Xã Tơ Tung, huyện Kbang (Gia Lai), là quê hương của anh hùng Đinh Núp, cây cổ thụ của núi rừng Tây Nguyên đã đi vào huyền thoại. Không còn bóng dáng ông già với bộ râu tóc bạc trắng ngậm chiếc tẩu thuốc, nhưng vẫn còn đó núi Kông Hoa và làng Stơr bất khuất năm xưa. Tiếp nối truyền thống vẻ vang, thế hệ con cháu người Ba Na hôm nay đang từng bước vươn lên thoát nghèo.

Con đường cấp phối cắt ngang quốc lộ 19, đoạn từ huyện Đắc Pơ về Tơ Tung, sau cơn bão số 9 bị hư hỏng nặng đang được khẩn trương sửa chữa. Chỉ vất vả đoạn đường này, chứ đường qua làng Stơr đã láng nhựa hơn cây số, xe chạy bon bon chẳng khác gì thành phố. Trên cánh đồng lúa nước, bà con đang chuẩn bị cấy lúa vụ đông xuân, điều khiển những chiếc máy bừa chạy xình xịch trên đồng là các thanh niên Ba Na trẻ măng, lực lưỡng.

Trước mắt chúng tôi, trung tâm xã với trường học, trạm xá, bưu điện... khang trang trong nắng sớm. Tại sân trụ sở ủy ban, cán bộ xã đang phát thuốc trừ sâu, diệt cỏ miễn phí cho nhân dân. Còn những gia đình mới tách hộ, chưa kịp mắc điện thì nhận tiền hỗ trợ dầu thắp sáng của Nhà nước. Gương mặt ai cũng rất hân hoan. Một nông dân khoe với chúng tôi: “Hôm qua làng mình vừa nhận máy bừa, máy cắt cỏ nữa, phấn khởi lắm, cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

Bà Chưr Rư, vợ anh hùng Núp (ngồi giữa) đang kể chuyện làng Stơr với chủ tịch xã Đinh Srâm.

Chủ tịch xã Tơ Tung tên là Đinh Srâm còn rất trẻ. Vốn trưởng thành từ cán bộ Đoàn nên anh hiểu sâu sắc buôn làng. Anh cho biết: Tơ Tung có 22 làng, người Ba Na ở 12 làng, còn lại là các dân tộc anh em. Những năm qua, Tơ Tung đã thay da đổi thịt. Ngoài cây lúa nước, bà con còn trồng bắp lai, mì cao sản, mía, đậu, lạc… và chăm sóc rừng. Hầu hết các loại giống đều được sự hỗ trợ của Nhà nước, 110 hộ đã xây dựng nhà theo chương trình 134, còn 133 hộ nhà tranh tre nứa lá đang tiếp tục được hỗ trợ làm mới. Riêng chương trình 135 giai đoạn 2, xã được giao làm chủ đầu tư mua máy nông cụ phục vụ sản xuất lên đến 288 triệu đồng để hỗ trợ các hộ thoát nghèo trong giai đoạn 5 năm. 

Trong câu chuyện, Chủ tịch xã Đinh Srâm cứ tấm tắc khen ngợi bộ đội Đơn vị Pháo binh B68 - Quân khu 5, đã sát cánh cùng với nhân dân sau cơn bão số 9. Tình quân dân ấm áp, sâu đậm như thuở bộ đội Cầm, bộ đội Thế với làng Kông Hoa của anh hùng Núp ngày nào.

Mới đầu tháng Chạp nhưng đã nghe Bí thư Đảng ủy xã Nông Minh Tiến bàn với Chủ tịch Đinh Srâm kế hoạch tổ chức đón Xuân. Đã từ lâu, người Ba Na ăn Tết như người Kinh, có bánh chưng, bánh tét, mổ heo cùng các hoạt động vui chơi ngoài trời thật vui tươi. 12 đội rộn ràng mở hội cồng chiêng đón giao thừa tại xã, sau đó các ngày Tết về biểu diễn ở các buôn làng. Năm nay, xã dự định sẽ làm “đậm đà” hơn, vì mừng làng Đêbar vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, mừng xã có 2 làng văn hóa cấp tỉnh, 5 làng văn hóa cấp huyện và đang đề nghị xét thêm 3 làng nữa. Đội văn nghệ của làng Stơr đã trở nên nổi tiếng khi được mời biểu diễn chào mừng Đại hội các dân tộc thiểu số toàn huyện lần thứ nhất. Mới đây, đội được vinh dự tham gia lễ hội Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai.     

Bà Đinh Thị Yép, cháu gái gọi anh hùng Núp bằng cậu, không mấy ngạc nhiên khi có người đến thăm. Từ năm 2005 đến nay, nhà vợ chồng bà trở thành tâm điểm về văn hóa văn nghệ của xã Tơ Tung. Ba cô con gái bà là Đinh Thị Hội, Đinh Thị Ngôn và Đinh Thị Bảy, tuổi mười tám, đôi mươi, nhờ hát hay múa giỏi đã “lọt” vào mắt xanh của nhạc sĩ An Thuyên, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội trong dịp ông về đây sáng tác nhạc kịch “Đất nước đứng lên”, được đặc cách về trường học tập, liên tục đi biểu diễn trong và ngoài nước, mang tiếng thơm về cho làng.

Nằm giữa trung tâm xã, Nhà lưu niệm anh hùng Núp, di tích lịch sử văn hóa và cũng là linh hồn của Tơ Tung. Vào tham quan nhà lưu niệm, qua các mô hình thu nhỏ, khách sẽ gặp núi Kông Hoa hùng vĩ, dọc ngang là hầm chông, bẫy đá, mang cung, chông treo từng làm kẻ thù kinh hoàng; gặp cây xoài đầu làng như một chứng nhân lịch sử, nơi anh hùng Núp dùng ná bắn thằng giặc Pháp đầu tiên để xem có chảy máu không; gặp hàng chục chiếc chiêng lớn, chiêng bé, các loại kèn, loại đàn vang lên khúc hoan ca ngày chiến thắng...

Rời Tơ Tung, tôi như thấy trước mắt mình hình ảnh cả làng Kông Hoa ngày nào rửa sạch tay cầm từng thứ Bok Hồ tặng làng và anh Núp tại Đại hội chiến sĩ thi đua Liên khu. Gần 60 năm đã trôi qua, nhưng trên quê hương anh Núp như vẫn vẹn nguyên nét đẹp huyền thoại ấy.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN