Trung tá Đỗ Thành Chung, Giám đốc xí nghiệp Vật liệu nổ, Ủy viên hội đồng khoa học tâm đắc nói: “Đây là một công trình khoa học có ý nghĩa xã hội lớn. Tôi cho rằng Z131 không phải là đơn vị duy nhất còn tồn đọng lượng hóa chất dư thừa. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp giúp đỡ, tư vấn về mặt kỹ thuật và giải pháp tình thế nếu họ có nhu cầu”.
Câu chuyện về những chàng “kỵ sĩ” dám nghĩ, dám làm được khép lại bởi cái kết rất vui và có hậu. Đó là ngay sau khi hoàn thành công trình một năm, hai chàng kỹ sư chủ đề tài đều đón thành viên mới xinh xắn, khỏe mạnh trong gia đình. Một minh chứng chân thực xác nhận metyl amin không hề gây tổn hại đến sức khỏe như người ta nhầm tưởng.
BÍCH TRANG