 |
Bác Tư Cang bên mộ Út Đức (15-7-2007). |
Tôi xin được “bật mí” ngay từ đầu: Cha tôi là thương binh thời chống Mỹ. Bố chồng tôi là sĩ quan quân đội từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Chồng tôi cũng từng là lính không quân được đào tạo ở Liên Xô trước đây. Tôi tự coi mình là người nhà của lính, là em, là cháu của các anh, các chú bộ đội nên được đồng đội cũ của chồng quý mến. Các anh thường ghé gia đình tôi chơi, có lúc một vài người, có khi hàng chục người… Tôi rất vui và hãnh diện. Qua các anh của sư đoàn không quân 370, tôi được giao du thân tình với một số anh ở Ban đại diện báo Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bài phóng sự đầu tiên của tôi được in trên báo Quân đội nhân dân là bài viết về một Anh hùng không quân thời chống Mỹ. Một lần, Đại tá, Trưởng ban đại diện báo Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh Đào Văn Sử tạo điều kiện cho tôi đi viết về đề tài “Đền ơn đáp nghĩa” và bảo: “Dịp này, phải gặp bằng được bác Tư Cang, nếu không sẽ là một khiếm khuyết lớn, vì đó là con người vô cùng nhiệt huyết và nhiều công lao với công tác thương binh-xã hội, rất đáng được tôn vinh”.
Tôi điện thoại đến nhà bác Tư Cang. May quá, chỉ đôi hồi chuông đã có người cầm máy. Một giọng nam trung ấm áp, nhẹ nhàng:
- Dạ, Tư Cang nghe đây.
- Thưa bác - Tôi reo vui - Cháu là nhà báo, muốn đến bác lấy tài liệu để viết bài.
Sau một chút ngập ngừng, bác Tư trả lời:
- Bác giao hẹn trước, viết về bác ít thôi, chủ yếu viết về những người thuộc diện chính sách. Bác sẽ dẫn con đi. Nhà con ở đâu? Có dễ kiếm không?
- Dạ. Nhà con ở đường Bạch Đằng, quận Tân Bình.
- Vậy để bác đến. Nhà bác ở trong hẻm sâu, loằng ngoằng, khó kiếm lắm.
- Con sợ phiền bác quá! - Tôi thốt lên, vô cùng ngạc nhiên.
- Có chi đâu con. Mình đều vì công việc chung cả. Đầu giờ sáng mai bác tới.
Chưa đến 7 giờ sáng, chuông điện nhà đã reo vang, tôi chạy vội ra mở cổng. Trước mắt tôi là một người đàn ông khoảng ngoài tám mươi tuổi, gương mặt hiền khô, đầu tóc bạc phơ nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Tôi chào ngay: “Mời bác Tư vô nhà”. Bác chỉ người phụ nữ khoảng ngoài ba mươi tuổi giới thiệu: “Đây là Tâm, con gái bác”. Sau này tôi mới biết, bác Tư không có con ruột. Chị Tâm là con liệt sĩ ở tận Tiền Giang. Tình cờ, bác Tư biết gia cảnh chị khó khăn, cơ cực quá, bác dẫn lên thành phố lo nhà ở và việc làm cho chị. Chị Tâm đổi đời từ đó và luôn coi bác như cha ruột. Khi không quá bận việc, chị thường chở bác đi lo công việc. Bác Tư bảo: “Bác thoát ly làm cách mạng năm mười bảy tuổi. Đi tập kết ra Bắc, làm đội trưởng cải cách ruộng đất ở Hà Nam, đi học chuyên môn, rồi năm một chín sáu hai “đụng bả” ở Bắc Ninh. Tội nghiệp, bả bị bệnh, không sanh nở được. Sau giải phóng, bả vào, cứ hối bác kiếm đứa con nối dõi. Nhưng bác thấy không đặng. Đời bác chỉ có bả là người phụ nữ duy nhất”. Chị Tâm nói với tôi: “Bác Tư tuy không có con ruột, nhưng bù lại, bác có hàng trăm người con tình nghĩa thuộc diện chính sách như tui”.
Hai lần chôn cất người con đầu
Năm 1965, bác Tư Cang nhận nhiệm vụ trở về miền Nam công tác. Bác được phân công làm cán bộ tuyên huấn, rồi chánh văn phòng Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Từ đầu năm 1967, bác là thư ký riêng của bác Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Mậu Thân 1968, bác cùng đoàn cán bộ dân chính đảng áp sát thành phố ở hướng quận 11. Tháng 5-1968, bác cùng với bác Võ Văn Kiệt đi công tác tại xã Phước Vân, huyện Cần Đước (Long An). Và rồi, cái ngày 20-5 định mệnh ấy đã để lại nơi bác vết thương lòng không bao giờ kín miệng - Một món nợ ân tình suốt đời: Chiến sĩ bảo vệ Nguyễn Văn Đức đã quên mình hy sinh để cứu bác.
Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, bác Tư đang ngồi viết báo cáo dưới gốc cây, bên một căn hầm dã chiến. Út Đức đứng trên nóc hầm quan sát tình hình địch. Bỗng tiếng máy bay trực thăng to dần, rồi cả tốp 3 chiếc gầm gào, lượn quanh khu vực trận địa tạm thời của ta. Bất ngờ chúng bắn đạn khói rồi bay đi. Rất nhanh, một tốp phản lực ném bom A37 vọt tới. Bom nổ rền trời. Bác Tư còn vội gom những tài liệu quý giá. Út Đức nhào tới, xốc bác lên, đẩy mạnh xuống hầm, nằm đè lên trên. Thấy nóng ở cổ và lưng, bác Tư xoay người lại, máu vẫn đang chảy trên người của Út Đức. Bác ôm chầm lấy anh lắc mạnh, nhưng người chiến sĩ bảo vệ gan dạ, hiền lành ấy đã hy sinh. Như hiểu lòng người, trời bỗng trở cơn, chớp giật, sấm rền, mưa xối xả. Những dòng máu nóng của Út Đức tuôn chảy, quện vào đất, tuôn theo nước mưa và nước mắt của bác Tư. Người chiến sĩ mà bao năm chiến tranh khốc liệt, bác yêu quý như con ruột đã không còn nữa. Bác ngồi bất động. Gương mặt hiền lành, còn phảng phất nét ngây thơ của Út Đức dần biến dạng, tái nhợt… Bác Tư chỉ hộc lên được hai tiếng: “Con ơi!”. Khi các đồng chí đến, nước mưa đã ngập nửa căn hầm, bác Tư vẫn ngồi yên, ôm chặt Út Đức vào lòng, mắt nhìn ngây dại. Thấy cảnh đó, nhiều người cũng khóc theo. Bác Võ Văn Kiệt bảo: “Thôi Tư à! Chuyện đã rồi. Ta lo chôn cất, thắp nhang cho linh hồn cháu nó được siêu thoát”. Trận bom tàn khốc đó của địch, phía ta chỉ có mình Út Đức hy sinh, được an táng ngay căn hầm anh ngã xuống. Bà con trong ấp đem xi măng và cát ra đắp bia mộ cho anh nhưng chỉ ghi bia như mộ một người dân bình thường, sợ địch phát hiện, đào mộ trả thù.
Sau giải phóng, bác Tư cùng anh Ba Dũng (nguyên Thành ủy viên phụ trách công tác bảo vệ) đi tìm mộ Út Đức. Đến nơi, lòng bác Tư lại quặn đau. Nơi đây đã bị bom đạn địch cày xới tan hoang. Những cây mắm còn lại hồi ấy, nay chỉ trơ mấy cái gốc cháy đen. Nơi mộ Út Đức là một hố bom rất to. Bác Tư tìm kiếm mãi mới thấy tấm bia mộ của anh văng xa ở nơi chôn cả trăm mét. Suốt mấy ngày mấy đêm, bác Tư trằn trọc không ngủ được: Chẳng nhẽ không tìm được một chút gì của thằng Út hay sao? Phải đi tìm nữa. Nhưng còn công việc bộn bề ở một thành phố vừa giải phóng? Bác Tư ngày đêm sắp xếp công việc, phân công đâu ra đó cho anh em triển khai, rồi một mình tiếp tục đi tìm “chút gì đó” của Út Đức. Bác xách theo mấy ki-lô-gam gạo, nửa ki-lô-gam cá khô để nhờ bà con nấu cơm cho ăn. Gần tuần lễ, bác lật từng khóm cỏ dại, xăm soi từng mô đất, rồi thuốn, rồi đào… Ngày ngày, mấy cháu bé chăn trâu cũng ra giúp bác. Kỳ diệu làm sao, một cậu bé chăn trâu, con liệt sĩ, tìm được một mảnh khăn rằn, đúng chỗ bị một viên bom bi xuyên qua. Cầm lên xem, bác Tư biết ngay của Út Đức. Nước mắt bác ứa ra, chảy đẫm cả ngực áo. Bọn trẻ chăn trâu tròn mắt quây quanh bác. Hôm sau, bác quyết định cào bới xung quanh thành hố bom. Giữa trưa nắng chang chang, bác chợt reo lên: “Đây rồi! Lạy trời phật xót thương”. Bác đã tìm được một lóng xương ngón tay của Út Đức. Bác lấy tấm khăn rằn gói đốt xương và một nắm đất đem về để an táng cho Đức ở Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố. Trên đường về, gói di vật ít ỏi của Út Đức dường như ấm dần lên trong túi áo bác. Chắc là thằng Út đang ôm chặt lấy ngực cha mình. Bác thầm thì với Út: “Cha sẽ đi chôn cất con lần thứ hai. Con yên tâm. Lần này con được yên nghỉ vĩnh viễn giữa vòng tay đồng chí, đồng đội. Ba sẽ thường xuyên đến thăm con”.
Sau đó, bác Tư nhiều lần lặn lội về xã Tân Thạnh Tây, Củ Chi để tìm kiếm gia đình Út Đức. Bác đi xe đạp và lội bộ suốt đầu làng, cuối ấp mà chẳng ai biết. Bác đi hỏi thăm rộng ra cả các xã xung quanh thì có người cho hay, gia đình Út Đức bị địch o ép quá, phải chuyển đi sống ở Cần Giờ hoặc Tây Ninh gì đó. Có chút manh mối, bác lại đi tìm, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Vòng về Củ Chi, bác đang hỏi thăm một gia đình bám trụ thì có bà má chừng ngoài bảy mươi tuổi bước vào:
- Nghe nói cậu công tác ở thành phố, có tâm tìm kiếm đồng chí mình. Tui có thằng con đi chống Mỹ năm 1972. Nghe nói nó công tác ở Nhà Bè. Vậy mà hòa bình năm năm rồi, trông đợi hoài không thấy nó về. Cậu có hỏi giúp được không?
- Nếu bây giờ tôi mời dì đi Nhà Bè, dì có thu xếp đi với tôi không? - Bác Tư sốt sắng hỏi ngay.
- Được quá đi chớ! - Dì mừng quýnh.
Ngồi trên xe, dì giới thiệu mình tên Nhãn, còn người con tên Út Đực. Bác Tư chạnh nghĩ: Mình đi kiếm gia đình Út Đức mãi không được, lại gặp má của Út Đực. Nếu tìm được Út Đực âu cũng là niềm an ủi. Có lẽ, ông trời khéo sắp đặt. Xe tới Nhà Bè thì đã hết giờ hành chính, bác Tư đến thẳng nhà đồng chí Từ Văn Sáng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Bác Tư giới thiệu dì Nhãn và yêu cầu tìm kiếm Út Đực. Đồng chí Sáng cho biết: Có đồng chí Đực thời chống Mỹ ở cánh Nông hội Nhà Bè nhưng không rõ trường hợp hy sinh. Đồng chí chỉ đường cho bác Tư và dì Nhãn đến gặp đồng chí Mười Tân, là thủ trưởng cũ của anh Đực. Khi gặp được đồng chí Mười Tân thì trời đã tối. Đồng chí mừng rỡ, báo tin cho dì Nhãn biết, anh Đực hy sinh, nhưng vì nhiều lý do nên chưa làm giấy báo tử được. Biết tin, đồng chí Sáng chờ đến 9 giờ tối để chỉ đạo lập hồ sơ liệt sĩ. Bác Tư tiếp tục đưa dì Nhãn về Tân Thạnh Tây, đến nhà đồng chí Cỗi, phụ trách công tác thương binh xã hội làm việc tiếp. Khoảng 3 tháng sau, bà Trương Thị Nhãn được công nhận mẹ liệt sĩ và hưởng chế độ nuôi dưỡng tại địa phương. Hôm ấy, 12 giờ đêm bác Tư mới về đến nhà, lục cơm nguội ăn, nhưng cảm thấy khỏe khoắn, sảng khoái vô cùng. Út Đức và cả Út Đực, chắc là hiểu nỗi lòng của bác.
(Còn nữa)
BÙI THỊ THANH HUYỀN