 |
Toàn cảnh cầu Phú Mỹ. Ảnh: Internet |
Ngày 26-4-2004, UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 1787/QĐ-UB thu hồi 84.604m2 đất thuộc địa bàn quận 2 và quận 7, đồng thời giao toàn bộ số diện tích đất này cho Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ. Trên địa bàn quận 7 có 138 hộ dân thuộc phường Tân Thuận Đông và Phú Thuận phải di dời. Nhưng hầu hết các hộ nằm trong diện giải tỏa của dự án đều không đồng tình, vì theo cách tính toán của Ban giải phóng mặt bằng quận 7, người dân chịu quá nhiều thiệt thòi…
Cùng một thửa đất, hai giá đền bù?
Dự án Cầu Phú Mỹ là dự án giao thông lớn của Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần BOT Phú Mỹ, gồm các đơn vị: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần bê tông 620 Châu Thới và Công ty Xây dựng-Thương mại Thanh Danh cùng góp vốn thực hiện. Đây là dự án đầu tư theo phương thức BOT nên sau khi hoàn thành cầu sẽ thu phí trong vòng 26 năm.Tiếp xúc với chúng tôi, các hộ dân nơi đây đều đồng tình với quyết định của UBND thành phố về chủ trương xây dựng cầu Phú Mỹ. Vì lợi ích chung, người dân sẵn sàng rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đến nơi ở mới, nếu như chủ đầu tư tính toán đền bù bảo đảm quyền lợi cho họ. Việc áp giá đền bù của Ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) quận 7 đối với các hộ bị giải tỏa trong dự án cầu Phú Mỹ đã khiến người dân không đồng tình, dẫn đến khiếu kiện.
Ông Phạm Văn Goòng, thương binh hạng 3/4, ở số nhà 9/3 đường Nguyễn Văn Quỳ ôm một chồng đơn đến Ban đại diện báo Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, khiếu nại việc áp giá đền bù không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi của gia đình ông.
Ngày 16-5-1998, ông mua căn nhà số 9/3 khu phố 1, đường Nguyễn Văn Quỳ, quận 7 của bà Phạm Thị Sáu, có diện tích 160m2. Ông đã làm thủ tục mua bán, sang tên và làm nghĩa vụ thuế với nhà nước, được UBND quận 7 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở ngày 15-6-2004. Khi thành phố thực hiện dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, gia đình ông đã giao 96m2 trong diện tích phải giải tỏa. Mặc dù đất đã được bàn giao, nhưng đến nay, gia đình ông vẫn chưa được nhận hết số tiền đền bù theo quy định của Nhà nước. Điều làm ông bức xúc là cùng một con đường, cùng một thửa đất, cùng mua một ngày, nhưng Ban GPMB quận 7 lại áp hai giá đền bù khác nhau.
Cụ thể, hộ ông Phạm Văn Lâm, số nhà 7/25, là căn nhà liền kề với gia đình ông Goòng, có diện tích 110m2, khi giải tỏa lại được tính giá đền bù 6,5 triệu đồng/m2. Trong khi gia đình ông Goòng lại chỉ được tính giá đền bù 3,5 triệu đồng/m2. Tại sao lại có sự chênh lệch trong giá đền bù như vậy?
UBND phường Phú Thuận xác nhận: “Ông Phạm Văn Goòng mua nhà bằng giấy viết tay của bà Phạm Thị Sáu ngày 16-5-1998, cùng thời điểm với hộ ông Phạm Văn Lâm. Ông đã quản lý, sử dụng ổn định liên tục tại căn nhà 9/3 đường Nguyễn Văn Quỳ từ năm 1998 đến năm 2001. Do hoàn cảnh khó khăn, ông đã thỏa thuận sẽ trả dần tiền cho bà Sáu và đến hết năm 2002 mới trả hết số tiền theo hợp đồng. Ngày 14-12-2001, bà Phạm Thị Sáu đứng ra hợp thức hóa nhà ở và đất ở. Bà đã được UBND quận 7 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00017/20001. Sau đó bà đã tiến hành làm hồ sơ bán nhà cho ông Phạm Văn Goòng tại phòng công chứng số 1. Ngày 15-6-2004, ông Goòng đã được UBND quận 7 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở”.
Ngày 15-3-2004, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 1318/UB-ĐT 30-8-2006, về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố. Theo đó: “Nhà ở, đất ở có thời điểm tạo lập trước ngày công bố lộ giới, nhưng việc thừa kế, cho, tặng, mua bán (theo quy định của pháp luật) trước ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố lộ giới thì phần diện tích nằm trong lộ giới vẫn được tính giá bồi thường theo trường hợp không vi phạm lộ giới. Nhà ở, đất ở có thời điểm tạo lập trước ngày công bố lộ giới trở về sau thì vẫn được tính giá bồi thường theo trường hợp không vi phạm lộ giới”.
Trên chỉ đạo, dưới không chấp hành
Ông Phạm Văn Goòng mua nhà ở, đất ở của bà Phạm Thị Sáu ngày 16-5-1998, tức là trước thời điểm công bố lộ giới đường Nguyễn Văn Quỳ ngày 30-8-1999. Căn cứ theo nội dung Công văn số 1318/UB-ĐT của UBND Thành phố Hồ Chí Minh thì hộ ông Phạm Văn Goòng phải được tính giá đền bù là 6,5 triệu đồng/m2. Giải quyết khiếu nại của ông Phạm Văn Goòng, ngày 11-8-2006, Hội đồng thẩm định bồi thường GPMB Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc họp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND quận 7 bàn về việc xem xét áp giá bồi thường đối với hộ ông Phạm Văn Goòng. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội đồng thẩm định bồi thường GPMB thành phố đã kết luận trong Văn bản số 7925/STC-HĐTĐBT-BVG: “Hộ ông Phạm Văn Goòng mua nhà ở, đất ở của bà Phạm Thị Sáu ngày 16-5-1998, trước thời điểm công bố lộ giới đường Nguyễn Văn Quỳ ngày 30-8-1999. Đề nghị Hội đồng bồi thường GPMB dự án cầu Phú Mỹ, quận 7 bồi thường hỗ trợ cho ông Phạm Văn Goòng tương tự như các trường hợp khác của dự án, phù hợp với phương án bồi thường được duyệt”.
Tuy nhiên đến nay, ông Goòng vẫn chưa nhận được tiền đền bù theo quy định. Lẽ nào sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng thẩm định bồi thường GPMB thành phố lại không được Hội đồng bồi thường GPMB dự án cầu Phú Mỹ, quận 7 chấp hành, để một thương binh, cán bộ hưu trí như ông Phạm Văn Goòng phải vất vả đi tìm sự công bằng?
PHẠM VĂN MẤY