Đầu mối giao thông thủy của Trung tâm CN-TTCN Thốt Nốt vẫn chưa được triển khai xây dựng.

Khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú và Trung tâm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) Thốt Nốt là hai dự án trọng điểm của Cần Thơ, được lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành trong thời gian qua. Đầu tháng 6-2005, UBND thành phố Cần Thơ đã giao cho Công ty Cổ phần xây dựng KCN Sài Gòn-Cần Thơ làm chủ đầu tư xây dựng KCN Hưng Phú 1. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng KCN này vẫn tồn tại hàng loạt khó khăn vướng mắc, đến mức ngay cả quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của KCN Hưng Phú (trong đó có KCN Hưng Phú 1) vẫn chưa được phê duyệt. Tương tự, Trung tâm CN-TTCN Thốt Nốt đã cho thuê hết đất nhưng vẫn chưa đầy đủ các thủ tục cần thiết.

Chậm vì ... thiếu qui hoạch, xây dựng hạ tầng

KCN Hưng Phú có qui mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích hơn 900 ha thuộc địa bàn quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đây được coi là dự án trọng điểm nối kết các công trình dự án lớn của Cần Thơ trong vai trò là trung tâm động lực của cả vùng ĐBSCL. Trong thời gian qua, UBND thành phố Cần Thơ đã phát triển KCN này theo hướng mở rộng đến đâu thì giao đất đến đó. Tuy nhiên, việc giao đất và triển khai các dự án đã được các đơn vị đăng ký lại gặp khó khăn, nhất là về vấn đề qui hoạch và xây dựng hạ tầng kèm theo.

Mới đây, UBND thành phố Cần Thơ đã có cuộc họp để tháo gỡ những khó khăn, trong đó tập trung lấy ý kiến để thông qua qui hoạch chi tiết cho KCN Hưng Phú. Tại cuộc họp này, các thành viên Hội đồng kiến trúc qui hoạch thành phố yêu cầu Phân viện Quy hoạch Đô thị nông thôn Việt Nam chỉnh sửa, bổ sung qui hoạch chi tiết KCN Hưng Phú. Nếu báo cáo yêu cầu này và các ý kiến của nhà chuyên môn đưa ra tại cuộc họp được cấp thẩm quyền phê duyệt, thì diện mạo của KCN Hưng Phú sẽ được qui hoạch rộng 474 ha, kéo dài từ rạch Cái Sâu đến rạch Cái Cui, từ đường Quang Trung - Cái Cui. Trong KCN có các khu chức năng: nhà máy sản xuất; kho tàng-bến bãi; công trình đầu mối (trạm điện, khu xử lý nước thải); khu cây xanh tập trung và cách ly; các trục đường chính và nội bộ có lộ giới rộng từ 26 m đến 67 m. Các cơ quan chức năng cũng đã chấp thuận đề xuất của đơn vị tư vấn về phương án san lấp các kênh rạch nhỏ trong phạm vi xây dựng KCN, đồng thời nạo vét, mở rộng rạch Bến Bạ và Bùng Binh. Theo tính toán, KCN Hưng Phú cần hơn 483 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Đóng góp ý kiến cho quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 KCN Hưng Phú, đại diện các cơ quan hữu quan của thành phố Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề tái định cư, tiến độ triển khai thực hiện qui hoạch. Ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ đề nghị KCN Hưng Phú phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhà máy sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Hơn nữa, ông Phát cũng nhấn mạnh: “Ngoài chỉnh sửa nội dung quy hoạch của KCN Hưng Phú, đơn vị tư vấn phải bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; kế hoạch và lịch trình triển khai đầu tư xây dựng KCN Hưng Phú của các chủ đầu tư. Các nhà đầu tư phải chứng minh có đủ 20% vốn (tiền mặt) để bồi hoàn giải toả và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thì Sở Xây dựng mới trình UBND thành phố xem xét phê duyệt quy hoạch KCN Hưng Phú”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (chi nhánh tại Cần Thơ), cho biết: Các nhà đầu tư mong muốn được chính quyền hỗ trợ trong các khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài việc xây dựng khu tái định cư, chính quyền thành phố cần quan tâm hơn đến việc quy hoạch xây dựng trường dạy nghề, nhà ở cho công nhân.

Nhiều đại biểu khác cũng nêu ý kiến cần xây dựng khu tái định cư chung cho cả KCN Hưng Phú, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung cho KCN Hưng Phú...

Doanh nghiệp “rối” vì thủ tục thuê đất

Trung tâm CN-TTCN Thốt Nốt là dự án phát triển công nghiệp lớn thứ ba của thành phố Cần Thơ, có 4 giai đoạn đầu tư, với tổng diện tích gần 152ha. Trong đó, giai đoạn 1 (21,9ha) và giai đoạn 2 (hơn 34,5ha) đã được giao hết mặt bằng cho nhà đầu tư. Giai đoạn 3 (49ha) đã có các nhà đầu tư đăng ký đầu tư và được giao đất. Nhiều nhà đầu tư đang xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hạ tầng chưa hoàn chỉnh, giải tỏa bồi hoàn chưa thực hiện dứt điểm, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất cho doanh nghiệp lại có nhiều vướng mắc, tạo sự lo lắng chung đối với nhà đầu tư và đơn vị quản lý. Cụ thể, đến thời điểm này Trung tâm Xây dựng hạ tầng Trung tâm CN-TTCN Thốt Nốt vẫn chưa được phép thuê đất thô, nên chưa đủ tư cách để cho các nhà đầu tư thuê lại đất dù trong thực tế đất công nghiệp ở giai đoạn 1 và 2 đã giao cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thượng Toàn, Giám đốc Trung tâm xây dựng hạ tầng Trung tâm CN-TTCN Thốt Nốt, cho biết: Việc chậm được thuê đất thô đã gây ra nhiều bức xúc. Nhà đầu tư rất cần hợp đồng thuê đất chính thức để làm các thủ tục về tài chính của doanh nghiệp, nhưng chưa được đáp ứng. Hơn nữa, do chưa được phép thuê đất thô nên chưa có nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng, dẫn đến dự án bị giậm chân tại chỗ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt cho biết:

- Các nhà đầu tư hiện nay rất lúng túng vì không có hợp đồng thuê đất. Điều này gây cản trở rất lớn trong việc triển khai các dự án. Mới đây, UBND huyện Thốt Nốt đã có tờ trình lên UBND thành phố đề nghị cho phép Trung tâm xây dựng hạ tầng được hợp đồng thuê đất thô và cho thuê lại đất tại Trung tâm CN-TTCN của huyện.

Được biết, Trung tâm xây dựng hạ tầng được thành lập theo quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 15-8-2006 của UBND thành phố Cần Thơ. Do đó, theo lý giải của địa phương thì trung tâm này có đủ tư cách để thuê đất thô của Nhà nước, bồi hoàn giải tỏa, để xây dựng cơ sở hạ tầng và cho thuê lại đất công nghiệp. Tuy vậy, một sở chuyên ngành của thành phố lại đề nghị xem xét Trung tâm CN-TTCN Thốt Nốt có đủ chức năng thuê đất thô không? Do đó, sở này mới đề nghị địa phương lập tờ trình xin chủ trương của UBND thành phố Cần Thơ, khiến cho địa phương và các đơn vị đầu tư lúng túng vì các thủ tục.

Những vướng mắc, khó khăn hiện nay đang làm cho việc triển khai xây dựng KCN Hưng Phú và Trung tâm CN-TTCN Thốt Nốt bị giậm chân tại chỗ, gây cản trở phần nào sự phát triển ngành công nghiệp của thành phố trung tâm của ĐBSCL. Cuối năm 2008, cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ và nhiều công trình khác được hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh, nâng cao thu hút đầu tư của các đơn vị trong và ngoài nước. Nếu hai dự án trên chậm triển khai, luẩn quẩn với những vướng mắc như hiện nay, thì nguy cơ vuột mất những cơ hội đầu tư lớn của thành phố Cần Thơ là điều có thể xảy ra.

Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH TRUNG KIÊN