QĐND Online - Thôn Yên Hợp thuộc xã biên giới Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cách trung tâm thị trấn Quy Đạt khoảng 35km với những dốc, đèo quanh co, lởm chởm ổ voi. Những ai lần đầu đặt chân tới đây hẳn không quên được ấn tượng về nỗi vất vả trên đường đi. Tiếp xúc với đồng bào Rục, đồng bào Sách và đặc biệt tận mắt chứng kiến con đường các em học sinh đến lớp mới cảm nhận được nhịp chảy cuộc sống yên bình vùng biên cương Tổ quốc.

Gian nan con đường gieo chữ

Học sinh của Trường Tiểu học Yên Hợp hầu hết là con em đồng bào Rục và Sách. Vốn nghèo khó lại thêm suy nghĩ cái chữ không làm no cái bụng, nhiều hộ gia đình không muốn cho con đến trường. Trẻ em sinh ra không làm giấy khai sinh khiến việc vận động học sinh trong độ tuổi đến lớp đã khó khăn càng khó khăn hơn. Nhiều đứa trẻ tuổi đã lên 5, lên 6 mới được cán bộ, thầy cô giáo ở xã đến vận động gia đình và làm giúp giấy khai sinh bổ sung. Không ít học sinh theo cha mẹ lên rừng, xuống suối kiếm ăn nên tỷ lệ học sinh bỏ học cao.

Thầy Đinh Văn Tuất (43 tuổi) đã quá quen với dốc đèo, ghề đá trên con đường vào Trường Tiểu học Yên Hợp. Thầy đã gắn bó với ngôi trường ngay từ khi tốt nghiệp Đại học đến nay. Nhiều khi, lớp giảng dạy chỉ còn 2 học sinh, nên thầy phải tranh thủ từng giờ, đến nhà, thậm chí lên tận rẫy để vận động các em trở lại trường học. 

Tới thăm các em trong giờ sinh hoạt tập thể, chúng tôi càng cảm nhận được những thiệt thòi của thầy và trò vùng biên giới. Những đôi chân trần lem luốc bùn đất, những đôi tay còn vương nhọ nồi chưa kịp rửa sạch của các em khiến không ít người bận lòng. Một đôi dép để đến lớp, một bữa cơm no để ấm bụng là điều xa xỉ đối với nhiều trẻ em vùng cao nói chung. Thiệt thòi, khó khăn vậy nhưng với các em quá đỗi bình thường.

Những đôi chân trần vẫn vui tươi trong buổi hoạt động ngoài giờ.

Tuy đã mở rộng 3 điểm trường nhưng Trườngg Tiểu học Yên Hợp vẫn chưa có nhà công vụ để phục vụ giảng dạy và nghỉ ngơi cho giáo viên. Gần 30 năm công tác ở trường học, thầy Đinh Thanh Bình không còn lạ lẫm với những cơn lũ bất chợt làm tắc nghẽn đường đi, những hôm dạy học hai buổi nhưng không có chỗ nghỉ lại.

“Em muốn được học lên cấp 2, rồi học lên nữa…”

Từ khi có cánh đồng Rục Làn, đồng bào Rục, đồng bào Sách đã biết gieo lúa làm mùa, không còn phải lo cái đói rình rập. Người lớn được bộ đội biên phòng dạy chữ, dạy cách làm ăn, còn các em được đến lớp sinh hoạt học tập. Năm 2012 vừa qua, tỷ lệ học sinh giỏi của trường tăng 2,9 % với tổng số 17 học sinh. Học sinh tiên tiến tăng lên 34 học sinh. Đáng chú ý nhất là số lượng học sinh yếu giảm chỉ còn chưa đầy một nửa so với năm học trước.

Vừa chuẩn bị sổ đi dự giờ, thầy Trần Thanh Bun, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hợp cho biết: “Thành quả trên của trường là nhỏ so với nhiều huyện miền núi khác nhưng thực sự là con số đáng mừng. Chúng tôi luôn đặt trách nhiệm của người thầy giáo lên hàng đầu và cố gắng dạy tốt. Dù một lớp học chỉ có 2 học sinh hay thậm chí 1 học sinh thì chúng tôi vẫn sẽ giữ nguyên lớp học”.

Vừa giúp ba mẹ lên rẫy trồng rau nhưng Cao Thị C (HS lớp 5, thuộc bản Mò O Ồ Ồ) vẫn luôn cố gắng là học sinh giỏi, khá trong học tập. 5 năm tiểu học, C luôn được thầy cô giáo khen là con ngoan trò giỏi. “Em muốn được học lên cấp 2 rồi học lên nữa. Em muốn sau này trở thành cô giáo để về dạy học tại quê hương của em luôn”, Cao Thị C hồn nhiên chia sẻ giấc mơ nhỏ của mình …

Trường học vẫn chưa đầy đủ phòng công vụ, nhưng số lượng trẻ em đến lớp ngày càng đông chính là niềm vui, giúp các thầy cô giáo vùng biên có thêm nghị lực và niềm tin trong sự nghiệp gieo chữ ở vùng biên. Cao Thị C và những cô bé, cậu bé con em đồng bào Sách, đồng bào Rục sẽ là những chủ nhân tương lai, xây dựng giàu mạnh quê hương vùng biên giới còn lắm khó khăn này.

Bài, ảnh: NGUYỄN QUỲNH ANH