Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm.

Từ một hộ dân thuộc diện đói nghèo dai dẳng, được sự hỗ trợ giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đoàn KTQP 5, đến nay gia đình anh Lương Văn Lưn, ở Bản Na Chừa, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ gia đình khá của bản.

Từ một con bò giống sinh sản, sau 7 năm, gia đình anh Lưn đã phát triển đàn bò lên gần 40 con.

Chỉ tay về hướng đàn bò, anh Lưn phấn khởi: Năm 2014, vợ chồng mình lấy nhau, bố mẹ cho tách hộ, tài sản không có gì ngoài căn nhà lá. Lúc đó, vợ chồng còn không dám sinh con, mình tham gia một lớp tập huấn mô hình xóa đói, giảm nghèo do Đoàn 5 tổ chức. Sau lớp tập huấn, Đoàn 5 đã hỗ trợ gia đình mình một con bò giống sinh sản, từ một con bò đó, đến nay mình đã có tổng đàn 40 con. Làm nhà, mua xe máy, ti vi, cho con cái ăn học… đều từ tiền bán bò mà có. Hiện tại, trong chuồng còn một con bò giống và 3 cặp bò mẹ con… Gia đình được như hôm nay mình biết ơn cán bộ Đoàn 5 lắm, không chỉ cho bò giống, hướng dẫn chăm sóc, mà định kỳ cán bộ Đội 3, đóng quân ở đây còn đến kiểm tra, tiêm phòng cho bò mỗi khi có dịch bệnh…

Thiếu tá Phùng Văn Đàm, Đội trưởng đội sản xuất 3, Đoàn 5 khẳng định: Hộ anh Lưn ở Mường Chanh là hộ điển hình trong ý thức vươn lên thoát nghèo. Để mang lại hiệu quả trong các chương trình đề án, chúng tôi phải khảo sát và lựa chọn kỹ, việc xác định hỗ trợ “cái cần câu” hay “con cá” đã rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn đó là phải xác định được hộ dân đó có ý thức, trách nhiệm để vươn lên thoát nghèo hay không… Tập quán chăn nuôi, trồng trọt còn manh mún, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, không chịu khó, chăm chỉ vươn lên ở nhiều hộ dân đang còn nặng nề lắm…”

Mô hình Lợn bản địa sinh sản giúp gia đình chị Giàng Thị Sua, bản Ón xã Tam Chung, huyện Mường Lát vươn lên thoát nghèo.

Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Hoàng Văn Sơn, Chính ủy Đoàn KTQP5 cho biết thêm. “Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn xác định việc lựa chọn mô hình, xác định hộ dân dân để hỗ trợ phải có định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những hộ nghèo, có ý thức vươn lên thoát nghèo, chứ không phải hỗ trợ chung chung, dàn trải, đại trà cho tất cả các hộ nghèo. Từ đó để chúng tôi xây dựng mô hình điểm, nhân rộng ra các mô hình khác, Đoàn không đủ tiềm lực để hỗ trợ cho tất cả các hộ nghèo trên địa bàn quản lý. Quan điểm chung là không hỗ trợ hộ không có ý thức vươn lên thoát nghèo, ỷ lại vào chính sách thoát nghèo…”

Khởi sắc một vùng biên

Đi trên những con đường bê tông uốn lượn, vắt ngang sườn núi; hệ thống điện lưới quốc gia, nước sạch về tới tận bản làng; cơ sở hạ tầng trường, trạm, nhà văn hóa khang trang, tươi mới, đã tạo nên sự khởi sắc chung của các bản làng vùng biên. Được đến tận nơi, nhìn tận mắt và tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm hộ dân điển hình, vươn lên thoát nghèo tại 26 thôn bản giáp biên giới, chúng tôi hiểu rằng: có được thành quả như hiện nay, có phần công sức, trí tuệ không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5. Mỗi công trình, dự án đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của những người lính, ngày đêm gắn bó với đồng bào dân bản nơi đây.

Nhà văn hóa bản Mờng, xã  Quang Chiểu, huyện Mường Lát là một trong 5 Nhà văn hóa được cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5 xây dựng.

Nhiều công trình dự án đã thực sự đem lại sức sống mới cho các bản làng vùng phên dậu biên giới. Thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, kết hợp tổ chức lại dân cư, gắn nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiều chương trình, dự án Đoàn 5 triển khai rất hiệu quả: 03 công trình điện (Đường dây trung thế 35KV dài 8,6 km; Hạ thế 0,4KV dài 7,7 km và 03 trạm biến áp), phục vụ cho gần 551 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 04 bản giáp biên giới; Hoàn thành hàng chục km đường bê tông phục vụ cho gần 1.200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 05 bản giáp biên; Phối hợp với địa phương làm trên 5km kênh mương dẫn nước, phục vụ tưới tiêu cho gần 50 ha lúa nước hai vụ và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân các bản vùng sâu, vùng xa…

Cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng Trường THCS Tén Tằn khang trang, sạch đẹp.  

Các công trình dự án Đoàn 5 đem đến cho người dân không đơn thuần về mục đích kinh tế, mà phải gắn với quốc phòng. Để cuộc sống của người dân ngày một cải thiện, Đoàn 5 đã hỗ trợ xây dựng 10 phòng học mầm non; 5 nhà văn hóa thôn bản tại các xã vùng dự án (thị trấn Mường Lát 1 nhà, xã Quang Chiểu 1 nhà và xã Pù Nhi 3 nhà) quy mô 100 chỗ ngồi. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã triển khai hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho các nhà văn hóa thôn bản; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn các xã vùng dự án, trong những năm qua đơn vị đã phối hợp với địa phương cấp con giống bò, dê, lợn bản địa cho các hộ nghèo giúp nhân dân từng bước xóa đói vươn lên thoát nghèo.

Thiếu tá Hoàng Văn Cường, Đội trưởng đội sản xuất 2, hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây Bưởi da xanh. 

Trong xây dựng, củng cố cơ sở chính trị của địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5 đã trực tiếp tham gia xóa 2 bản trắng Đảng viên; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, bài trừ hủ tục, đến nay đã có 36/52 bản, khu phố được công nhận bản văn hóa cấp huyện. Đoàn cũng đã xây tặng địa phương 2 trường mẫu giáo; vận động, giúp nhân dân xóa hơn 100 nhà tranh tre, nứa lá; hỗ trợ xây tặng 4 nhà tình nghĩa...

Thượng tá Nguyễn Đình Tấn, Phó chính ủy Đoàn 5 cho biết: Cái khó nhất là trình độ dân trí thấp, nhiều người dân còn chưa biết đọc, biết viết, thậm chí có người còn chưa nói thạo tiếng phổ thông. Chính vì vậy, suốt 10 năm qua, mỗi năm chúng tôi mở từ 3 đến 5 lớp, mỗi lớp từ 30 đến 50 người, đến nay chúng tôi đã mở được 27 lớp, xóa mù chữ cho gần 1.500 người...”

Với việc đưa người dân ra sinh sống ổn định, tập trung tại khu vực biên giới, Đoàn 5 đã triển khai thực hiện trên 4/5 xã vùng dự án, hỗ trợ xen ghép tại 11 cụm điểm dân cư cho gần 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo hình thành các cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân. Từ đó, đã khắc phục tình trạng dân sống tản mát; giúp đồng bào yên tâm sinh sống và phát triển kinh tế, tích cực tham gia giữ gìn ổn định chính trị trên địa bàn. 

Điều chỉnh để tạo thế trận vững chắc.

Là một huyện biên giới nghèo nhất của cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 97% dân số toàn huyện, Mường Lát được ví như “Trường Sa trên cạn” của tỉnh Thanh Hóa. Để nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều chủ trương, đề án nhằm giảm nghèo bền vững cho vùng đất phên dậu này.

Cách đây 10 năm, vào ngày Tết Độc lập (2-9-2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp đến thăm huyện Mường Lát. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư đã chỉ đạo xây dựng xã Mường Chanh, hoàn thành tất cả các tiêu chí để đạt xã chuẩn về Nông thôn mới một cách sớm nhất. Sau chỉ đạo của Tổng bí thư, cả hệ thống chính trị của huyện, tỉnh vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, khi đạt được 16/19 tiêu chí, tháng 9-2018 một trận lũ quét  tràn qua, bao nhiêu công sức, vật lực của cả hệ thống chính trị bị cuốn theo dòng nước lũ… Mường Chanh lại quay về vị trí xuất phát trong tiến trình về đích Nông thôn mới… Nhắc lại sự kiện trên để thấy sự gian truân, khổ cực của nhân dân huyện vùng cao biên giới, để thấy được sự khắc nghiệt của thời tiết, địa hình, giao thông đi lại vùng đất này…

Khu tái định cư bản Poong xã Tam Chung huyện Mường Lát trở thành bản Văn hóa cấp huyện. 

Trong lũ dữ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 5 không quản ngại đêm ngày, tổ chức sơ tán người và tài sản giúp dân, tạo nơi ăn ở, sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân mất nhà cửa. Sau lũ, Đoàn 5 tham gia khắc phục hậu quả, cùng với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng huy động vật tư, nguồn lực; khảo sát, xác định vị trí tái định cư, khi có vị trí an toàn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ngày đêm san núi, bạt đồi, tạo mặt bằng, tổ chức triển khai xây dựng các khu tái định cư, ổn định đời sống người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Giúp nhân dân bản Na Chừa xã Mường Chanh, huyện Mường Lát dựng nhà tại khu tái định cư mới. 

Là huyện biên giới, có vị trí chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, theo đề xuất của tỉnh Thanh Hóa, Bộ Quốc phòng đã nhất trí điều chỉnh khu KTQP Mường Lát, đến năm 2025. Theo đó, phạm vi hoạt động khu KTQP của Đoàn 5 sẽ được nâng từ 5 xã lên 8 xã của huyện biên giới Mường Lát.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Võ, Đoàn trưởng Đoàn KTQP 5 cho biết: Việc điều chỉnh phạm vi hoạt động của Đoàn từ 5 xã giáp biên giới, lên toàn bộ 8 xã huyện Mường Lát, vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm rất nặng nề của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Trong triển khai nội dung ở 5 xã cũ, chúng tôi cũng có sự điều chỉnh, các dự án được quy hoạch cách đây 10 năm thậm chí hơn 10 năm, thực tế đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải điều chỉnh lại. Những công trình đã quy hoạch đang thực hiện được thì Đoàn giữ nguyên, căn cứ vào thực tiễn có những công trình cần phải bổ sung  thì Đoàn bổ sung vào… Hiện nay, những vấn đề cấp thiết, những các hạng mục quan trọng được địa phương đề xuất thì căn cứ vào quy hoạch cấp trên phê duyệt, mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định, Đoàn sẽ điều chỉnh, lựa chọn để tiến hành thực hiện đầu tư…

 

 

Những cánh đồng lúa vàng xã Quang Chiểu báo hiệu một vụ mùa no đủ. 

Những năm gần đây, nhằm nâng cao hiệu quả các dự án KTQP, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 5 đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan, tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án. Trong đó, chú trọng thực hiện đồng bộ việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với bố trí lại dân cư, phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của từng dân tộc; tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện bền vững, nhất là giải quyết tốt vấn đề đất ở, đất sản xuất, giúp đồng bào yên tâm định canh, định cư lâu dài trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo nền tảng xây dựng "thế trận lòng dân" gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Xây dựng Đoàn KTQP 5 thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc địa bàn biên giới huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Bài, ảnh: HOÀNG KHÁNH TRÌNH