Mẹ Đào Thị Bảy và cháu nội Nguyễn Minh Hưng (con anh Nguyễn Văn Lâm)

Đưa được em về quê là công lao của anh Khiển, anh Cường, anh Tấn và nhiều anh ở cùng đơn vị xe tăng. Nhưng mẹ cũng phải biết ơn bà Hoàng Thị Mao, chị Hoàng Thị Chanh và những người dân thôn An Chú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã chăm sóc phần mộ của Cẩm để vong hồn nó không bị côi cút. Cẩm có thêm một bà mẹ, một người chị ở một phương trời xa xôi mà mẹ chưa từng biết”. Mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Cẩm, cụ Đào Thị Bảy, 85 tuổi ở thôn Đặng Cầu, xã Trung Nghĩa, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên nói trong nước mắt rồi đưa cho chúng tôi xem những bức thư cuối cùng của anh.

1. Đến hôm nay, những thầy, cô giáo cao tuổi ở trường cấp III thị xã Hưng Yên vẫn còn nhớ cậu học sinh cao lớn, trắng trẻo, ít nói nhưng tiếng sáo và tiếng đàn măng – đô – lin mỗi lần cất lên trong các đêm liên hoan văn nghệ, các buổi tiễn chân bạn bè lên đường nhập ngũ làm thổn thức lòng người. Đó là Nguyễn Văn Cẩm - học sinh yêu quý của trường.

Những năm đầu thập kỷ 70, lớp lớp thanh niên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Trùng trùng điệp điệp các đoàn quân ra trận như thúc giục người thanh niên học giỏi, hát hay Nguyễn Văn Cẩm, mà cái bệnh ec zi ma như một “vật cản đường” nguyện vọng của anh. Đã hàng chục lần khám tuyển nghĩa vụ, nhưng cứ ra khỏi phòng khám cuối cùng, mặt Cẩm lại buồn rười rượi khi nhìn vào kết quả của tờ phiếu khám đề rõ: Loại B1.

Mẹ Bảy kể lại với chúng tôi bằng giọng chậm rãi:

- Ngày ấy, nhiều đêm mẹ thấy nó trằn trọc, lặng lẽ đi đến chiếc bàn gỗ mộc viết viết, xé xé. Rồi một buổi sáng, mẹ thấy ngón tay nó bị băng trắng toát, hỏi thì nó bảo đánh vỡ bóng đèn bị mảnh thủy tinh đâm vào tay. Nhưng sau mẹ biết qua anh xã đội trưởng là nó đã viết quyết tâm thư bằng máu xin lên đường nhập ngũ. Ngày nhận được giấy nhập ngũ, nhìn thấy mẹ, nó chững lại… rồi chạy đến ôm ngang lưng, dụi đầu vào vai mẹ như nó thường làm ngày còn bé, mỗi khi bị những đứa trẻ lớn hơn bắt nạt. Giọng nó như nghẹn lại: "Mẹ đồng ý cho con đi bộ đội nhé! Con đi nhưng thương bố mẹ già yếu, vắng con trai lớn đỡ đần, bố mẹ sẽ vất vả nhiều".

Biết Cẩm nhập ngũ, các cô dì, chú bác mỗi người cho dăm ba đồng, tính ra dễ đến vài chục bạc. Cầm số tiền ấy, Cẩm đạp xe lên tận thị xã mua tặng mẹ chiếc khăn vuông len mùa đông, mua tặng bố đôi giày ba ta, đôi tất vì biết “bố đang bị bệnh tê thấp, lạnh chân bệnh sẽ nặng hơn”. Cẩm còn mua cho em Lâm chiếc bút máy Trường Sơn với hàng chữ khắc trên thân bút “Anh trai Nguyễn Văn Cẩm mong em học giỏi”. Ngày lên đường trong túi xách của Cẩm chỉ có chiếc bàn chải, tuýp thuốc đánh răng, khăn mặt, tập giấy pô-luya hồng và tập phong bì các bạn cùng lớp tặng.

2. Trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tấn ở xã Hùng Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, bạn đồng ngũ của liệt sĩ Nguyễn Văn Cẩm vẫn còn in đậm hình ảnh về anh:

- Vẫn là “thằng Cẩm” nói ít làm nhiều, nhưng khi đã nói là đâu ra đấy. Những tháng đầu rèn luyện thể lực để tăng độ dẻo dai, buổi sáng sớm cả đại đội thức dậy, đeo ba lô chứa đầy những thỏi đất hình vuông nặng đến vài chục ki-lô-gam hành quân bộ, leo ngược dốc Tam Đảo hoặc đi xuyên rừng. Mệt đến đứt hơi, mồ hôi ướt đẫm quần áo nhưng không bao giờ Cẩm kêu ca, phàn nàn điều gì. Trong tiểu đội, tôi là người yếu nhất, đến chặng nghỉ, Cẩm lặng lẽ trút bớt phần đất ở ba lô của tôi sang ba lô của anh với giọng dứt khoát: "Tôi biết ông mệt rồi, để tôi mang đỡ, đừng nói gì để đại đội biết mà mất điểm thi đua của trung đội".

Hết lòng vì đồng đội nhưng trong sâu thẳm trái tim người thanh niên trẻ ấy vẫn dành những tình cảm thắm thiết nhất, sâu nặng nhất cho người chị của mình. Thư viết ngày 8-3, Cẩm đã tâm sự với chị gái: "Những khi ở nhà được gần chị, em cảm thấy vững vàng hơn, chị chỉ bảo cho em biết xử lý nhiều điều trong cuộc sống. Em còn nhớ như in những buổi tối thứ bảy chị em ta tâm sự với nhau sao mà vui làm vậy. Vắng chị một vài tuần là em đã mong nhiều, nhiều lắm! Thế mà bây giờ em xa chị mãi. Kể sao hết nỗi nhớ nhung này… Chị năng về nhà động viên thày mẹ, dạy bảo các em học tập… Nhất là việc riêng của chị. Em rất tin ở chị và không dám “lên lớp” chị đâu? Em cầu mong chị tìm được hạnh phúc". Lá thư của cậu em trai đến bây giờ chị Nguyễn Thị Gấm vẫn giữ và coi như báu vật của mình.

Thương mẹ cha, nhớ nhà, nhớ các chị, các em nhưng người binh nhất ấy vẫn không quên rèn luyện để "mỗi ngày lớn lên một ít" như lá thư anh viết cho bố ngày 12-3-1972: "Hôm nay chủ nhật chúng con không được nghỉ vì Đại hội chi đoàn. Con đã trúng vào Ban chấp hành nên cũng phải phấn đấu, rèn giũa để mỗi ngày lớn lên một ít, trở thành người hoàn thiện, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ở đây, chúng con đã xác định kỹ với nhau: Đời bộ đội là phải ở chiến trường để chiến đấu và chiến thắng".

Trong thư gửi ngày 21-5-1972 từ đất lửa Vĩnh Linh, người chiến sĩ trẻ đã xác định rõ công việc của mình và thế hệ thanh niên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - với một cái nhìn rất lạc quan: "Đi cày là việc làm hằng ngày của bác nông dân, đi chiến đấu là công việc bình thường của anh bộ đội. Trong chiến đấu máu sẽ đổ, đó là điều tất nhiên của chiến tranh, con luôn xác định cho mình như thế. Không phải là ai cũng chết nhưng con tự đặt một điều kiện xấu nhất cho con như vậy".

Cứ như biết trước một điều gì không bình thường, anh báo tin cho bố mẹ: "Còn một điều mà con thấy không thể không nói với thày mẹ được. Con trai của thày mẹ đã là đối tượng Đảng. Nhưng vấn đề là có trở thành đảng viên không?". Dấu hỏi chấm trong thư như là sự thử thách, một đòi hỏi anh phải phấn đấu hết mình! Và anh đã tìm ra lời giải cho chính mình và cho cha mẹ: "Con phải trải qua cuộc thử thách gay go và ác liệt sắp tới". Nhưng trong suy nghĩ và hành động anh luôn tự động viên mình, động viên người thân và khẳng định: "Thày mẹ cứ yên tâm, không phải suy nghĩ nhiều về con, đừng lo gì cho con cả. Con xin hứa sẽ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao".

3. Lần đầu tiên người thanh niên quê ở ngã ba sông Luộc đi dọc nửa đất nước với tâm trạng hứng khởi lạ thường. Niềm vui vì sự khám phá, phát hiện nhiều vẻ đẹp trên những vùng đất mới của Tổ quốc vẫn không làm anh vơi đi nỗi nhớ nhà nhưng anh vẫn xác định rõ trách nhiệm của mình: "Đoàn tàu liên vận đã đưa chúng con đi qua nửa miền Tổ quốc. Bây giờ con mới biết đâu là Nông Cống (tỉnh Thanh), đâu là xứ Nghệ quê hương Bác Hồ kính yêu, biết thành Vinh có sông Lam, bến Thủy, thuyền bè tấp nập. Đất nước ta ở đâu cũng đẹp. Nhưng con vẫn nhớ thày mẹ, các chị, các em”. Anh ao ước:“Giá mà trước lúc đi chiến đấu con được về thăm nhà thì con thích biết mấy. Song do yêu cầu cấp thiết của cách mạng chúng con phải đi ngay". (trích thư ngày 12-3-1972).

Vào đến Vĩnh Linh, một linh cảm mơ hồ xa xăm phải vĩnh viễn xa người thân nên trong thư anh viết: "Ngày cuối cùng - thế là kết thúc hai tháng ăn đợi nằm chờ. Sắp đến giờ xuất phát rồi, con biết nói gì với thày mẹ. Đặt giả thiết con trai của thày mẹ có phải hy sinh thì thày mẹ cũng cứ vui lòng. Trên đời này có nhiều cái chết! Song cái chết nào mới đáng là cái chết? Phải chăng đó là cái chết cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc”. Anh khẳng định trong thư: “Đó là cái chết vinh quang".

Cựu chiến binh Vũ Xuân Hà, thôn Trúc Cầu, xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động nhớ lại ngày trong chiến trường với Cẩm:

- Buổi chiều hôm ấy, viết xong thư, Cẩm rủ tôi xin phép đại đội ra thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) để gửi. Thư gửi xong, Cẩm còn mua một tập phong bì dán sẵn tem để viết tiếp. Thế mà... Ngay đêm ấy, chúng tôi vượt sông Bến Hải vào đất Do Linh đi sâu vào huyện Triệu Phong. Chiếc xe bọc thép K63 của đơn vị do anh Hòa lái, anh Nghiệp xạ thủ 12,7mm và những chiến sĩ bộ binh như chúng tôi, lọt vào ổ phục kích của địch. Anh Nghiệp bị trúng đạn vào ngực. Thoát ra khỏi xe, tôi, anh Cẩm và anh Khiển (bây giờ là Chính ủy Binh chủng Tăng - Thiết giáp) vừa bắn trả địch, vừa dặn nhau: “Nếu có ai bị lạc thì khi im tiếng súng bắn ba điểm xạ AK để tìm nhau”.

Im lặng vài phút, anh tiếp:

- Đêm 19-6-1972 ở thôn An Chú trong tiếng pháo từ tàu biển, từ các căn cứ trên đất liền của ngụy bắn vào nhưng tôi và anh Khiển vẫn nghe rõ tiếng AK chắc nịch với những điểm xạ ngắn của Cẩm chặn địch. Hai anh em quay lại tìm Cẩm, để cùng phối hợp đánh địch, thoát khỏi vòng vây của cả một Thiết đoàn đang vãi đạn vào thôn An Chú toàn cát trắng đã tả tơi như một mảnh chiếu manh. Tìm mãi đến sáng, không thấy Cẩm và cũng không nghe thấy hiệu lệnh đã quy định, tôi và anh Khiển tìm về đơn vị. Cho đến bây giờ chúng tôi mới biết Cẩm bị thương trong loạt bom B52 đêm đó. Các anh gặp anh Cường băng bó cho Cẩm thì biết rõ chuyện Cẩm hy sinh.

4. Hôm ấy trời lạnh, mưa phùn rắc bụi trên các mái tranh mốc xì, đường làng lép nhép toàn bùn, cả nhà ông Nguyễn Văn Hách đang ăn cơm thì ông bưu tá xã đến. Linh cảm có điều chẳng lành, cả nhà buông đũa và 14 con mắt của 7 con người đang quây quanh mâm cơm đều hướng về ông bưu tá chờ đợi. Run như bị nhiễm lạnh, ông lẩy bẩy lôi từ trong sắc cốt chiếc phong bì rồi dùng cả hai tay đưa cho ông Hách. Lời ông bưu tá như thoảng bên tai:

- Xin phép ông bà và gia đình tôi về!

Đó là giấy báo Nguyễn Văn Cẩm đã hy sinh. Ông Hách lặng người, lẳng lặng bỏ vào buồng. Bà Bảy nước mắt ròng ròng. Không ai nói một lời. Mâm cơm nguội lạnh hàng giờ sau mới được người con trai út Nguyễn Văn Lâm dọn đi.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: VŨ ĐẠT-HỒNG VÂN