QĐND - Cơn mưa chiều giữa mùa khô, dù chỉ quét qua các vườn cây của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu nằm ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp (Bình Phước), cũng làm cho hoa lá tươi tỉnh sau bao ngày nắng rát. Những con đường đất đan chằng chịt trên vùng biên cũng trở nên hiền hòa hơn khi không còn cuồn cuộn bụi đỏ lúc có xe ô tô, hay xe gắn máy chạy qua. Trung tá Bùi Viết Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu ví von: “Mưa trái mùa như một chất kích thích không chỉ làm cây cối xanh tươi, mà còn giúp cho người chiến sĩ yêu đời, tự tin hơn trong nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc”. Nghe giọng nói đầy giai điệu ở vùng Thanh Oai, Quốc Oai (Hà Tây cũ) của Sơn, mà cảm giác núi rừng biên giới như đang rộng mở, trù phú và giàu đẹp lên gấp nhiều lần.
Hơn 10 năm trước, vùng đất này toàn là những bãi cỏ cao ngập đầu. Chỉ đến khi lực lượng Bộ đội Biên phòng và Binh đoàn 16 triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội, vỡ đất khai hoang trồng cao su, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, xây dựng các cụm tuyến dân cư biên giới, nơi đây mới trở nên sầm uất, ngày càng đông vui. Từ đó, việc đi lại giao lưu, mối quan hệ giữa bà con trong vùng với nhân dân nước bạn ở tỉnh Mun-đô-ki-ri (Cam-pu-chia) trở nên sôi động và gắn bó lên nhiều. Hoạt động ở vùng biên nhộn nhịp, cũng làm nảy sinh các vấn đề phức tạp như: Trộm cắp, khiếu kiện, vận chuyển hàng cấm qua đường biên, đánh lộn gây mất trật tự… xảy ra. Đó cũng là lúc mà người dân thấy bóng dáng các chiến sĩ biên phòng nhiều hơn, gần gũi, thân thương hơn trong nhiệm vụ bảo vệ bình yên biên giới và giúp dân “xóa đói, giảm nghèo”.
 |
Chiến sĩ biên phòng với cột mốc đường biên.
|
“Chẳng có gì đẹp hơn chiều biên giới” – Trung úy Nguyễn Hữu Long, Đội trưởng Đội vũ trang nói với tôi như vậy. Theo Long, trong cảnh hoàng hôn, tâm hồn người chiến sĩ bao giờ cũng lắng đọng và hình ảnh người chiến sĩ tuần tra bao giờ cũng lung linh, vời vợi như được in vào cây lá, khắc vào nền trời. Hơn một năm trước đây, tình trạng vận chuyển gỗ lậu và trộm cắp ở khu vực biên giới diễn ra vô cùng phức tạp. Bọn tội phạm và các đối tượng vận chuyển hàng trái phép thường lợi dụng lúc trời nhá nhem tối, hay những lúc giữa trưa và đêm khuya để vượt biên. Vào các thời điểm nhạy cảm ấy, chiến sĩ ta phải thay phiên nhau tuần tra, canh gác, cắt cử các tổ mật phục, đón lõng để ngăn chặn, bắt giữ những đối tượng phạm pháp. Hữu Long kể: “Địa bàn xã Hưng Phước khá rộng, có nhiều con đường nhỏ cắt qua biên giới, nên công tác tuần tra, kiểm soát, truy bắt tội phạm gặp muôn vàn khó khăn. Một số bà con dân tộc thiểu số bị lôi kéo, kích động đi vận chuyển gỗ lậu, làm cho công tác phòng, chống buôn lậu càng thêm phức tạp”. Nếu cứ đem tất cả quân số của đồn Hoàng Diệu dàn hàng ngang, hay mật phục ở những điểm trọng yếu tại khu vực biên giới thì chẳng khác gì “muối bỏ biển”. Có thời gian, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bình Phước phải cử các đoàn cán bộ đến khu vực này, cùng đồn Hoàng Diệu nghiên cứu, bàn biện pháp ổn định tình hình. Trăn trở nhiều ngày liền, lãnh đạo đồn chủ trương phải thực hiện biện pháp “Biên phòng trong lòng dân” và phối hợp với lực lượng biên phòng nước bạn.
Những năm 2008 – 2010, khi khu vực đường biên thường xuyên xuất hiện những chiếc xe gắn máy chở gỗ lậu từ Cam-pu-chia về Việt Nam, cũng là lúc Bộ đội Biên phòng về với dân nhiều nhất. Lãnh đạo đồn phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo xã để đề ra kế hoạch ngăn chặn, xử lý, còn các đội công tác lại thường xuyên có mặt ở nhà dân. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện “4 cùng” với bà con, nhất là các hộ đồng bào dân tộc S’tiêng, Ê Đê, Tày, Nùng, Dao… để tuyên truyền, vận động người dân không tham gia vận chuyển gỗ lậu, thành lập các tổ dân tự quản để giữ gìn an ninh trật tự thôn ấp. Các chiến sĩ trong đội vũ trang còn giúp lực lượng dân quân luyện tập quân sự, triển khai các phương án bảo vệ biên giới, phối hợp với Bộ đội Biên phòng truy quét tội phạm. Trung úy Điểu Hải, người dân tộc S’tiêng là một trong những chiến sĩ rất xông xáo trong nhiệm vụ vận động bà con. Anh cùng động đội đến các gia đình người S’tiêng phân tích, giảng giải cho người dân hiểu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói rõ những tác hại của việc buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường biên. Điểu Hải nói: “Bà con mình thật thà lắm, nhưng phân tích kỹ bằng sự chân thành là mọi người hiểu và nghe liền. Từ ngày người dân xã Hưng Phước triển khai lực lượng dân quân tuần tra đường biên và các thôn ấp cùng với các tổ dân tự quản, tình hình trộm cắp, vận chuyển gỗ trái phép qua biên giới giảm đi rất nhiều”. Từ đầu năm 2011 đến nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu đã thu giữ được 24 chiếc xe gắn máy do bọn trộm cắp định đưa qua Cam-pu-chia tiêu thụ, hai chiếc đã được trả lại cho anh Nguyễn Thanh Sơn, sinh năm 1992 ở xã Sơn Đình (Châu Đức – Bà Rịa-Vũng Tàu) và chị Nguyễn Mai Anh ở huyện Thuận An (Bình Dương), tịch thu được gần 10m3 gỗ các loại.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hoàng Diệu (Đồn 789) trên đường tuần tra biên giới.
|
Đồng chí Nguyễn Hữu Duệ - Chủ tịch UBND xã Hưng Phước, quê gốc ở huyện Ứng Hòa - Hà Nội. Anh cùng với Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Phúc (nguyên là Phó đồn trưởng Đồn Hoàng Diệu) quê mãi tận huyện Cao Lộc của tỉnh Lạng Sơn rất tâm huyết với các hoạt động phối hợp của các lực lượng quân sự đóng quân trên địa bàn. Anh Duệ nói rằng: “Không có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ đội Biên phòng, cấp ủy và chính quyền địa phương, lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn, thì không thể có sự bình yên, phát triển như hôm nay”. Chạy dài theo bờ sông Măng, xã Hưng Phước có đủ các yếu tố đặc thù về biên giới, dân tộc và tôn giáo. Hiện trên địa bàn xã có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có nhiều bà con dân tộc thiểu số như S’tiêng, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Khơ-me, Hoa, Thái, Chăm... Những năm gần đây, do áp dụng nhiều biện pháp thâm canh khoa học, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp và thời tiết thuận lợi và giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, Binh đoàn 16, nên sản lượng lúa, cao su, hồ tiêu, cà phê, điều… đạt năng suất khá cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 16,85%, giảm 5,7% so với năm 2010. Mấy năm trước, do bị kẻ xấu kích động, bà con người S’tiêng ở hai ấp Bù Tam và Phước Tiến liên tục khiếu kiện, tranh chấp về đất đai. Đồn Hoàng Diệu đã phải cử Đội vận động quần chúng bám dân hàng tháng liền để vận động, tuyên truyền, giải thích. Bộ đội Biên phòng còn vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây được 10 căn nhà “Mái ấm biên cương” cho những hộ nghèo ở ấp Phước Tiến và ấp Bù Tam, xây dựng một Trạm xá Quân-dân y ở ấp Bù Tam để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ông Điểu Minh, một người dân ở đây, nói: “Có Bộ đội Biên phòng người dân không nghe lời kẻ xấu nữa. Mọi nhà đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cùng bộ đội bảo vệ biên giới”.
Từ tháng 3-2010, Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia chính thức khai trương Cửa khẩu Hoàng Diệu – Lapakhê. Tuy là một cửa khẩu mới nhưng được xây dựng nhiều hạng mục quan trong như: Trạm kiểm soát Biên phòng, Trạm kiểm soát liên hợp, Trạm kiểm soát Hải quan, bãi đỗ xe, kho ngoại quan, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước… Từ đó đến nay, lưu lượng trao đổi các loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng qua lại cửa khẩu ngày càng nhiều hơn. Đại úy Rêm-bô, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lapakhê ngày nào cũng tất bật với công việc chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục để hàng hóa từ phía Việt Nam sang Cam-pu-chia nhiều và thuận lợi hơn. Anh cho biết: “Các loại hàng nông-lâm-công nghiệp là cao su, điều, mì, quặng mỏ… của các bạn được tiêu thụ rất nhiều trên đất nước chúng tôi. Lực lượng Biên phòng Cam-pu-chia thời gian qua cũng phối hợp rất hiệu quả với Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong phòng, chống các loại tội phạm trộm cắp, ma túy, gian lận thương mại và các đối tượng vi phạm quy chế biên giới, xuất nhập cảnh trái phép”.
Đêm lửa trại ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu tràn ngập những nụ cười, giọng hát và những điệu múa của các chiến sĩ, với các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và THPT Hưng Phước. Trong ánh lửa bập bùng, bóng dáng các chiến sĩ biên phòng lung linh cùng với những người đang “gieo chữ” trên vùng đất này. Trong những hạt mưa bụi, bất giác tôi nhớ đến câu nói của Đại tá Phùng Tiến Lãng – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước: “Dù trong khó khăn gian khổ đến mức nào, chúng tôi vẫn quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, xây dựng biên giới thành khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bộ đội Biên phòng Bình Phước sẽ xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và bà con các dân tộc”.
Bài và ảnh: Lê Phi Hùng