Khởi đầu bằng những dự án thử nghiệm
Đoàn KT-QP 356 với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; làm công tác dân vận, củng cố quốc phòng-an ninh, triển khai thực hiện dự án đầu tư Khu KT-QP, phát triển kinh tế trên địa bàn 9 xã biên giới của huyện Phong Thổ trong vùng dự án. Còn nhớ, những ngày đầu đơn vị về đóng quân trên địa bàn, cuộc sống của người dân địa phương chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp; đường sá đi lại vô cùng khó khăn, vực sâu, núi cao. Với quyết tâm giúp chính quyền và nhân dân địa phương vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đã ra nghị quyết về việc chung tay xây dựng cuộc sống mới tại khu vực biên giới nơi đơn vị đóng quân. 7 năm bám bản là 7 năm cán bộ, chiến sĩ của đoàn có mặt ở hầu hết những địa bàn khó khăn để triển khai, tổ chức thực hiện các dự án giúp dân xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt xóm làng biên cương của Tổ quốc. Kết quả là những điểm trường, điện lưới, đường giao thông, trạm y tế quân dân y kết hợp đã mọc lên ở 9 xã vùng biên. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm từ 75% xuống còn hơn 30% (theo chuẩn nghèo mới năm 2016). Quan trọng hơn cả là người dân địa phương đã thuần thục với việc canh tác lúa nước hai vụ và trồng ngô, khoai, sắn…
Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 356, cho biết: “Để nhân dân thay đổi tập tục, thói quen và tin tưởng làm theo, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Đoàn đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các mô hình làm điểm để nhân rộng tới từng hộ gia đình và các xã, bản trong vùng dự án”.
Quả thật, chỉ sau hai năm “cắm chốt”, Đoàn KT-QP 356 đã tập trung giúp nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế, khởi đầu từ việc thí điểm trồng lúa nước hai vụ. Trước đây, người dân địa phương chỉ quen trồng một vụ lúa giống bản địa vào mùa mưa. Từ lúc cây mạ cắm bùn tới khi phát triển cho thu hoạch đều phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, nên năng suất, chất lượng thấp. Từ năm 2011, đoàn đã tiến hành giúp dân trồng thử nghiệm 1ha lúa nước vụ đông xuân ở bản Hoang Thèn, xã Vàng Ma Chải cho kết quả thành công, với năng suất hơn 7,1 tấn/ha. Từ thành công đó, mô hình đã được nhân rộng sang 4 bản của xã Ma Ly Chải, với diện tích 13ha. Từ đó, hằng năm tiếp tục nhân rộng ra các xã Mù Sang, Sì Lờ Lầu… với diện tích hơn 50ha. Tới nay, nhân dân các xã trong vùng dự án đều được đoàn bàn giao, hướng dẫn cách thức chăm bón, trồng lúa nước hai vụ đạt kết quả tốt, đem lại những mùa vàng bội thu, cuộc sống no đủ đã về tới mọi nhà.
Cùng với đó, đơn vị còn hướng dẫn người dân địa phương cách chăn nuôi gia súc, gia cầm, đầu tư, hỗ trợ nhân dân vay vốn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cán bộ Đội sản xuất số 1, Đoàn KT-QP 356 giới thiệu mô hình trồng rau tổng hợp với người dân xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ.
Kiên trì bám bản
Để có được những kết quả nêu trên là nhờ sự kiên trì bám dân, bám bản của cán bộ, chiến sĩ trong đoàn nhiều năm qua. Cùng với đó là sự tận tụy của họ trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và làm theo cách làm ăn mới. Quan trọng hơn cả chính là việc cán bộ, chiến sĩ trong đoàn luôn gần gũi, coi người dân địa phương nơi đơn vị đóng quân như chính người thân trong gia đình. Đây chính là bài học kinh nghiệm và phương châm hành động được cán bộ, chiến sĩ đơn vị đúc rút ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nguyễn Thị Thủy, trí thức trẻ tình nguyện của Đội sản xuất số 1, chia sẻ: “Mỗi khi có đợt rét đậm kéo dài, chúng tôi lại cuốc bộ cả ngày tới từng nhà để hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng chống rét cho gia súc, gia cầm. Bà con ban đầu không nghe, còn nói rét thế này trâu bò không sống được đâu, trước sau gì cũng chết thôi, che làm gì cho mệt. Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, nhân dân cũng chịu làm theo. Kết quả, hơn 50 gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc trong năm 2014 mà các bạn trí thức trẻ tình nguyện đến vận động đều bảo vệ được tài sản “đầu cơ nghiệp” của mình khỏe mạnh, an toàn. Từ đó, nhân dân tự phổ biến kinh nghiệm cho nhau mỗi khi có đợt rét đậm kéo về”.
Ông Giàng A Dùy, xã Mù Sang, xúc động cho biết: “Nhờ có cán bộ Đội sản xuất số 3, Đoàn KT-QP 356 hướng dẫn cách thức nuôi dê nên đàn dê của tôi đã ngày một phát triển. Bây giờ gia đình tôi không còn khổ như trước nữa! Hiện trong làng cũng có nhiều nhà được Đội sản xuất số 3 cho vay vốn chăn nuôi trâu, bò…, qua đó đã hết đói nghèo. Từ khi cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 356 đến giúp dân, nhiều hộ gia đình ở địa phương chúng tôi đã thoát khỏi cái đói, cái nghèo và bắt đầu có của ăn, của để. Đây thực sự là ước mơ, sự đổi thay kỳ diệu, ghi đậm những dấu ấn của Bộ đội Cụ Hồ nơi biên cương Tổ quốc".
Bài và ảnh: VŨ VIẾT DƯƠNG