QĐND Online - Mỗi ngày nhà bếp ở các đồn biên phòng tỉnh Lai Châu lại bớt một nắm gạo, hàng tháng các chiên sĩ dành một phần lương để ủng hộ các cháu học sinh ở trường nội trú. Sự tiếp sức kịp thời của những người lính mang quân hàm xanh đã và đang giúp hàng trăm cháu học sinh ở vùng biên ải không phải bỏ dở con chữ giữa chừng.

“Con nuôi” của đồn

Lần đầu đến đồn biên phòng Thu Lũm, huyện Mường Tè tôi bất ngờ vì đồn có 2 “chiến sĩ nhí” chừng hơn 10 tuổi nhưng mọi sinh hoạt ăn uống đều rất… lính. Mấy chiến sĩ vui tính cứ tủm tỉm bảo là: “Con riêng của đồn trưởng đấy”. Bán tín bán nghi, chúng tôi tìm hiểu mới vỡ nhẽ ra một chuyện rất nhân văn, cao cả và với quan điểm báo chí thì đó là những điển hình cần nhân rộng.

Căn phòng mà đồn dành cho 2 cậu bé ở cùng dãy nhà với các chiến sĩ. Khi chúng tôi tới thăm, hai cậu bé là Mạ Mò Hà (ở bản Kòng Khá, học lớp 5) và Sùng Chú Xá (học lớp 6 ở bàn Ló Na) đang giúp nhau chuẩn bị giường chiếu chuẩn bị ngủ. Cũng màn xanh, chăn gió, gối gập, cũng thau cũng cốc như quân nhân, chỉ khác là giữa những bộ quần áo dạn dày của bộ đội là những chiếc áo học sinh bé xíu. Qua câu chuyện chúng tôi mới biết, bố của em Hà vốn là bộ đội biên phòng, vừa mới mất vì bệnh. Mẹ em một mình nuôi 4 anh em, ngày hai bữa cơm còn khó nói gì đến chuyện sách đèn cho các em. Các thầy cô giáo thấy Hà chăm ngoan, hiếu học, sáng dạ mà chẳng thể giúp em được. Hà đứng trước nguy cơ bỏ dở việc học. Cũng giống như Hà, gia đình em Xá cũng rất khó khăn, bố em cũng là bộ đội giải ngũ, bệnh tật liên miên, mẹ Xá cũng phải tần tảo nuôi cả 4 anh em. Sá muốn đi học lắm nhưng mẹ em tuy không ngăn nhưng nước mắt ngắn nước mắt dài mỗi khi dọn cơm cho 5 bố con khiến Sá cũng chuẩn bị bỏ học. Rất may khi ấy các chú bộ đội biên phòng tìm hiểu, phát hiện và đưa các em về Đồn…

Từ đó, đồn có thêm 2 chiến sĩ nhí. Sự có mặt của các em làm cho tình đồng chí đồng đội gắn kết keo sơn hơn bởi họ có thêm những người em, người cháu để cùng chăm lo. Thiếu uý Dương Quốc Huân được giao nhiệm vụ đặc biệt là kèm cặp 2 “đồng chí em” của mình học hành. Hôm chúng tôi tới đồn, Xá đang chuẩn bị về thị trấn huyện Mường Tè thi học sinh giỏi. Thiếu úy Dương Quốc Huân cũng tất bật hơn giúp hai em học hành. Trung uý Huân tâm sự: “Hai cháu ngoan và rất chịu khó học. Cậu bé nào cũng sáng dạ”.

Thiếu uý Dương Quốc Huân kèm hai anh em Xá và Hà học bài.

Khi hỏi đồn trưởng về 2 người “con riêng” của mình, anh Ngọc cũng không đính chính mà còn cười tủm tỉm: “Vợ tôi ở Thủ đô mà biết tin này thì nguy. Xá và Hà là “con nuôi” của cả Đồn thôi. Chúng tôi nhận các cháu về đồn để lo ăn ở và tạo điều kiện cho các cháu học tập cho đến khi các cháu học hết cấp 2”. Từ ngày về đồn, Xá và Hà rất ngoan ngoãn, nghe lời các chú, các anh. Xá ngây thơ và hồn nhiên kể về những tình cảm do các chiến sĩ dành cho mình. Xá và Hà coi đồn như nhà của mình rồi.

Ở đồn Pa Ủ cũng nhận hỗ trợ cháu Pờ Chu Xá mỗi tháng 350.000đồng. Ngoài ra mỗi tháng (từ tháng 1/2010), đồn ủng hộ 15kg cho các cháu mầm non bán trú tại bản Pa Ủ, xã Pa Ủ. Điều này thật đáng trân trọng bởi lẽ gia đình các cháu học sinh ở đây rất nghèo. Chúng tôi đến các xã biên giới, đã đến thăm các trường học, và đến đâu chúng tôi cũng gặp hình ảnh các em học sinh đến lớp với đôi chân trần đạp sương, đạp gió vượt đá tai mèo và những con dốc trơn và… thật buồn là có nhiều em đã không thể theo đuổi ước mơ của mình cũng bởi những gian nan đó.

Học Bác từ những điều giản dị nhất

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã lan rộng tới khắp mọi miền của Tổ quốc, sâu tới tất cả các giai cấp và việc nhận nuôi học sinh, lập hũ gạo tiết kiệm để giúp các em học sinh nghèo có thêm cơ hội tới trường của lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng là một cách học tập theo tấm gương của Bác. Ở dọc tuyến biên giới kéo dài gần 300km của tỉnh Lai Châu, ở đâu có đồn biên phòng là ở đó có những hũ gạo “nuôi” con chữ, có thêm những ước mơ được chắp cánh. Trong những suy nghĩ còn non trẻ kia tôi thấy có em còn ước mơ sau này trở thành bộ đội. Có lẽ nghĩa cử của các anh đã ươm những hạt giống đỏ trong suy nghĩ thánh thiện của các em. Sự tiếp sức kịp thời của các chiến sĩ biên phòng đã tạo điều kiện cho những “hạt giống đỏ” ấy phát triển tốt hơn. Mỗi nắm gạo tiết kiệm của các đồn góp lại cũng làm đủ ấm bụng những học sinh nghèo khi đông về. Mỗi đồng lương mà các chiến sĩ san sẻ hàng tháng là nguồn động viên rất lớn giúp các cháu học sinh yên tâm học hành.

Trong khi đó, cuộc sống của các chiến biên phòng nơi biên cương còn nhiều gian khó, bữa cơm chưa được tươm tất, đồng lương phải trang trải nhiều thứ, dè xẻn lắm có khi mới đủ. Hơn nữa giá cả ở nơi đây luôn đắt hơn miền xuôi từ 2-3 lần. Mỗi đồn có cách làm khác nhau nhưng tình cảm của các chiến sĩ dành cho học sinh nơi đây thật cao quý và đáng trân trọng.

Từ khi chương trình 3 đủ: Đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở viết do Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu phát động thì đồn biên phòng nào cũng hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay các đồn biên phòng và Tiểu đoàn huấn luyện cơ động đã hỗ trợ học bổng cho 24 cháu, với mức hỗ trợ 300.000 đến 350.000đồng/1tháng/1cháu, có 3 cháu được đồn Thu Lũm và Ka Lăng nhận nuôi tại đồn. Ngoài ra những đơn vị này còn hỗ trợ hàng tấn gạo, chăn, quần áo, tiền… cho các trường bán trú tại địa phương.

Tình cảm của các chiến sĩ mang quân hàm xanh đã và đang là nguồn động lực rất lớn để ươm những “hạt giống đỏ” có điều kiện để phát triển tốt hơn ở nơi quan tái. Sau này chính các em được học hành đến nơi đến chốn sẽ là những cán bộ nguồn quay lại phục vụ quê hương. Đây cũng là giải pháp xây dựng phên giậu vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Khánh Kiên