Tháp tùng Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) thực hiện chuyến công tác tại thành phố Huế, tôi cảm nhận rõ nét đẹp trầm tư của vùng đất cố đô linh thiêng. Hàng phượng vĩ với những chùm hoa rực lửa, soi bóng xuống dòng Hương giang trong vắt. Tiếng ve râm ran sắp sửa tiễn biệt những ngày nắng Hạ, chuẩn bị chào đón Thu về.

 Thiếu tướng Phạm Trường Sơn chụp ảnh lưu niệm với cháu Hồ Bảo Phúc Nguyên. Ảnh chụp ngày 27-4-2021.

Trong ngôi nhà đơn sơ ở phố Hoàng Văn Thái, phường Vĩnh Ninh, cháu Phúc Nguyên đang cặm cụi trong phòng học tập. Bên cạnh chồng bài tập Tiếng Việt, toán và các môn học Lớp 4 đã hoàn thành là hàng chục bức tranh tô màu, được tác giả đóng khung cẩn thận vẽ đủ các loại tiêm kích, trực thăng, cánh quạt... đang vút lên trời xanh...

Thấy có khách, cháu vội vàng ra mở cổng, rồi bất ngờ reo lên: “Mẹ ơi, bác Sơn phi công đến thăm nhà mình!

Nói xong, cháu chạy tới ôm chầm Thiếu tướng Phạm Trường Sơn. Cháu tự nhiên mân mê phù hiệu trên ve áo, hôn lên má “người quen” rồi thỏ thẻ: “Bác ơi, cháu cứ mong mãi ngày được gặp bác đấy ạ! Cháu có quà tặng bác nè!”. Dứt lời, cháu bước lại góc học tập lấy ra chiếc phong bì, được dán cẩn thận, hai tay lễ phép trao quà tặng bác Sơn. Mọi người xung quanh hồi hộp chờ Thiếu tướng Phạm Trường Sơn mở chiếc phong bì, thì ra trong đó có 2 bức tranh: 1 bức vẽ chiếc phản lực đang bay vút lên trời cao; 1 bức vẽ chú phi công đang ngồi trên buồng lái giơ tay vẫy chào mọi người. Bên dưới bức tranh là dòng chữ nắn nót: “Cháu Phúc Nguyên kính tặng Bác Trường Sơn”.

Thấy mọi người có vẻ ngạc nhiên, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn nở nụ cười, rồi giải thích: “Đây là Phúc Nguyên, người bạn “nhí” của tôi. Bác cháu tôi mới quen và mến nhau vì cùng niềm đam mê “chinh phục” bầu trời!...”.

Tâm sự với chị Đoàn Thị Thúy (mẹ cháu Phúc Nguyên), chúng tôi được biết, từ ngày nhỏ, Phúc Nguyên đã có mong ước được bay lên bầu trời, đến với các vì sao. Cháu ước mơ có tấm thảm bay như trong chuyện cổ tích phương Đông hoặc có phép màu để "đi mây về gió" như Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Vào học lớp 1, cháu ước mơ được trở thành phi công bay lên “chinh phục” bầu trời. Đặc biệt, cháu thường hay xem những thước phim chiến đấu và rất ấn tượng về bao chiến công của các chú phi công Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Chính vì vậy, cháu rất mê sưu tầm tranh, ảnh về các loại máy bay. Các hình ảnh máy dân dụng, quân sự hay các loại trực thăng cháu đều nhận ra và còn thuyết minh đâu là máy bay chở khách, đâu là máy bay chiến đấu.

"Cơ duyên nào mẹ con chị biết Thiếu tướng Phạm Trường Sơn?" - Tôi nêu câu hỏi.

Cháu Phúc Nguyên và chị gái cùng những hình ảnh về máy bay. 

Không phút đắn đo, chị Thúy trả lời ngay: Trong đợt thiên tai, bão lũ hồi tháng 9, tháng 10 năm 2020, mẹ con tôi thường xuyên theo dõi tình hình lụt bão qua ti vi, nhất là xem phóng sự máy bay trực thăng bay tìm kiếm nạn nhân mất tích do lũ cuốn ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) và bay cứu trợ đồng bào Phước Thắng, Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hôm ấy cháu rất ấn tượng với bác phi công đeo quân hàm tướng thường xuyên liên lạc với mặt đất qua bộ đàm. Tôi giới thiệu cho cháu biết đây là bác Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ. Mới đây, khi đang xem chương trình Truyền hình QPVN, bỗng nhiên cháu reo lên: “Mẹ ơi, bác Sơn phi công kìa! Bác vào Huế trao quà tặng bà Mẹ Việt Nam anh hùng! Con muốn được gặp bác để xin học làm phi công…”. Nghe vậy tôi giải thích cho cháu hiểu: “Bác Sơn là phi công lái máy bay chiến đấu. Con muốn trở thành phi công thì phải cố gắng học tập cho thật giỏi. Nếu chăm ngoan con sẽ có cơ hội gặp bác...”. Những ngày sau đó, hình ảnh máy bay và các phi công quân sự luôn ở trong tâm trí Phúc Nguyên. Cháu chăm học và ngày càng tiến bộ hơn...”.

Câu chuyện về giấc mơ “chinh phục” bầu trời càng thêm sôi nổi khi cháu Phúc Nguyên lấy ra một tập tranh vẽ về những chiếc máy bay “khoe” với mọi người rồi hồ hởi giới thiệu: “Đây là Su-30, đây là Su-22, đây là trực thăng cứu hộ; còn đây là thành tích học xuất sắc của cháu…”.

Hài lòng với kết quả học tập và những bức tranh về những chiếc máy bay của người bạn “nhí”, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn quay sang nói với chúng tôi: “Ước mơ của cháu Phúc Nguyên thật đáng trân trọng. Nếu như thế hệ trẻ ai cũng có niềm đam mê và ước mơ cháy bỏng như cháu Phúc Nguyên, thì Quân đội ta sẽ có thêm nhiều phi công giỏi!”.

Phút chia tay, chúng tôi thấy cháu Phúc Nguyên đứng nghiêm, giơ tay chào kiểu nhà binh và cất giọng: “Cháu sẽ học tập thật giỏi, rèn luyện sức khỏe để sau này lái máy bay chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc!”.

Tôi thật bất ngờ với câu trả lời dứt khoát của cậu bé; rất cảm phục cháu, tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã có lòng khát khao, đam mê cháy bỏng. Bầu trời luôn rộng mở đón chào những ai có niềm đam mê, khám phá. Chúc cho giấc mơ trở thành phi công của cháu mai này sẽ trở thành hiện thực!

Bài, ảnh: HỮU LỆ - VĨNH LỘC